“Mây trắng” muốn “bay về”, phải khác!
“Mây trắng bay về” – cái tên ngẫu nhiên vậy mà lại có ngày nói lên sự tái hợp nhỉ? Trước hết, vì lời hứa với các con?
Bọn trẻ gợi ý từ lâu rồi, bản thân Lam cũng hơn một lần đề nghị, vậy mà người lớn vẫn lần chần chưa trả được. Đã tưởng tháng 10 năm rồi rảnh thì cuối cùng lại vướng Idol. Đang hy vọng là trong năm nay, không biết có được.
Sao lại “không biết có được”? Vì sự tái hợp gây nhiều khó xử hay anh sợ “nói trước bước không qua” – như đã từng bị “dớp”?
Không phải! Chỉ là với người làm nghề chuyên nghiệp, thì mỗi một dự án quan trọng đều cần phải có thời gian chuẩn bị kỹ lượng. Tránh áp đặt, nhưng ít nhất, điều cần có phải là sự đồng thuận. Đã lâu thật lâu rồi tôi là Lam không cộng tác cùng nhau. Những gì Lam làm kể từ sau “mây trắng bây về” lẽ đương nhiên tôi không phê phán nhưng thực sự nó tương đối khác biệt so với quan điểm của tôi. Vì thế mà cần phải nói chuyện với nhau nhiều hơn, kỹ hơn để biết Lam muốn thế nào, tôi thấy thế nào, rồi mới tính tiếp được.
Thực sự, anh có cảm thấy khó?
Có những khó khăn nhất định, hẳn rồi! Bẵng đi một quãng dài tách ra, giờ muốn ráp lại, làm sao dễ dàng cho được? Trước, còn sống cạnh nhau, cùng làm nghề, ít hay nhiều thì cũng có những ảnh hưởng qua lại, có thể cùng chung một tiếng nói, chắc chắn phải dễ hơn nhiều chứ?
Nợ Uyên Linh một nụ hôn mà anh còn đồng ý trả một album, huống hồ, cái anh “nợ” ở đây lại không chỉ làm một lời hứa với các con! Khó mấy cũng phải làm thôi chứ? Thực sự tôi cũng đang chưa biết phải bắt đầu thế nào, chưa có gì là cụ thể, khi không thể thay đổi quá mức những gì Lam đang có và theo đuổi lâu nay. Sẽ không thể là một tông màu quá khác biệt. Mà trở lại với “Mây trắng bay về” như nhiều người muốn thì không chỉ Lam, mà chính tôi cũng không thích.
Anh nghĩ làm theo kiểu “Mây trắng bay về” sẽ không “ăn” nữa sao? Không phải, chỉ là tôi thuộc dạng rất hay chóng chán những gì mình đã làm. “Mây trắng bay về” giờ nghe lại tôi thấy cũng bình thường thôi, vì còn nhiều thiếu sót lắm. Nên nếu để làm lại, chắc chắn là phải khác.
Anh biết “Mây trắng bay về” được ưa thế nào rồi, không chỉ công chúng mà còn với cả giới làm nghề. Làm sao mà có thể “phụ lòng” “mây” thế nhỉ? “Mây trắng” được ưa, tôi đồ là có thể vì lúc đó, nó là một dự án âm nhạc tương đối hoàn hảo, ở thời điểm bắt đầu hình thành ở Việt Nam ý niệm nhà sản xuất. Bản thân tôi lúc đó cũng ít nhiều có được kinh nghiệm làm album sau một thời gian khá dài cộng tác với các nhạc sĩ nước ngoài, đủ để tập hợp được một album tương đối đồng nhất về phong cách, biết dung hòa giữa cảm xúc và lý trí.
Cũng không ngoại trừ, ngay cả giới chuyên môn cũng có thể có những đánh giá cảm tính, khi cả làng đều tỏ, đó là dự án hợp tác cuối cùng giữa Thanh Lam – Quốc Trung. Mà cũng có thể, người ta thích vẻ đẹp của sự hồn nhiên trong trẻo. Cái hồn nhiên đó có thể không hoàn hảo (và nói cho cùng cũng khó mà có được một sản phẩm âm nhạc hoàn hảo trong điều kiện sản xuất ở ta), nhưng nó là cái hồn, cái tình của người hát, người viết nhạc nên có thể vì thế mà nó dễ đi vào lòng người hơn chăng. Lam còn lâu mới chịu hoang mang! Anh có nghe hết những đĩa Thanh Lam làm sau này không? Lam làm nhiều thế, tôi nghe sao kịp? Nhưng cái đĩa mà trong đó, Lam “cover” lại khá nhiều bài trong “Mây trắng bay về” thì dĩ nhiên tôi nghe khá kỹ. Vì trước đó, Lam có hỏi ý kiến tôi và tôi đã đưa cho cô ấy toàn bộ bản ghi âm nhưng tất nhiên Lam đã không in lại mà cho làm lại với một cách khác. Đồng ý là phải khác, nhưng cái khác đó, nếu là tôi, chắc tôi không chọn.
Không ít cú làm mới, phá cách của Thanh Lam cũng bị một bộ phận công chúng cho là “nghịch tai”, không đáng. Anh đồng ý? Định hướng âm nhạc là việc của nhà sản xuất. Với một ca sĩ vừa giàu bản năng vừa có trình độ hiểu biết như Thanh Lam, tôi nghĩ cô ấy luôn thừa sức làm rất tốt những gì mà nhà sản xuất muốn và bản phối yêu cầu. Điều cần có chăng là một sự phối hợp linh hoạt và mềm mại. Anh nghĩ sao về mật độ album và live show dồn dập của Thanh Lam, “dưới triều đại” Lê Minh Sơn? Theo anh, đấy có phải là sự vắt kiệt và có đáng? Về điều này, tôi cũng đã từng có lần trao đổi thẳng với Lam. Bởi thực sự là tôi không hiểu, tại sao lại cần phải làm nhiều như thế và làm thế thì được gì. Về hiệu quả kinh tế thì gần như là số 0 nhé, trước vận nạn đĩa lậu. Về hiệu ứng khán giả, thì tôi e, bắt họ nghe dồn dập như thế, sẽ khiến họ khó mà kịp nhớ, kịp nạp. Nó cũng giống như một bộ phim muốn đưa ra quá nhiều thông điệp, khiến người ta rất khó nhận ra chủ đề chính. Cách làm đó, trên thế giới, tôi thấy nhiều người giàu năng lượng sáng tạo nhất, họ cũng không chọn. Chưa nói, đó còn là sự mạo hiểm quá mức, khi gần như là thay đổi hoàn toàn phong cách.
Anh thừa biết sức ép lớn nhất đối với một diva là không thể nào giậm chân tại chỗ và “ngủ quên trên chiến thắng”? Chuyện gì ra chuyện đó. Còn nhớ Lam Docky không, một cộng sự thân thiết của tôi và Lam trước đây. Theo anh, điều quan trọng nhất ở một nghệ sỹ là phải sớm chọn cho mình một phong cách phù hợp và một khi đã chọn được rồi thì không bao giờ nên thay đổi vì sự thay đổi này sẽ rất nguy hiểm: fan cũ thì có nguy cơ mất bớt, mà fan mới thì chưa chắc có thêm.
Thực ra thì khi người nghe đòi hỏi mình phải làm mới thì có nghĩa là ít nhiều họ đã bắt đầu chán mình rồi, còn nếu như mình vẫn còn hấp dẫn thì đâu ai muốn mình thay đổi, đúng không? Lẽ dĩ nhiên làm nghề này, thay đổi, làm mới là một nhu cầu rất lớn, bản thân tôi cũng vậy, cũng có lúc muốn bỏ những cái cũ đi, để được thỏa thích chiều mình. Và tôi hiểu cũng có lúc, fan của mình vì thấy mình thích mà họ cố gắng chiều mình, “hy sinh” cho mình. Nhưng nếu là để “lạm dụng” sự hy sinh của họ, thì tôi nghĩ là không nên.
Nhưng chắc gì đã là nên, khi lúc nào cũng cầu toàn và gìn giữ quá, nhất là ở một người luôn tràn đầy năng lượng? Chưa nói, đó còn là chuyện nắm bắt cơ hội? Tôi nhớ trước, khi còn làm cùng Lam, cũng có nhiều hợp đồng làm đĩa lắm, nhưng tôi cũng không làm nổi, dù tiền thì ai cũng cần. Tối đa, tôi nghĩ cũng chỉ nên mỗi năm ra một album thôi. Anh không nghĩ sự kỹ tính của anh làm người khác sốt ruột sao? Làm gì đến nỗi! Kỹ tính được đã tốt, thực ra tôi đâu được thế! Sau Quốc Trung thận trọng là một Lê Minh Sơn đầy lửa nên việc “đẻ sòn sòn” album và live show một dạo của một người cũng đầy lửa như Thanh Lam đã được ví như “ruộng hạn gặp mưa”, là “bùng nổ tất yếu”. Thẳng thắn mà nói, đã bao giờ anh cảm thấy mình có lỗi với người bạn đời và bạn nghề một thuở của mình, trước khao khát được bung phá ấy? Chuyện này, hồi đó, Lam cũng từng hơn một lần kêu với tôi rồi, rằng đứng ở góc độ một nhà sản xuất, tôi làm như thế là quá ít, thậm chí, còn là làm được quá ít tiền nữa; rằng giá như tôi có thể làm hơn, bằng vào những gì tôi có và tôi có thể… Nhưng thật sự mà nói, đến giờ, tôi vẫn không nghĩ là tôi sai, cũng không nghĩ là Lam sai. Vì đó đơn giản là quan điểm làm nghề riêng của mỗi người.
Khi hay tin Thanh Lam cộng tác, lúc thì với Trọng Tấn, Tùng Dương, lúc lại với Đàm Vĩnh Hưng, anh có ngạc nhiên? Có cho rằng đấy là biểu hiện của sự hoang mang, dao động? Về mặt chuyên nghiệp, thì mọi cái đều có thể. Mỗi ca sĩ ngôi sao, dù ở dòng nhạc nào, tôi nghĩ họ cũng đều có những cách riêng của họ, tài sản của họ. Nổi tiếng được đã là tài! Tôi cũng không nghĩ đấy là dấu hiệu cho thấy Lam hoang mang đâu! Lam, tôi nghĩ là cô ấy chẳng bao giờ hoang mang cả, Lam còn lâu mới chịu hoang mang. Vì Lam ngang lắm! Duy chỉ có định hướng về nghệ thuật, cũng như kinh doanh ở đây là có vẻ không được rõ ràng cho lắm.
Thu hút khán giả thì tất nhiên là có nhiều cách, nhưng cách gì thì cách, thay đổi gì thì thay đổi, theo tôi, cũng không nên rời xa quá mức cái nền mình đang có và đánh mất đi hình cảnh cũ của mình, phong cách đã định hình của mình. Nhìn vào nhất cử nhất động của Lam là người ta trông vào cái tầm của một ca sĩ đàn chị, một thần tượng của các ca sĩ trẻ, thế nên lại càng cần phải thận trọng. Có những sự kết hợp, do đó, nếu chỉ để làm cho vui, thì tôi e là hơi cẩu thả, thậm chí còn là thiếu khôn ngoan, ở vào một cái tầm như thế. Muốn cho vui thì chơi ngoài đời với nhau thôi cũng là đủ rồi mà!
Nhưng nếu cứ lo “bảo tồn” như thế, làm sao tìm được cái mới? Thế nào là mới? Mới ở đây phải là hơi thở mới, tiếng nói mới, chứ không đơn giản là kết hợp với người này hay người khác, hát nhạc này hay hát nhạc kia. Ngay cả khi tôi làm world music, cũng đâu đơn giản là gọi thêm một cô hát chèo, hát xẩm tới góp giọng. Tất cả, nói cho cùng, chỉ là phương tiện mà thôi! Quan trọng là hơi thở. Lẽ đương nhiên nghệ sĩ thì luôn có nhu cầu tìm cái mới để có được hứng thú.
Chẳng hạn như sau khi Lam có được “Chia tay hoàng hôn” rồi, ở thời điểm ra đời cũng là đưa ra nhiều cái mới đấy chứ, nhưng vì sao khán giả người ta vẫn thích, vẫn đưa lại thành công và cho đến lúc này vẫn còn nhắc, được nhỉ? Làm nghề này mà lâu lâu không đưa ra được cái mới thì đúng là nên về hưu. Vả lại, ít có thành công nào mà không chứa đựng trong nó những cái mới. Nhưng vấn đề là cách đưa cái mới ấy vào tai khán giả thế nào. Điều đó thuộc ngón nghề của nhà sản xuất. Giải thích cho lựa chọn này, Lam từng nói: Sau đỉnh cao, cái cô ấy muốn lúc này là bề rộng, là cũng có lúc phải biết chiều lòng khán giả… Nên chăng, theo anh? Lam thì lúc nào cũng có cả núi lý do để giải thích cho những việc mình làm. Có điều, giờ thử ngồi tổng kết lại xem cái đỉnh ấy liệu có rộng ra hay không, hay là lại hẹp đi? Chiều khán giả, cũng phải có cách, vì chữ “chiều” ở đây, ở một mức độ nào đó, nếu không khéo, sẽ là sự hạ thấp mình. Đã là người nghệ sỹ có tầm thì phải luôn là người đi trước khán giả, phải đủ sức thuyết phục khán giả tin theo nhưng gì mình làm. Muốn thế, cái mới mình đưa ra phải được khán giả chấp nhận. Và để được chấp nhận, thì cần phải biết cách giải thích cho sự làm mới ấy của mình, phải có thời gian và cần đến sự dũng cảm của người nghệ sỹ. Khán giả thì ở đâu cũng là khán giả, cao hay thấp không phải là lý do để mình giải thích cho sự thiếu thuyết phục, cũng không thể đổ lỗi. Xét về mặt kinh doanh, thì lại càng không nên.
Cô ấy chả tiếc thì tôi tiếc làm gì! Vậy thay đổi nào ở Lam theo anh là đáng tiếc nhất? Ô hay, cô ấy chả tiếc thì tôi tiếc làm gì! Tự dưng lại đi tiếc hộ cho người khác!
Nhưng anh sẽ nắn lại dòng chảy ấy chứ, nếu như việc làm album cho Lam đạt đến thỏa thuận? Nắn lại thì không hẳn, nhưng cũng có nhiều lựa chọn lắm, và điều đó phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, thủ thuật của một nhà sản xuất nên tôi cũng không muốn nói ra trước. Tuy nhiên, nếu như Lam không thích, thì sẽ không ai có thể ép cô ấy thay đổi được! Liên quan đến anh, là hai cái tên Thanh Lam – Uyên Linh, với một bên thì được coi là được đào tạo bài bản, bên kia là “của nhà giồng được”. Còn anh thì nói trên Idol là không đánh giá cao lắm cái gọi là hai chữ “đào tạo” âm nhạc ở ta và nói chung, trong nghề này. Giờ nếu được nói lại cho… đẹp lòng cả hai, anh nói gì? Tôi không dám nói là đào tạo âm nhạc ở nhà mình dở nhưng nếu suy từ mình ra, cũng như nhiều trường hợp khác, không chỉ ở ta, thì quả thật, tôi thấy tất cả những gì tôi có được hôm nay hầu như đều là tự học, tự mày mò mà ra, kể cả phối khí. Điện ảnh Việt Nam có được Đặng Nhật Minh mà có phải mất công đào tạo đâu, khi ông xuất phát từ một người dịch phim. Học dăm bảy năm ở Nhạc viện như Thanh Lam, Mỹ Linh thì ăn thua gì, dân làm nhạc bọn tôi còn mất mười mấy năm thì sao! Bất quá cũng chỉ là những kiến thức cơ bản, may ra đủ để vừa khuôn với các đoàn ca múa nhạc nhà nước, các hội diễn, nếu như họ không sẵn có một giọng hát trời phú, giàu nhạy cảm, lại có tâm huyết hoài bão.
Ăn thua là tự học và phải không ngừng học. Đừng quên, âm nhạc không chỉ là âm nhạc, là lời ca và giai điệu mà còn là âm thanh. Do đó mà người ta còn có thể học nhạc bằng tai. Trong khi đó, đào tạo thanh nhạc ở ta lại chủ yếu thiên về cổ họng mà đôi khi quên mất cái tai. Lẽ đương nhiên thì có học vẫn là có hơn, bởi khi người hát được trang bị đầy đủ kỹ thuật xướng âm, thì họ sẽ biết cách làm cho âm vực của mình trở nên rộng hơn, phát âm nhả tiếng cũng tròn vành rõ chữ hơn… Nó cũng giống như một vận động viên chạy 100 m vậy. Nếu là người bình thường thì có thể phải mất tới 15 phút nhưng nếu được tập luyện từ bé thì có khi họ chỉ cần mất có một giây thôi. Một giây ấy, nó là đẳng cấp!