SAO » Chuyện làng sao

Quốc Trường: “Nhà tôi có nền tảng giáo dục, ba mẹ tôi cũng không muốn tôi làm bậy bạ”

Thứ sáu, 02/08/2019 11:13

Nam diễn viên chia sẻ nhiều quan điểm về cuộc sống và tình yêu nhưng có lẽ quá khác với nhân vật Vũ của “Về nhà đi con” mà anh đảm nhận.

“Tôi càng lên cao, tôi càng phải cúi đầu xuống mới không bị ảo tưởng sức mạnh”

Chào Quốc Trường, khi anh ra Hà Nội tham gia phim “Về nhà đi con", tâm thế của anh như thế nào? Sau khi bộ phim khởi chiếu, tinh thần, cảm giác, tâm lý anh có thay đổi nhiều so với tâm thế trước khi ra Hà Nội không?

Thay đổi 180 độ luôn. Lúc tham gia phim “Về nhà đi con", tôi không nghĩ thành công đến vậy. Tôi chỉ mong sẽ được đón nhận. Còn dùng từ được khán giả toàn quốc đón nhận và được phong là “bộ phim quốc dân”, tôi chưa từng suy nghĩ đến và tôi cũng không nghĩ tôi được đóng một bộ phim “kinh khủng” đến vậy.

Lúc đầu đóng phim tôi rất lo, không biết tôi có thể hiện được vai diễn hay không vì văn hoá miền Nam khác văn hoá miền Bắc, cách diễn khác nhau, kể cả cách sống cũng rất khác nhau nhưng vì bản lĩnh nghề, tôi cũng khá tự tin. Khi ra Hà Nội, tôi thấy tất cả anh chị em ngoài Bắc không khác gì nhiều, vẫn sống tình cảm như người Nam thôi, chỉ có điều cách nói chuyện của người Bắc sâu hơn, kể cả câu thoại trong phim cũng vậy. Nếu để ý, mọi người sẽ thấy những câu thoại rất đời và cũng rất sâu sắc. Tôi đọc tôi cũng thấy họ muốn ám chỉ điều này, điều kia rồi.

Ngày hôm nay, tôi rất hạnh phúc trong nghiệp làm nghề. Cũng đã gần 11 năm, từ năm 2009 đến bây giờ, ngày hôm nay chính là ngày tôi thấy hạnh phúc nhất trong chuỗi ngày làm nghệ thuật của tôi.

Anh có cần thay đổi hay thích ứng gì nhiều để có thể hoà nhập với cách làm việc của miền Bắc không?

Tất nhiên tôi phải thay đổi, phải thích nghi. Nhưng khi bạn thích nghi từ nhanh xuống chậm sẽ dễ hơn là thích nghi từ chậm lên nhanh. Ở Sài Gòn cách làm phim nhanh hơn, nhịp cao độ hơn, còn ra Hà Nội chậm hơn rất nhiều, đặt biệt là nghề diễn. Ví dụ bạn đóng phim ở Hà Nội đã quen nhưng khi nhận phim trong Nam, có thể bạn sẽ bị ngộp và không theo được. Ở Nam ra Bắc đóng phim, tôi lại thoải mái hơn, mỗi cảnh diễn có thể lên đến hàng giờ đồng hồ, không có lý do gì tôi lại không thích nghi được, quá dễ dàng và điều kiện môi trường quá tốt cho tôi thích nghi. Tôi có thể ngồi nghiệm lại thoại, dợt thoại với bạn diễn rất từ tốn. Khi dợt thoại đạo diễn ngồi kế bên lắng nghe từng câu chữ, không được thoại thừa một từ nào cả vì họ không chấp nhận. Tôi lại là người miền Tây, nói rất nhanh và nhiều từ bị thừa. Có nhiều câu thoại, người Bắc chỉ dùng 5 từ thể hiện nội dung, không cần nói 6-7 từ làm gì, không cần thiết.

Thời gian đầu tôi phải làm quen với việc đó vì tôi hay bị thêm từ hay còn gọi là chế lời thoại. Ngoài đó khác ở chỗ quay rất chậm và thoại phải rất chắc. Chắc ở đây không phải như tiếng nói sân khấu điệu đà mà chắc ở đây là không được thừa từ nào. Thời gian đầu tôi cố gắng làm quen, thoại chậm lại vì phải thu trực tiếp mà, phim ngoài Bắc mà nếu nói nhanh sẽ rất khó nghe. Cũng đúng, khi phim bắt đầu chiếu, nhiều khán giả nhận xét tôi nói gì họ không nghe được, họ chỉ đoán thôi, giống như họ đang nghe người nước ngoài nói chuyện. Về sau, tôi sửa lại và tôi thấy rất may mắn vì bây giờ khi diễn tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Nếu quay lại nhịp độ ngày xưa, tôi sẽ không quen, tôi sẽ tự động bị dạt ra ngoài.

Hiện tại dòng phim miền Nam đang bị bão hoà và nhiều diễn viên miền Nam đang tìm kiếm cơ hội đóng phim ngoài Bắc vì phim ngoài Bắc đang chiếm ưu thế về mặt chất lượng, về khán giả, về nội dung, tất cả mọi thứ. Theo anh đây có phải tín hiệu đáng buồn cho phim miền Nam hay không vì đây cũng từng là một cái nơi rất nở rộ và rất thăng hoa?

Đúng là tôi từng ở hai giai đoạn đỉnh cao ở phim truyền hình phía Nam, năm 2007 đến năm 2013-2014 là đỉnh cao. Thời đó hầu như nhà nhà xem phim, người người xem phim. Gần nhất 3 năm trước phim miền Nam bắt đầu chững lại và đến bây giờ khi tôi đang ngồi đây vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, vẫn còn đi xuống. Theo tôi nghĩ vì sự đón nhận quá lớn của khán giả nên các nhà đầu tư đổ tiền vào, ở đâu hái ra tiền, chỗ đó họ nhảy vào. Khi nghệ thuật bị can thiệp bởi kinh doanh, nghệ thuật sẽ bị mất bản chất của nó. Ngoài Bắc là nhà đài, sản xuất đúng giờ, không dư, không thiếu, cứ như vậy khán giả sẽ ít có quyền lựa chọn. Khung đó, phim đó, khung khác phim khác, không bị trùng giờ. Miền Nam có quá nhiều đài: THVL, HTV7, HTV9… chưa kể một loạt truyền hình cáp, chưa kể tỉnh lẻ xem phim khác nhau. Nếu bạn là một người xem phim, bạn biết chọn phim nào? Muốn ngắm ngôi sao gameshow đầy, phim đôi khi không nhiều ngôi sao bằng gameshow. Nhiều vấn đề ảnh hưởng phim, không phải chỉ vì phim không hay.

Dù bánh có ngon họ vẫn bị ngán, ngon ở đây là phim chất lượng, miền Nam vẫn có phim chất lượng. Bánh ngon chưa kịp tới miệng khán giả vô tình ăn miếng bánh khác và họ no luôn, đâu phải lúc nào 24 tiếng họ cũng xem phim, họ còn có nhiều công việc khác. Tôi thấy khung giờ nên cố định và đừng bị trùng cho khán giả biết giờ nào phim đó, chứ không phải một khung giờ mà 7-8 phim, 7-8 gameshow thì không còn ai xem. Miếng bánh bị chia quá nhỏ, thị phần càng nhỏ, quảng cáo càng không có. Miền bắc lại không bao giờ bị trùng. Đôi lúc ngoài Bắc phim không hay, tỷ suất người xem vẫn cao, ngược lại miền Nam có những phim rất hay vô tình bị trôi qua mà khán giả không hề biết đến. Nếu bạn làm bánh ngon, bạn không làm cho người ta biết bạn có thương hiệu đó làm sao người ta ăn, không ai ăn miếng chắc chắn bánh bị hư, rất uổng phí. Một bộ phim thành công, được khán giả đón nhận không phải chỉ vì phim hay, còn phụ thuộc vào khán giả có biết đến hay không, truyền thông có hỗ trợ để khán giả biết đến hay không nữa, nhiều yếu lắm.

Nhiều ý kiến cho rằng diễn viên miền Nam chạy show một lúc đến 4-5 phim nên việc đầu tư vai diễn, khán giả xem vai nào cũng thấy na ná nhau. Anh cũng ở thời kì đỉnh cao của phim miền Nam và chạy show rất nhiều, bây giờ ra Hà Nội đóng “Về nhà đi con”, tham gia bộ phim dài tập nghiêm túc. Anh nghĩ ý kiến đó đúng không?

Chắc chắn là đúng. Không phải trong nghề, bạn hỏi ai ngoài nghề, họ cũng nhìn nhận được vấn đề này. Không chỉ về phim mà bất cứ sản phẩm nào, dịch vụ nào, yếu tố cốt lõi vẫn là con người. Bộ phim cốt lõi vẫn là con người và diễn viên, khi chạy show nhiều quá chắc chắn không hiệu quả. Tôi không biết nói thế nào cho khéo léo nhưng tôi cũng từng là người chạy show nhiều. Thời gian đó, tôi không đúng về mặt nghệ thuật nhưng đúng về cuộc sống. Nếu không chạy show, chỉ nhận một phim trong khi đó mức cat-xe thấp bèo, chưa kể một số hãng phim không trả tiền cho diễn viên. Thậm chí có những hãng phim chất lượng, uy tín, họ vẫn trả cat-xe trễ cho diễn viên vì không chỉ riêng hãng phim đó bỏ tiền, dòng tiền chảy từ nguồn tiền này sang nguồn tiền khác nên đến tay diễn viên là một chuyện khác nữa.

Nếu bạn ở quê lên, chắc chắn bạn không về quê lại, phải có nỗ lực, có phấn đấu, một phim đã không có bao nhiêu tiền mà tiền lại không rót đều, làm sao cân đối được tài chính, nếu không cân đối được tài chính nghĩa là bạn không làm chủ được cuộc sống, sẽ ảnh hưởng đến tinh thần. Vậy nên chạy show đúng về cuộc sống nhưng không đúng về nghệ thuật.

May mắn là tôi có nguồn tiền khác ở doanh nghiệp. Nếu tôi không có tiền từ nguồn tiền doanh nghiệp, tôi vẫn chạy show. Nếu họ hỏi tôi tại sao biết chạy show là sai với nghề nhưng vẫn chạy, chỉ có một câu trả lời: “Không chạy là chết với nghề luôn”. Sai hoặc chết với nghề biết chọn cái nào. Sai không phải bất quá sai mà tác phẩm không được 10 điểm thôi nhưng vẫn được 7-8 điểm. Còn nếu không chạy show, bỏ tiền gấp 4-5 lần mời diễn viên, không ai dám. Diễn viên họ rất thích và sướng khi họ chỉ chạy đúng một vai, đâu có tội tình gì phải chạy nắng nôi cực khổ, thay đồ, tóc tai gội sấy lại, rất mệt. Cái mệt đó là vì họ phải nuôi con, nuôi cha mẹ… Tôi không trách ai cả, nếu có trách hãy trách nguồn tiền nuôi diễn viên không cần phải giàu có gì đâu, họ chỉ cần đủ sống thôi.

Nói vậy khi nhận phim “Về nhà đi con", tập trung một thời gian rất dài và cao độ, chắc hẳn họ phải trả tiền đúng và có con số phù hợp với diễn viên như anh đúng không?

Không. Tôi không quan tâm tiền cát sê của phim, từ mấy năm nay tôi nhận phim đều không quan tâm tiền cát sê rồi. Tôi nhắc lại, không có phim là không có tôi, không có phim là không có doanh nghiệp. Thật ra tôi nhờ làm diễn viên nên mọi người biết đến, tạo nên mặt tiếp xúc giúp tôi thành công, cộng thêm tôi may mắn. Cội nguồn của tôi vẫn là phim nhưng khi thành công rồi tôi không quan trọng bao nhiêu tiền để đóng phim. Thời gian này, tôi phải trả lại những gì tổ đã cho mình, trả được bao nhiêu trả bấy nhiêu. Tôi không hỏi mức cát sê bao nhiêu mà tôi hay hỏi thời gian đóng phim khi nào, ekip là ai.

Yếu tố cát sê không quan trọng nhưng không quan tâm không có nghĩa không trả tiền, vẫn phải trả, trả bao nhiêu cũng được, đoàn phim chi cho vai tôi bao nhiêu, tôi nhận bấy nhiêu. Tôi không trả giá nhưng tôi yêu cầu những cảnh quay phải đạt chất lượng đúng như trong kịch bản chứ không bóp cái này cái kia. Tôi chấp nhận tôi không nhận mức cát sê theo mức của tôi, tôi có thể lấy thấp hơn hoặc giá của tôi 5 - 7 năm trước cũng được nhưng tôi muốn những bộ phận khác phải đầy đủ hoặc những cảnh quay miêu tả như thế nào là phải đúng thế đó. Tôi đã nhường nên những cái khác phải đầy đủ.

Rất nhiều anh chị hỏi tôi giá cát sê bao nhiêu một tập, tôi nói tôi không biết. Đối với tôi, khi thích đi quay, ai trả bao nhiêu cũng được. Tôi không nói xạo, một lời tôi nói là làm, từ xưa đến giờ tôi chưa từng nói xạo điều gì, tôi rất ghét nói xạo. Họ trả tôi 4 triệu hay 6 triệu một tập cũng được, không phải hôm nay tôi được khán giả biết đến rồi nên tôi hét cát sê cao lên 15 -17 triệu một tập. Tôi làm vậy cũng không được gì vì tôi may mắn có nguồn tiền từ doanh nghiệp rồi, tôi lấy thêm một tập 3 - 4 triệu cũng chẳng làm gì, tôi muốn số tiền đó cho những người nghèo khổ hơn tôi hoặc cho những cảnh quay khác đầy đủ, chỉn chu. Hiện giờ tôi đi quay đúng nghĩa vì nghề.

Anh học hỏi được quý giá gì nhất khi đóng phim cùng ê kíp miền Bắc?

Ở đâu tôi vẫn thấy sự làm việc tận tâm, Bắc hay Nam cũng vậy. Tôi có nói ở ngoài Bắc họ kĩ hơn, đó là yếu tố nguồn tiền rót vào thôi. Tôi vẫn thấy ở Nam hay Bắc làm việc đều kĩ như nhau, tận tâm giống nhau, chỉ có tiến độ nhanh và chậm khác nhau. Bản thân tôi thấy sau này khi làm phim, hãy nhìn vào bản thân mình chứ đừng đánh giá Nam - Bắc. Dù ở đâu, tôi vẫn sẽ như đóng “Về nhà đi con", một cảnh quay tôi sẽ bỏ ra 4 tiếng ngồi nói chuyện thôi cũng được. Trong phim “Về nhà đi con” có một phân cảnh, tôi ngồi 3 tiếng chỉ với 1 trang kịch bản. Anh Dũng kĩ đến mức độ yêu cầu nguyên nhóm ngồi lại tìm từ nào phù hợp nhất với nội dung. Từ xưa đến giờ, tôi chưa bao giờ ngồi 3 tiếng chỉ tìm đúng từ ngữ. Lúc nãy tôi nhấn mạnh không được thừa, không được thiếu, thoại ở đâu dính ở đó. Có thể câu đó với tôi là được nhưng đạo diễn không chấp nhận. Anh ấy nói từ đó bị dư, chưa đúng 100%, từ đó chỉ nói lên được 70-80% lời nói của nhân vật. Sau đó, tất cả anh em ngồi lại kiếm từ nào phù hợp nhất, bàn tới bàn lui cực khổ 3 tiếng đồng hồ để quay đúng một đoạn đó. Mệt đến nổi gai óc. Lúc anh em ngồi tìm từ phù hợp tôi rất cảm động. Tại sao có thể làm thế, thời tiết lại cực kì nóng nhưng anh em vẫn ngồi tìm. Khi tìm được, cảm giác cực kì sướng, tôi thấy mình là người Việt Nam chứ vốn từ mình yếu, nói bị lan man, trừ khi viết sách mới đúng. Đó là điều đáng học hỏi. Sau này nếu tôi may mắn, tôi làm nhà sản xuất, tôi sẽ cố gắng làm giống vậy.

Anh có thấy nhiều cảnh hôn, cảnh nóng trong phim bị khán giả soi nhiều về hình thể, anh có thấy khó chịu về điều đó không?

Tôi không khó chịu vì người ta nói đúng. Khi một người nói đúng về bạn nhưng khó chịu thì bạn nên nhìn lại bản thân. Điều đó đồng nghĩa bạn đưa cái tôi của bạn lên cao quá, bạn mới là người nhìn lại. Tôi không bao giờ khó chịu vì điều gì, kể cả người ta soi những cái thầm kín của tôi. Đối với tôi đó là những cái không đáng nên tôi thấy bình thường. Tôi có người ta mới soi, không có người ta soi làm gì, không có lửa làm sao có khói. Vấn đề tôi phải đặt cái tôi phù hợp từng thời điểm, từng trường hợp. Càng nổi tiếng, cái tôi càng đi xuống, nếu bạn nổi tiếng, bạn kéo bản ngã đó theo bạn, chắc chắn bạn sẽ chết. Một ngày chưa chết thì ngày mai, không ngày mai thì tháng sau bạn sẽ chết.

Có những người họ nổi tiếng nhanh, họ hay phát ngôn cho xứng tầm, tôi không bao giờ làm vậy. Đối với tôi, tôi càng lên cao càng phải cúi đầu xuống, càng nổi tiếng càng phải biết cách điều khiển sự nổi tiếng của mình. Ngày hôm nay phải biết được bản thân ở vị trí nào mới biết được lời nói nằm ở đâu. Vị trí xã hội ở đây, lời nói phải ở dưới, nội tâm phải dưới khẩu mới cân bằng lại, mới không bị ảo tưởng sức mạnh. Tôi học được nhiều kinh nghiệm khi chưa nổi tiếng, tôi chỉ đứng ngoài luồng, tôi nhìn vào những người nổi tiếng trong showbiz, có những bạn nổi tiếng nhanh quá hay phát ngôn. Chưa chắc bạn đó nói sai nhưng ở góc độ của công chúng và khán giả, bạn ấy không nên nói vậy. Tôi đã từng ở bên ngoài nhìn vào, ngày hôm nay tôi phải học những vấp ngã của họ để xem đó là bài học của mình. Như tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói: “Phải vấp ngã mới có thành công". Có thể tôi học vấp ngã của người khác tôi cũng thành công được.

Điều gì ở nhân vật Vũ khiến anh thích nhất và không thoải mái nhất, không đúng quan điểm của một người đàn ông?

Điều tôi không thích nhất là gái gú, đi vũ trường cũng tia em này em nọ, ra biển cũng cưa cẩm người ta. Nhân vật Vũ thật sự hơi lố chút xíu, có thể tán gái bất cứ đâu, chả có gì hay cả. Nhưng nếu không lố như vậy khán giả sẽ khó thấy và bộ phim sẽ kéo dài đến khi nào. Ngoài đời thì khác, đối với tôi nhân vật Vũ được hết, chỉ có gái gú nhiều quá lại mất hay. Mất hay ở đây là mất hay trong cuộc sống, trong phim nếu bớt lại hết hay.

“Từ trước đến giờ, tôi chỉ quen những người ngoài showbiz thôi nên không cần phải công khai”

Thời gian qua có nhiều cô gái lợi dụng mối quan hệ của anh, có thể chỉ quen biết với anh sơ, hoặc vì anh thân thiện hay những bức ảnh anh chụp khi chưa quá hot với “Về nhà đi con", lại lợi dụng khoảnh khắc đó để PR tên tuổi, lợi dụng anh để trục lợi cho bản thân. Anh có khó chịu không?

Tôi không việc gì phải khó chịu, khi họ đem tôi ra để họ vui, theo triết lý Phật giáo nghĩa là tôi đang tạo phước. Cái đó không hẳn là lợi dụng, họ có làm gì đâu mà lợi dụng tôi, đó là sự thật. Tấm hình không có chỉnh sửa, đó chính là sự thật và sự thật không có gì sai cả. Ngày xưa họ không đăng vì tôi chưa nổi tiếng. Bây giờ họ đăng vì tôi nổi tiếng. Phải có góc nhìn tích cực rằng, người ta vẫn thật sự quý tôi, tôi cố tình suy nghĩ như vậy để cuộc sống luôn màu hồng. Còn sự việc đó xấu hay tốt tôi không cần biết vì nó chẳng ảnh hưởng gì đến tôi. Phải chi người ta đem tấm hình tôi ra và đăng status sai sự thật, điều đó không đúng, mới là đặt điều. Cô đó đăng hình tôi nói ngày xưa tôi thế này thế kia không có gì sai vì hồi xưa tôi như vậy. Theo góc độ của mọi người cô ấy đang làm điều sai nhưng góc độ của tôi, cô ấy đang làm điều đúng. Ngày xưa là bạn thật, bây giờ vẫn là bạn, bình thường. Từ xưa đến giờ tôi không bao giờ suy nghĩ xấu ai cả và gần như rất ít giận ai.

Anh không sợ với bài đăng đó mọi người sẽ hiểu lầm, ví dụ như họ sẽ nghĩ đó là bạn gái cũ của anh, vô tình sẽ tạo hình ảnh không tốt, mọi người sẽ nghĩ anh rất đào hoa?

Không sao cả, sự thật luôn là sự thật. Đặc biệt sự thật trong showbiz tôi càng để cho khán giả biết đó là sự thật. Còn showbiz hay chứng minh, biện hộ, giải thích, thanh minh, đối với tôi điều đó không hay vì giấy không bao giờ gói được lửa, giả dối không bao giờ bao trùm được sự thật, mãi mãi. Nói hơi xa chút xíu “Hữu xạ tự thiên hương", tôi không cần phải làm điều này điều kia cho người ta biết. Tôi học được từ rất nhiều người, chẳng cần thanh minh làm gì, điều đó cũng không hay ho. Tập trung làm nghề, tập trung yêu thương khán giả, tập trung trân trọng nghệ thuật, bên cạnh đó tập trung kiếm tiền bên ngoài để phục vụ nghệ thuật mới là điều tôi quan tâm. Chuyện người ta như thế nào tôi không quan tâm, tôi cần khán giả mến mộ tôi không phải vì sự nổi tiếng của tôi ngày hôm nay mà tôi cần khán giả quý tôi, bên cạnh tôi bởi sự lao động miệt mài, nghiêm túc, tử tế. Chứng minh bằng 11 năm nay tôi chưa từng sử dụng hình ảnh hay scandal gì để nổi tiếng cả vì tôi biết vị trí của mình ở đâu. Tôi vẫn cố gắng làm nghề tử tế, một ngày nào đó tổ sẽ đãi tôi. Nếu không nổi tiếng cũng không sao vì đối với tôi sự nổi tiếng lúc trước vừa vừa, nhỏ nhỏ thôi đã là điều to lớn lắm với ba mẹ, dòng họ rồi. Tôi chỉ cần mang đến niềm vui cho ba mẹ lớn như vậy là đủ rồi, không cần như ngày hôm nay.

Có vẻ như anh đứng ngoài luồng với những tin đồn về tình cảm, tiền bạc?

Khi tôi hiểu được giá trị, chân lý cuộc sống là gì, tôi sẽ dễ sống. Khi tôi ngộ được cuộc sống là gì, tôi thấy cuộc sống rất bình thường. Có những trường hợp họ chửi vào mặt tôi trong khi tôi chả biết gì cả. Cuộc sống của tôi đâu phải chỉ quen biết 1-2 người, tôi gặp hàng ngàn người, có những người tôi thật sự không nhớ tên. Khi tôi nổi tiếng chắc chắn họ sẽ nhớ tôi. Họ gặp tôi, kêu tôi, tôi không biết họ là ai nhưng tôi vẫn lịch sự, chào lại nhưng sau đó cũng nói chuyện qua lại, rồi họ đưa tôi vào thế khó khi hỏi: “Mày chào tao mày biết tao tên gì không?”. Một người đưa tôi vào thế khó chắc chắn họ sai. Tôi vẫn nói xin lỗi và nói khéo: “Xin lỗi anh, dạo này em nhiều việc, trí nhớ kém đi quá”. Tự nhiên, họ tức ngang, nói tôi nổi tiếng không nhớ họ là ai, họ đòi đánh tôi, chém giết tôi. Tôi thấy thật buồn cười nhưng tôi vẫn vui vì khi người ta ghét tôi, tôi vẫn cư xử với họ bằng cách vị tha. Khi về nhà, họ nhắn tin xin lỗi tôi. Họ hỏi tôi tại sao tôi không đánh chửi họ? Họ tự cảm thấy nhục vì sự ích kỷ của họ. Tôi bảo thật ra ban đầu tôi cũng sai vì tôi không nhớ tên. Cư xử như thế, họ tự động dưới tôi, sau này họ ra đường nhìn tôi bằng con mắt rất yêu thương, đơn giản vì tôi có lòng vị tha.

Sự thật hôm nay người ta chưa hiểu cũng không sao. Tất cả mọi thứ sẽ tự động vào vị trí cũ của nó, không cần sự tác động gì. Đó là quy luật tự nhiên, vận hành một cách tự nhiên, không ai có thể thay đổi được tự nhiên, quy luật tự nhiên nằm ở bên trong mỗi chúng ta, không cần thanh minh gì. Hôm nay người ta không hiểu tôi, đến hôm sau người ta hiểu, sự yêu thương người ta dành cho tôi gấp 100 lần hơn trước. Cuộc sống nên hiểu chân lý nằm chỗ nào, hiểu được điều đó tất cả mọi thứ đều bình thường và cảm thấy hạnh phúc. Lúc nào tôi cũng hạnh phúc, thậm chí nếu tôi mất tất cả tôi vẫn hạnh phúc vì tôi hiểu được nguyên nhân.

Bị mang tiếng có nhiều mối quan hệ tình cảm tin đồn nhưng chưa thấy anh công khai mối quan hệ tình cảm nào?

Vì tôi không có để công khai. Từ trước đến giờ, tôi chỉ quen những người ngoài showbiz thôi nên không cần phải công khai. Vì khi đó tôi chưa nổi tiếng, tôi không là gì cả, báo chí còn không quan tâm tôi thì chuyện tình cảm cần gì công khai.

Nói như anh cũng không hẳn là đúng vì anh cũng là một ngôi sao và đó cũng là một chuyện mà nhiều sao chọn để PR?

Tôi không thấy tôi là ngôi sao. Đúng là lúc đó, tôi hay được mời đóng chính và giá cũng không phải là thấp, tôi biết không ai rảnh đi mời một người diễn dở và không có tên tuổi. Đó là trong nghề diễn, trong ekip đạo diễn, đó là mặt trái, mặt chìm thôi. Còn mặt nổi thì không có quá nhiều fan hâm mộ như hiện nay, trong khi đó, báo chí muốn giật tít phải có nhiều lượt xem. Tôi là ngôi sao như thế nào khi tôi không có view cũng không ai viết về tôi. Tôi hiểu điều đó và biết rằng không ai quan tâm tôi. Chẳng lẽ tôi lại đi công khai, cuộc sống đang hạnh phúc, đang êm đềm, chẳng lẽ tôi công khai cho người ta soi, không hay. Tôi không thích scandal, không bao giờ làm vậy. Tôi không quen ai nhưng có nói cũng không ai tin. Tôi không muốn giải thích làm gì. Gần đây, có người hỏi nên tôi nói. Cũng chẳng có gì nên tôi mong đừng ai hỏi nữa, lại khiến gia đình người ta tan nát. Không có gì nhưng báo chí hỏi nhiều quá người ta lại suy nghĩ có gì liền.

Nếu bây giờ anh có bạn gái và anh đang là ngôi sao, anh có ngại công khai bạn gái của anh không?

Tôi vẫn không công khai vì tôi biết khi công khai, có một số khán giả cuồng tôi, họ yêu quý tôi đến mức tôi như chồng của họ. Như cô nhân viên hậu trường hôn má tôi đã bị oanh tạc. Có bé kia ở Hải Phòng chụp chung tấm hình với tôi, dựa vào vai tôi mà tới 10 ngàn lượt bình luận, mấy ngàn lượt chia sẻ. Chắc chắn sẽ có những lời không hay cho bạn gái tương lai của tôi nên nếu có nhưng tôi sẽ thừa nhận. Tôi là đàn ông, giấu diếm bạn gái sẽ là người không có trách nhiệm, chỉ có điều tôi không nói thẳng ra cô ấy là ai để cả hai có cuộc sống yên ổn.

Có vẻ anh có cuộc sống bình yên và anh biết giữ chừng mực cho cuộc sống của mình không thị phi, anh cũng không phải một ngôi sao chiêu trò có phải vì bản thân anh muốn giữ một điều gì đó bình yên cho bố mẹ?

Nếu muốn chiêu trò tôi đã chiêu trò từ lâu. Nếu muốn tôi vẫn nổi tiếng được, tham gia vào một ekip họ đánh bóng tên tuổi rất dễ vì tôi đóng vai chính, dễ PR, mà phải PR giật gân, còn PR lành mạnh cũng chẳng ai xem nhiều đâu. Đó là việc phải hiểu nên tôi không làm. Nhà tôi có nền tảng giáo dục, ba mẹ tôi cũng không muốn tôi làm bậy bạ. Thà tự hào về việc đóng phim, chứ nổi tiếng lên báo vì cái này cái kia cũng không hay. Tới hôm nay tôi vẫn bị ba mẹ nhồi sọ, giảng dạy suốt, dù tôi không sai nhưng ba mẹ vẫn nói: “Con phải nhớ nha, mình đẹp có người đẹp hơn, mình giỏi có người giỏi hơn, mình giàu có người giàu hơn nha. Con đừng tưởng mình hay ho nha. Con cứ sống như Quốc Trường ngày xưa". Ba tôi ít nói lắm, lâu lâu nhắn tin thật dài, mẹ tôi mới là người nói nhiều hơn.

Với sự quản giáo nghiêm túc của ba mẹ, chắc hẳn khi anh đưa một cô gái về anh sẽ phải cân nhắc rất nhiều để ba mẹ nhìn vào thấy lựa chọn của anh là đúng?

Chắc chắn là tôi phải cân nhắc. Tôi không biết người con gái của tôi sẽ như thế nào vì đã mất tiêu chí rồi. Càng lớn tôi càng hiểu cuộc sống, tôi thấy không cần tiêu chí gì.

Anh là người rất hiếu thảo vậy anh có đặt tiêu chí hiếu thảo cao hơn mọi thứ không?

Đúng vậy, nhưng không nên nói. Trong công việc tôi có tiêu chí nhưng về tình cảm, con người không nên đặt tiêu chí gì vì khi đã đặt ra rồi, sau này không làm được, lời nói đó nhìn lại thấy xấu hổ. Ví dụ tôi muốn lấy một người hiếu thảo không có nghĩa tôi sẽ lấy người đó. Có thể tôi sẽ lấy phải người cực kì hỗn láo với cha mẹ, không phải muốn là được. Có những cái trên đời này dính đến chữ duyên và nợ. Có thể kiếp trước tôi nợ cô này cái gì đó nên kiếp này phải trả dù vừa nhìn đã không ưa, nên đừng phát biểu gì. Nói mà làm được thì hãy nói, còn nếu không làm được hãy khép miệng lại để không bị phanh phui ra. Không có gì là tuyệt đối, mà không tuyệt đối thì đừng nói. Với tôi, một khi lời nói đã thốt ra phải làm, không được dối trá điều gì. Con người ai không muốn cưới người có hiếu nhưng hết vài trăm triệu người cưới người không có hiếu. Nếu hỏi một người cưới người không có hiếu vì họ thích vậy đúng không, chắc chắn câu trả lời là: “Không". Họ cưới vì họ nợ, có duyên là một chuyện nhưng có nợ là phải trả.

Anh có bị ba mẹ thúc giục chuyện đám cưới không?

Ba mẹ tôi nói mỗi ngày, số lượng dày đặt. Tôi hơi áp lực vì tôi được cưng do cái nhìn của gia đình, dòng họ nhìn tôi là một tấm gương sáng. Dù tôi biết cái gì cũng là vô thường nhưng việc này rất áp lực, nhiều khi tôi cưới một người không tốt cũng sợ. Mỗi ngày trôi qua gia đình hối tôi rất nhiều.

Cảm ơn Quốc Trường về buổi trò chuyện này!

Lam Khánh, Ảnh: Toàn Minh Vũ (Theo Tri thức xanh)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới