SAO » Chuyện làng sao

Showbiz mỗi tuần một câu chuyện: Từ việc người nổi tiếng bị phạt vì tung tin Covid-19 giả: Lòng tốt cũng cần được kiểm chứng

Thứ hai, 03/08/2020 08:29

Giữa thời điểm cả thế giới cùng chung tay chống dịch bệnh, mọi thông tin được nói ra, dù trên mạng hay trên báo chí truyền thông cũng cần được kiểm chứng, xác định kỹ càng. Bởi chỉ cần sai một ly là đi một dặm.

Thế giới và Việt Nam bước qua thập kỷ mới với bức tranh có phần ảm đạm: Dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và làm xáo trộn không nhỏ đối với cuộc sống. Tuy nhiên, giữa những ngày phải gồng mình chống dịch, mỗi người cũng phải ra sức “chống lại” cuộc chiến “tin giả”.

Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cư dân mạng bị xử phạt hành chính còn nhiều hơn số lượng các ca nhiễm virus Covid-19 mới. Các thông tin bịa đặt sai sự thật thường bao gồm việc đưa ra thông tin về người nhiễm bệnh tại các địa phương không có căn cứ, liên quan đến dịch bệnh tại Việt Nam. Người ta có thể không chết vì dịch bệnh ngay lập tức, nhưng nhiều người có thể khốn đốn bởi thiếu hiểu biết và tin vào những thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Hay nói cách khác, Covid-19 không đáng sợ bằng những virus tin giả - mầm mống hủy hoại niềm tin của cộng đồng và có thể đẩy vấn đề nghiêm trọng hơn.

Đáng bàn hơn là, trong số những dân mạng bị xử phạt vì tung tin giả, còn có cả một vài nghệ sĩ vì muốn sử dụng sức ảnh hưởng bản thân để tuyên truyền thông tin cho người dân, nhưng lại vô tình vướng phải nguồn tin chưa được kiểm chứng rõ ràng. Mới đây nhất chính là trường hợp của Hòa Minzy chia sẻ lại phát ngôn giả mạo lĩnh án phạt 7,5 triệu đồng về hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật. Trước đó là Ngô Thanh Vân, Đàm Vĩnh Hưng, Cát Phượng bị phạt 10 triệu đồng vì đăng tin không chính xác, dẫn đường link thiếu tin cậy.

Chúng ta đều hiểu rằng không có sự ác ý nào dẫn đến chia sẻ thông tin sai sự thật ở đây cả, nhưng bây giờ là lúc chúng ta cần cẩn trọng đối với mọi nguồn tin. Đặc biệt với người nổi tiếng, mọi phát ngôn càng phải có trách nhiệm, nhất là trên mạng xã hội.

Mạng là “ảo", nhưng thực ra là “thật"

Khi nhắc đến mạng xã hội, đa phần đều nói rằng đây là thế giới ảo. Nhưng thực tế, mọi thứ hiện diện ngay trên màn hình máy tính, màn hình điện thoại mà chúng ta theo dõi hàng ngày lại vô cùng thật, thật đến mức chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Với các nghệ sĩ, mỗi thông tin đăng tải trên mạng xã hội, dù là dăm bảy chuyện đời thường, một vài hình ảnh vui chơi… hay cả một địa điểm ăn uống nào đó cũng trở thành đề tài để hàng ngàn, hàng triệu người quan tâm. Và khi đã có người tin, thì không có ảo chút nào.

Bởi vậy, một thông tin chưa được kiểm chứng chia sẻ lên mạng xã hội sẽ lan rộng, rồi muốn đính chính lại cũng khó, vì sức lan toả của mạng xã hội đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chính mình. Chính vì thế nên khi cả thế giới đang gồng mình chống lại dịch bệnh, người ta mới liên tục tuyên truyền nhau cần cẩn trọng nút “share" trên mạng xã hội. Vì chỉ cần một thông tin thiếu xác thực, cũng đủ làm bao người hoang mang. Chúng ta ai cũng nôn nóng muốn kêu gọi, muốn chia sẻ để giúp đỡ cộng đồng. Tuy nhiên, việc chia sẻ fake news không bao giờ là cách hiệu quả để đem lại những chuyển biến tích cực cho cộng đồng, dù đó chỉ là một lời kêu gọi vô thưởng vô phạt.

Hãy lan toả lòng tốt đúng cách

Đôi khi sự tích cực nhất đến từ điều đơn giản lắm; giống như bạn ở yên trong nhà thôi cũng là giúp đỡ đất nước. Hay đối với các nghệ sĩ, lòng tốt cũng tạo nên sức lan toả tuyệt vời nhất khi thực hiện đúng cách. Như việc kêu gọi mọi người đeo khẩu trang, bảo vệ an toàn sức khoẻ cho bản thân và gia đình, không tụ tập nơi đông người… Hoặc mở rộng hơn, lòng tốt còn được ghi nhận ở cách cho đi. Những hộp khẩu trang, nước rửa tay cho các y bác sĩ đang ngày ngày trực tiếp chống lại Covid-19. Những món quà, thực phẩm hữu ích nhất cho người dân ở khu vực cách ly… Chỉ đơn giản vậy thôi đã khiến lòng tốt trở nên cao cả, vĩ đại hơn rất nhiều.

Cũng vì thế nên mới có những nghệ sĩ âm thầm quyên góp, ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 mà không có bất cứ chia sẻ nào trên mạng xã hội. Bởi lòng tốt, sự lan toả những điều tử tế, không chỉ dừng lại ở một nguồn tin hay một nút “share", vì chỉ cần một phút nóng lòng trên mạng xã hội cũng dễ rơi vào bẫy của tin giả.

Lam Khánh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới