Gọt đi bộ râu, Hoài Linh đã “đóng đinh” trên các sân khấu lớn nhỏ với các dạng vai giả gái. Vai diễn giả gái đầu tiên của nghệ sĩ hài này là bà vợ trong tiểu phẩm Tai nạn tivi. Với ngực độn giấy, mặt hoa da phấn, giày cao gót và mái tóc dài, Hoài Linh đã hơn 10 năm tung hứng trên sân khấu hài kịch với dung nhan đàn bà, đối thoại na ná chất giọng đàn bà và chút duyên… đàn bà.
Như thế, đó cũng là một thành công của người làm nghệ thuật. Bởi, nếu giả mà không thành “một gái” thì lấy đâu ra các vai diễn hút khán giả trong chừng ấy thời gian để có thể sống tốt, thậm chí là giàu có chỉ nhờ thân phận... đàn bà.
“Giờ nhiều người giả gái quá” - Hoài Linh từng nói về showbiz. Giả gái bây giờ đã là một xu hướng "chuyển đổi giới tính" ngay trên sàn diễn? Thế nên và có lẽ vì quá đông người thi nhau giả gái, nghệ sĩ Hoài Linh mới nói “thôi” với các vai "đàn bà" trên sân khấu hài kịch.
Khi Hoài Linh đã ngán với thân phận "giả" thì hàng loạt nghệ sĩ nam lại đua nhau..."mặc váy" như để thế chân. Gần đây nhất là ca sĩ Long Nhật cũng áo dài khăn đóng, môi son má phấn để “làm vợ” người ta...
Từng tăng độ "nóng" cho sân khấu Cặp đôi hoàn hảo 2011 khi hóa thân thành một cô gái yêu kiều, xinh đẹp thì gần đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lại tiếp tục làm "gái" khi “nhái” phong cách diva Thanh Lam. Vai diễn "nhái" đó của Mr.Đàm không được nuột lắm, nhưng khán giả có thể thấy đó là pha thú vị nhất của Lễ trao giải Làn sóng xanh. Liệu ai và nhà tổ chức nào lại sẵn sàng trả cát-xê để được nam ca sĩ nhiều chiêu trò này hóa thân thành "gái" tiếp theo?
Những dịu dàng, duyên dáng, lẳng lơ… của phái nữ đang được các mỹ nam sống trong showbiz khai thác triệt để, nhằm tạo dựng một vị trí nghề nghiệp? Mà vị trí thì đi đôi với mức cát-xê, thế nên giả gái đang là "mốt" hay là cách mà họ hái ra tiền?
Chưa có một thống kê chính xác nào để phân định giới tính rõ ràng trong giới showbiz, dù một ca sĩ chuyển giới đã từng hé lộ: khoảng 60% nam nghệ sĩ là người đồng tính. Lẽ nào, những tên tuổi thích giả gái lại nằm trong số 60% đó? Họ càng thích giả gái thì càng được sống đúng với thân phận thật của mình?
Công bằng thì chưa có một chuẩn mực nào để đánh giá về mức độ thành công và thành danh của một nghệ sĩ chuyên tâm đóng vai giả gái. Nhưng, Steven E. Landsburg - giáo sư kinh tế học thuộc Đại học Rochester, đúc rút sự thật trong cuốn Kinh tế học và sex: “Xinh đẹp là tốt, nhưng cao ráo còn tốt hơn nữa. Nếu bạn cao khoảng 1,8 m, thì bạn có khả năng kiếm nhiều hơn 6.000 USD mỗi năm so với những đồng nghiệp lũn cũn 1,6m…”. Nếu đặt nhận định hài hước và góc cạnh này trong thị trường giải trí Việt thì mới thấy phía sau nhan sắc (dù giả gái hay chuyển đổi giới tính thành gái thật) là nhập cuộc kiếm tiền, tìm hào quang.