SAO » Chuyện làng sao

Showbiz Việt: Thương Tín có xứng đáng được giúp đỡ? Tình thương không đúng chỗ có thể 'giết chết một con người'!

Thứ năm, 02/12/2021 15:13

Trong khi các mạnh thường quân nhiệt tình giúp đỡ hết lần này đến lần khác nhưng Thương Tín gần như không cải thiện được cuộc sống mà còn chăm than nghèo kể khổ hơn.

Câu chuyện nghệ sĩ lâm vào cảnh khó khăn túng quẫn luôn diễn ra hàng ngày trên mặt báo. Tất nhiên, với tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no cùng với sự ngưỡng mộ yêu thương dành cho các nghệ sĩ, các mạnh thường quân không bao giờ ngó lơ. Và tài tử Thương Tín chính là một ví dụ điển hình trong vấn đề muốn thuở ấy.

Phải nhấn mạnh Thương Tín là tài tử rất nổi tiếng và lừng danh của thập niên 80-90 với hàng loạt phim được xem là huyền thoại của màn ảnh Việt như: Bài ca không quên, Vụ án viên đạn lạc, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn… Tất nhiên ở thời kì đỉnh cao cộng với sự tung hô hết mức của khán giả, không phải ngôi sao nào cũng giữ được cái đầu tỉnh táo để biết tính toán cho tương lai và không sa chân vào thú vui trụy lạc.

Theo lời Thương Tín từng chia sẻ, thời của ông chỉ có hãng phim nhà nước chứ không có hãng phim tư nhân. Do đó, cát-sê cũng cũng theo quy định, mỗi vai chính trong phim nào cũng đều nhận được 1 chỉ vàng. Ông kể năm 27 tuổi mình đã được ghi nhận là diễn viên đóng nhiều phim nhất trong năm với 12 bộ phim nhựa. Có những lúc đã kín lịch, đạo diễn sẵn sàng dời lịch bấm máy để đợi bằng được ông vào vai chính. Thương Tín kể cát-sê mỗi phim chỉ được 1 chỉ vàng nhưng ông xài một đêm có khi hết vài ba cây vàng là bình thường. Sau mỗi ngày quay phim và diễn ở sân khấu, ông thường tụ tập bạn bè đi ăn uống hoặc đến phòng trà nhảy đầm.

“Tôi nhảy đầm trên nền nhạc nhẹ chứ không phải như vũ trường bây giờ. Mỗi lần đến nhảy mà không có mấy cô bồ đi cùng thì phải nhảy cùng mấy cô đào ở đó, thích thì có thể rủ đi chơi riêng ở ngoài sau khi nhảy. Thời tôi chỉ có giới thượng lưu ở Sài Gòn mới chơi nhảy đầm vì tốn tiền lắm. Tiền đào, tiền phí, tiền rượu rồi ăn uống trong đó, tính ra cũng cỡ vài ba cây vàng. Tôi còn có tính hiếu thắng, thấy một cô gái đẹp thì tôi muốn cô ấy phải là của mình. Dù không yêu nhưng giá nào tôi cũng phải chinh phục bằng được, kể cả hoa hậu hay người mẫu”, ông nhớ lại.

Thương Tín cho hay tất cả những thú vui của tầng lớp thượng lưu ở Sài Gòn ngày ấy ông đều đã trải nghiệm, không phải vì ghiền, vì nghiện mà vì sẵn tiền trong tay. Ông muốn cái gì mình cũng phải biết để xem như đó là hương vị của cuộc đời. Ông từng bộc bạch thời hoàng kim có được "nữ đại gia" cung phụng: “Đang ngồi bên cửa sổ nhìn theo một chiếc xe hơi chạy ngoài đường là hôm sau xe đó có trong sân. Quần áo tôi mặc, giày dép tôi mang nhiều vô kể, xe thì 4 cái xe máy, 2 cái xe hơi, sáng mặc đồ nào phải suy nghĩ thêm đi với xe nào cho hợp nữa. Ra ngoài tôi không bao giờ bận tâm mình mang bao nhiêu tiền bởi ví tôi luôn dày cộm...”.

Vậy mà buồn thay, Thương Tín lại nằm trong danh sách những nghệ sĩ ăn chơi bất cần quên ngày mai. Ông từng thua sạch 3 cây vàng chỉ trong một đêm mà vàng và tiền ở thời điểm mấy chục năm về trước vô cùng có giá, nên suy ra con số này được xem là cả gia tài với một người khi đó. Khi không biết tích lũy và tiêu xài như nước thì núi cũng lỡ, đến khi về già, tài tử hào hoa năm nào rơi vào cảnh nghèo khó, thân già nuôi vợ trẻ con mọn chỉ nhờ vào nghề diễn viên.

Tính ra, Thương Tín rất có phước khi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều lần từ các đồng nghiệp lẫn các mạnh thường quân. Bởi nhờ tiếng tăm ngày xưa và các bài báo lăng xê và cảm thương cho thân phận người nghệ sĩ xế chiều nhưng không may mắn. Đỉnh điểm là khi ông đột quỵ nằm viện, NSƯT Trịnh Kim Chi đã quyên góp được hơn 800 triệu cho ông. Số tiền này thực tế nào phải con số nhỏ. Nếu là một người biết tính toán thì đã biết giữ gìn và tạo kế sinh nhai. Vậy mà chỉ vài tháng ngắn ngủi, Thương Tín lại hô lên là ông nhiễm Covid-19, lại nhịn ăn nhiều ngày vì không có tiền và lại cần sự trợ giúp từ các mạnh thường quân. Chắc chắn không ai bỏ rơi ông vì lòng nhân và sự quý mến cảm tình từ những vai diễn của ông ngày xưa. Nhưng sự giúp đỡ mù quáng này liệu có hợp lí và có thể cứu vớt ông khỏi cái nghèo một cách triệt để?

Xã hội vẫn nhan nhãn những mảnh đời bất hạnh, phải mưu sinh vất vả nhưng đâu phải lúc nào họ cũng hô hào, than khóc và cầu xin sự giúp đỡ. Đa phần những con người ấy vẫn dựa vào bản thân là chính, vẫn tự trọng kiếm sống lượm nhặt từng đồng từng cắc bằng nhiều nghề để nuôi sống bản thân và gia đình. Còn Thương Tín thì sao? Ông may mắn được giúp đỡ rất nhiệt tình. Ông cầm trong tay một số tiền khủng nhưng ông đã tiêu pha thế nào mà hết lần này đến lần khác mong được hỗ trợ. Ông bảo ông đưa cho vợ một số tiền để mua đất mở tiệm tạp hoá, ai chứng minh? Giả sử đúng như lời ông nói thì hai vợ chồng đã có cơ sở làm ăn chứ đâu phải lâm cảnh vợ đi làm giúp việc, chồng không đồng xu dính túi. Ông bảo số tiền còn lại ông mua bảo hiểm cho con gái, vậy dựa vào gì để chứng minh? Bất cứ ai cũng vậy, dù người thường hay nghệ sĩ, đã nhận tiền giúp đỡ thì cần cho thấy bản thân sử dụng đồng tiền xứng đáng hợp lí để không phụ lòng tin của những người yêu thương mình. Thương Tín chẳng đưa ra được gì để chứng minh cho việc ông không tiêu hoang tiền được ủng hộ. Vậy ông dựa vào gì tự tin hô hào xin được hỗ trợ lần nữa? Dựa vào đâu ông tuyên bố hụt hẫng khi nhiều mạnh thường quân hứa nhưng chưa chuyển tiền cho ông? Hai chữ nghệ sĩ là để thương để quý, vậy mà từ khi nào nó lại trở thành chiêu bài câu dẫn sự thương hại của người khác thế kia? Mỗi con người đều phải chịu trách nhiệm với bản thân, phải tự lực cánh sinh, có làm mới có ăn, có lao động mới hưởng thụ, không lẽ Thương Tín định ăn mày quá khứ để nhận những đồng tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm đến cuối đời hay sao?

Nếu Thương Tín có lỗi một, thì cách giúp đỡ của các mạnh thường quân cũng lỗi đến mười. Người ta cho cần câu, chẳng ai dại cho con cá. Đối với một người tiêu tán khối tài sản lớn, từng sa chân vào trụy lạc thì càng có nhiều cách giúp đỡ thiết thực và hữu ích hơn là tiền. Họ có thể tạo công ăn việc làm cho Thương Tín và vợ ông để bỏ sức lao động đổi lại cuộc sống sung túc. Đằng này họ trao thẳng một số tiền lớn cũng không quan tâm chuyện nam diễn viên sẽ xài ra sao hay dùng cho mục đích gì? Thế nên, khi ông bảo xài cho chuyện A, việc B, khoản C… thì chỉ biết vậy và đành tin thôi. Và giờ thì sao, Thương Tín hết tiền và như một thói quen dựa dẫm lại xoè tay xin sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, từ những tấm lòng tốt. Chính họ đã tập cho ông cái tính ỷ lại, chỉ cần than khổ than nghèo than hoàn cảnh là được giúp vô điều kiện. Quay ngược thời gian, trước khi có sự can thiệp của các mạnh thường quân, cuộc sống của Thương Tín vẫn ổn, dù không giàu nhưng chịu làm vẫn có thể trang trải qua ngày đó thôi. Tại sao khi nhận được tình thương sự ưu ái thì cuộc sống của nam diễn viên lại ngày càng tệ hơn thế kia?

Chợt nhớ đến câu chuyện ngày xưa, "Ông hoàng cải lương" Vũ Linh từng tâm sự, bản thân ông từng sa lầy đỏ đen một phần vì sự yêu thương của khán giả, bởi ông thua bạc là có người cho mượn ngay mà không cần quan tâm ngày trả. Giờ đây cũng thế, Thương Tín hô lên một tiếng khổ là bao mạnh thường quân xun xoe cung phụng tiền bạc, cho mượn biệt thự sang để ở… Tình yêu thương đặt đúng chỗ sẽ giúp con người vượt khốn khó, trái lại sẽ giết chết một con người. Sự rộng lượng của các mạnh thường quân hết lần này đến lần khác và cách cho tiền bất chấp cũng dần giết đi một người nghệ sĩ từng rất tự trọng.

Lam Khánh (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới