Khi nhạc sĩ Trần Tiến lên nhận giải Bài hát của năm cho tác phẩm “Chiếc vòng cầu hôn” mà Đàm Vĩnh Hưng thể hiện, nhạc sĩ Trần Tiến đã nói: “Nhiều người hát “Chiếc vòng cầu hôn” hay nhưng năm nay xin chúc mừng Đàm Vĩnh Hưng đã có khối lượng khán giả quá ghê gớm để tôi được ăn theo" đã phần nào cho thấy bức tranh hiện thực của showbiz Việt hiện nay: Nhiều hoạt động nghệ thuật bị “phủ bóng” bởi tên tuổi, sức ảnh hưởng và thanh thế của những nghệ sĩ vốn được gọi là những “ông hoàng, bà chúa”.
Vì vậy, ở đâu có sự xuất hiện của những “nữ hoàng, ông vua”… thì ở đó khó có thể một đánh giá nghệ thuật công bằng.
Gây thanh thế bằng tên tuổi?
Không nhiều bất ngờ khi bài hát “Chiếc vòng cầu hôn” do Đàm Vĩnh Hưng thể hiện đã đoạt giải “Bài hát yêu thích của năm” trong chương trình Bài hát yêu thích với giá trị giải thưởng là 1 tỷ đồng. Bản thân bài hát này vẫn có những giá trị không hề thay đổi trong đời sống nhạc Việt dù nó không phải một bài hát mới. Giữa những câu từ và giai điệu ồn ào mới mẻ của nhạc Việt với nhiều ảnh hưởng của các dòng nhạc thị trường, tác phẩm của nhạc sĩ Trần Tiến vẫn lay động hàng triệu người nghe nhạc và việc họ bình chọn (vote) hoàn toàn không có gì hoài nghi.
Tuy nhiên, yếu tố thứ hai quan trọng không kém để bài hát ấy “đánh bật” các tác phẩm mới là nghệ sĩ thể hiện. Người hát bài này trên sân khấu Bài hát yêu thích là “ông hoàng nhạc Việt” - Đàm Vĩnh Hưng. Mặc dù có không ít khán giả nhận định rằng: “Bao năm nghe ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến, tôi chưa thấy ai hát chán như Mr. Đàm, không còn nhận ra “Chiếc vòng cầu hôn” nữa”, nhưng điều đó không hề gì! Hát tốt hay dở, hát có đúng lời hay không đều không quan trọng bằng cái “uy” của người hát.
Đến nhạc sĩ Trần Tiến - tác giả ca khúc, cũng phải “khâm phục” Đàm Vĩnh Hưng và ông khiêm tốn nhận mình là người “ăn theo” bởi chiến thắng này dựa vào lượng fan ghê gớm của Mr Đàm.
Đàm Vĩnh Hưng cũng có những lobby (vận động hành lang) khá bài bản, anh rất tích cực trong việc PR, kêu gọi fan ủng hộ dù ở bất kể sân khấu nào. Anh còn hứa tổ chức đêm nhạc miễn phí ba miền nếu “Chiếc vòng cầu hôn” đăng quang. Và tất nhiên, chiêu lobby tốt nhất là lời hứa dành 1 tỷ đồng tiền thưởng tặng cho những nhạc sĩ nghèo.
Vừa là bài hát của lòng người nhiều thế hệ, vừa là bài hát do nhạc sĩ có tên tuổi sáng tác, vừa được thể hiện bởi một “ông hoàng” có thanh thế trong thị trường nhạc Việt, “Vòng tay cầu hôn” 9 lần đứng đầu trên Bảng xếp hạng tuần cùng 2 tháng đạt giải, thì chiếc Cúp “Bài hát yêu thích năm 2013” cũng đâu có gì bất ngờ.
Chuyện thanh thế, tầm ảnh hưởng của một nghệ sĩ nào đó có tác động đến kết quả chung cuộc của các sân chơi nghệ thuật không hề hiếm. Cũng tại The Voice Việt (Giọng hát Việt) mùa thứ 2, Đàm Vĩnh Hưng đã chứng minh được tầm ảnh hưởng không vừa của mình khi học trò Vũ Thảo My của anh, dù ít được kỳ vọng hơn Hoàng Tôn (đội Mỹ Linh) và Cát Tường (đội Hồng Nhung) đã chiến thắng chung cuộc.
Chiến thắng này lúc đầu vượt xa với dự đoán của người hâm mộ. Nhưng khi ngẫm nghĩ lại về cánh tay nâng đỡ đằng sau mỗi chiến thắng, âu cũng không khó lí giải. Bản thân Vũ Thảo My cũng là người có khả năng. Nhưng không thể không nhắc đến sức mạnh của 2 cái tên lớn trong showbiz - những người mà nhiều khán giả cho rằng đây là yếu tố chủ đạo góp phần tạo nên chiến thắng của cô bé, đó chính là Đàm Vĩnh Hưng và Vũ Thu Phương. Đàm Vĩnh Hưng và Vũ Thu Phương vừa kêu gọi vừa tự mình dốc sức bầu chọn cho học trò cưng và cháu gái.
Đây là một sân chơi dựa vào bầu chọn, nếu bạn muốn ai chiến thắng, bạn hoàn toàn có quyền ủng hộ trong khả năng của mình để có được kết quả bầu chọn có lợi. Đàm Vĩnh Hưng có lượng fan hùng hậu và cuồng nhiệt như thế nào, ai cũng biết, và sức mạnh từ những lời kêu gọi ủng hộ của anh, đã có nhiều sự thật kiểm chứng. Bởi vậy, chiến thắng dựa vào các yếu tố tác động bên ngoài năng lực, hẳn cũng không còn là điều gì xa lạ.
Trước đây, Dương Triệu Vũ và Thanh Thúy khi tham gia chương trình “Cặp đôi hoàn hảo 2013” cũng không được đánh giá cao ở những vòng đầu, nhưng càng vào sâu, bình chọn và ủng hộ cho họ càng lớn. Một phần cũng bởi Dương Triệu Vũ là “người thân” của Mr Đàm, không buổi biểu diễn nào của chương trình này người ta không thấy Mr Đàm ngồi ở dưới hàng ghế khán giả để “ủng hộ” cho “đàn em”.
Chính bản thân Đàm Vĩnh Hưng trong mùa đầu tham gia “Cặp đôi hoàn hảo” cùng Kim Thư cũng là “hiện tượng” gây nhiều tranh cãi nhất khi Kim Thư hát “quá kém” mà cặp đôi của anh vẫn đi vào top 3 chung kết và dành giải Nhì.
Tại chương trình này năm 2013, “đàn chị” Mỹ Lệ - trong vai trò thí sinh đã nhiều lần tỏ ý không hài lòng với nhận xét của Ban giám khảo, đơn giản, Mỹ Lệ cho đó là những lời lẽ thiếu hiểu biết của bậc đàn em – nhạc sĩ Lưu Thiên Hương trong vai trò giám khảo, còn vị trí Diva của chị thì khó ai chạm tới.
Thế mới thấy, có những “thế lực” trong nghệ thuật mà không phải giám khảo nào hay đánh giá nhận xét nào cũng có thể vượt qua được. Bởi vì còn chuyện phải “nể” nhau để sống tiếp với nghề, phải tránh “búa rìu dư luận” từ lượng fan của một ai đó đã nâng lên mức “ông hoàng, bà chúa”.
Tạo lá chắn bảo vệ bởi fan
Khác với câu chuyện gây thanh thế từ cái mác “ông hoàng” như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm lại tạo thanh thế bởi một “thế lực” khác mang tên “fan cuồng” và “cộng đồng fan cuồng”. Tất nhiên, ở Việt Nam, nghệ sĩ nào cũng có lượng fan nhất định. Và không chỉ Mỹ Tâm là ca sĩ có nhiều fan. Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Hồ Ngọc Hà… đều có lực lượng fan và hệ thống fanclub rất đông đảo. Tuy nhiên, nhiều người rất “sợ” dây vào những fan của Mỹ Tâm khi có những người không ngần ngại “ném đá hội đồng” bất cứ chuyện gì liên quan đến thần tượng của mình, bất kể chuyện dù đúng, dù sai.
Năm 2012, trong khi Hồ Ngọc Hà lên nhận giải thưởng nữ ca sĩ được yêu thích nhất của giải thưởng HTV Award, ở phía dưới khán đài, fan của Mỹ Tâm đã tỏ thái độ phản đối và liên tiếp hô to tên Mỹ Tâm. Không chỉ dừng lại ở đó, sau chương trình, fan của Mỹ Tâm chẳng ngần ngại “gây chiến” với fan của Hồ Ngọc Hà trên khắp các diễn đàn.
Cái đáng nói là đằng sau hành động này, Mỹ Tâm viết một “tâm thư” gửi đến fan, giải thích lý do cô vắng mặt, nhưng lại không có bất cứ lời lẽ nào khuyên fan nên cư xử lịch thiệp đối với người chiến thắng. Cô lại gây sự tò mò khác khi xin lỗi vì đã kéo fan vào cuộc bầu chọn không đáng có. Như thế, cộng đồng fan của Mỹ Tâm nổ ra hoài nghi vào sự tin cậy, tính công bằng của bình chọn và hội đồng xét giải. Cô chính là người khởi đầu cho trào lưu “tâm thư” của những người nghệ sĩ khi dính vào bất cứ tin đồn nào.
Khi Mỹ Tâm có tên trong hạng mục tranh giải Nữ ca sỹ xuất sắc nhất thế giới tại World Music Awards 2013 trong đó bao gồm rất nhiều tên tuổi “khủng” như: Adele, Avril Lavigne, Beyoncé, Britney Spears... đã có những ý kiến cho rằng cơ hội đi xa của Mỹ Tâm là “không có”. Ngay lập tức, fan của Mỹ Tâm nhảy váo “ném đá” những nhận xét này. Chuyện Mỹ Tâm hét cát-xê quá cao tại quê nhà, hay bị loại khỏi “Làn sóng xanh” cũng được fan bênh vực vô điều kiện. Ca sĩ này không cần phải giải thích nhiều có phải bởi cô đã có lượng fan hùng hậu bảo vệ.
Chỗ đứng trong showbiz không phải bỗng dưng mà có. Nghệ sĩ cũng phải trải qua những năm tháng “lăn lộn” và cống hiến thậm chí cả thêm “chiêu trò” để tên tuổi của họ được nâng tầm cao hơn. Tuy nhiên, chính vì phải “lăn lộn” trong giới nên có lẽ họ phải là người hiểu hơn ai hết giá trị của sự lao động sáng tạo nghệ thuật đích thực và điều đáng quý của sự công bằng.
Vì thế, dùng thanh thế để khỏa lấp đi những điều chưa phải là giá trị thực hay những lỗi sai chính là đang tự làm “mờ” giá trị của bản thân mình. Và nghệ thuật trong nước nói chung khó phát triển thực sự vì bị che lấp bởi quá nhiều “sức ảnh hưởng cá nhân”.