Vào một ngày bình yên, chuông điện thoại của bạn bỗng reo liên tục, đầu dây bên kia là những người xa lạ xưng là từ các báo X,Y,Z… yêu cầu trả lời vài câu hỏi về một vụ việc ầm ĩ quanh một người nổi tiếng mà bạn vô tình “dính líu”.
Trong thoáng chốc, bạn nhận ra mình đang ở giữa một sân khấu mà bạn buộc phải đi hết vai diễn của mình trước quyền lực của những ống kính và ngòi viết lăm le. Và dưới con mắt tò mò của một đám đông vô hình và vô tận nhưng náo động “comment”.
Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ ai, dù nổi tiếng hay vô danh, giữa thời lên ngôi của các trang giải trí, chia sẻ tin tức, video và mạng xã hội. Chẳng thế mà người ta đã từng dự đoán: “Trong tương lai, người ta sẽ nổi tiếng trong vòng…15 phút”.
Dù được mưu cầu hay không mong đợi thì sự nổi tiếng hôm nay là món quà đến bất ngờ và chóng vánh với bất cứ ai. Mà nhiều khi, chẳng cần phải viện đến tài năng hay trải qua quá trình lao động đóng góp, chỉ cần dăm ba phát ngôn gây sốc hay một đoạn video được hàng triệu người “like”… là đủ.
Trong trường hợp tai tiếng, “món quà” ấy là một bất hạnh, trừ khi người ta chấp nhận nó, miễn là…có tiếng, để dễ bề kiếm lợi trong những chuyện khác.
Sở dĩ phải nói dài dòng như vậy là để bạn đọc dễ hình dung môi trường và cơ chế làm nở rộ những vụ mùa tai tiếng lẫn tung hô trên "cánh đồng showbiz Việt" gần đây.
Thậm chí, trên bề mặt truyền thông, cán cân đang nghiêng hẳn về phía chuyện tai tiếng, vượt quá hạn mức cho phép để có thể đạt cân bằng với chuyện tốt đẹp, khiến công chúng đi từ khuây khỏa sang chịu đựng những gì không hay của làng giải trí Việt.
Chỉ mới tuần qua thôi, đôi ba lời chê bai đồng nghiệp một cách thẳng thừng, cộng thêm vài tung hê đời tư và hậu trường không hay ho của nữ ca sĩ nổi danh một thời Bảo Yến đã đủ làm showbiz Việt dậy sóng, dính líu tới cả chục ca sĩ, với các kiểu lời qua tiếng lại trên truyền thông.
Và trong hoàn cảnh hiện nay, không ai dám chắc showbiz Việt còn bao nhiêu “Bảo Yến 2, 3, 4…” đang ẩn mặt chờ ngày “phát nổ”. Những phơi bày trần trụi nơi hậu trường có nguy cơ đưa nghề ca hát nhích dần về phía nghĩa đen của cụm từ “xướng ca vô loài” trong mắt công chúng.
Những ồn ào gây nhiễu loạn đương nhiên thúc đẩy người ta đi tìm nguồn cơn để còn có nơi mà đổ lỗi. Và có lẽ là đúng, không căn cứ nào giúp xác định thủ phạm chính xác hơn việc trả lời được câu hỏi: “Ai hưởng lợi từ những chuyện tai tiếng”?
Rõ ràng, cách dễ nhất là kết tội giới truyền thông chuyên đi khai thác những chuyện mà với người bình thường chẳng thành vấn đề, nhưng với người nổi tiếng thì là tai tiếng. Bởi trong bất cứ trường hợp nào, truyền thông luôn là phía hưởng lợi nhờ “câu” được lượt người xem.
Trong khi một bộ phận người đọc ham thích và các nhãn hàng đổ tiền quảng cáo thuần túy dựa trên lượng “view” vô can hơn rất nhiều, dù có thể họ đã tạo ra áp lực buộc giới truyền thông phải nhảy vào khai thác (gồm tạo ra hoặc chạy theo) chuyện tai tiếng ở mức độ và góc nhìn mà tôn chỉ, mục đích của tờ báo cho phép.
Đến đây, có lẽ cần lật ngược lại vấn đề, liệu có phải đối tượng của các vụ tai tiếng lúc nào cũng là nạn nhân hay không? Với một số trường hợp nổi danh nhờ tai tiếng, người ta thường đặt nghi vấn về những vụ dàn xếp giữa “các chủ thể” và một vài cây viết.
Nhưng chắc chẳng ai lại đi nhọc công điều tra các vụ việc thuộc phạm vi điều chỉnh của văn hóa và lòng tự trọng cá nhân như thế này. Kết quả, mọi cáo buộc chỉ là vu vơ, thậm chí còn có lợi cho người nổi tiếng ở khía cạnh giúp họ duy trì được sự ồn ào của tên tuổi.
Các vụ tai tiếng trở nên phức tạp hơn rất nhiều nếu đối tượng hưởng lợi lại là bên thứ ba giấu mặt và rất khó chứng minh sự liên quan trực tiếp tới vụ việc. Điển hình như vụ việc người đẹp Ngọc Trinh, nổi tiếng không chỉ vì sắc vóc mà còn ở lối ăn nói bộc trực và hồn nhiên, bỗng tái xuất và gây ầm ĩ với “tuyên ngôn” gây sốc về chuyện “yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn”.
Vài ngày sau, cô xuất hiện trong một chương trình thời trang. Tất nhiên, chương trình chẳng cần phải bỏ nhiều tiền cho chuyện quảng bá vì đã có “cú hích” Ngọc Trinh.
Và cuối cùng, dù cho bất cứ phía nào là đối tượng hưởng lợi thì cuộc chơi tai tiếng vẫn luôn có một “nạn nhân” duy nhất là sự xuống cấp của văn hóa đại chúng.
Điều nguy hiểm khác là trong một nền nghệ thuật và giải trí mà mọi giá trị đều dễ bị “sổ toẹt” như hiện nay, rất khó để các thế hệ trẻ định vị được một thần tượng cho riêng mình.
Hơn bao giờ hết, lời chia sẻ của nghệ sĩ hài Xuân Hương từng nói với báo chí quả thật đáng suy ngẫm: “Cuộc đời một nghệ sĩ luôn có những bất ổn và những bất ổn đó làm nên giá trị của họ.
Nhưng xin hãy để nghệ sĩ giữ nó cho riêng mình, bởi họ và nghệ thuật của họ cần lung linh trong mắt khán giả”.