Tâm thư không còn là điều gì quá mới đối với sao Việt. Thậm chí có thời gian, tâm thư đã trở thành “mốt” và nghiễm nhiên trở thành công cụ đắc lực được họ sử dụng để gửi gắm những điều mình muốn nói đến người hâm mộ mỗi lần có scandal hay có điều gì cần giãi bày. Nhưng sự xuất hiện của hàng loạt bức tâm thư trong thời gian vừa qua, cũng như việc lạm dụng chúng quá đà đã khiến công chúng có phần “e dè”, ác cảm hơn đối với những bức tâm thư này, thậm chí, còn “ném đá” ngược lại cho “tác giả”. Bởi, nếu xét từ góc độ nguyên nhân của sự việc cũng như cách sao Việt trình bày tâm thư thì không hẳn, tất cả các bức tâm thư đều hợp tình, hợp lý và đáng để được thấu hiểu.
Muôn kiểu tâm thư bị “từ chối”: Chưa thật lòng hay quá đề cao cái tôi cá nhân?
Nếu so với bức tâm thư thấu tình đạt lý và đầy trách nhiệm của Mỹ Tâm viết cho fans của mình sau sự việc người hâm mộ “Họa mi tóc nâu” phản đối dữ dội, thậm chí ném chai lọ khi Hồ Ngọc Hà được xướng tên ở hạng mục Nữ ca sỹ được yêu thích nhất trong lễ trao giải HTV Awards 2012 thì những bức tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng gửi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, bức tâm thư xin lỗi và hứa sửa sai của Angela Phương Trinh, bức tâm thư của Cao Thái Sơn giãi bày scandal tình – tiền – giới tính, bức tâm thư của Hồng Quế thể hiện sự bức xúc của mình nhằm đáp trả antifan, hay mới đây nhất là bức tâm thư khá dài của Hương Tràm “kêu oan” với Thu Minh lại không nhận được nhiều sự ủng hộ từ công chúng. Nói một cách khác, những sao Việt này đã thất bại khi chuyển tải nội dung mình muốn nhắn gửi đến đối tượng cần giãi bày. Lý do cho sự “thất bại” này, không phải là vì họ diễn đạt quá kém về ngôn ngữ, mà vì trước đó, những hành động của họ đã tự chống lại những gì họ muốn nhắn gửi sau này.
Đơn cử như trường hợp bức tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng gửi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, sau khi bị chê là: “chỉ được bề nổi”, là “không phải ca sỹ đúng nghĩa”, “Ông hoàng nhạc Việt” ngay lập tức viết một bức “tâm thư” khá dài với lời lẽ khá vô lễ với bề trên. Đàm Vĩnh Hưng không ngần ngại gọi nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 là “Ngụy quân tử” và ngay cả trong bức tâm thư khá dài này, công chúng có thể dễ dàng nhận ra giọng điệu ngôn từ của anh quá gay gắt, đầy tính chỉ trích và vô lễ.
Lẽ dĩ nhiên, một sự giãi bày mang tính chất cãi lý và có phần vô lễ như bức tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng đã không được công chúng thấu hiểu. Mr Đàm đã nhận không ít “gạch đá” khi cho công khai bức tâm thư trên. Dù sau này, anh đã gặp trực tiếp, xin lỗi nhạc sỹ Ánh 9 nhưng ấn tượng về sự vô lễ, bồng bột của Đàm Vĩnh Hưng thật chẳng dễ để quên.
Không chỉ có bức tâm thư Đàm Vĩnh Hưng bị “từ chối”, mà những bức tâm thư của Đan Trường, Cao Thái Sơn, Angela Phương Trinh, Hồng Quế cũng không hề được lòng công chúng, dù họ viết ra bằng những lời lẽ hết sức thống thiết, mạch lạc. Nếu như người ta thấy Cao Thái Sơn quá trơ trẽn vì năm lần bảy lượt vừa tổ chức họp báo, vừa viết tâm thư chỉ để làm rõ scandal “lừa tình, lừa tiền, chuẩn men” của mình, thì một cái nhìn có phần thất vọng cũng được gửi đến Đan Trường khi anh viết tâm thư thừa nhận mình có tình cảm với cô gái tên D. nhưng lại phủ nhận việc lừa tình, lừa tiền cô gái. Và sự thất vọng này, một phần đến từ việc, từ trước đến nay Đan Trường là một ca sỹ “sạch”, không vướng scandal, nhưng phần lớn hơn, có lẽ là đến từ cách anh xử lý scandal này quá vụng về.
Angela Phương Trinh cũng là một trong những sao Việt thường xuyên viết tâm thư để “xin lỗi” và hứa sửa chữa lỗi lầm mỗi lần cô vướng một scandal gì đó. Và có lẽ, chính vì tần suất quá nhiều cũng như hành động đi ngược với lời hứa đã khiến người hâm mộ “ngao ngán” và không ngần ngại “ném đá” cô. Như mới đây, sau khi bị cư dân mạng "ném đá" nhiệt tình và bị Cục biểu diễn nghệ thuật cấm diễn trên toàn quốc, Angela Phương Trinh đã lên trang cá nhân viết một bức “tâm thư” bày tỏ sự hối lỗi và hứa sẽ “ngoan” trong thời gian tới nhưng ngay sau đó không lâu, cô vẫn ăn mặc mát mẻ đi bar như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Và mới đây nhất, lại đến lượt Hương Tràm “bước vào vết xe đổ” của đàn anh, đàn chị vì những lời lẽ bồng bột của mình trong bức tâm thư “kêu oan” với Thu Minh sau phát ngôn: “Bản thân Hương Tràm sau cuộc thi cũng chẳng liên lạc với tôi nên tôi biết gì mà hỗ trợ?” của diva. Ngoài việc “kêu oan”, Hương Tràm còn tiết lộ nhiều bí mật về mâu thuẫn của các thí sinh The Voice khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, những tâm sự này của Hương Tràm lại không nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Hầu hết mọi ý kiến đều cho rằng, Hương Tràm đã xử lý chuyện này quá trẻ con, thậm chí có người còn không ngần ngại bảo Hương Tràm là vô ơn, “ăn cháo đá bát”, vì dù sai hay đúng, Thu Minh cũng là thầy của cô, từng là người dìu dắt cô trong sự nghiệp. Nếu cô chịu lắng nghe, nhẫn nhịn hay chịu “oan ức” một chút thì cũng không có gì gọi là xấu mặt. Nhiều người còn tự hỏi rằng, khi viết những dòng này, Hương Tràm có nghĩ đến ai là người đã dìu dắt cô lên đến bục vinh quang ngày hôm nay hay không?
Và với trường hợp của Hương Tràm, dù “oan” hay không thì rõ ràng, trong mắt nhiều người, cô đã trở thành người học trò không biết trên dưới, không biết trước sau chỉ vì cái tôi và ham muốn giãi bày quá lớn của mình khi mọi chuyện chưa được thấu hiểu kỹ càng.
“Lời nói chẳng mất tiền mua…”
Danh ngôn có câu: “Sự im lặng hùng biện hơn lời nói” và thường thì người ta sẽ hối hận vì lời nói của mình nhiều hơn chứ hiếm khi phải hối hận về sự im lặng. Nói vậy không có nghĩa, im lặng là hèn nhát, bởi im lặng đúng lúc, đúng chỗ và đúng với đối tượng sẽ khiến cho mọi chuyện phức tạp hóa đơn giản. Và nguyên lý này, áp dụng vào giới showbiz gần như chưa bao giờ sai. Bởi thị phi, chưa bao giờ rời bỏ những người bước chân vào showbiz. Và nếu chưa học được cách xử lý tin đồn, hiểu lầm một cách khéo léo, thì im lặng là cách tốt nhất để mọi thị phi có thể lắng xuống.
Nói thế không phải để phủ nhận những sự phản kháng hay lên tiếng đúng lúc của nhiều nghệ sỹ, nhưng cứ xét những trường hợp tâm thư bị “phản tác dụng” như trên sẽ thấy, những “tác giả” này vẫn chưa có được sự điềm tĩnh và suy xét thấu đáo sự việc, vẫn đặt cái tôi của mình lên quá cao, coi thường công chúng hay vẫn muốn buông lời gay gắt làm tổn thương người khác để thỏa mãn tâm trạng của mình.
Sự thấu tình đạt lý trong bức tâm thư của Đàm Vĩnh Hưng gửi Nguyễn Ánh 9 liệu có thể có không khi mà trước đó, anh đã từng ca ngợi và xem vị nhạc sỹ này là “bố”, là thầy? Đã là “bố” là thầy của mình thì dù sao cũng phải kính trọng, đằng này, anh không ngần ngại gọi “bố” mình là “ngụy quân tử”, thế nên, Đàm Vĩnh Hưng không thể có được sự đồng cảm từ công chúng là vì vậy.
Trường hợp Hương Tràm cũng vậy. Có thể những lời lẽ trong bức tâm thư của cô rất chặt chẽ, có trước có sau, bởi cô một mực bày tỏ sự “tôn thờ” với Thu Minh. Nhưng sự kể lể đã vô tình biến Hương Tràm thành người vô ơn. Cô cũng không biết tiết chế cảm xúc và chọn cách bày tỏ phù hợp, vì nếu xét cho cùng, có nhiều cách để giãi bày kín kẽ và thuyết phục hơn là “vạch áo cho người xem lưng” như vậy.
Có thể nói, sự giãi bày, nếu thấu tình, đạt lý, nếu thống nhất với hành động của “tác giả”, nếu biết lựa lời thì sự giãi bày đó sẽ đi vào lòng người. Nhưng với những trường hợp kể trên, sự “hiếu thắng”, thiếu suy nghĩ, thiếu khéo léo trong cách bày tỏ đã khiến cho những “tâm thư” của họ hoàn toàn bị “phản tác dụng”, khiến công chúng có cái nhìn thiếu thiện cảm về cách cư xử của những ngôi sao này.