SAO » Chuyện làng sao

Thanh Lam bị gọi là 'Lam điên' từ bé

Thứ ba, 26/03/2013 20:40

"Nếu tôi là một ca sĩ Mỹ hoặc Anh thì sự điên loạn đó cũng chỉ là bọt bèo thôi, nhưng phần lớn khán giả Việt Nam lại muốn ca sĩ hát theo cách tư duy của họ chứ không phải theo nội lực của ca sĩ, nên tôi luôn phải nén mình lại", diva Thanh Lam tâm sự.

Nhưng đó dường như chỉ là “phần nổi của một tảng băng chìm”. Chính năng lượng sống tràn trề mới là yếu tố quyết định những thăng trầm của cuộc sống đời chị.

Sợ nhất là sự nghèo nàn về văn hóa

- 2012 là một năm nhiều biến động, riêng đối với cá nhân chị dường như có phần trầm lắng và chị lại tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn?

- Bên cạnh show diễn Cầm tay mùa hè với nhạc sĩ Quốc Trung và một số chương trình lớn với các nghệ sĩ, tôi cũng đã góp mặt trong vai trò người huấn luyện của chương trình Sao Mai điểm hẹn, tham gia Tiếng hát truyền hình ở “ghế nóng” của ban giám khảo…

Ngoài ra tôi cũng tham gia một số hoạt động xã hội khác như chương trình ca nhạc từ thiện Thương vì các cháu bị ung thư, trao tặng quà cho trẻ em nghèo ở Hà Giang, các cháu bị bệnh tự kỷ…

"Tôi rất muốn được góp phần làm giảm bớt sự nghèo nàn vật chất và tinh thần".

- Ý nghĩa lớn nhất mà chị hướng tới?

- Xã hội chúng ta còn rất nhiều người nghèo, khi người ta nghèo nàn về vật chất thì dễ dàng bỏ qua các giá trị văn hóa, đó là điều đáng sợ nhất. Vì thế, tôi rất muốn được góp phần làm giảm bớt sự nghèo nàn vật chất và tinh thần.

- Tên tuổi của chị đã gắn bó với những người yêu nhạc hơn 20 năm qua. Làm thế nào để chị “giữ lửa” trong lòng công chúng hâm mộ và cả những đối tượng khán giả mới?

- Thử thách lớn nhất của người nghệ sĩ là sự tiếp cận. Họ thường khác người, do vậy luôn tìm cách thể hiện riêng, đặc biệt là tư tưởng. Nhưng thử tưởng tượng, dưới bầu trời sáng tạo, các nghệ sĩ đều giống như nhau cả về hình thức lẫn nội dung thì thật quá chán. Trong âm nhạc, có rất nhiều cách tiếp cận.

Bản thân tôi là một người không thích thỏa hiệp. Tôi biết cách tiếp cận khán giả, nhưng không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, bởi tôi cũng khác người. Mà bạn biết rồi đấy, khác người làm khán giả dễ nhớ, nhưng cũng rất dễ bị công kích. Đó là điểm mạnh, đồng thời cũng là điểm yếu của tôi. Khi làm nghệ thuật, mình phải biết được cái “giá” của sự lựa chọn.

- Theo cảm nhận của chị, khán giả đang nghe chị có điểm gì tương đồng?

- Những khán giả nghe tôi hát khác nhau về độ tuổi và ngành nghề, nhưng có một điểm chung là họ cũng là những người cá tính. Trong những đêm diễn ở TP. HCM, tôi nhớ nhất một cháu bé 12 tuổi - con của một đồng nghiệp.

Cháu hầu như không vắng mặt ở bất kỳ show diễn nào. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên, đó là một sự tiếp sức giúp tôi khẳng định niềm tin vào khán giả của mình.

"Nếu ta có sự thôi thúc quyết liệt từ bản thân thì ta sẽ thành công".

- Thách thức lớn nhất khi nuôi dưỡng cá tính sáng tạo?

- Tôi hiếm khi nào mãn nguyện với những gì mình đạt được, từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đến những việc lớn. Tôi luôn nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nếu có cơ hội lần thứ hai.

Vì thế, tôi luôn đòi hỏi bản thân và cả những người sống xung quanh tôi sự tự hoàn thiện. Nỗ lực vượt qua bản thân mình chính là yếu tố kích thích sự sáng tạo. Nếu ta có sự thôi thúc quyết liệt từ bản thân thì ta sẽ thành công.

- Duy trì phong độ cũng là một thách thức. Nhất là khi ở trên đỉnh cao người ta dễ cảm thấy cô đơn?

- Khi còn nhỏ tôi chưa hiểu gì về sự cô đơn, nhưng sau này tôi lại cho rằng, nghệ sĩ rất cần sự cô đơn, nếu không có nó, họ khó mà làm nghề, bởi những hụt hẫng do số phận mang lại sẽ là một chất xúc tác cho người nghệ sĩ có thể bay trong khoảng không mà họ tự tưởng tượng ra.

Cũng có lúc tôi thèm được thoát khỏi áp lực “Top Ten”, nhưng rất may chỉ là một chút thoáng qua. Tôi vẫn thầm cảm tạ ông trời và cha mẹ đã cho tôi sức khỏe, và nền tảng vững vàng để trở thành một nghệ sĩ.

- Giữa thế giới showbiz hỗn tạp và đầy thị phi, các ca sĩ trẻ hay vấp phải những trở ngại gì?

- Chúng ta đang ở một giai đoạn tất yếu của vòng quay phát triển xã hội. Trong cuộc chinh chiến về văn hóa này, chúng ta không được phép bỏ cuộc.

Nếu mỗi nghệ sĩ đều ý thức được việc đào tạo, cảm nhận đúng và định hướng đúng cho các bạn trẻ thì sẽ góp phần làm vòng quay ấy trở về đúng quỹ đạo của nó. Điều đáng lo nhất bây giờ là xã hội tiêu dùng đang vô tình tạo cho giới trẻ một lối sống thiếu hoài bão, thiên về vật chất và rất nguy hiểm khi một số em lại nghĩ rằng ca hát là một sân chơi.

Để thành công, ngoài tỷ lệ 30% tố chất thiên bẩm, mỗi người cần 50% học hỏi và 20% may mắn. Quan trọng là mình phải tìm được điểm mạnh của bản thân.

- Là một ca sĩ hay “nổi loạn” trên sân khấu, chị làm thế nào để yếu tố bản năng không lấn át cá tính nghệ sĩ?

- Tôi từng tâm sự với một người bạn, trong cuộc sống vốn đã rất ít người khỏe, thế mà mình cứ phải “đóng vai” người yếu thì thật ức chế. Người nghệ sĩ khi đã được đào tạo bài bản, sự bùng nổ trong sáng tạo của họ là “sự điên loạn có kiểm soát”, người ngoài nhìn vào không biết sẽ bảo: “Bà này lại sắp sửa khùng lên đây!”, nhưng tôi luôn kiểm soát năng lượng của mình.

"Phần lớn khán giả Việt Nam lại muốn ca sĩ hát theo cách tư duy của họ chứ không phải theo nội lực của ca sĩ".

Ca sĩ khi hát ngoài sự thể hiện tâm hồn, trí tuệ, còn tải một nguồn năng lượng của sức khỏe. Tư duy hát của tôi luôn khao khát được bay lên bầu trời bao la, giống như một con chim đại bàng sải cánh dũng mãnh chứ không phải một chú chim sẻ bay chấp chới.

Nếu tôi là một ca sĩ Mỹ hoặc Anh thì sự điên loạn đó cũng chỉ là bọt bèo thôi (cười), nhưng phần lớn khán giả Việt Nam lại muốn ca sĩ hát theo cách tư duy của họ chứ không phải theo nội lực của ca sĩ, nên tôi luôn phải nén mình lại.

- Vậy chị thấy mình hợp với thể loại âm nhạc nào nhất?

- Tôi thích nhất là nhạc rock, bởi nó tác động vô cùng mạnh mẽ tới sự cảm nhận của người nghe. Nhạc rock là đỉnh cao của sự sáng tạo, người nghệ sĩ không chỉ vững vàng về kỹ thuật, mà còn phải tràn đầy sức sống.

Người phụ nữ đằng sau ánh đèn sàn diễn

- Khép lại những show diễn, chị tự thấy mình là người phụ nữ như thế nào?

- Hồi còn học phổ thông, bạn bè hay trêu tôi là “Lam điên”, tôi buồn lắm, không hiểu tại sao. Cái thiệt thòi nhất của người ca sĩ là không có cuộc sống bình thường như những người khác, lúc mọi người đi chơi thì họ lại làm việc và ngược lại, nên những người thân phải rất độ lượng.

Tôi luôn cố gắng làm một người phụ nữ bình thường với những điều bình thường, học cắm hoa, học nấu ăn, trang trí nhà cửa… làm đẹp cuộc sống của mình và những người xung quanh.

- Các con có chia sẻ điều này với chị không?

- Các cháu từ bé đã sống thiếu tình cảm của mẹ. Vì thế tôi luôn mong muốn bù đắp, gần gũi để chăm sóc con, nhưng để được toại nguyện như những người mẹ khác thì tôi không có… Mỗi người mẹ đều có cách thể hiện tình yêu và tình yêu không thể tự dưng sinh ra mà là cả một quá trình xây dựng lâu dài.

- Chị có định hướng tương lai cho các con từ nhỏ?

- Tôi luôn khuyến khích các cháu thử sức để tìm ra điểm mạnh của mình. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Nếu bạn làm xuất sắc một công việc nào đó thì nhất định bạn sẽ thành công.

Tôi luôn chia sẻ để các cháu hiểu mẹ và đánh thức hoài bão của các cháu và tôi rất vững tâm khi mỗi cháu đều theo đuổi sở trường riêng của mình, cháu lớn học Thiết kế nội thất, cháu thứ hai học thanh nhạc, cháu út học piano.

- Một người luôn phải nén mình lại như chị có bao giờ bị cạn kiệt cảm hứng sống?

- Cuộc sống không bao giờ hết áp lực, áp lực về hoài bão, sự đón nhận của khán giả, áp lực tình cảm… Đã có lúc tôi cảm thấy vô cùng đau khổ, vì chật vật mãi không có được hạnh phúc mà những người bình thường đang có. Tôi tự hỏi tại sao ông trời lại thử thách tôi khủng khiếp đến vậy và rất lo sợ.

Tôi đã tìm đến triết lý đạo Phật qua một chuyến du lịch tâm linh và giác ngộ được rằng, mỗi người sinh ra đều có nghiệp quả của kiếp trước mình tạo dựng. Nhờ đó tôi biết chấp nhận và đương đầu với những biến động của cuộc sống. Tôi trân trọng từng khoảnh khắc hiện tại và sâu thẳm trong lòng, tôi tha thiết được sống một cách đầy ý nghĩa, sao cho mình vui là những người xung quanh cũng cảm thấy nhẹ nhàng.

- Làm thế nào để sự bứt phá của nghệ sĩ và sự tĩnh tâm song hành trong chị?

- Sự bứt phá luôn cuồn cuộn trong con người tôi, còn muốn đạt tới sự tĩnh tâm thì trước tiên mình phải nhận thức đúng về cuộc sống. Trong mỗi con người luôn tồn tại cái Thiện và Ác, nếu tâm lực đủ mạnh sẽ làm cho cán cân ấy bớt chông chênh.

Mỗi khi hát, tôi luôn tưởng tượng ra không gian 3 chiều của riêng mình, tự nhiên như thể mình là một con cá nhỏ được thả về với sông nước hay một chú chim vút bay vào bầu trời. Đó là nhu cầu được bùng nổ và thăng hoa, nhưng nếu không có một nền tảng tốt và đạt tới độ chín của cảm xúc thì nó sẽ trở thành bản năng và lố bịch.

Elle