- Chị nhận được điều gì từ ghế huấn luyện viên "The Voice"?
- Tôi đã tự nhìn nhận, cập nhật, học hỏi thêm nhiều chính trong quá trình rèn luyện cho các em. Tôi được gần gũi hơn với khán giả, để họ có thể cảm nhận được một Thu Minh đời thường hơn, chứ không phải một Thu Minh ca sĩ cá tính và sexy… Tôi cũng được đảm nhận hết sức mình một vị trí khác với những gì mình từng làm từ trước đến giờ.
- Chị có vẻ rất bảo vệ các thí sinh của mình?
- Tôi thấy một tương lai âm nhạc ở các bạn ấy. Tôi muốn góp phần dù nhỏ của mình cho thế hệ trẻ - những người sẽ vẽ tiếp bức tranh thị trường âm nhạc Việt Nam trong khoảng thời gian tới. Chúng ta có thể phát triển đến đâu, hòa nhập được bao nhiêu đều nhờ vào các em ấy cả. Bảo vệ những tài năng là điều nên làm.
- Có khán giả từng khó chịu khi chị khóc quá nhiều cho các thí sinh…
- Chính tôi là người dặn các em không được khóc trước mọi quyết định của tôi trong chương trình, vì khán giả sẽ dễ hồ nghi về những giọt nước mắt ấy. Nhưng cũng chính tôi là người không kìm được cảm xúc. Tôi là vậy, thương ra thương, ghét ra ghét nên cảm xúc nó cứ lộ hết ra ngoài. Có lẽ chưa nhiều khán giả đồng tình với nước mắt thầy và trò trong hoàn cảnh đi hay ở trong một cuộc thi, vì họ chưa ở trong hoàn cảnh đó, và hơn nữa họ không phải là chúng tôi.
- Khó khăn nhất của chị khi làm thầy là gì?
- Với mỗi cá tính hát và gu thẩm mỹ riêng thì tôi phải đứng vào góc nhìn của thí sinh để tư duy cùng họ, đồng thời kiểm soát ưu khuyết điểm để dung hòa và đưa ra lựa chọn tối ưu nhất cho cả đội.
- Có không những tranh chấp giữa các thí sinh? Hay kiểu “bằng mặt không bằng lòng” với chính cô giáo? Chị đối mặt thế nào?
- Tôi sẽ cảm thấy rất bứt rứt với cương vị một người chị, một huấn luyện viên. Vậy nên mình cứ nói, cứ dạy, cứ nghiêm khắc, nếu các em hiểu được thì đó là phúc của tôi, phúc của các em. Còn thì cuộc đời này cũng công bằng lắm… Và đương nhiên muốn người khác tôn trọng những gì mình nói, mình dạy thì bản thân mình phải là tấm gương trước đã.
- Có nhiều ngoại ngữ trong "The Voice", đặc biệt ở đội của chị, chị nghĩ sao?
- Những thí sinh có giọng hát đặc biệt nhưng chưa từng đi thi một cuộc thi nào lại có mặt ở The Voice vì họ cảm nhận được sự “mở cửa” trong nội dung âm nhạc của cuộc thi này. Các bạn ấy tiếp xúc với nhạc quốc tế nhiều, điều này là ưu điểm, nhưng cũng chính là nhược điểm. Vì mình là người Việt Nam thì phải chinh phục khán giả của mình trước, rồi mới nghĩ đến những chuyện to tát hơn. Chính vì vậy, tôi luôn khuyến khích, nhắc nhở các em tự hoàn thiện mình mỗi ngày.
- Người ta nói Hương Tràm giống chị!
- Thật sự không dễ để giống tôi đâu (cười). Nếu bất kỳ ai muốn có một vị trí riêng cho mình ở showbiz, thì càng không nên là bản sao của ai đó. Hương Tràm đủ thông minh để hiểu điều này, vì chặng đường còn rất dài, trong cuộc thi cũng như cuộc đời, sẽ còn rất nhiều điều bất ngờ có thể xảy ra.
- Các cuộc thi bây giờ khác gì so với lúc xưa chị còn làm thí sinh?
- Trước đây, có khi một thân một mình với độc nhất bộ áo dài, trải qua các vòng thi cũng có thể làm nên “lịch sử”. Còn bây giờ, phải có cả một đội ngũ make-up, trang phục, tư vấn phong cách trình diễn, luyện thanh… nói chung là từ A đến Z. Ấy vậy mà “lịch sử” vẫn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay… Nhưng thật ra cũng rất khó so sánh, bởi mỗi thời gian đều có sự khác biệt về điều kiện sống của xã hội, văn hóa, quan điểm sống của từng thế hệ nữa…
- Chính giải thưởng đã giúp Thu Minh tồn tại?
- Không bao giờ đâu nhé! Tất cả chỉ là tấm vé đến với cuộc chơi mà mình mong đợi, một bệ phóng tạm thời cho sự nghiệp mà thôi. Tôi không nghĩ 20 năm qua mà người ta vẫn nhớ đến giải thưởng của tôi đâu. Nếu bất giác nhắc mọi người là tôi từng đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình TP.HCM, chắc người ta còn ngờ ngợ, suy nghĩ đấy.
- Ai cũng phải tập quen với sự thay thế, vì giải thưởng luôn đến theo chu kỳ?
- Đương nhiên thôi, cái gì cũng có lúc hạ nhiệt, đâu có sốt mãi được. Tôi từng làm nữ hoàng khiêu vũ đấy thôi, tất cả các show diễn mời mọc tôi thời điểm đó đều từ độ nóng của cái danh hiệu này. Nhưng rồi người tiếp theo xuất hiện, và mình trở về vị trí dân thường, hết làm nữ hoàng… (cười). Vấn đề là chỉ để người khác thay thế bạn trên danh hiệu, chứ không phải trong lòng khán giả nhé.
- Chị đã hy sinh những gì để đạt được thành công ngày hôm nay?
- Ừm, nếu nói về kiểu hy sinh cho mối quan hệ để được nâng đỡ, ưu ái hay kiểu “vì ta cần nhau”, thì cho tới lúc này, tôi dám khẳng định mình chưa bao giờ phải hy sinh gì.
Từ ngày theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình tới giờ, tôi chưa có công ty âm nhạc nào đứng sau. Từ luyện tập đến định hướng phong cách trình diễn, trang phục, nội dung âm nhạc cho các album, rồi tìm kiếm nhà sản xuất là tôi tự thân vận động hết, nên khôn nhờ dại chịu.
Tuy nhiên, đã có những thay đổi về nhân sự và cách làm việc, cũng như có sự đồng hành chia sẻ từ người đàn ông của tôi. Trong những ngày sắp tới, tôi mong mình lại tiếp tục con đường vươn lên một đẳng cấp mới.
- Nhưng nổi tiếng như chị có vẻ hơi muộn?
- Với âm nhạc, nhảy đẹp, có ngoại hình, âm nhạc dễ nghe kèm theo chiến lược PR tốt thì cũng có thể nhanh chóng nổi tiếng, thậm chí còn nhanh hơn cả những người có giọng, có thực lực.
Trước đây tôi không có chiến lược hay chiêu thức PR gì cả, nhưng nếu quay lại từ đầu tôi vẫn sẽ như vậy thôi. Bởi những gì tôi có được ngày hôm nay, tôi thấy mình đủ tự tin và bản lĩnh để xứng đáng có và nắm giữ nó.
Bền, chắc, dai là điều tôi mong muốn cho sự nghiệp của mình. Khổ cực hay hạnh phúc là điều phải có cho thành công, nó cũng tạo ra màu sắc cho cuộc đời và sự nghiệp.
- Nhiều trường hợp đã biến chất chỉ vì sức hút của đồng tiền, của sự nổi tiếng, chị ạ!
- “Gieo nhân nào gặp quả đấy”, cây đời vốn dĩ phải có trái đắng và quả ngọt thì mới là đời. Bao nhiêu người khao khát vươn lên bằng nhiều cách rất riêng của mỗi người, tôi cũng vậy. Tuy nhiên, mỗi người một hoàn cảnh, quan điểm sống khác nhau, nên từ lâu tôi vẫn giữ quan điểm là không chỉ trích hay phán xét người khác, vì tôi có ở vị trí của họ đâu, trừ những vấn đề ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì nhiều lúc vô tình mang tiếng mình “dìm hàng” người khác để nâng mình lên với đồng nghiệp thì sẽ không hay. Nên thiết nghĩ tôi chẳng nên nói gì với họ, bởi họ đủ lớn và thông minh để đối đầu với lựa chọn của họ, còn tôi dành thời gian tự nhìn nhận và hoàn thiện chính mình là tốt nhất.
- Sự nghiệp viên mãn, chị mong đợi gì ở người bạn đời sắp tới?
- Ngoài những điều thuộc về tình cảm, tôi mong bạn đời chia sẻ với mình nhiều hơn. Gia đình tôi trong tương lai cần cảm thông, ủng hộ, hy sinh ít nhiều vì công việc của một người nghệ sĩ, ca sĩ như tôi…
- Chị có ngại chồng mình lớn tuổi hơn mình nhiều quá?
- Người ta vẫn hay nói “chồng già vợ trẻ là tiên”, chưa bao giờ tôi thấm câu này như bây giờ (cười). Để tôi đi đến quyết định cuối cùng với một người đàn ông nào đó hẳn không dễ dàng đâu. Tôi ao ước ở người đàn ông của mình từ bao lâu nay sự chia sẻ, bảo vệ, được đồng hành và ủng hộ, thì bây giờ tôi đã toại nguyện tất cả.
- Chị tin vào đoạn kết cuộc tình này à? Anh ấy chắc cũng ảnh hưởng nhiều đến chị?
- Anh ấy cho tôi nhiều hơn những gì tôi có thể nghĩ, hoàn toàn không liên quan đến vật chất nhé, điều tôi cần là cảm giác kìa, còn mọi thứ khác tự bản thân tôi có thể làm được cho mình. Tôi vui khi cảm thấy mình được nhỏ bé bên cạnh người đàn ông này, thế thôi.