SAO » Chuyện làng sao

Thuý Nga và nỗi lòng người mẹ xa xứ nuôi con: 'Con tôi chỉ cần sống tử tế với xã hội là tôi đã thành công' (P2)

Thứ sáu, 18/01/2019 11:14

Một mình đảm nhận vai trò của người cha lẫn người mẹ, Thuý Nga cũng có những trăn trở riêng. Tuy nhiên, cô lại dành cho con một môi trường giáo dục văn minh và “không ép chín” con theo nguyện vọng của mình.

Nguyên nhân gì khiến chị quyết định quay về Việt Nam hoạt động nghệ thuật trong năm nay sau thời gian định cư và làm việc ở hải ngoại?

Để có quyết định đưa con gái về đây học và quay về hoạt động nghệ thuật ở quê nhà, tôi đã mất ba năm đắn đo suy nghĩ. Tôi cũng thương con, muốn cho con ở nước ngoài để học được văn hoá nước ngoài. Ngoài tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tôi muốn con xem tiếng Anh là tiếng bản xứ. Khi con về Việt Nam vẫn không quên tiếng Anh nên đành chấp nhận cho con ở Mỹ thời gian lâu dài. Con gái tôi học được phong cách của người nước ngoài. Con bé là một trong những đứa trẻ có màu sắc rất khác. Con bé rất đáng yêu, ngây thơ, không quá khôn như con nít ở Việt Nam. Vì các bé ở nước mình được cập nhật và xem quá nhiều. Trẻ em ở Mỹ chỉ biết học tập, vui chơi và về nhà với gia đình.

Sau bảy năm cho con ở nước ngoài, đến thời điểm này, con gái tôi đã hình thành được tố chất của người nước ngoài. Dù là trẻ con nhưng bé cũng có nền tảng giáo dục phương Tây. Trong mấy năm nay, tôi vẫn dạy cho con tiếng Việt nhưng bé chỉ biết nói sơ sơ, không biết viết tiếng Việt. Nguyệt Cát dùng ngôn từ rất “sai trái” như kiểu Hari Won. Tôi muốn con về Việt Nam học tập cập nhật văn hoá Việt Nam. Sau đó, con tôi có thể trở lại nước ngoài. Ít ra con cũng không mất gốc, cũng hiểu văn hoá và tiếng mẹ đẻ.

Sau bao nhiêu năm sống và định cư ở nước ngoài, trở về Việt Nam giữa thị trường hài nở rộ và sự cạnh tranh khốc liệt. Chị có lo lắng?

Tôi vẫn thấy bản thân có một màu sắc khác. Không giống ai và cũng chưa ai giống tôi. Lứa hài trẻ có nhiều nhưng lứa hài sồn sồn như tôi lại chưa có nhiều. Tôi không đi đường trẻ, tôi đi đường phù hợp với lứa tuổi của tôi. Nhập gia tuỳ tục. Trước khi về, tôi có hỏi con gái mình rằng: “Nếu ở Mỹ, tương lai của con cũng tốt nhưng công việc của mẹ không như mẹ muốn. Mẹ cũng không được thoả mãn niềm đam mê của mình. Nếu con về Việt Nam, con cũng được đi học, mẹ cũng được đi làm. Mẹ được làm những việc mẹ yêu thích. Cát thấy lựa chọn nào phù hợp cho mẹ?”. Con gái tôi trả lời: “Mẹ về Việt Nam đi để mẹ được diễn hài”. Dù còn rất nhỏ nhưng con gái tôi rất sâu sắc. Cảm nhận của con rất người lớn.

Thúy Nga muốn dành cho con một môi trường giáo dục văn minh và “không ép chín” con theo nguyện vọng của mình.

Những lúc chị bị căng thẳng áp lực giữa việc nuôi con và theo nghề. Con gái chị có an ủi mẹ?

Những khi tôi căng thẳng áp lực, tôi không bao giờ cho con tôi thấy tâm trạng không tốt. Lúc nào trước mặt con, tôi cũng phải vui. Khi chơi với con, tôi phải hoà nhập. Tôi giống như bạn của con, giống như một đứa trẻ. Tôi không thể để bản thân đang nóng giận ai, buồn phiền ai lại trút lên con, truyền sang con. Đó là mình hư. Chỉ khi nào quá mệt mỏi, tôi chọn cách ôm con ngủ.

Một thân một mình ở nước ngoài chăm con, nuôi con, xoay chuyển kinh tế. Có thời điểm nào chị thấy bản thân không thể chịu đựng nổi?

Tôi không quá giàu cũng không quá nghèo. Tôi không quá dư giả tiền bạc nhưng cũng không quá thiếu thốn. Hết rồi lại có. Đó là một may mắn khi bản thân không chịu áp lực tiền bạc. Nếu có một số tiền lớn, tôi thường lo cho gia đình hơn là lo cho bản thân. Tôi không bị áp lực phải se xua, trưng diện, mua sắm. Đến giờ tôi vẫn không xài hàng hiệu.

Có những lúc tôi cần số tiền lớn để làm một điều gì đó nhưng tôi không có tư tưởng xin xỏ. Tôi cứ từ từ làm việc và xoay sở. Tôi hãnh diện vì có những khi khó khăn đến tột đỉnh, tôi chưa bao giờ than thở hay xin ai. Tôi luôn tự lực cánh sinh. Mọi thứ cũng đâu vào đó.

Một mình nuôi dạy con, chị muốn con gái Nguyệt Cát sẽ là một cô gái có những đức tính gì trong tương lai?

Tất cả bố mẹ trong cuộc sống luôn có tâm lí, con phải học giỏi, phải thành tài, phải có vị trí cao trong xã hội. Đối với tôi. Tôi nuôi một đứa con, tôi chỉ cần bé ngoan ngoãn, hiểu biết về cuộc sống xã hội, có ý thức và lòng nhân ái. Đó là những điều đầu tiên của tố chất con người. Thành tài là bước sau. Chúng ta đừng đòi hỏi con phải trở thành bác sĩ hay luật sư. Đó là chúng ta đang vô tình đặt áp lực lên người con mình, rất tội cho con. Con tôi nghe lời, có hiếu là thành công. Con tôi chỉ cần sống tử tế với xã hội là tôi đã thành công.

Tôi chứng kiến rất nhiều trường hợp, cha mẹ cứ sợ con mình học dốt, học dở rồi ép con học ngày học đêm, dẫn đến tình trạng con bị stress, sợ hãi, không học được nữa. Cái kết đáng sợ nhất là con áp lực quá mức đến nỗi tự tử. Tôi không biết ở Việt Nam thì sao, còn ở Mỹ tôi đã thấy nhiều tình cảnh con trẻ phải chọn cách tiêu cực đó vì cha mẹ đặt cho các bé một áp lực lớn hơn độ tuổi. Tội nghiệp lắm. Con người có thành tài hay thành công hay không cũng tuỳ thuộc vào phước báu kiếp trước, duyên số đẩy đưa. Ví dụ thế hệ tôi không được học trường tốt, tôi học trường dưới quê nhưng số phận đẩy đưa, tôi lại trở thành một người nghệ sĩ nổi tiếng. Những người học rất bình thường nhưng họ lại trở thành bác sĩ, kĩ sư. Phải nhìn vào thực tế như thế để không đặt gánh nặng lên vai các con.

Nhiều người có điều kiện luôn muốn cho con học trường sang trường tốt. Chính bản thân tôi hiện tại cũng đang chịu áp lực đó. Tôi muốn Nguyệt Cát có những thứ tốt nhất. Tuy nhiên, tôi chỉ đi tìm những môi trường học tập tốt cho bé, tôi hoàn toàn không gieo vào đầu sức nặng. Tôi chỉ con nhìn ra đường và bảo: “Con không học, sau này sẽ giống các cô chú này, phải đứng ngoài đường cầm ca xin tiền. Con muốn sung sướng, ở nhà đẹp đi xe hơi, ra đường ai cũng trọng vọng thì con đường sáng là học”. Tôi nói hai câu đơn giản nhưng không áp bức. Nuôi một đứa con ngoan ngoãn, biết lắng nghe, yêu thương mọi người, không phải thành phần xấu của xã hội là đã mừng rồi.

Bé Nguyệt Cát có thành tích học tập ở Mỹ rất tốt, chị có nghĩ do cách giáo dục này của mình?

Nguyệt Cát có tố chất nghệ sĩ cực lớn. Bé thích sẽ cực kì tập trung, học rất lẹ. Nhưng đã không thích, bé như không biết gì cả, mơ mơ màng màng. Kiểu học của con bé rất nghệ sĩ. Đó cũng là chuyện khiến con bé hay bị cô giáo phàn nàn. Ví dụ khi đang học, Nguyệt Cát sẽ làm một chuyện gì khác hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ, không phải con không biết mà là không thu hút được bé. Từ Mỹ đến Việt Nam, cô giáo nào cũng bảo con bé có tố chất của nghệ sĩ chứ không phải người bình thường. Điều này lại làm cho tôi cực kì lo sợ.

Chị vẫn cho con học trường quốc tế chứ?

Tôi vẫn duy trì việc dạy song ngữ cho con. Nguyệt Cát là người nước ngoài mà. Trường công không dạy tiếng Anh nhiều.

Chị thấy con gái đã hoà nhập với môi trường xung quanh và thày cô bạn bè chưa?

Ngày đầu tiên vào trường, tôi thấy mọi người thích con mình, cho bé làm lớp trưởng trong khi tiếng Việt quá tệ. Tôi bảo: “Trời ơi, con gánh chức lớp trưởng là trọng trách, phải quán xuyến công việc cho cả lớp, con phải làm sao cho được chứ không giỡn chơi nha”. Tôi chọc con bé thế. Tôi hỏi: “Con có biết hết tên các bạn trong lớp chưa?”. Con bé bảo chưa biết tên cũng chưa biết cách tìm hiểu các bạn. Tuy nhiên, tôi hướng dẫn con từ từ từng chút. Con bé làm rất tốt và được quý lắm.

Có bao giờ con gái hỏi về bố không?

Có chứ. Đôi khi con có hỏi một hai lần. Con nít mà, càng lớn càng có sự nhạy bén nên phải hỏi. Câu trả lời lớn nhất về bố của con như thế nào sẽ là câu mà Nguyệt Cát sẽ tự trả lời cho thế hệ sau này.

Có nhiều bức ảnh Nguyệt Cát hơi buồn, chị có nghĩ là do bé thiếu thốn tình cảm của cha?

Không đâu. Con bé giống tôi là có đôi mắt hơi buồn, lông mày hơi xệ. Nhiều lúc, con bé vui sẽ nhìn mặt tươi lắm. Nhiều lúc con bé buồn, chỉ cần cụp mắt xuống cũng thấy mặt buồn vời vợi. Thêm vào đó, con gái tôi thích diễn sâu nữa. Mỗi lần bảo: “Sao con lại buồn?” là y như rằng con bé được dịp diễn sâu với tôi. Mặt cứ xa xầm.

Nghệ sĩ thích con có tố chất hài để nối nghiệp. Riêng chị thì sao?

Tôi không thích. Tôi không muốn con mình bị chín ép. Khi tình yêu nghệ thuật trong người đã có, tự động để nó bộc phát để lớn lên phát triển tốt hơn. Mười đứa con nít bây giờ đều có tố chất hài vì được coi ti vi, được coi chương trình. Nhiều bé còn hay hơn, thông minh hơn, hài hước hơn con nghệ sĩ nhiều. Gia đình thích và đưa con đi theo con đường nghệ thuật làm vô tình khiến tài năng lan toả quá sớm. Đến lớn sẽ không bộc phát được nữa. Hãy để con nuôi tình yêu đó đến lớn để con cảm thấy con yêu thật sẽ bộc phát mạnh mẽ. Chúng ta ép, tự ý đặt con vào trường hợp đó, hoàn cảnh đó khiến con tưởng bản thân đã thành công, bản ngã đi lên, con sẽ không làm được việc gì nữa. Tôi thấy những tài năng nhí khi đã bộc phát, lớn lại không theo nghiệp được nữa. Vì các con đã làm hết rồi, còn gì nữa để làm? Nhiều người cần cơm áo gạo tiền hay danh vọng cho con, tôi thì không.

Cảm ơn Thuý Nga về buổi trò chuyện này!

Lam Khánh (Theo nld.com.vn)