Gần đây, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số sinh hoạt theo không gian (SCOLI) của năm 2023. Đây là thước đo (tính bằng %) phản ánh xu hướng, mức độ biến động giá sinh hoạt của 63 tỉnh thành và 6 vùng kinh tế xã hội theo chu kỳ năm.
Theo đó, SCOLI của Bến Tre thấp nhất cả nước - đạt 85,93%. Giá bình quân các nhóm hàng của Bến Tre so với Thành phố Hà Nội dao động trong khoảng từ 72,02% đến 101,22%. Theo Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm ước tính tăng khoảng 4,96%.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 03 dãy cù lao: An Hóa, Bảo và Minh, do phù sa 04 nhánh sông Cửu Long (Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên) bồi tụ. Tỉnh có diện tích tự nhiên 2.394,8 km2, dân số 1.289,1 nghìn người, mật độ dân số là 538 người/km2; có 09 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách và Thạnh Phú (trong đó có 03 huyện biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú); 157 xã, phường, thị trấn.
Với vị trí địa lý khá thuận lợi, khoảng cách đường bộ từ Bến Tre đến Thành phố Hồ Chí Minh 88 km và từ Bến Tre đến thành phố Cần Thơ 110 km, hệ thống giao thông đường bộ ngày càng hoàn thiện và phân bố đều khắp trong tỉnh; từ khi cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên hoàn thành đưa vào sử dụng, Bến Tre đã phá được thế biệt lập và tạo tuyến đường bộ thông suốt đi Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và các tỉnh, thành trong khu vực. Mặt khác, Bến Tre thuộc khu vực tam giác hệ thống sông Tiền nên thuận lợi về đường thủy, với 04 hệ thống sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết kinh tế tỉnh Bến Tre với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, từ đó tạo điều kiện để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ tiềm năng kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh là kinh tế vườn và kinh tế biển; với khoảng 72.770ha cây dừa, 27.855 ha cây ăn trái, 45.000 ha nuôi thủy sản, 3.845 tàu khai thác thủy sản, với công suất bình quân 346 CV/tàu,… Thời gian qua, Bến Tre rất quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện chuỗi giá trị trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đến nay đã có 5 chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành và phát triển (dừa, bưởi da xanh, chôm chôm, nhãn và tôm biển) và 03 chuỗi đang xây dựng (hoa kiểng, bò và heo). Bến Tre có 02 khu công nghiệp gồm Giao Long (quy mô 170 ha) và An Hiệp (quy mô 72 ha) (thuộc huyện Châu Thành) hiện đã lấp đầy 100% diện tích, hiện đang triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Phú Thuận (quy mô 230 ha, thuộc huyện Bình Đại); 10 cụm công nghiệp ở các huyện, với tổng diện tích 347,3 ha; có 57 làng nghề đã được công nhận. Các thành phần kinh tế được quan tâm thành lập mới và phát triển khá tốt, đến nay toàn tỉnh có 4.903 doanh nghiệp với vốn đăng ký 44.242,063 tỷ đồng; Chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp” được triển khai thực hiện đạt kết quả bước đầu khá quan trọng, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ và phát huy khá tốt,...
Du khách đến Bến Tre ngoài việc tham quan phong cảnh thiên nhiên sông nước miệt vườn và tìm hiểu bản sắc văn hóa địa phương độc đáo, đa dạng còn rất thích thú với loại hình du lịch cộng đồng. Đến đây, du khách có thể cùng người dân đi đặt lộp, bắt cá, làm vườn, trồng lúa, chế biến thức ăn…; hay lênh đênh trên sông nước, tham quan cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng, thủ công mỹ nghệ dừa; thưởng thức trái cây tươi ngon; nghe biểu diễn đờn ca tài tử Nam Bộ... Tất cả sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, không thể nào quên.
Bến Tre có cơ hội và tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái và du lịch văn hóa - lịch sử đang ngày càng thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Hiện tỉnh đang có những định hướng nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” này trở thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh.