- Anh đã từng bao giờ diễn hài chung với các diễn viên miền Bắc chưa?
- Gần đây cũng có. Thật ra chủ yếu là tiếp xúc với các talkshow, diễn hài chung chưa nhiều.
- Anh nghĩ sao về việc Công Lý nhận xét: "Trấn Thành diễn hài cứ luyên tha, luyên thuyên, tập một đằng, diễn một nẻo"?
- Trước tiên, tôi cám ơn anh Công Lý vì đã có lời nhận xét, góp ý với đàn em trên báo chí như vậy. Đó cũng là điều ít thấy vì hiếm có nghệ sĩ nào nhận xét về đồng nghiệp trên báo như thế. Tuy nhiên, nếu đây là lời chia sẻ thật của anh Công Lý, rõ ràng nó hơi nhạy cảm.
Để góp ý với một ai đó, đặc biệt là bạn diễn trước công chúng, theo tôi là không nên. Có thể góp ý cho nhau sau hậu trường, ở bàn nhậu, trên trường quay, ở đâu cũng được nhưng không nên lên báo chí nói nhau. Đấy là chưa kể tới việc, liệu những lời mình nói có đúng hay không? Nếu đúng người ta đồng tình với mình bao nhiêu %? Nếu sai mình có đính chính thì ai sẽ nghe? Nếu tôi có không thích ai trong nghề, tôi cũng sẽ không bao giờ dám góp ý như vậy. Nếu chúng ta thương nhau, muốn tốt cho nhau thì hãy nên gặp trực tiếp người đó mà nói chuyện.
- Vậy cụ thể, anh và diễn viên Công Lý đã đóng với nhau vở hài kịch nào mà anh ấy có nhận xét như thế?
- Chúng tôi có đóng một tiểu phẩm trong chương trình Hỏi xoáy đáp xoay. Trong vở này, tôi vào vai thầy bói, còn anh Công Lý đóng vai người đi xem bói. Như vậy, thầy bói không nói luyên thuyên thì để người đi xem bói nói luyên thuyên à? Nếu anh Công Lý đóng vai thầy bói, tôi sẽ im lặng nghe anh ấy nói. Đó là điều hiển nhiên.
Khi anh Công Lý nói tôi luyên thuyên như thế có nghĩa là anh không hiểu được tính chất của hài miền Nam. Đôi khi diễn viên, đặc biệt là diễn viên hài miền Nam họ hay có những sáng tạo ngoài lề so với lúc tập. Khi lên diễn, cảm xúc thật nên họ thường nảy sinh thêm những cái không có trong kịch bản và người diễn viên có bản lĩnh là người có khả năng nắm bắt được sự sáng tạo của bạn diễn, tung hứng cùng với họ.
Đương nhiên, sự sáng tạo đó sẽ không đi quá xa so với kịch bản. Nếu tôi có diễn luyên thuyên, đi quá xa với kịch bản gốc, tập một đằng, diễn một nẻo, thì tôi nghĩ rằng, đạo diễn đã nhắc nhở, đâu phải đợi bạn diễn phải lên tiếng. Khi đạo diễn chưa cắt nghĩa là mình vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép. Thậm chí nếu quay về, diễn viên có nói nhiều, khi dựng phim, đạo diễn vẫn có quyền cắt nữa. Đó là sự sáng tạo ngẫu hứng của diễn viên và điều đó, theo tôi là rất cần thiết.
Tôi nghĩ rằng, nếu như mình tập thế nào, lên sân khấu diễn như thế đó liệu có phải mình hơi hạn chế sự sáng tạo riêng hay không? Nếu đó một tiểu phẩm quay một lần còn đỡ, nếu đó là một vở kịch diễn hàng đêm mà đêm nào khán giả đi xem cũng thấy diễn viên diễn y như nhau, liệu họ có còn đi nữa không? Vì vậy, diễn viên phải diễn khác nhau, mặc dù cùng với nội dung, cảm xúc, nhưng họ phải có những cử chỉ, điệu bộ, câu nói khác nữa để làm mới chính vai diễn, tác phẩm của mình.
- Diễn viên Công Lý có nói rằng, anh ấy xem hài miền Nam không cười được vì anh ấy không hiểu được tiếng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Hài miền Nam và hài miền Bắc đều có cái hay riêng. Nếu ai đó nói rằng, xem hài miền Nam tôi không cười được vì tôi nghe không hiểu thì có phải là hơi bị cục bộ hay không? Nếu chúng ta nghe không được nghĩa là chúng ta không tập trung nghe chứ tại sao lại không nghe được?
Các diễn viên hài miền Bắc vào Sài Gòn diễn, khán giả miền Nam vẫn nghe được. Lẽ dĩ nhiên là có hơi khó một chút nhưng không có nghĩa là hoàn toàn không nghe được.
- Như vậy theo anh, ngôn ngữ không phải là rào cản cho sự xuất hiện của diễn viên miền Bắc trên sân khấu miền Nam và ngược lại?
- Đúng rồi. Ngay tại sân khấu của chị Hồng Vân (TP.HCM) một thời gian cũng đã có chương trình kịch Bắc tại Sài Gòn. Nếu như tiếng Bắc khó nghe, hài Bắc khó chấp nhận như thế tại sao người Sài Gòn vẫn đi xem. Rõ ràng ngôn ngữ không phải là rào cản. Tại sao vẫn có diễn viên hài miền Nam ra Bắc diễn lại rất hút khán giả. Ai nói nghe không được, cười không được là do họ không muốn nghe, họ không muốn tập trung nghe. Nếu đổ lỗi cho vấn đề ngôn ngữ, thì tại sao người xem hài Nam - Bắc người miền Trung vẫn cười. Hãy thử hỏi người ở chính giữa ấy đi.
- Vậy theo anh, hài miền Nam và hài miền Bắc, cái nào hay hơn?
- Trả lời câu hỏi hài miền Nam hay hơn hay hài miền Bắc hay hơn rất khó. Với mỗi một cá nhân đã có cảm nhận khác nhau. Chưa chắc những người con miền Bắc đã hoàn toàn thích hài miền Bắc và có những người con của miền Nam vẫn thích hài miền Bắc. Đâu đó vẫn bắt gặp người Sài gòn ra Bắc xem kịch và những người Hà Nội vẫn vui vẻ, sung sướng trong một sân khấu miền Nam. Đó là cảm nhận của mỗi người, không có cái nào hay hơn cái nào cả.
Tôi xem hài miền Nam vẫn cười giòn giã mà xem hài miền Bắc thấy vô cùng thú vị. Quan trọng là mình phải xem với tinh thần tôn trọng và học hỏi.
Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng, nếu có nghệ sĩ nào nói rằng hài miền Nam chỉ là tấu hài. Nếu dùng từ đó thì hơi không đúng, thậm chí đó là một câu nói nhạy cảm. Nếu đọc bài báo đó, đa số nghệ sĩ miền Nam sẽ rất khó chịu.
Nếu dùng từ hài miền Nam chỉ là tấu hài, thì họ phải hiểu rõ tấu hài là gì. Tấu hài là chỉ có hai người nói, hoặc một người đứng nói, không cần câu chuyện, cốt chuyện, nội dung, chỉ cần nói những lời thú vị khiến khán giả cười. Còn khi diễn một vở kịch, có nội dung, có tình huống, chỉ có hai người tung hứng, nó vẫn là kịch, tiểu phẩm kịch, chứ không phải là tấu hài.
- Có nghĩa là anh cho rằng, tấu hài ở vị trí thấp hơn so với hài kịch?
- Tôi không nói thế. Đừng có ai nghĩ rằng, tấu hài là rẻ tiền. Bạn hãy thử tưởng bạn có 15 phút để chọc cười khán giả, bạn làm điều gì? Đó là cả một sự thông minh, cả một đầu óc để bạn nghĩ ra những điều thú vị khiến khán giả cười. Những điều đó thậm chí không cần mang một thông điệp gì cả, chỉ để người ta thư giãn, miễn nó không thô tục, phi văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục, thì những nụ cười ấy vẫn có giá trị. Nó có giá trị về mặt làm người ta sảng khoái, bớt căng thẳng trong giờ làm việc. Đó là một thang thuốc cho nhiều người bệnh.
Hiện nay, có rất nhiều khán giả vẫn trung thành với sân khấu tấu hài. Người ta vào sân khấu để được cười trước đã rồi nếu cái thông điệp nó hay, tự động người ta sẽ lắng lại, họ không đến để được người nghệ sĩ dạy khôn.
- Có ý kiến cho rằng, hài miền Nam là nhảm nhí vì nó chẳng có nội dung gì. Anh nghĩ sao?
- Đối với tôi, yếu tố đầu tiên của vở hài kịch là phải gây ra được tiếng cười. Nếu bạn không tạo được tiếng cười trong 50% thời lượng vở kịch coi như bạn đã thất bại. Nếu chúng ta muốn tập trung vào nội dung, chuyển tải thông điệp, muốn nói cái điều gì đó sâu xa, hãy làm một vở chính kịch. Còn hài kịch, mục đích chính là đem lại cho khán giả sự thư giãn.
Ngay cả cái tên chương trình là Thư giãn cuối tuần cũng đã nói lên tiêu chí riêng. Sau cái thư giãn, vở hài kịch có thông điệp, nội dung thì càng tốt, người xem sẽ nhớ mãi. Tôi nói vậy, không có nghĩa là chúng ta chỉ quan tâm tới việc tạo ra tiếng cười mà bỏ quên nội dung. Nhưng nội dung chỉ chiếm 30 - 40% thành công của vở hài kịch, phần còn lại là tiếng cười. Chúng ta không tạo ra được sự hứng thú, tiếng cười, chỉ tập trung vào việc tạo ra sự sâu sắc thì chúng ta diễn kịch cho rồi.
Thị trường có sự phân chia, nếu ai muốn tìm những vở kịch có nội dung sâu sắc, thông điệp sẽ tìm đến chính kịch. Còn ai chỉ muốn có được một tiếng cười sảng khoái tìm đến với hài kịch. Ai muốn xem thể loại nào thì chọn. Thị trường không thể vì bán chai nước mát mà bạn nói nước mát là bổ, nước ngọt là độc. Có người thích uống nước ngọt, có người thích uống nước mát. Nếu cái gì không phù hợp, nó đã bị đào thải. Còn giờ đây, nó vẫn còn tức là nó vẫn có hiệu quả. Chúng ta không nên phiến diện nói hài miền Nam chỉ là tấu hài.
- Vậy theo anh, đâu là sự khác biệt cơ bản giữa hài miền Nam và hài miền Bắc?
- Hài miền Bắc dùng ngôn ngữ nhiều và có nhiều sự liên tưởng. Khi khán giả xem họ phải suy nghĩ và liên tưởng từ cái này sang cái khác. Còn người miền Nam theo tình huống và được nói thẳng toẹt ra. Tuy nhiên, đừng nghĩ họ nói trắng ra là không thâm thúy. Bởi họ muốn tạo sự bất ngờ, xung đột và kèm theo sự thông minh. Nếu không thông minh, không làm cho khán giả bất ngờ thì sự nói thẳng đó là vô nghĩa.
Khán giả đừng nghĩ rằng, hài hay là phải ngồi một lúc, suy nghĩ mới cười được. Nghệ thuật nó có nhiều cách thể hiện, đường dẫn giống như chúng ta đi bộ, xe, tàu, chọn phương tiện nào cũng được, kết quả là tới được địa điểm muốn đến. Với tôi, diễn hài như thế nào cũng được, miễn là có được tiếng cười của khán giả mà không vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục.
- Liệu có khi nào hài hai miền Nam Bắc hòa hợp được với nhau không?
- Một nghệ sĩ nào khéo léo sẽ dung hòa được, lấy sự sâu sắc những nội dung thâm thúy của hài miền Bắc cộng với sự nhanh nhẹn, thông minh, năng động của hài miền Nam thành một thể loại kịch vừa đáp ứng được thẩm mỹ và đáp ứng được mặt giải trí thì đó đúng nghĩa là hài kịch.
- Con đường đi tới những vở hài kịch "hoàn hảo" như thế, theo anh có còn xa?
- Hoàn toàn không xa. Hiện nay nó đã tồn tại. Chẳng hạn như Xuân Hinh, anh ấy có thể đi khắp Việt Nam và chọc cười tất cả mọi người. Nghệ sĩ Xuân Hinh đâu có diễn chầm chậm, anh diễn rất nhanh, giống hài miền Nam và khán giả rất thú vị. Rồi còn có Thành Lộc, Hồng Vân, Hoài Linh...