"Anh Long đề nghị làm liveshow cho tôi nhưng tôi từ chối"
Chào Trinh Trinh, khoảng thời gian gần đây, chị ít hoạt động hơn ở lĩnh vực sân khấu, ít đi diễn hơn. Chị cũng là một cô đào sáng giá, từ khi nào chị hạn chế xuất hiện trên sân khấu và ít chạy show hơn?
Khi tôi lập gia đình với anh Long, tôi đã khẳng định những hoạt động của tôi sẽ giảm 50%, còn lại tôi sẽ dành cho gia đình. Tôi hiểu chồng tôi cần những gì, anh ấy cần người lo cho anh, cần gia đình. Sau những khi làm việc mệt mỏi, chỉ có những người thân trong gia đình lo cho anh. Tự tôi muốn sự ràng buộc đó, quyết định cho cuộc sống của tôi. Nói một lẽ vậy nhưng lúc đó, tôi và anh vẫn hoạt động song song với nhau. Sau này có em bé, mang bầu lại ngưng cả năm. Lúc sinh em bé lại ngưng thêm 1 năm hoạt động nữa, như vậy đã mất 2 năm, không bao lâu tôi lại có em bé nữa. Hầu như tất cả thời gian của tôi dành hết cho gia đình.
Vì tình yêu sân khấu nên những nghệ sĩ khác dù họ có làm gì, vẫn muốn phát triển sự nghiệp. Việc không đi diễn nhiều có khiến chị cảm thấy nhớ hay luyến tiếc ánh hào quang không?
Tôi không phải ngừng hẳn hoạt động, tôi vẫn hoạt động nhưng sàng lọc lại hết tất cả. Nếu tôi cảm thấy vở diễn đó phù hợp, tôi sẽ đón nhận. Hoặc lịch diễn đó phù hợp với thời gian tôi đã định sẵn chưa để tôi từ chối, nếu thích hợp tôi sẽ nhận, tôi không bỏ hết công việc nghệ thuật của tôi.
Những năm gần đây anh Long hoạt động sân khấu và có những liveshow. Có khi nào chị ấp ủ một liveshow cho riêng mình không?
Tôi chưa bao giờ ấp ủ. Có nhiều người thích làm liveshow riêng để họ diễn cho đã những vai diễn họ thích. Năm rồi, anh cũng nói sẽ làm cho tôi liveshow nhưng tôi từ chối, tôi nói với anh việc đó không cần thiết, chưa phải độ chín mùi để làm. Hiện tại, hầu như những nghệ sĩ, ca sĩ trẻ, thậm chí tôi không biết đó là ai cũng tự bỏ tiền làm liveshow. Có những người đã có vị trí trong giới showbiz không nói làm gì nhưng cũng có những người, tôi không biết là ai. Tôi sợ tôi vướng vào như những người đó. Khán giả bây giờ cũng không giống ngày xưa, lâu rồi tôi chưa hoạt động, nếu làm liveshow trở lại không biết có bị phản tác dụng. Thế nên, tôi chưa thể nhất quyết làm. Tôi cũng tính nhưng phải làm gì đó đặc biệt hơn, không phải cứ làm những trích đoạn nhỏ được.
Thứ nhất, về kịch bản, hiện nay khá hạn hẹp, những vai diễn tôi yêu thích lại là những kịch bản tôi muốn nhưng chưa có. Điều đó sẽ ảnh hưởng rất nhiều, đa phần tôi hát Hồ Quảng. Nếu đi diễn xã hội, ca nhạc hay bất cứ điều gì đi nữa cũng phải làm Hồ Quảng. Tôi muốn có những vở đặc biệt hơn, những vở tôi yêu thích, tôi muốn được hát lại những vở Hồ Quảng.
Ngày xưa họ có nguồn viết kịch bản nhưng hiện nay những người viết kịch bản đã vắng bóng nhiều đúng không?
Cũng một phần. Ngày xưa một vở tuồng xem được nhiều, họ sẽ thích thú hơn. Bây giờ, họ lại cắt đoạn, ví dụ vở A, B, C, có đoạn nào hay lại lấy đi diễn trong mỗi vở, điều đó thành sự tạp nhạp, khán giả bị lờn, không còn gì đặc biệt, không còn dấu ấn sâu sắc nữa. Ngày xưa, một nhân vật như Lưu Kim Đính khi nói ra sẽ biết đó là ai, còn bây giờ lại đủ thứ, thậm chí có những người không phải nghệ sĩ cũng có thể diễn được. Một phần cũng do kênh YouTube quá nhiều. Nếu có tiền, có thể bỏ ra làm một sản phẩm ca nhạc không cần biết hay hoặc dở. Thích gì làm nấy, thích hình ảnh đó, thích nhạc đó, mọi người trên thế giới sẽ thấy. Đôi khi tôi cũng ngại phỏng vấn, nhiều khi nói thật lòng quá có thể chạm vào những nỗi lòng, khuất mắt của những bạn khác nhưng đó là sự thật, có những phần từ nào đó đã tự diệt sân khấu.
Chị có thấy việc cải cách cải lương để phù hợp hơn với thời đại, một số người đã biến tấu những giai điệu Hồ Quảng với nhạc trẻ hoặc những đoạn ca cổ cũng bị biến tấu đi nhiều. Thê nhưng, điều đó làm mất đi chất của cải lương, thậm chí có nhiều khán giả xem cũng không nhận ra đó là cải lương nữa, đa phần họ cảm thấy hơi khó chịu?
Nếu nói vậy, có lẽ sẽ một số khán giả không xem bài “Tân cổ giao duyên" ngày trước. Cách đây mười mấy năm về trước cũng có những bài như “Ca dao em và tôi" hay “Gặp nhau làm ngơ" cũng được viết ra thành những bài cải lương. Lồng vào nhưng phải phù hợp. Giai đoạn này chẳng qua là không có bài phù hợp để viết thành một bài ca cổ. Chính vì vậy, khiến khán giả nghe họ bị khó chịu. Tôi cảm giác như nhạc bây giờ tôi không nghe được. Ngày hôm qua, tôi đi taxi, bác tài mở một bài hát tôi không biết, tôi hỏi bác tài bài đó là bài gì, bác tài cũng không biết, bác tài nói đây là một bài gì đó tựa rất lạ: “Em nghe nhiều lần lắm rồi chị, nhưng em không hiểu bài hát nói về gì". Vậy tại sao bác tài mở cho nghe? Mở nghe chơi vậy thôi chứ chẳng biết là gì, cảm nhận của người nghe không còn như xưa nữa.
Bản thân chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống cải lương Hồ Quảng, nói về lớp nghệ sĩ vẫn còn duy trì nhưng về phần viết kịch bản hay dựng tuồng, gia đình chị có ai tiếp nối thế hệ trước hay làm phong phú hơn trong mỗi vở diễn, dàn dựng diễn hay viết tuồng không?
Thật sự, tôi không muốn nói cả dòng họ tôi ai cũng có tài, mỗi người đa dạng, màu sắc khác nhau. Nhiều người nói cả dòng họ tôi gom lại có thể tách ra thành 2 đoàn hát. Có thể, tôi hơi đưa gia đình tôi lên chút nhưng nếu bỏ ra, có thể có những nghệ sĩ sẽ không dám làm như dòng họ tôi. Điều đó khiến tôi tự hào về gia tộc của tôi nhưng cũng có những điều khắc khoải trong lòng từng cá nhân, vì sao không đứng ra làm hoạt động riêng cho tập thể gia tộc. Đó là một dấu chấm hỏi của từng cá nhân mỗi người. Tôi nghĩ dần dần suy nghĩ mỗi người tích tụ lại, gom những ấp ủ của mỗi người. Tôi mong ngày nào đó gia đình tôi sẽ làm sáng điều này.
Chị có nghĩ vì sự ra đi của NSND Thanh Tòng - một người đầu đàn của gia tộc mất đi khiến việc duy trì, phát triển cũng làm giảm đi?
Tiếng nói của cậu rất lớn, cậu sẽ nói hết và cả dòng họ sẽ làm theo cậu. Tôi còn nhớ hồi xưa tôi còn diễn bên Mỹ nhưng vì một cú điện thoại của cậu thôi cũng khiến tôi bỏ về. Về tôi diễn một nhân vật tỳ nữ, đi cầm lọng cho cậu nhưng tôi vẫn làm. Tôi còn nhớ lúc đó khoảng năm 2006-2007, diễn ở nhà hát Thành Phố. Lúc đó tôi có thể từ chối nhưng tôi nghĩ vì cái lợi cho cá nhân mà bỏ dòng họ đang làm chương trình cậu đã ấp ủ để làm, chương trình đó lại do nhà nước kêu làm, tại sao tôi lại không chung tay với mọi người cùng làm. Tôi dẹp cái riêng vì cái chung. Tôi mong trong gia đình, dòng họ tôi sau này, từng suy nghĩ của mỗi người sẽ bỏ hết những cái riêng, làm một chương trình cho tập thể chung.
Chị có nghĩ việc duy trì cải lương cổ hoặc niềm đam mê cải lương của gia đình chị sẽ đặt gánh nặng lên vai chồng chị là anh Long không vì anh Long hiện nay cũng là người đầu đàn trong cải lương?
Nhiệt huyết của anh Long rất lớn, không chỉ riêng trong gia đình, còn vì cái chung của bộ môn cải lương, không riêng gì về tuồng cổ. Hầu như anh nâng đỡ lớp trẻ rất nhiều. Tôi cũng mong mọi người chung tay cùng anh để tạo dựng lại cho cải lương tuồng cổ và cải lương như anh đang làm.
Hiện tại, có những hậu nhân của những đoàn rất nổi tiếng trước đây làm lại vở diễn nhưng chỉ khơi lại phần kí ức nào đó. Những vở diễn đó như khép lại dấu ấn, chỉ để lại cái tên sống mãi đoàn của cha ông để mở ra đoàn của riêng họ, chị nghĩ điều đó có nên không?
Tôi cũng không dám nói sâu hơn nhưng tôi tán thành. Người nghệ sĩ tuổi nghề cảm thấy dài nhưng sắc không còn dài nữa. Họ cảm thấy họ có thể làm được những gì thì làm thôi. Ví dụ bên đoàn của cô Bạch Mai đang làm, nhiều đoàn cũng đang làm. Ngày xưa, đoàn của một gia đình nhưng bây giờ anh Chinh Nhân không còn nữa, còn một mình Bình Tinh, cũng có vài người bên đoàn trong gia đình đó nhưng không đủ tạo nên một đoàn lớn như đoàn Huỳnh Long ngày xưa. Bây giờ, gom lại các bạn trẻ vẫn còn đam mê về hồ quảng, điều đó cũng đáng mừng cho đoàn Huỳnh Long. Tôi tán thành cho việc đó dù biết chỉ có 1, 2 xuất diễn thôi. Chúng tôi không đòi hỏi khán giả lắm nhưng nhìn khách quan hơn lại thương khán giả. Nhiều khi một vở diễn xong, những bình luận nói này nọ làm tinh thần nghệ sĩ bị hụt hẫng.
Tới giai đoạn của chị, có chị, chị Tú Sương hay chị Quế Trân đã rất nổi tiếng nhưng để có thế hệ sau chị có kỳ vọng nhiều không vì trong thời điểm hiện tại, cải lương có nhiều khó khăn, không còn đỉnh cao như thời các chị nữa?
Thật sự bây giờ có nhiều người trong nghề, có khán giả hay những cô chú lớn cũng nói: “Sắp tới hết tụi con là hết rồi”. Nhưng cũng không trách được, thời đại bây giờ chỉ toàn bằng cấp, nói chuyện với nhau bằng bằng cấp chứ không nói với nhau bằng tài nghệ. Nếu bây giờ, tôi có tài nhưng không có trong trường nghệ thuật cũng không nói gì được, đưa bằng đạo diễn hay bằng gì đó ra đối chứng mới nói chuyện được, kể cả giảng dạy cũng vậy. Nếu bạn am hiểu về nghề, bạn mến nghề, bạn yêu mến tài nghệ gì đó, bạn thích thật sự, lúc đó chỉ nói chuyện bằng tâm tình. Để đứng ra thuyết trình giáo lý, vấn đề hay khía cạnh nào đó phải cần bằng cấp nhưng chưa chắc bằng cấp được sâu sắc. Nói về kỳ vọng, tôi cũng không kỳ vọng nhiều, tôi nghĩ có lẽ cũng sắp hết, ngay cả bạn nhìn nhận được huống gì tôi trong nghề lại không nhìn được. Các bạn còn trẻ, ngành báo chí có thể thấy sâu sắc hơn, các bạn quan sát khán giả nữa nên có thể các bạn còn thấy rõ hơn chúng tôi.
Khi chị lui về làm hậu phương cho chồng, dù chị không diễn nhiều nhưng phải lo những việc nhỏ nhặt hơn như chí phí, cân bằng thu chi, vé và những việc lặt vặt khác có gây áp lực cho chị không?
Các chương trình cần bàn bạc về nghệ thuật, anh sẽ bàn với tôi hoặc trong đó sẽ có một nhóm. Anh sẽ hỏi về thị hiếu khán giả, tầm nhìn khán giả thích là gì, khâu kịch bản anh sẽ làm việc với những tác giả khác, anh thường làm việc với cậu tôi là cậu Minh Minh Tâm. Điều hành xong xuôi, về vé Maika sẽ lo cho phần đó. Tôi lo về ăn uống hay bất kỳ những gì có thể. Trong liveshow vừa rồi Maika phụ trách bán vé, lại mới có con nhỏ nên cũng vất vả chút nên những khâu đó tôi sẽ lo. Phương diện giấy tờ Maika sẽ đứng ra để khi ba dặn gì sẽ đi làm đó. Tôi là hậu phương tôi sẽ lo chu đáo về phần ăn uống cho mọi người để có sức khoẻ.
Tập hợp gia đình làm chung công việc như vậy có ưu điểm hay khuyết điểm gì không?
Ưu điểm cũng có, gia đình sẽ có sự tin tưởng nhau. Nhược điểm là bị la hoài (cười). Mỗi lần anh đòi làm chương trình hay liveshow gì cả nhà rầu lắm vì sợ anh la, anh rất nóng tính. Nói tới lại sợ, anh la hoài thôi. Anh rất cầu toàn trong công việc, cứ mỗi liveshow anh hay căng thẳng lắm. nhiều người hỏi sao anh có sức khoẻ vậy nhưng họ không hiểu làm xong anh rã rời, mệt lắm, rất tội anh.
Có bao giờ chị khuyên anh Long nên hạn chế bớt công việc không vì thật ra anh là người quá nổi tiếng, anh có quá nhiều liveshow rồi, làm mãi sức khoẻ cũng bị giảm đi?
Đúng ra liveshow này anh định làm từ năm 2017 rồi, tôi cũng khuyên vì khi đó có công việc này nọ cũng nhiều. Đến 2018 lại thôi, công việc bên nhà nội cũng nhiều, không có thời gian để làm nên đến năm nay quyết định làm. Tôi cũng nghĩ sức khoẻ anh còn làm được, anh cứ làm, còn đóng kép được, cứ đóng. Bây giờ anh trên 50 rồi, sự tái ngộ của anh và chị Huyền cũng không nhiều vì chị Huyền cũng bước qua ngưỡng đó rồi, tôi mong cặp đôi này tiếp tục diễn. Đúng ra anh có mời cậu Hữu Linh nữa nhưng do vấn đề sức khoẻ nên cậu Linh không diễn được. Hầu như ý của anh mong muốn nhiều nghệ sĩ cùng thời với anh quay về hát nhưng mỗi người có một công việc riêng, họ không thể trở về hát chung được.
Câu chuyện tiền vé, lời lỗ có khiến anh chị mệt mỏi nhiều không?
Không đâu, tôi hơi tiếc chút và cũng hay tự an ủi vì đụng show với bên này, bên kia. Tôi hay nói thành công của chúng tôi ở đây khi thời lượng khá dài, diễn đến khuya mới xong nhưng khán giả vẫn ngồi đó xem đến cuối chương trình vẫn không về, họ ở lại chụp hình lưu niệm với chúng tôi, điều đó đã là hạnh phúc rồi. Vấn đề lỗ chúng tôi đã dự định trước rồi, khi làm không tính lời, lúc nào làm cũng tính khoản đó sẽ lỗ như thế nào rồi tính đường chắp vá nó. cũng may anh kinh doanh nhà hàng nên cũng có một phần nào đéo, có lẽ ông tổ đã tính vậy rồi, nếu kinh doanh được nghề tay trái cứ lấy phần đó đắp vào, tôi nghĩ vậy.
"Anh Long là người lãng mạn nhưng không thích tặng hoa cho vợ"
Chị và anh Long chênh lệch khá nhiều tuổi. Trong cách giao tiếp, trò chuyện, sinh hoạt gia đình có bất đồng quan điểm không?
Thật ra anh còn teen hơn tôi nữa, tôi rất nghiêm chỉnh, đâu ra đó. Có lẽ, thằng bé sau giống tôi, có hai đứa con, bản tính một đứa giống cha, một đứa giống mẹ. Tôi nói một là một, hai là hai, đừng thay đổi. Ví dụ anh hứa gì với tôi phải hứa, còn nếu anh quên gì tôi nhắc khéo. Cả hai không chênh lệch gì quá nhiều vì phụ nữ khi có gia đình sẽ có cách sống khác, có con, sự giáo dục cho con lại khác nữa. Tôi nghĩ tôi chững hơn anh nữa. Anh chiều con nhiều, tôi lại không, hai người chỉ bất đồng vậy thôi. Tôi đến với anh từ xưa, tôi thấy cách anh chăm sóc 3 đứa lớn nên tôi biết được phần nào về anh, anh rất thương con. Tôi hay nói anh giống người cha và người mẹ, với người ngoài nghĩ anh thế nào tôi không biết nhưng với gia đình anh rất tốt. Cũng có thể tôi thần tượng anh quá, ngày trước thần tượng trên lĩnh vực sân khấu, bây giờ khi sống chung cảm thấy anh rất bình tĩnh, sau này càng lớn tuổi anh hơi nóng tính vì công việc nhiều quá. Anh cũng biết tính anh nóng vậy nhưng rồi thôi, anh không để bụng. Anh dạy con như thế nào anh sẽ tâm sự với con như hai người bạn. Thường con gái tâm sự với mẹ nhưng mấy con gái của anh đều tâm sự anh hết, anh đón nhận, lắng nghe hết, điều đó rất hay, anh rất tâm lý đối với con trong những lứa tuổi đang trưởng thành. Tôi rất ngưỡng mộ anh vì vấn đề đó.
Những lúc anh Long nóng tính như vậy chị sẽ cư xử thế nào?
Tôi im lặng. Từ xưa đến nay anh nóng tính tôi sẽ không nói gì, cười cười rồi đi thôi. Chỉ như vậy tôi mới có thể chịu được anh. Trong một gia đình với nhau cần như vậy.
Khi chị sinh hai con nhỏ, ngoài chạy show kiếm tiền, việc chăm con anh có đỡ đần cho chị nhiều không?
Anh rất giỏi việc đó, nhiều khi tôi mệt, chăm con cũng có người chăm dùm nhưng tối con sẽ ngủ với ba mẹ, ban ngày thế nào cũng được nhưng tối đến phải đi kiếm mẹ kiếm ba. Gia đình tôi không giống những gia đình khác phải tách riêng con ra vì tôi hiểu được tâm lý của các con, tôi nghĩ tuổi thơ các bé cần có cha mẹ, càng lớn con cái sẽ càng xa dần cha mẹ, vậy tại sao không tận hưởng lúc con còn nhỏ để gần gũi con nhiều hơn. Tuổi chúng tôi càng ngày càng lớn, con cũng lớn, đi học nhiều và ngày càng xa. Ví dụ ngày lễ, anh đi dựng phim xong đến 5 giờ về, anh nói mọi người sửa soạn để đi chơi. Cũng không hẳn chơi gì nhiều, chỉ ngồi ăn rồi về thôi nhưng vẫn có khoảng thời gian dành cho gia đình. Đối với anh là hy sinh thời gian, đối với tôi anh đã bỏ rất nhiều việc thay vì đến nhà hàng hay đến các show diễn…
Anh Long nói tính chị rất dễ chịu và không chấp nhặt tiểu tiết nên hai vợ chồng rất hoà hợp và sống với nhau đến bây giờ có phải do phụ nữ có tính nhún nhường, thêm vào đó chị lấy người từng là thần tượng nên có phần nhường nhịn hơn không?
Không phải, khác hoàn toàn. Thần tượng nhiều khi có những điều không đúng cũng có lúc bộc phát, phản ứng trở lại. Khi đến với nhau vợ chồng tôi từng trao đổi, tâm sự cuộc sống quá khứ và chấp nhận được nên đến với nhau. Lúc đó, tôi chấp nhận được tại sao bây giờ tôi không để như mới ban đầu. Hai vợ chồng tôi nhiều khi cả ngày trời không gặp nhau nhưng cũng hay nhắn tin, hỏi thăm, hẹn hò nhau đi chơi với con…
Trong gia đình, về cách dạy con có vẻ chị sẽ đóng vai nghiêm túc, anh Long chắc không nghiêm túc?
Nghiêm cũng nghiêm dữ lắm, nhưng được cái khi bé bệnh, anh lo cho tôi hết. Nhiều khi cả đêm tôi lo rồi đến sáng tôi mệt quá, nằm cũng nghe bé kêu mẹ tôi nói: “Nói nhỏ nhỏ cho mẹ ngủ nha", còn anh sẽ ngồi chơi với con. Anh ngồi xoa đầu cho tôi, lo lắng chăm sóc cho tôi. Bản thân tôi cũng biết chồng tôi nếu có bệnh tôi chăm sóc, vậy đã đủ rồi, không cần quà cáp cao sang gì, cũng chưa bao giờ tôi đòi hỏi những cái đó.
Các anh em trong gia đình, Peter, Andy và những chị gái lớn anh chị kết nối thế nào?
Chúng tôi để mọi thứ tự nhiên, bình thường. Gặp mẹ của các chị vẫn khoanh tay chào mẹ bình thường, tôi phải dạy cho con tôi vì chúng nó không biết gì cả. Những chuyện kia đã là quá khứ, tôi phải làm sao để chồng tôi vui, các bé lớn cũng vui, hai đứa con tôi cũng phải hiểu và yêu thương cả 3 chị lớn. Chuyện quá khứ do người lớn sai, không phải trẻ con.
Chị có giữ cách ứng xử hay kết nối nào với con riêng của chồng không?
Từ đó đến giờ tôi quan niệm tôi thương các con, các con sẽ thương lại tôi, không có gì cả. Tận bây giờ tôi vẫn vậy, bây giờ mỗi bé có một cách suy nghĩ khác nhau, có hướng làm việc khác nhau, vả lại Maika bây giờ cũng có gia đình rồi, tôi nên tôn trọng mái ấm gia đình riêng, không thể lúc nào cũng như xưa được vì Maika còn phải chăm sóc cho chồng, cho con. Maika bây giờ giống tôi ngày xưa, cũng phải lo cho mái ấm nhỏ của mình dù ở chung nhà. vẫn ăn uống bình thường với nhau, trò chuyện với nhau, lâu lâu vẫn đi ăn chung với nhau vì Maika còn việc ở nhà hàng nữa. Sunny, Susu vẫn đến chơi, thường đi du lịch anh lúc nào cũng để những đứa trẻ đi cùng tôi.
Sống với anh Long nhiều năm, ấn tượng của chị với anh Long từ ngày đầu đến giờ có gì thay đổi không?
Có chứ, bây giờ dữ hơn, khó hơn (cười).
Có điều gì khiến chị hài lòng hơn trước và điều gì vẫn chưa thoả mãn?
Tôi hài lòng vì tôi đã cho anh 2 đứa con, đó là kết tụ tình yêu giữa hai người. Còn thoả mãn, phụ nữ biết bao giờ mới thoả mãn được? (cười). Tôi tự hài lòng với những gì tôi đang có là được. Nhiều người hay hỏi tại sao ai cũng nói câu đó nhưng thật chất câu đó rất hay, phải tự hài lòng với những gì mình đang có, đừng nên đòi hỏi quá.
Chị và anh Long sống chung đã lâu, còn có chung 2 đứa con nên mọi người đinh ninh chị sẽ tổ chức hôn lễ, bản thân chị khi nghe những suy nghĩ đó của mọi người chị nghĩ thế nào vì họ cũng muốn tốt cho chị?
Thật sự, chúng tôi đã có lễ gia đình nhưng không công khai với mọi người, không phải lúc nào cũng phô trương, công khai bất cứ chuyện gì cho mọi người biết hết được.
Đó có phải lý do chị không dùng mạng xã hội?
Tôi ít dùng mạng xã hội lắm, sau này khi tôi vào sân khấu kịch IDECAF, mọi người nói tôi phải dùng để tạo nhóm trao đổi với nhau, ai muốn làm gì làm, tôi đưa máy rồi mọi người làm cho tôi. Bản thân tôi cũng không biết mật khẩu nữa (cười). Tôi cũng không đăng hình gì trên đó cả, tôi hay nói với anh thời đại bây giờ cái gì cũng trên đó nên tôi ít khi xuất hiện lắm. Lỡ có không nói gì trên mạng, người ta sẽ nói tôi phách lối, nếu lỡ nói gì đó họ cũng nói sao vô duyên vậy…Ở nhà mặt mộc không làm gì nhưng trong đầu họ nghĩ nghệ sĩ lúc nào cũng phải son phấn. Nên nhớ nghệ sĩ cũng là người bình thường, không lẽ ở nhà lúc nào cũng phải son phấn, diện đầm đẹp. Hôm nay tôi đi phỏng vấn gặp các bạn nhưng cũng vừa phải thôi, không phải cứ lồng lộn lên, khi nào đi diễn tôi mới mặc đồ đúng như công việc của mình. Khi chở con đi học cũng không thể làm đẹp quá được, tôi cũng là một người mẹ, cũng phải chăm lo cho con đi học,không thể lúc nào sáng sớm cũng ngồi make up, mặc đẹp lộng lẫy trong khi con cái không ra gì. Tôi không phải kiểu người như vậy. Tôi rất bình thường, có sao sống vậy.
Quan điểm dạy con của chị và anh Long có khác nhiều không vì chị là kiểu một là một, hai là hai, còn anh Long hơi vui vẻ, hài hước. Lúc trước anh cũng chia sẻ không cần con học giỏi, học cao?
Tôi và anh đồng quan điểm không cần học giỏi quá vì như vậy con sẽ bị áp lực. Tôi nghe nhiều câu chuyện, nhiều phụ huynh làm áp lực đó cho con lắm. Con tôi mới vào lớp 1 thôi, nhiều người hay ép con phải thế này thế kia nhưng tôi cho con đi học thể thao, cho bé xả stress. Về Tiếng Anh tôi bắt buộc cho con học, bây giờ bé như tờ giấy trắng nên sẽ dễ học hơn. Nhiều người nói tôi tại sao 4, 5 tuổi không cho học, lúc đó con tôi xem TV, bé sẽ biết và am hiểu được. Bây giờ nếu bé không biết chữ Việt làm sao học tiếng Anh, như vậy học vẹt làm sao được. Tôi có một người bạn làm thầy giáo, bạn ấy nói: “Trinh nhớ sau này nếu cho con học tiếng Anh phải cho học tiếng Việt trước". Tôi có đi song song với con tôi tuy tôi học không giỏi, thật sự tiếng Anh tôi cũng không biết gì, bây giờ tôi đang học với con. Tôi không ngại, không mắc cỡ gì cả. Ngày xưa hay nghe người khác nói học cùng con, bây giờ tôi mới thấm, con học gì tôi phải học đó, tôi phải học toán lại từ đầu để kiểm tra bài cho con, cũng không khắt khe lắm. Nếu quá lắm tôi mới la con vì Andy ham chơi lắm, bé rất mê chơi. Ba hay dụ mua đồ chơi này nọ, nhiều khi đi Hà Nội về xách theo một thùng đồ chơi, tôi cất hết, khi nào được khen thưởng cái gì tôi lấy một món ra thôi. Những món đồ chơi nào bé không chơi nữa tôi dẹp sang một thùng riêng để cho những bé không có đồ chơi. Tôi cũng chở con đi những viện cô nhi để bé thấy được những đứa bé thiệt thòi hơn.
Hai con của chị cách nhau 3 năm, ở tuổi này các bé cũng hơi bướng và tính cách của hai bé cũng trái ngược nhau, chị có cách nào dạy con để dung hoà không vì còn bé, hai anh em sẽ thương nhau nhưng vẫn có sự tị nạnh?
Hai bé khôn lắm, tôi với anh Long hay dụ hoài: “Con thương ba nhất hay thương mẹ nhất?”, bé đáp thương ba mẹ nhất, không ai nhất hết. Nhà tôi lúc nào cũng có bài hát truyền thống của nhà: “Yêu nhất trên đời chỉ có Andy thôi, vì Andy thương ba, vì Andy thương mẹ, Andy là con ngoan của ba", đến khi thấy mẹ Andy đổi lại hát: “...Vì Andy là con ngoan của mẹ". Đến Peter ra đời lại hát: “Yêu nhất trên đời chỉ có Peter thôi….” (cười). Đến lúc phạt, phạt anh hay phạt em cũng bắt hai anh em ôm nhau xin lỗi. Hai anh em hôn nhau đủ chỗ trên mặt, mắt, mũi, má, lông mày… Chới với nhau em suốt ngày đè anh ra hôn hoài thôi, Peter thương anh lắm, bé rất tình cảm. Ví dụ tôi đem bịch kẹo về, Peter sẽ xin cho Andy có một cục nữa. Hôm qua, ba Long dắt các con đi mua đồ, được 1 xu để bỏ vào thùng lấy món quà rồi Peter chạy lại cho anh món quà đó, sau đó mới xin thêm 1 xu để cho mình nhưng nếu không có thì thôi, bé nhường cho anh món quà luôn. Tối tôi nằm kể chuyện cho con nghe trước khi ngủ… tôi cảm thấy tôi vui lắm.
Chị có muốn sinh thêm con gái không?
Để anh Long tính. Tôi muốn nhưng anh Long ngán lắm rồi vì tuổi cũng lớn.
Sống chung khoảng thời gian dài chị có cảm nhận anh Long là tuýp người lãng mạn không?
Anh rất lãng mạn, lãng mạn từng cung bậc khác nhau như mới yêu cách lãng mạn khác. Nhiều phụ nữ hay nói: “Sao anh không như ngày xưa?”, còn tôi không đòi hỏi vậy vì phải đón nhận tất cả, phải hiểu được, huống gì anh là nghệ sĩ, người ta hay nói nghệ sĩ lãng mạn lắm. Có thể vì công việc nên đôi khi anh sẽ không nhớ, đôi khi tôi lãng mạn hơn anh, lãng mạn ngược trở lại vì tôi hiểu anh cần sự lo lắng nhiều hơn. Đặc biệt anh không thích hoa, đôi khi tôi nói tôi tặng hoa cho anh, anh từ chối vội: “No, no, mình không thích hoa nha". Tôi thích mua hoa về trưng, sắp xếp, trang trí nhà. Gần tới Noel tôi sẽ trang trí, năm nay phong cách khác, năm tới phong cách khác. Tôi biết năm nay chuộng màu gì tôi sẽ dùng màu đó, không phải xong rồi tôi bỏ, tôi sẽ cất lại vì tôi thấy có sự thay đổi cứ luân phiên, vòng tới, vòng lui, vòng xoay chỉ có nhiêu đó thôi, nếu vứt sẽ rất phí. Trang trí xong tôi cất lại vào thùng, mai mốt lấy ra trang trí tiếp. Tết cũng vậy, năm nay trang trí kiểu khác, năm tới trang trí kiểu khác. Bây giờ, trong đầu tôi chỉ có suy nghĩ sắp tới Noel sẽ trang trí kiểu gì thôi (cười).
Cảm ơn Trinh Trinh về buổi trò chuyện này!