SAO » Chuyện làng sao

Tự Long: "Làm cha khó lắm"

Thứ ba, 07/06/2011 08:19

Hẹn gặp Tự Long không khó, vì anh vốn nhiệt tình với bạn bè và báo chí.

Nhưng muốn anh trải lòng những câu chuyện liên quan đến gia đình, đặc biệt là cậu con trai có nickname Teppi thì anh chàng diễn viên hài gốc Bắc Ninh có vẻ “lừng khừng”.

Tôi trêu anh: “Bắt chước” bạn thân Xuân Bắc, không muốn vợ con lên truyền thông hả?”. Tự Long cười rồi giãi bày: “Không, anh chỉ thích nói những chuyện liên quan đến nghề hơn. Nhưng thôi, đừng có mà khiêu khích nhé. Nào, thì hỏi đi...”.

Nghệ sĩ hài Minh Vượng khen anh hết lời. Theo chị ấy, anh là đồng nghiệp sống cực kỳ tình cảm và chu đáo. Tôi đang thắc mắc “ông bố Tự Long” ở nhà thì sao?

- Ô hay, thế chẳng nhẽ lại... không tình cảm? (cười). Nhưng bạn biết rồi đấy, công việc của người nghệ sĩ không được “lập trình” như một cán bộ văn phòng. Có những khi cả tháng vợ chồng, bố con không gặp mặt vì tôi phải đi diễn cùng đoàn ở ngoài đảo xa chẳng hạn, hoặc có khi do tập chương trình, tôi đi từ sáng, đêm về thì con đã ngủ, vợ cũng có khi chỉ kịp hỏi: “Anh ăn gì chưa? Thức ăn em đậy ở bàn...”, rồi ngủ tít.

Vì thế, lúc rảnh, tôi dành phần lớn thời gian cho gia đình, đặc biệt là cậu con trai. Được cái, cu cậu quấn bố lắm. Thích bố đón học về, thích được bố đưa đi Bờ Hồ chơi, đi cắt tóc... nói chung, cứ đưa nó đi chơi là nó khoái. Thi thoảng, hai bố con “trốn nhà” đi chơi và ăn cơm ngoài quán, tới khuya mới về...

Hẳn anh rất chiều con?

- Đương nhiên rồi. Nhưng cũng dễ hiểu thôi, bởi tôi và Trang (tên vợ diễn viên Tự Long - PV) cưới nhau ba năm mới có Teppi nên cậu bé là trung tâm chú ý của cả nhà. Khi cháu còn nhỏ, tôi nựng con, làm tất cả những công việc của người phụ nữ với con, trừ cho bú.

Đến bây giờ khi cháu đã bốn tuổi, nhìn lại tôi thấy chưa bao giờ tôi đánh hay quát mắng thằng bé. Mỗi khi cu cậu không nghe lời thì tôi tỏ vẻ buồn bã, bỏ đi chỗ khác. Tôi nghĩ làm cha thật khó; với trẻ con, không chỉ người mẹ mà người cha cũng cần sự dịu dàng, không nên nổi nóng vô cớ để làm tổn thương đến tâm lý trẻ.

Con trai có tính cách nào giống anh hồi còn nhỏ?

- Teppi hiền và hơi nhát hơn tôi hồi nhỏ. Sở thích của cháu là đi giày, dép trái. Có bắt cu cậu đi lại cho đúng thì chỉ được một lúc rồi lại đi trái. Thi thoảng, cháu lại đi nhầm dép của bạn về nhà. Bây giờ, cháu đang tuổi bắt chước, hay hỏi đủ thứ mà chưa nhận biết được câu trả lời của người lớn đúng hay chưa. Bố đi làm về có thói quen ném tất, ném giày, cháu cũng bắt chước làm theo. Mẹ vợ tôi góp ý tôi không được làm như vậy nữa.

Tình huống “hoảng” nhất của con mà anh từng đối diện?

- Trộm vía, Teppi từ bé đến giờ không hay ốm. Nhưng có một lần, hồi hơn một tuổi, cháu bị sốt siêu vi nhưng mẹ chủ quan không đưa đi khám mà lại cho uống thuốc theo đơn cũ nên càng uống càng nặng, đến khi bị nặng quá, cháu đã co giật. Hôm đó tôi ở nhà, thấy con khác lạ nên bế thốc vào viện. Tôi mang con đi chụp phim, rồi thử máu. Chỉ có một mình giữ con nên lúc thử máu, cháu giãy làm máu chảy cả ra sàn nhà... Lần đầu tiên tôi khóc vì thương con. Vợ tôi vào viện trễ vì bị lạc trong viện, mãi đến khi hai bố con làm xong nhiều thủ tục, mẹ mới ở bên cạnh.

Trong cách dạy con, anh có “uốn nắn” để con trai càng lớn càng mạnh mẽ?

- Không. Nếu nó giống tôi thì đương nhiên phải mạnh mẽ rồi! Khi cháu còn nhỏ, mẹ đưa đi xem bố diễn, Teppi hay khóc vì bố toàn đóng vai quái vật. Bây giờ, khi nhận biết nhiều hơn, cháu không còn nhút nhát nữa. Ở nhà vẫn bắt chước bố múa võ, đóng vai các Táo mà bố đã đóng, thích chơi với siêu nhân...

Anh và vợ, ai chăm đưa đón con đi học?

- Người đón con nhiều nhất là bà ngoại, vì mẹ Teppi đợt này bận học tiếng Anh, bận công việc cơ quan.

Hành động nào của con trai khiến anh “buồn cười” nhất?

- Đó là việc cháu hay đi nhầm dép của các bạn cùng lớp về nhà, là việc Teppi thích ngủ nướng mỗi sáng. Đã được người lớn đánh thức, bế từ giường ra nhà vệ sinh nhưng còn chán chê cháu mới tỉnh. Đó cũng là việc cháu phát âm không chuẩn, ví dụ màu xanh thì nói thành “màu phanh”...

Vợ chồng anh có nhà riêng, sao anh lại thích ở rể nhiều năm qua?

- Tôi xây nhà riêng ở Cầu Diễn lâu rồi. Nhưng nhà bà ngoại thuộc khu trung tâm thành phố, điều kiện cho con cái học hành thuận tiện hơn, sinh hoạt tiện hơn. Bọn tôi mà ở riêng có khi bây giờ bao thứ xảy ra rồi, lằng nhằng nữa.

Anh ở rể, vậy chắc hay phải nhường vợ mỗi khi “xung đột” xảy ra?

- Không, dù sinh hoạt chung một nhà, nhưng phòng ngủ vợ chồng tôi có lối đi riêng. Thành ra giả dụ vợ chồng có giận nhau, vẫn thể hiện trên khuôn mặt hay hành động được... (cười).

Nhưng phải thú thật rằng, mẹ vợ chăm tôi có khi hơn cả vợ. Bà hay quan tâm đến những chi tiết rất nhỏ. Ví dụ, cuối tuần nếu cả nhà đổi món bằng bún, miến, phở chẳng hạn, biết tôi không thích mấy món đó, bao giờ bà cũng nấu cơm riêng cho tôi.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

PNO
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới