Cát-sê không nói lên giá trị của nghệ sĩ
- Hãy kể về tuổi thơ phải sống xa bố mẹ đi?
- Tuổi thơ của tôi trải đầy ký ức đẹp. Ngồi trong lớp không tập trung học hành như các bạn mà cứ như ở một cõi riêng toàn âm nhạc. Những bài hát cứ vang trong đầu mà toán, văn để ở ngoài hết... Có những năm tháng sa sút về học tập. Đi hát nhiều, ảnh hưởng việc học, bị thầy cô phê bình, gia đình phiền lòng tưởng chừng như phải ngừng lại. Nhưng chính điều đó đã xác định cho tôi con đường riêng: thi vào nhạc viện.
Ông trẻ Trần Hoàn gặp tôi lúc bé, từng nghe thử giọng và bảo: “Nếu theo nghệ thuật thì không đủ sức khỏe, cháu mỏng manh, yếu ớt thế này mà hát thì cần sức lực. Đường dài cháu không bao giờ quyết tâm được đâu, theo nghề khác đi”. Đó là lời chê nhưng trở thành động lực để tôi quyết tâm theo đuổi con đường mình chọn.
- Với anh, âm nhạc là lựa chọn duy nhất?
- Bất cứ người làm nghệ thuật nào sinh ra cũng phải khác thường. Sự khác thường đó nằm trong nhận định, nhân sinh quan. Nếu không có khả năng từ bé, mà lớn mới học nhạc thì không thể trở thành nghệ sĩ được. Theo tôi, nghệ sĩ cần tới 60% năng khiếu, 35% rèn luyện và 5% may mắn.
- Tùng Dương cũng khác thường đấy?
- Khác thường ở đây không có nghĩa là ra ngoài đường làm trò điên rồ, gây sốc hay gây “scandal” mà khác thường ở trong suy nghĩ, góc độ cảm nhận. Đó là bạn phải có nhãn quan riêng, sự lựa chọn riêng và cần quyết liệt. Sự khác thường chính là quyết liệt. Một người hát phải phấn đấu trở thành nghệ sĩ sáng tạo chứ không chỉ là ca sĩ.
- Tại sao anh không bình thường để có được nhiều thứ hơn khi phải buộc mình khác thường?
- Sự khác lạ tôi muốn nói là nằm trong ý tưởng nghệ thuật chứ không phải cách nhìn nhận cuộc sống. Với tôi, sản phẩm ẩn chứa thông điệp chứ không mang tính giải trí đơn thuần. Vì thế mà tôi có một dòng riêng và một đối tượng khán giả riêng. Nhiều đối tượng chỉ coi trọng người nhiều tiền chứ không coi trọng người tài. Nhưng có tiền không phải có tất cả, nó chỉ là một động lực nào đó chứ không phải là động lực quan trọng nhất. Cát-sê không nói lên giá trị của nghệ sĩ. Nếu cát-sê của anh cao hơn không có nghĩa chất lượng của anh hơn tôi đâu nhé!
- Nhưng làm nghệ thuật thì cũng cần phải có tiền?
- Đôi khi thiếu thốn mới là đáng quý, là khát vọng để người ta vươn lên. Dư thừa vật chất và tinh thần sẽ gây ra hậu quả mà bạn phải trả giá. Cuộc sống thiếu thốn sẽ mang lại cho người ta khát vọng. Con người thì nên khuyết một cái gì đó.
Sợ nhất là trở thành “nạn nhân của thời trang”
- Nhưng có người từng nói làm nghệ thuật không giàu được là kém. Anh có suy nghĩ như vậy không?
- Đó chỉ là một suy nghĩ chủ quan. Nghệ thuật là sự hy sinh, thậm chí phải đánh đổi. Đánh đổi ở đây không phải là lùi một bước để tiến ba bước mà phải tính tới còn đi đường dài. Nhiều 'ngôi sao' nổi tiếng tưởng như có cả thế giới trong tay, nhưng họ bị cám dỗ, đánh đổi và chẳng còn lại gì cả.
- Anh có từng bị cám dỗ?
- Nói rằng thoát khỏi cám dỗ nghĩa là nói dối. Cái gì ta sợ nhất thì đó là cái nên đối mặt với nó. Ví dụ như những tin đồn, tôi bỏ ngoài tai. Cám dỗ ở mức độ nào, nó là quả ngọt, có cám dỗ là trái đắng. Một khát vọng làm nghệ thuật, trở thành một nghệ sĩ đương đại và một nỗ lực không ngừng để đạt được điều đó cũng là một cám dỗ ngọt ngào đấy chứ.
- Thế còn quả đắng?
- Đó là khi mình muốn thứ không phải của mình. Nếu cố dấn thân vào, chắc chắn sẽ phải trả giá. May mà có những cái tôi chưa dấn sâu quá. Thời trang chẳng hạn. Nó là một ma lực, ngang với đốt tiền vào heroin. Ghiền thời trang cũng là một loại bệnh mà người ta gọi là “fashion victim” (có thể hiểu là: nạn nhân của thời trang – NV). Tôi không muốn biến mình thành nạn nhân của hàng hiệu, đi đâu cũng phải phụ thuộc vào hàng hiệu.
- Không phải anh cũng là nạn nhân đấy chứ?
- May là đã đủ tỉnh táo để vượt qua. Tôi sợ nhất là trở thành nạn nhân của thời trang. Nghệ sĩ guitar lừng danh Nguyên Lê tặng tôi album và viết rằng: Tôi cũng hâm mộ bạn lắm, “fashion victim” ạ.
- Còn những cám dỗ trong âm nhạc?
- Chẳng hạn, nếu hát không kén người nghe hay có một hình ảnh gần gũi thì chắc chắc sẽ kiếm tiền được nhiều hơn.
Ai cũng thuộc giới tính thứ tư…
- Một chút về cuộc sống, dường như anh quan niệm, nghệ thuật là tất cả, những điều khác chỉ là thứ yếu?
- Nói như vậy thì quá cực đoan. Nghệ thuật là số 1, nhưng không phải vì thế mà ngoài nó ra không biết gì cả. Chị Thanh Lam từng nói rằng: Chị chơi với em vì em có giọng hát hay. Đó là lời góp ý, hát không phải là tất cả để tôi thấy đừng quá tự tin đến mức nghệ thuật chi phối mình tất cả mà nên biết những thứ ngoài nghệ thuật.
Tôi mới học lái xe. Một việc tưởng chừng như rất khó khăn với tôi rốt cuộc cũng hoàn thành, hay trau dồi Anh ngữ để hoàn thiện mình hơn, thậm chí nấu ăn... Nếu chỉ biết một cái gì đó nông cạn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Tôi quan tâm tới nghệ thuật đương đại và chọn cho mình những thần tượng trên thế giới để học hỏi. Đi lưu diễn, thay vì đi mua sắm thì tôi đi thăm các bảo tàng và xem đó như là thú vui để mình hoàn thiện kiến thức.
- Anh nghĩ gì về một bài rap: Bao giờ xăng thôi lên giá thì Tùng Dương thôi đanh đá?
- Xăng liên tục tăng giá, cát-sê của ca sĩ cũng lên vùn vụt thế này, thì Tùng Dương sao hết đanh đá nhỉ? Đùa vậy thôi, tôi không thích bài hát đó, vì đó không phải là tôi. Tôi không chua ngoa, đanh đá vì nếu chiểu theo nghĩa đen của từ đanh đá chua ngoa thì nhiều người còn hơn tôi nhiều. Đừng đánh đồng. Có chăng chỉ là bảo vệ quan điểm của mình trong nghệ thuật. Nếu so về độ đanh đá thì chắc chắn thua cây bút nổi tiếng Lê Thị Liên Hoan?
- Sau mối tình với một nữ thi sĩ, hình như Tùng Dương vẫn “khuyết” một nửa?
- Lúc có lúc không, nó vô thường quá, nó như tương lai của mỗi người tưởng chừng như nắm bắt nhưng lại tuột mất, đến rồi đi... Đời nghệ sĩ như những chuyến đi nên tôi lấy tên live show đầu tiên sắp diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 12/ 2011 tới là "Những chuyến đi".
- Nói đi nói lại một hồi, anh vẫn quay về với âm nhạc và bản thân. Anh thuộc... giới tính thứ tư thì phải?
- Tôi chưa bao giờ nghe nói về giới tính này...
- Là những người chỉ yêu bản thân mình thôi...
- Yêu bản thân mình ư? Ai cũng phải học cách yêu bản thân mình. Ai cũng thuộc giới tính thứ tư đó cả, nhưng quan trọng là biết điểm dừng để đừng quá ích kỷ mà thôi. Tôi thuộc týp người thích cuộc sống có lý tưởng, vừa thực tế nhưng không quá thực dụng. Tôi thích cuộc sống ảo ảnh. Ảo ảnh ở đây nghĩa là không đến mức chân không chạm đất. Trên sân khấu, tôi thích cái ảo ảnh đó. Những điều chưa nắm bắt được cũng chính là những ảo ảnh. Cuộc sống của nghệ sĩ là vậy, đôi khi chống chếnh, không cân bằng được đâu.
- Vì sao nổi danh 7 năm kể từ Sao Mai – Điểm hẹn, 4 lần giành giải Cống hiến, đến giờ anh mới tổ chức live show đầu tiên?
- Tôi không quá vội vàng mà chỉ biết đây là thời điểm cần thiết. Tôi cũng hiểu rõ khán giả của mình nên làm ở Nhà hát Lớn Hà Nội chứ không phải mấy đêm liền ở sân vận động. Đạo diễn sẽ hợp tác với tôi trong live show lần này là Việt Tú – một người cần “điên”, cần “khùng” thì cũng “điên”, “khùng” được.
- Cả hai cùng... “điên”?
- Không! Cùng kìm lại cái “điên” của nhau. “Điên” sẵn rồi không phải “điên” nữa. “Điên” cũng phải có định dạng, tinh tế trong thời điểm này. “Điên” không phải là làm điều gì khác người, hay dị hợm.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!