Mẹ là giáo viên dạy văn nên Linh được thừa hưởng một tình yêu văn chương lớn, một tâm hồn lãng mạn đến độ nhiều khi hơi "phi thực tế" - như chính quán quân Vietnam Idol thú nhận.
- Đầu tiên, chị có thể giới thiệu sơ qua về bố mẹ của chị?
- Bố mẹ tôi là công chức nhà nước điển hình, gia đình bình thường, 2 con gái, cũng muốn có thêm "thằng cu" nhưng chắc bố mẹ tôi sợ bị phạt (Cười rất to). Bố tôi yêu âm nhạc, mẹ yêu văn chương, cả 2 đều yêu chiều cô con gái út hơn (Cười) và khổ tâm về cô con gái đầu. Bố tôi viết chữ rất rất đẹp, sau này chắc chắn sẽ nhờ bố viết hộ thiệp cưới, còn mẹ thì xếp quần áo siêu nhanh và không thiếu cái gì, rất chu đáo và nhớ dai, tôi sẽ nhờ mẹ lên danh sách khách mời mà không sợ thiếu ai (Cười to).
- Trong hai người, chị chịu ảnh hưởng của ai nhiều hơn và vì sao? - Tôi chịu ảnh hưởng của cả 2 bố mẹ bởi bố nghiêm khắc từ việc ăn cơm không được vừa nhai vừa xem tivi, không được khua chén bát, múc canh xong phải úp thìa xuống... Còn mẹ thì kỹ tính, ngày lau nhà 2 lần và rửa chén bát xong luôn luôn rửa cả cái bếp nữa thành ra bây giờ tôi khá kỹ và khó tính, nhiều lúc thấy khổ thân em gái nhỏ quá! (Cười) - Điều chị thừa hưởng nhiều nhất ở bố mẹ là gì? - Tôi nghĩ điều tốt đẹp nhất mà tôi thừa hưởng từ người cha của mình đó là yêu thích sự tự do tự tại, không coi trọng hư danh, cộng với bản tính của bản thân thành ra nhiều khi hơi mơ mộng nên phải nhờ có mẹ. Tôi vẫn luôn ý thức rằng sự tự do phải đặt trong khuôn khổ, sống có lý tưởng không có nghĩa là vĩ cuồng và điên rồ làm ảnh hưởng đến người xung quanh. - Còn điều gì khác nữa mà chị muốn chia sẻ về bố mẹ của mình, không chỉ là chuyện tính cách, có thể là thú vui hoặc những câu chuyện vui, chẳng hạn vậy? - Ngày còn nhỏ, tôi rất thắc mắc về việc bố là một người rất ít nói và hầu như không bao giờ cho mèo ăn hay chơi với mèo, thế mà chiều nào cũng đúng boong 4g30 y như rằng con mèo đã ngồi đầu ngõ đợi bố đi làm về. Lúc ăn cơm, nó cũng chỉ ngồi cạnh bố và cách rất xa mẹ tôi (Cười). Đến bây giờ lớn, tôi nghĩ, có lẽ sẵn bên trong con người bố tôi đã có niềm yêu thích thiên nhiên và động vật rất lớn và cách thể hiện lòng yêu mến đó cũng rất khác. Như mọi người biết đấy, người yêu động vật là người rất tình cảm và rất yêu trẻ con, cho dù là tình cảm và cách yêu chiều có được thể hiện ra ngoài như thế nào đi nữa. Có lẽ vì giống bố nên tôi cũng rất yêu chó mèo (Cười).
- Bố mẹ chị đều là giáo viên, sống có kỉ luật và sự nghiêm khắc của ngành công an và sư phạm, có bao giờ đó là một sự áp lực và khó chịu cho chị? - Cả khu gia đình của tôi ngày trước ở Thủ Đức hầu hết đều là giáo viên và công an, sống giữa môi trường đó, đứa trẻ nào cũng như mình nên tôi chưa nhận ra được sự khác biệt. Đến tuổi bắt đầu có những khái niệm, thì may mắn là bố mẹ đã cho phép tôi được phát triển một cách thoải mái nhất, không có áp lực nào là quá lớn. Nhưng không có áp lực thì không phát triển toàn diện được nên tôi thỉnh thoảng cũng bị ăn đòn vì "thoải mái" quá. Tôi nghĩ nghề nhà giáo với những phạm trù nghiêm khắc cũng có giá trị riêng. Tôi yêu bố mẹ không chỉ là qua sự chăm sóc dạy dỗ hàng ngày, mà còn là yêu và kính trọng khi vô tình đọc những trang giáo án cho học trò và những cánh thiệp được cất ngăn nắp ở hộc tủ nữa. - Vậy những ngày lễ tết hẳn nhiên luôn là một dịp đặc biệt đối với gia đình chị? - Cứ dịp 20.11 và mùng 3 tết (mùng 1 tết cha mùng 3 tết thầy), sân nhà tôi luôn kín xe của học trò đến thăm bố mẹ. Tôi nhớ là tôi hay loanh quanh phía sau cánh tủ giả vờ làm gì đấy nhưng thực ra là để nghe lén mấy anh chị học trò kể lại chuyện trường lớp. Mẹ tôi là giáo viên dạy văn nữa, thật là nhiều câu chuyện không đầu không đũa, rất vui mặc dù sau đấy tôi sẽ phải quét nhà mỏi tay vì sàn nhà đầy vỏ hạt dưa hạt bí hay giấy gói kẹo,... - Thế nhưng chị lại không theo nghề cha mẹ mà lại là nghề ngoại giao để rồi rẽ ngang đi hát. Vì sao vậy? - Có nghề nào là không vất vả đâu nên không thể nói là nhìn vào những vất vả mà ngại được, tôi cũng yêu nghề nhà giáo nhưng có lẽ không có duyên chăng? Mà biết đâu được, sau này tôi lại làm cô giáo dạy môn tự tin thì sao. (Cười to)
- Bố mẹ chị có ngăn cản hoặc nghĩ về nghề mà chị đang theo một cách cũ kĩ như kiểu “xướng ca vô loài”?
- Anh có chắc là chỉ trong quan niệm của nhà giáo mới "xướng ca vô loài" không? Tôi vẫn nghĩ con người ta chỉ hạnh phúc khi được làm cái mình yêu thích nhất. Bố mẹ tôi cũng có thể xót xa khi nhìn con gái hát mà mồ hôi vã ra như đá bóng, nhưng đá bóng mà không đổ mồ hôi thì còn gì là thú vị? Một trận cầu hay sẽ luôn nằm trong danh sách yêu thích của nhiều người và còn gì hạnh phúc hơn khi thấy đứa con của mình đang làm cái việc đem lại niềm vui cho nhiều người và cho chính bản thân nó (Cười). - Vậy chị từng tặng bố mẹ những món quà gì nhân ngày Nhà giáo Việt Nam?
- Ngày còn nhỏ ở gần bố mẹ, tôi hay tặng chung một tấm thiệp cho cả hai người, mỗi năm sưu tầm một câu gì đó hay ho sách vở và viết nắn nót vào tấm thiệp (Cười). Năm ngoái thi Idol thì chỉ có thể nhắn tin, còn năm nay tôi xin được giữ bí mật. Trả lời câu này ngại quá, quà cáp của mình toàn lặt vặt, thấm tháp gì đâu. Tôi cũng chưa tặng bố mẹ được gì to tát cả. Mà tôi cũng hơi vô tâm, mỗi tháng chỉ "nộp lương" cho mẹ, tháng nào chậm thì tháng sau cố gắng gấp rưỡi (Cười), chứ ít khi mua quà. Tôi nghĩ chắc món quà gần đây mà mẹ có vẻ thích đó là cái tủ lạnh cao hơn bố và to hơn 2 mẹ con. Bố hay đi công tác xa, con gái thường xuyên vắng nhà, mẹ bận rộn sẽ ít phải đi chợ (Cười), để dành thời gian rảnh rỗi đi tập thể dục và đi đón em. - Còn về chuyện nghề nghiệp mang chị đi xa nhà thường xuyên như thế, bố mẹ chị nói gì?
- Bố mẹ tôi không còn lạ gì về chuyện tôi thường xuyên vắng mặt nữa vì tôi đi học xa từ lâu rồi mà. Mẹ là người kêu nhiều nhất mỗi lần hỏi "con đang ở đâu", nghe tôi nói "con ở sân bay" là lại ôi giời loạn lên, và lại dặn dò "ăn nhiều vào nhé". Bố thì ít nói hơn, chỉ mỗi một câu "thỉnh thoảng đi khám sức khoẻ toàn diện nhé". Tôi nghe phải đến hơn 10 lần rồi. (Cười) - Vậy nhân ngày 20.11, chị muốn gửi tới bố mẹ những lời chúc gì? - Tôi không mong gì hơn là bố mẹ khoẻ mạnh, mấy chục năm làm nghề không biết hít bao nhiêu ký phấn bảng rồi. Tôi vẫn luôn xúc động khi nhìn trong mắt mẹ niềm vui sướng mỗi lần mặc áo dài đi dạy. Mẹ vẫn rất yêu thích may áo dài mới mỗi dịp tựu trường. Thỉnh thoảng về nhà nghe mẹ kể chuyện trường lớp mà tôi rất nhớ ngày xưa mẹ vừa chấm bài vừa nấu cám heo (thời kinh tế). Tôi nhớ luôn cả ngày nhỏ thỉnh thoảng bố nhờ ủi quân phục, xong bố toàn phải ủi lại. Đôi khi mong mình đừng lớn nữa, về sống trong vòng tay bố mẹ, dù có thể sẽ làu bàu khi mẹ nhờ giặt tay mấy bộ áo dài hay bố nhờ ủi quân phục và gắn quân hàm (Uyên Linh xúc động, mắt rưng rưng khi kể lại những câu chuyện này).