SAO » Chuyện làng sao

V-biz 2013: Quá nhiều sự mất mát lớn

Thứ năm, 05/12/2013 10:10

(Ngoisao.vn) – Năm 2013 quả là một năm không mấy may mắn với giới giải trí Việt khi có quá nhiều nghệ sỹ tài năng, trong đó có không ít “cây đại thụ” của làng nghệ đã sớm ra đi vĩnh viễn.

Khoảng nửa đầu năm 2013, showbiz Việt đã phải chứng kiến nhiều sự ra đi của một số nghệ sỹ tên tuổi như: Nhạc sỹ Phạm Duy, nghệ nhân Hà Thị Cầu, đạo diễn Hải Ninh… Tuy nhiên, đến nửa cuối năm, làng giải trí Việt vẫn phải đón nhận thêm nhiều tin buồn khi một số nghệ sỹ nổi tiếng khác lần lượt ra đi vì bệnh tật.

Cùng nhìn lại một năm đầy mất mát của làng giải trí Việt khi liên tục phải đón nhận những tin buồn vì sự ra đi của hàng loạt nghệ sỹ lớn.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp qua đời ngày 09/01/2013

Đầu năm 2013, showbiz Việt đã phải đón nhận tin dữ khi nhạc sỹ Hoàng Hiệp qua đời lúc 12h45 phút ngày 09/01 tại nhà riêng ở TP.HCM sau thời gian dài lâm bệnh nặng, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp qua đời vào đầu năm 2013, hưởng thọ 82 tuổi

Vài ngày trước khi qua đời, ông đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, dù đã được các y bác sỹ cứu chữa nhưng nhạc sỹ vẫn không qua khỏi. Được biết, nhạc sỹ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh là Lưu Nguyễn, sinh ngày 1/10/1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, An Giang. Ông bắt đầu sáng tác vào năm 1948, tác phẩm “Câu hò bên bến Hiền Lương” viết chung với nhạc sỹ Đằng Giao được xem là khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của nhạc sỹ.

Sự ra đi của nhạc sỹ là một tổn thất lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam

Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội, Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ. Bài hát “Nhớ về Hà Nội” của ông là một tác phẩm đặc sắc của dòng nhạc đương đại những năm cuối thế kỷ 20 và cũng là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về Hà Nội.

Nhạc sỹ Phạm Duy ra đi vĩnh viễn ngày 27/01/2013

Sau sự ra đi của nhạc sỹ Hoàng Hiệp, người hâm mộ lại thêm lần nữa phải tiếc nuối khi nhạc sỹ Phạm Duy – cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 92 vào ngày 27/01/2013. Đây được xem là một tổn thất lớn của nền âm nhạc Việt Nam, bởi sự nghiệp âm nhạc của ông được đánh giá là quá vĩ đại với hơn 1.000 bài hát.

Nhạc sỹ Phạm Duy được xem là cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam

Được biết, sau cái chết của con trai – ca sỹ Duy Quang - vào năm 2012, sức khỏe của nhạc sỹ Phạm Duy ngày càng đi xuống. Sau thời gian điều trị các bệnh về tim, gout với sự cứu chữa tận tình từ đội ngũ y, bác sỹ nhưng nhạc sỹ vẫn không qua khỏi. Sự ra đi của nhạc sỹ Phạm Duy để lại một niềm tiếc nuối khôn nguôi cho người yêu nhạc Việt Nam, nói như nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 thì đây là “một mất mát quá lớn cho nền nhạc Việt”.

Sự ra đi của ông cũng là một tổn thất không gì bù đắp được cho nền âm nhạc Việt

Đám tang của nhạc sỹ có sự tham dự của rất nhiều ca sỹ và người hâm mộ ông

Tuy sức khỏe không được ổn nhưng thời gian cuối đời, nhạc sỹ Phạm Duy vẫn không ngừng sáng tác và làm việc miệt mài. Và trong tâm trí của người nhạc sỹ tài hoa này, cái chết chưa bao giờ là điều đáng sợ như ông từng chia sẻ: “Tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện tôi sẽ chết vì tôi sẽ không bao giờ chết được cả. Tôi có chết đi chăng nữa thì nhạc của tôi vẫn sẽ hiện hồn trên môi những người ca hát. Vậy thì làm sao tôi chết được? Còn cái chết xác thịt thì ai cũng phải chết thôi. Tôi sống đến giờ cũng hơi lâu rồi...”.

Đạo diễn, NSND Hải Ninh qua đời ngày 05/02/2013

Đạo diễn, NSND Hải Ninh được xem là một cây đại thụ của làng điện ảnh Việt với những tác phẩm nổi tiếng như: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Đêm hội Long Trì”… Ông từng đoạt nhiều giải thưởng danh giá trong và ngoài nước và luôn trung thành với điện ảnh cho đến hơi thở cuối cùng.

Đạo diễn Hải Ninh là một trong những đạo diễn tài ba của điện ảnh Việt

Sự ra đi của đạo diễn Hải Ninh vẫn khiến nhiều người bàng hoàng

Dù đã lâm bệnh nặng trước khi qua đời vào ngày 05/02/2013 nhưng sự ra đi của đạo diễn Hải Ninh vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Sự ra đi của ông được xem là một sự mất mát không gì bù đắp được đối với nền điện ảnh nước nhà.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời ngày 03/3/2013

Nghệ nhân Hà Thị Cầu (tên thật là Hà Thị Năm) sinh trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Trong sự nghiệp gắn bó với nghệ thuật hát xẩm, bà đã nhận được bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu là một trong số ít nghệ nhân dân gian đích thực của loại hình hát xẩm

Bà cũng được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và NSƯT vì những đóng góp của mình cho loại hình nghệ thuật dân gian có một không hai này. Sự ra đi của cụ vào ngày 03/3/2013 là một sự tổn thất rất lớn cho ngành nghệ thuật dân gian nói chung, nói như học trò của bà thì “sự ra đi của cụ cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất dần đi một loại hình ca hát dân gian đích thực mà nghệ nhân Hà Thị Cầu là một trong số ít người đã làm rất tốt sứ mệnh mà tổ nghề để lại”.

Đám tang của bà giản dị và khá lặng lẽ

NSƯT Hồ Kiểng qua đời vào ngày 03/4/2013

"Nghệ sĩ đóng nhiều vai phụ trong nhiều bộ phim Việt Nam nhất" – Hồ Kiểng cũng đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 03/4/2013 tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với những người yêu thích điện ảnh Việt Nam, bởi trong mắt nhiều người, ông luôn là một diễn viên đa tài, có thể đóng được nhiều loại vai.

Nghệ sỹ Hồ Kiểng cũng qua đời ở tuổi 87

Trước khi qua đời ở tuổi 87, nghệ sỹ Hồ Kiểng đã phải sống bằng tim nhân tạo. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật từ năm 1959 đến khi qua đời, NSƯT Hồ Kiểng đã tham gia hơn 200 bộ phim lớn nhỏ và hơn phân nửa là những vai phản diện. Ngoài phim ảnh, NSƯT Hồ Kiểng còn tham gia khoảng 304 vở kịch, 22 tuồng cải lương, 16 vở múa rối, vẽ 6 phim hoạt hình, sáng tác 240 bài vọng cổ… Chính sự tài hoa và cống hiến hết mình của ông cho nghệ thuật, cho xã hội nên sự ra đi của ông đã để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả nền điện ảnh Việt.

Sự ra đi của ông khiến người thân và khán giả tiếc nuối

Nghệ sỹ Văn Hiệp qua đời ngày 09/4/2013

Đến ngày 09/4/2013, người hâm mộ lại thêm một lần bàng hoàng trước thông tin nghệ sỹ hài Văn Hiệp qua đời vì bệnh ung thư, hưởng thọ 71 tuổi. Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm của mình, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện và được yêu mến với hình tượng “Bác trưởng thôn”.

Sự ra đi của "Bác trưởng thôn" cũng rất bất ngờ

Mặc dù có nhiều đóng góp cho nghệ thuật nhưng đến lúc mất, ông chưa một lần được phong danh hiệu cao quý. Sau đó, 150 nghệ sỹ  đã ký vào đơn xin phong tặng danh hiệu NSƯT cho "bác trưởng thôn". Cuối tháng 9/2013, chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu NSƯTcho cố nghệ sỹ Văn Hiệp.

Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình và người hâm mộ

Ca sỹ Wanbi Tuấn Anh qua đời ngày 21/7/2013

Có thể nói, trong năm 2013, sự ra đi của ca sỹ trẻ Wanbi Tuấn Anh đã khiến người hâm mộ hết sức bàng hoàng và tiếc nuối, bởi ở tuổi 26 và với tài năng sẵn có, Wanbi Tuấn Anh được dự đoán là sẽ còn tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp.

Wanbi Tuấn Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ

Wanbi Tuấn Anh tên thật là Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1987. Anh bắt đầu được chú ý khi tham gia cuộc thi Hot Vteen dành cho giới trẻ. Tham gia con đường ca hát, Wanbi nhanh chóng tỏa sáng với những ca khúc tự sáng tác hoặc của nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong như “Đôi mắt”, “Cho em”, “Mãi yêu em”... Anh từng là ca sỹ teen hot nhất làng nhạc vào những năm 2009 - 2011.

Đám tang của Wanbi Tuấn Anh có rất đông người hâm mộ tham dự

Sau một thời gian dài chống chọi với bệnh u não, nam ca sỹ đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 26 vào ngày 21/7/2013. Cái chết của Wanbi Tuấn Anh đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với người hâm mộ, bởi trong mắt mọi người, anh luôn là chàng ca sỹ hiền lành, có tài và biết đối nhân xử thế.

Nhạc sỹ Hoàng Hà qua đời ngày 04/9/2013

Đến tháng 9/2013, làng nhạc Việt lại phải đón thêm một tin buồn khi nhạc sỹ Hoàng Hà cũng qua đời sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. Ông trút hơi thở cuối cùng ở Vũng Tàu vào ngày 04/9/2013, hưởng thọ 84 tuổi.

Nhạc sỹ Hoàng Hà qua đời ở tuổi 84

Nhạc sỹ Hoàng Hà sinh năm 1929 tại Hà Nội. Những sáng tác của ông gắn liền với hình tượng người chiến sỹ và hào khí hào hùng của cách mạng Việt Nam, trong đó, nổi tiếng nhất là ca khúc “Đất nước trọn niềm vui”. Thậm chí, theo ý kiến của nhiều người, thơ về Trường Sơn chỉ có Phạm Tiến Duật và nhạc về Trường Sơn chỉ có mỗi Hoàng Hà.

Sự ra đi của nhạc sỹ để lại niềm tiếc thương vô hạn với người ở lại

Nghệ sỹ Tuấn Dương qua đời ngày 30/11/2013

Những ngày cuối năm 2013, làng giải trí Việt lại đón nhận thêm một tin buồn khi nghệ sỹ Tuấn Dương đột ngột ra đi ở tuổi 61 vào ngày 30/11/2013 sau một thời gian bị bệnh ung thư. Ông xuất thân là diễn viên của Đoàn kịch Công an Nhân dân và mang quân hàm Trung tá.

Nghệ sỹ Tuấn Dương cũng vừa qua đời cuối tháng 11 năm 2013

Trong suốt sự nghiệp diễn viên của mình, nghệ sỹ Tuấn Dương đã có nhiều đóng góp, mang lại tiếng cười cho khán giả nhưng cuộc sống riêng của ông lại gặp nhiều trắc trở. Mãi tới năm 2007, ông mới xây dựng gia đình cùng bà Thân Thị Thuý Nga. Hưởng hạnh phúc gia đình chưa bao lâu, năm 2012 ông lại phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Từ đó, sức khoẻ ông suy kiệt dần và ra đi vĩnh viễn.

DS (TH)