Nhiều người nói Văn Quyến không có bố, chỉ là "sản phẩm" của một cuộc tình chớp nhoáng. Tuy nhiên, như lời kể của bà Niềm - mẹ Quyến - thì đó là chuyện người đời đơm đặt. Bà có chồng hẳn hoi, được sự công nhận của chính quyền và họ hàng hai bên.
Bà Niềm kể, chồng bà là một người lái thuyền, chuyên chở nguyên vật liệu cho công trường ở huyện Diễn Châu, nơi bà làm công nhân thuỷ lợi. “Bố thằng Quyến hơn tui 2 tuổi. Hồi đó, bố hắn cao ráo lắm, lại mồm mép. Tui thì gần ba chục tuổi đầu, trẻ trung gì nữa, được người ta ngỏ ý thì cũng nhận lời thôi”.
Đặc biệt, nếu đúng ra Văn Quyến đã có một người anh, hoặc chị chứ không phải là con độc đinh trong gia đình. Bà Niềm có chồng ít bữa thì có thai. Tuy nhiên, do bà không biết, vẫn lao động nặng, ngày ngày vác cả tạ đất đá nên không may thai hỏng.
Sau lần sảy thai ấy, bà Niềm rơi vào cảnh khó mang bầu. Phải tới 2 năm sau, tức là vào năm 1983, bà mới lại có mang, đó là Văn Quyến. Tuy nhiên, không hiểu sao chồng bà tính ngày và nằng nặc bảo chỉ gần nhau có 1-2 lần thì không thể có con và cho rằng cái thai trong bụng bà Niềm không phải là của ông. Thậm chí, người đàn ông làm nghề lái thuyền còn ầm ĩ họp họ nội để khiến trách bà. Bị đay nghiến nhiều, uất hận không chịu nổi, bà Niềm bỏ về quê ngoại dù bụng chửa vượt mặt.
Không có chồng phụ giúp, lại bị dân làng Hưng Nguyên coi là không chồng mà chửa, bà Niềm chẳng biết dựa vào ai. Dù bụng mang dạ chửa, bà vẫn phải làm quần quật để kiếm đồng ra đồng vào. "Tôi tự làm tất, không làm thì lấy gì mà ăn. Mà hồi đó cũng đâu có được ăn nhiều, cả ngày chỉ dám ăn có hơn nắm gạo. Mang thai thằng Quyến tui không biết một miếng thịt hay hộp sữa là gì".
Làm vất vả, ăn uống lại kham khổ nên bà Niềm sinh sớm. Quyến ra đời sớm hơn 1 tháng, chỉ nặng có 1,8 kg, như con mèo hen. Lúc đó bà Niềm cùng bố mẹ mình còn khóc hết nước mắt bởi nghĩ Văn Quyến sẽ không sống nổi.
Quyến ra đời cũng chẳng có cái tã tử tế để mang. Ông ngoại anh đã phải rọc cả chiếc áo may ô của mình để đóng tã cho cháu. Rồi sợ cháu lạnh trong căn nhà tranh vách đất, ông ngoại Quyến lại ngồi cả đêm làm cái bếp củi ngay giữa nhà để sưởi ấm.
Vừa ra đời Quyến đã phải chịu cảnh đói. Bà Niềm không có sữa nên phải bế con khắp cả làng xin nhờ chút sữa của những người mẹ cũng mới đẻ. Nhờ những giọt sữa bú chực ấy, thằng bé thiếu tháng Văn Quyến sống được qua ngày.
Cuộc sống của hai mẹ con càng cực khổ, bà Niềm càng hận chồng. Đó chính là lý do mà sau này bà luôn bảo với Quyến rằng bố đã chết.