SAO » Chuyện làng sao

Vĩnh biệt nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu

Thứ hai, 04/03/2013 09:04

Nghệ nhân xẩm Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 12h30 trưa nay, ngày 3/3 tại nhà riêng ở Yên Mô, Ninh Bình, thọ 97 tuổi.

Lễ viếng bà Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 6h30 sáng ngày 4/3 sau đó sẽ được an táng vào lúc 9h30' sáng 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).

Cả cuộc đời hát xẩm

Bà tên thật Hà Thị Năm (Cầu là cách gọi theo tên con trai cả ở vùng Yên Mô, Ninh Bình), sinh năm 1917 tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Cha mất sớm, bà cùng mẹ về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình.

Nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu trên giường bệnh tại nhà những ngày cuối đời

Khoảng 8 tuổi, bà đã đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Hai mẹ con bà nương nhờ học hát tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu khi đó hiện là trưởng 6 gánh hát ở Ninh Bình.  Sau đó bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu (biệt danh là Chánh Trương Mậu).  Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa. Sau này, bà sống cùng vợ chồng người con gái, làm nghề đánh cá và buôn bán rong ở các chợ tại Ninh Bình.  Gắn bó cả đời với nghề hát xẩm, bà được vinh danh là nghệ nhân sống của môn nghệ thuật này.  Bước vào tuổi 90, bà kết thúc công việc hát rong của mình. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà đã được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông và đã nhận được nhiều sự ủng hộ tích cực của nhiều người hảo tâm.  Mặc dù những giải thưởng và danh hiệu, nhưng cuộc sống của bà vẫn khổ cực. Đến cuối đời, bà vẫn chưa một ngày thoát khỏi cảnh nghèo khó và gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ dân nghèo nhất xã Yên Phong. 

Mất mát lớn của nghệ thuật xẩm dân gian

Theo thông tin từ người nhà của nghệ nhân Hà Thị Cầu, khi sức khỏe yếu nhưng vẫn còn nói được cụ căn dặn con cháu nếu ngày nào đó cụ nằm xuống thì hai cây đàn nhị đã đồng hành với cụ nhiều năm qua không được cho ai mà treo ở hai bên của bàn thờ.

Sự ra đi của nghệ nhân Hà Thị Cầu là một mất mát lớn với nghệ thuật xẩm dân gian Việt Nam. Nhiều nghệ sỹ là học trò của cụ đã chia sẻ những nỗi buồn thương, tiếc nuối.  Quang Long - một trong những nghệ sĩ trẻ gắn bó với thể loại xẩm bày tỏ sự ra đi của bà cũng đồng nghĩa với việc mất dần đi một loại hình ca hát dân gian đích thực mà nghệ nhân Hà Thị Cầu là một trong số ít người đã làm rất tốt sứ mệnh mà tổ nghề để lại.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

Nhạc sĩ Quang Long chia sẻ nghệ nhân Hà Thị Cầu là một pho sử sống về nghệ thuật hát xẩm. Cuộc đời bà như một con tằm đã xong kiếp nhả tơ. Không ruộng vườn, không lương hưu, vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong khắp mọi miền, bà sống dựa vào tình thương yêu, sự giúp đỡ của những người yêu mến giọng hát của bà.

Nghệ sĩ trẻ Mai Tuyết Hoa - người học trò khá thân thiết và gắn bó với nghệ nhân Hà Thị Cầu từ nhiều năm nay cũng cũng không giấu nổi niềm thương xót và tiếc nuối khi hay tin bà Cầu đã ra đi. Theo chị, cách hát và chơi đàn của nghệ nhân Hà Thị Cầu vô cùng độc đáo và ở Việt Nam gần như không có người thứ hai.

VnMedia