Vào lúc 0h30 sáng 22.12, sau hơn hai tiếng chờ đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất, gia đình và người thân nam diễn viên Đơn Dương đã đón tro cốt của anh từ Mỹ về Việt Nam. Việc đưa hài cốt Đơn Dương về nước cũng là cách để an lòng linh hồn nghệ sĩ Đơn Dương khi niềm mong mỏi được trở về quê hương bất thành bởi sự ra đi đột ngột vào sáng 7.12.
Theo đó, gia đình cố nghệ sĩ đã làm lễ phát tang cho nam diễn viên vào 5h30 ngày 22.12 tại nhà thờ Thánh Tống Việt Bường số J.10, đường Hương Giang, cư xá Bắc Hải, phường 15, quận 10, TP.HCM. Sau đó, tro hài của anh được đưa ra nhà quàn tại nhà thờ Thánh Tống Việt Bường để bạn bè, bà con anh em đến viếng trong ngày 22 và 23.12, trước khi tiến hành lễ cầu hồn và an vị diễn ra lúc 17h30 ngày 23.12 tại nhà hài cốt của nhà thờ Thánh Tống Việt Bường.
Ngay sau chuyến bay từ Hà Nội vào, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã có mặt bên hài cốt cố nghệ sĩ Đơn Dương từ sáng sớm cùng đạo diễn Lê Cung Bắc, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của cố diễn viên. Theo đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Đơn Dương là một tài năng làm nghề nghiêm túc, luôn ý thức cao về nghề nghiệp dù là dân “ngoại đạo”, đặc biệt do trong máu có sẵn niềm đam mê và tài năng nghệ thuật trời phú nên có thể gọi Đơn Dương là người “sinh ra và sống để làm phim”.
Kể về cuộc sống của Đơn Dương trong suốt hơn 7 năm định cư bên Mỹ, người anh thân thiết trong nghề Lưu Trọng Ninh cho biết, Đơn Dương sống tại Mỹ chỉ biết quanh quẩn với việc chăm sóc gia đình chứ không còn niềm vui và công việc nào khác. “Cuộc sống gia đình Dương gặp rất nhiều khó khăn. Dương từ chối nhận trợ cấp bên Mỹ. Cậu ấy cũng đi hát vì hát rất hay, nhưng rồi nghề hát của cậu ấy vẫn không kéo dài được lâu vì nỗi ám ảnh tinh thần bị bao vây".
"Lúc mới qua, cái tên Đơn Dương rất hot, nổi tiếng và được quan tâm. Khi đó, các nhà làm phim bên Mỹ không ngần ngại chi trả cho Đơn Dương 2 triệu đô để khai thác cuộc đời và sự ra đi của Dương. Với 1 triệu đô tiền bản quyền cuộc đời và 1 triệu đô làm diễn viên chính, nhưng Dương từ chối hết tất cả. Sau Chúng tôi là lính, cậu ấy không nhận tham gia bất cứ một bộ phim nào bên đất Mỹ cho tới nay. Tôi ngưỡng mộ Đơn Dương, bởi nếu là tôi, tôi sợ mình sẽ không đầu để bỏ qua số tiền 2 triệu đô đó được."
"Ngày mới qua Mỹ, Dương và gia đình phải sống bằng tiền gửi sang từ Việt Nam. Sang Mỹ sống bơ vơ, không có tiền, trong khi đồng tiền có sức mạnh ghê gớm mà Dương vẫn không nhận. Điều đó đã phần nào nói lên tình yêu nước luôn canh cánh trong lòng Dương. Dương luôn muốn về vì yêu đất nước mình, vì đất nước đã cho Dương rất nhiều, nhưng Dương không đủ bản lĩnh để trở về”, đạo diễn Khát vọng Thăng Long bồi hồi chia sẻ thêm.
Có lần sang Mỹ, được trò chuyện với Đơn Dương nên đạo diễn Lưu Trọng Ninh bảo, khi cả hai ngồi ngoài sân trò chuyện, nam diễn viên cứ phải đeo cái kính đen vì ngại lời người ta bàn tán ra vào. Anh em được trò chuyện lâu ngày, đạo diễn Lưu Trọng Ninh luôn hiểu tâm sự của Đơn Dương. Theo đó, niềm mong mỏi lớn nhất của anh là được trở về quê hương sau hơn 7 năm xa cách. Ước mơ này tưởng chừng sẽ trở thành hiện thực khi Đơn Dương được cấp visa mới đây.
“Được cấp visa có nghĩa đã được tha thứ, nhưng chuyện đời không bao giờ tính trước nổi. Dù anh rể của cậu ấy là đạo diễn Lê Cung Bắc đã đi 'săn' giùm một mảnh đất tại Lâm Đồng để làm chốn về, nhưng giấc mộng đã không thành vì sự ra đi đột ngột. Đơn Dương đã sống suốt hơn 7 năm với tinh thần khủng hoảng và bị stress nặng liên tục. Cậu ấy đã hai lần định tự tử nhưng bất thành. Tự tử vì quá stress. Đơn Dương luôn muốn về quê hương. Cậu ấy từng gọi điện từ Mỹ về tâm sự với tôi và bảo: Em muốn chết lắm. Tôi đã khuyên rằng: “Hãy cố gắng lên! Với tấm lòng chân thành, em sẽ được mọi người chấp nhận. Nhưng giờ thì đã muộn...”.
Chia sẻ về chuyện tình hôn nhân lận đận và rắc rối của Đơn Dương, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết, nam diễn viên là người rất dễ bị xúc động, khi va chạm sẽ nói thẳng, nên người xung quanh yêu Đơn Dương bao nhiêu thì cũng có từng ấy người ghét Đơn Dương bấy nhiêu. “Người sống biết yêu, biết ghét mới đáng trân trọng. Nghệ sĩ không phải là người dễ làm hài lòng mọi người”.
Không ngớt lời đánh giá cao tài năng thiên bẩm của Đơn Dương với lối diễn xuất đa dạng, đạo diễn phim Canh bạc (bộ phim giúp Đơn Dương nhận giải Nam diễn viên xuất sắc LHP Việt Nam lần thứ 10) còn dành hết tình cảm ca ngợi về một nam diễn viên hiếm hoi vừa đẹp, vừa nam tính nhất trong làng điện ảnh Việt xưa và nay.
“Làm đạo diễn phim Canh bạc, tôi nhiều lần phát điên lên vì mỗi khi nghe các cô gái xung quanh hết lời khen Đơn Dương đẹp trai. Có những hôm quay phim, Đơn Dương được hàng nghìn nữ sinh kéo đến nhìn ngắm rồi hết lời kêu to: Anh có nụ cười đẹp thế! Nụ cười của anh cực kỳ đẹp! Cười đẹp thế! Cười đẹp kinh khủng. Tôi nghe đến mức cũng điên luôn”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh hóm hỉnh kể.
Khi được hỏi liệu có gương mặt nam diễn viên nào trong làng điện ảnh Việt hiện tại có thể trở thành Đơn Dương thứ hai theo cả hai nghĩa về diễn xuất và vẻ điển trai, đạo diễn phim Canh bạc khẳng định:
“Là một trong những người nổi tiếng 'săn' được nhiều diễn viên tài năng, trẻ và đẹp cho làng điện ảnh Việt, tôi tin chắc trong nhiều năm nữa, sẽ rất khó để có một gương mặt có thể trở thành diễn viên như Đơn Dương. Có thể sẽ có những anh chàng đẹp trai, diễn tốt nhưng khi các anh bước vào môi trường làm việc mà ở đó có nghề người mẫu, có chứng bệnh sao thì sẽ khó giữ được sự chân chất, sự giản dị và tính chân thực như Đơn Dương, thậm chí có thể nói các anh ấy chỉ được 'xinh trai' thôi. Xin lỗi, Bình Minh đứng cạnh còn thua xa Đơn Dương”.