SAO » Hồ sơ Sao

Những câu chuyện thật nhất về Phạm Văn Mách

Thứ ba, 06/12/2011 17:18

Nổi tiếng từ lâu trong giới VĐV thể hình, nhưng cái tên Phạm Văn Mách chỉ thực sự trở nên “hot” kể từ khi tham gia cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo và trở thành hiện tượng của cuộc thi.

 

Không được đi đến đêm thi cuối cùng, tuy nhiên, với tình cảm mà khán giả đã dành cho Phạm Văn Mách trong cuộc thi, chàng lực sĩ thể hình đang tự tin hơn bao giờ hết để lấn sân sang nghề ca sĩ, thực hiện ước mơ ấp ủ từ bé của mình.

Từ “cậu ấm” trở thành con nhà nghèo

Cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo đang đi đến vòng cuối cùng, nhưng dư âm của nỗi buồn bị loại khỏi cuộc thi đến nay vẫn còn đối với Phạm Văn Mách. Là lực sĩ thể hình chuyên nghiệp, Phạm Văn Mách chỉ là “tay ngang” trên sân khấu âm nhạc. Nhưng những lần được ca hát hết mình trên sân khấu và được khán giả cổ vũ nhiệt tình, Phạm Văn Mách đã thực sự “say” nghề, bởi vốn dĩ máu ca hát đã luôn có sẵn trong con người chàng lực sĩ thể hình này.

Phạm Văn Mách đã công khai ý định theo đuổi nghiệp ca hát khi quyết định nhận lời mời của các bầu show tham gia vào các show ca nhạc và ấp ủ kế hoạch thực hiện 1 CD cho riêng mình. Trong các cuộc thi thể hình, Phạm Văn Mách đã chứng tỏ được mình là ngôi sao. Khán giả tò mò liệu trên sân khấu, một Phạm Văn Mách - ca sĩ có tiếp tục tỏa sáng?

Chàng lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách có một tuổi thơ nhiều biến cố. Mách là con thứ 5, nhưng cũng là cậu con trai duy nhất trong gia đình có 8 chị em. Là quý tử độc tôn nên khỏi phải nói, ngày bé, Phạm Văn Mách được ba mẹ và các chị cưng chiều thế nào. Trước kia, gia đình Phạm Văn Mách là một gia đình giàu có tiếng ở Long Xuyên (An Giang). Ba của Mách là ông chủ một thương hiệu thuốc lá miền Tây nổi tiếng khắp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Là con trai duy nhất của một gia đình giàu có, Phạm Văn Mách đã sống sung sướng như một “cậu ấm”. Khi còn bé, bất cứ điều gì Phạm Văn Mách thích, cậu cũng được ba mẹ đáp ứng. Xung quanh Mách bao giờ cũng có người giúp việc hầu hạ, trông chừng, chăm sóc. Phạm Văn Mách được ba mẹ nuôi dạy để kế thừa sản nghiệp của gia đình. Nhưng sau một biến cố hơn 20 năm trước, gia đình Phạm Văn Mách phá sản, sản nghiệp tiêu tan.

Chỉ sau một đêm ngủ dậy, Phạm Văn Mách từ một “cậu ấm” trở thành một cậu con trai của gia đình nghèo khó. Để tiếp tục mưu sinh, cả gia đình Phạm Văn Mách quay sang làm nghề thuốc lá thủ công. Căn nhà rộng rãi khang trang của Phạm Văn Mách cũng được ba mẹ chia phòng để cho thuê để kiếm chút đỉnh trang trải cho cuộc sống hàng ngày.

Từng sống như một “cậu ấm”, nhưng Phạm Văn Mách lại rất hồn nhiên khi cuộc sống ấy mất đi. Gia đình Mách nghèo đi trông thấy, cuộc sống xa hoa, sung túc không còn. Chuyện cơm ăn, áo mặc hàng ngày thường xuyên chiếm trọn tâm trí của ba mẹ và các chị của Mách, nhưng Mách lại không hề buồn khi mình không còn là một quý tử. Phạm Văn Mách bẩm sinh đã hồn nhiên và trong sáng. Có lẽ, đó là điều may mắn với chàng trai này.

Khi gia đình giàu có, xung quanh thường xuyên có kẻ hầu người hạ, Phạm Văn Mách không lấy đó làm trịch thượng, hợm hĩnh, kênh kiệu với bạn bè nghèo xung quanh. Lúc gia cảnh sa sút, Phạm Văn Mách cũng không coi điều đó là tai họa hay là một cú sốc lớn không thể vượt qua. Phạm Văn Mách cứ sống hồn nhiên giữa hiện tại nghèo khó và những ký ức về quãng thời thơ ấu sung túc mà không chút đau đớn, ám ảnh.

Những người bạn cũ của Phạm Văn Mách ở Long Xuyên kể rằng, khi còn bé, Phạm Văn Mách vẫn chơi chung với tất cả các bạn gia cảnh nghèo khó. Có cái bánh, cái kẹo nào, Mách cũng đem chia cho các bạn. Chơi chung cả nhóm bạn thời tiểu học, chưa bao giờ Phạm Văn Mách tỏ vẻ mình là một “cậu ấm”, chưa bao giờ dùng cái mác con nhà giàu để coi thường các bạn xung quanh. Trò chơi của Phạm Văn Mách và đám trẻ con hồi đó cũng chỉ có câu cá, bắt dế để mang đi đá dế, rồi thỉnh thoảng lại “uýnh nhau” vì mấy con dế.

Bây giờ đã thành người nổi tiếng, nhưng mỗi lần về quê Long Xuyên gặp lại bạn bè cũ, có người giàu, có kẻ nghèo, Phạm Văn Mách vẫn vui vẻ cười nói, vẫn thân thiết với tất cả, vẫn ôm vai bá cổ cùng ôn lại những kỷ niệm ngày bé. Những huy chương Vàng vô địch các kỳ thi đấu thể hình không làm Mách thay đổi.

Đam mê ca hát từ thuở thiếu thời

Phạm Văn Mách thích hát từ bé. Ở miền Tây, hết thảy mọi người đều mê cải lương. Ba mẹ và các chị em gái của Phạm Văn Mách cũng rất mê cải lương. Có những buổi tối, cả nhà cùng ngồi quây quần, ca cải lương cho nhau nghe. Ngấm “máu” mê cải lương của cả gia đình nên lúc nói còn chưa sõi, “cậu ấm” Phạm Văn Mách đã bắt đầu bập bẹ những câu vọng cổ đầu tiên. Gia đình có điều kiện kinh tế nên khi thấy tất cả các con đều mê ca hát, ba Phạm Văn Mách đã không tiếc tiền mướn thầy về dạy ca cải lương cho các con.

Dù trên sân khấu Cặp đôi hoàn hảo, Phạm Văn Mách chỉ là một ca sĩ nghiệp dư, nhưng có lẽ vì ít nhiều đã được “đào tạo” từ khi còn bé, lại có thầy dạy và có năng khiếu, nên khả năng thẩm âm của Phạm Văn Mách rất tốt.

Niềm đam mê ca hát có từ trong máu, nên khi còn bé, chàng lực sĩ Phạm Văn Mách từng mơ thành ca sĩ. Khi học cấp 2, Phạm Văn Mách thường bắt chước tivi để tập hát những bài tân nhạc. Phạm Văn Mách rất thích học tiếng Anh và thích nghe những bài hát tiếng Anh. Mách cũng thường tập hát theo những bài hát này, nên vốn liếng những bài hát tủ của Phạm Văn Mách không hề ít.

Năm học cấp 3, Phạm Văn Mách đã cùng với một cô bạn gái đoạt giải Nhất cuộc thi Văn nghệ toàn trường của trường PTTH Long Xuyên với bài hát “Mong đợi ngậm ngùi”. Tiết mục của Phạm Văn Mách trong cuộc thi đó được các bạn học vỗ tay rầm trời. Lúc đó, Mách đã mơ ước có ngày được đứng trên sân khấu, được làm ca sĩ và được khán giả ở dưới ủng hộ, hưởng ứng nhiệt liệt như vậy. Nhưng ước mơ đó của Mách bị cả gia đình ngăn cản. Gia đình Mách ai cũng ngăn vì nghĩ Mách nhỏ con, hình thức lại trung bình nên khó có thể địch lại với những ca sĩ, ngôi sao có ngoại hình sáng láng.

Dù không theo đuổi nghề ca sĩ vì không tự tin mấy vào ngoại hình của mình, nhưng Phạm Văn Mách đã từng kiếm sống được bằng nghề ca hát. Không chỉ hát hay, Phạm Văn Mách còn nhảy khá đẹp. Bất ngờ là những động tác nhảy đẹp mắt đó Phạm Văn Mách chỉ bắt chước theo tivi. Khi Phạm Văn Mách học cấp 3, gia đình đã vô cùng sa sút. Phạm Văn Mách thường tự kiếm tiền trang trải học phí cho mình bằng cách đi hát và nhảy ở các nhà hàng, quán cà phê.

Tiền cát xê từ những buổi hát đó không nhiều nhưng cũng là một kỉ niệm đẹp với chàng lực sĩ thể hình Phạm Văn Mách. Bởi ít ra, không được theo đuổi ước mơ ca hát chuyên nghiệp nhưng Phạm Văn Mách vẫn được đứng trên “sân khấu” theo một cách nào đó và thỏa niềm đam mê ca hát của bản thân.

Lập nghiệp với 10.000 đồng trong túi

Phạm Văn Mách bắt đầu tìm đến với thể hình từ năm 1994, khi anh vừa học hết lớp 11. Khi đó, gần nhà Phạm Văn Mách có người mở phòng tập thể hình - một môn thể thao khá lạ lẫm so với Phạm Văn Mách và những bạn bè đồng lứa ở Long Xuyên bấy giờ. Vì tò mò, Phạm Văn Mách cũng rủ rê bạn bè đi tập cho vui. Phạm Văn Mách vóc người nhỏ bé nên tập thể hình khiến anh khỏe hơn, cơ bắp nở nang hơn, sức khỏe cũng tốt hơn. Điều đó khiến Mách càng ngày, càng mê tập thể hình.

Mách thích nhất là tập thể hình trong nền nhạc tiếng Anh, vừa tập vừa vu vơ hát một bài hát yêu thích nào đó. Điều đó khiến Mách cảm thấy vui vẻ và yêu đời hơn. Sau này, Phạm Văn Mách vẫn thích được thi đấu trong nền nhạc, vì nhờ đó Mách cảm thấy tinh thần thi đấu của mình cũng hưng phấn hơn.

Khi học cấp 3, Mách học chuyên Toán và học rất giỏi môn tự nhiên. Bên cạnh đó, Mách có khá nhiều tài lẻ. Ngoài ca hát, Mách còn vẽ rất đẹp. Hồi học phổ thông, Mách vẫn thường xuyên đi vẽ biển hiệu quảng cáo để kiếm thêm thu nhập. Học hết cấp 3, mục tiêu của Phạm Văn Mách là thi vào trường Đại học Kiến trúc.

Nhưng năm đầu thi đại học, Mách thi trượt. Trượt đại học đúng lúc gia đình khó khăn, không có điều kiện để tiếp tục ôn thi, Phạm Văn Mách vô cùng chán nản. Trở về nhà, phòng tập thể hình gần nhà nhờ Phạm Văn Mách qua làm coi sóc phòng tập và huấn luyện cho những người mới tập. Đó là những đồng tiền đầu tiên Mách kiếm được từ nghề thể hình.

Phunutoday
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới