SAO » Hoa Hậu

Bộ Văn hóa: Không tước vương miện Mai Phương Thúy

Thứ hai, 13/02/2012 17:13

Chiều 13/2, Bộ Văn hóa có kết luận chính thức bằng văn bản về việc có hay không tước vương miện Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Theo văn bản Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch (VHTTDL) cung cấp tới báo chí thì, sau khi xem xét bộ ảnh của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ thấy đây là những tác phẩm đang gây nên nhiều tranh cãi trong dư luận. Có luồng ý kiến cho rằng, ê kíp thực hiện những tác phẩm này đã lạm dụng hình ảnh chiếc áo dài để khoe vẻ đẹp cơ thể người phụ nữ một cách phản cảm. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng đã lên tiếng bảo vệ, cho rằng bộ ảnh chỉ dừng ở mức “gợi cảm” chứ chưa phải là “gợi dục” và không nên hạn chế sự sáng tạo của nghệ sĩ. 

Một tấm hình trong bộ ảnh "Xuân thì" xôn xao dư luận của Mai Phương Thúy.

“Theo đánh giá của chúng tôi, việc đưa ra một bộ ảnh đã chụp cách đây 4 năm, chính Hoa hậu Mai Phương Thúy cũng thừa nhận ở thời điểm đó bản thân cô chưa có đủ sự trải nghiệm cần thiết, để công bố rộng rãi đến công chúng là không nên. Về thông tin “Bộ VHTTDL đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy”, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, đây không phải quan điểm chính thức của Bộ. Việc có hay không quyết định tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy, Bộ sẽ giao cho một cơ quan chuyên môn thẩm định, xem xét tất cả các điều kiện và sau đó mới có kết luận cuối cùng”, văn bản khẳng định. Văn bản cũng nêu: Trong Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp đã quy định rõ, nếu thí sinh đạt giải  mà vi phạm quy định của Quy chế và các quy định của pháp luật khác có liên quan, gây hậu quả xấu thì sẽ bị tước danh hiệu.  Những dư luận xung quanh bộ ảnh lần này cũng là một bài học quý cho các hoa hậu, người đẹp trong việc sử dụng tà áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam để sáng tạo các bộ ảnh nghệ thuật. Phải làm thế nào để khi nhìn vào những tác phẩm đó, công chúng thấy được người mặc đang tôn vinh những nét đẹp ý nhị, kín đáo của người phụ nữ Việt Nam chứ không nên lấy đó làm một phương tiện để “khoe” cơ thể. Người của công chúng phải có ý thức gìn giữ hình ảnh của mình, không được có những hành động, phát ngôn gây bức xúc cho dư luận, làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Trước đó, trưa ngày 10/2, bài viết "hoành tráng" trên một trang tin giật tiêu đề chắc nịch: “Bộ VHTTDL đồng ý tước danh hiệu hoa hậu của Mai Phương Thuý”. Lập tức thông tin này gây sóng trong dư luận, nhiều trang mạng lấy lại, vì người phát ngôn câu nói đó (nếu đúng là nói như vậy) đường đường là quan chức cấp Bộ - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn, ông Tô Văn Động.

Văn bản của Bộ VHTTDL nêu rõ: Về thông tin “Bộ đồng ý tước danh hiệu Hoa hậu Mai Phương Thúy”, chúng tôi khẳng định lại một lần nữa, đây không phải quan điểm chính thức của Bộ.

Cũng liên quan tới bộ ảnh xuân thì của Mai Phương Thúy, một số nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế nối tiếng trả lời Giáo dục Việt Nam rằng, bộ ảnh không hề phản cảm hay dung tục. Cụ thể, Nhiếp ảnh gia Duy Anh, thành viên Hôi đồng Nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc gia nói: "Theo tôi, những ảnh này rất đẹp, mang sự gợi cảm nhẹ nhàng, không thể gọi là dung tục như một số người gán ghép”. Còn nhiếp ảnh gia Huỳnh Ngọc Dân đánh giá: "Nếu Mai Phương Thuý không phải là một hoa hậu, có lẽ cô mặc một bộ bikini bước ra đường, chẳng ai nói. Đằng này, cô ấy mặc áo dài, một loại trang phục vốn tôn vinh những đường nét gợi cảm của phụ nữ, chỉ vì vài dáng đứng, dáng nằm  nhằm làm đẹp thêm cho bức ảnh, thì lại bị gán ghép là "dâm hoá", "làm hoen ố bộ quốc phục"... Tôi thấy quá bất công và khuếch đại sự nghiêm trọng của vấn đề lên quá mức. Hãy nên nhớ rằng, người nghệ sĩ cũng là một con người, đừng nên xét nét họ một cách tỉ mỉ, làm cho cuộc sống của họ mất tự do. Ai cũng có khoảng trời riêng của mình, chúng ta đừng tự cho mình cái quyền phán xét người khác". Nhà thiết kế Đức Hùng đưa ra quan điểm, trong khi một số người khắt khe cho rằng tư thế này của Mai Phương Thuý là “ngả ngốn” thì anh lại liên tưởng đến hình ảnh phụ nữ ngày xưa, trong chiếc yếm đào, quần đụp, nằm ngửa trên chiếc chõng tre, trông rất hấp dẫn và hồn nhiên. Các cụ ngày xưa không mặc áo lót bên trong đâu đấy nhé, nhưng có bị gọi là “dâm tục” hay thô tục đâu?  “Tôi thấy ai đó gán ghép cho bộ  ảnh  “Nét xuân thì” bằng những từ nặng nề: Thô tục, dâm hoá... có vẻ quá đáng và không nên”, anh nói.

Giáo dục Việt Nam