Về chuyện này, cả 2 bên: phía trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, phía BTC chương trình "Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại" đều đã lên tiếng trước báo chí.
Nhìn lại một chút thì thấy, cuộc hội ngội các thí sinh từng lọt chung kết Hoa hậu VN 2010 khởi đầu từ mong muốn gặp gỡ, chia sẻ vui buồn cuộc sống của một vài người đẹp ở Hà Nội. Thấy ý tưởng hay, rất nhiều người đẹp khác ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam đã ủng hộ và lên kế hoạch cho buổi gặp gỡ tại Huế.
Và, có lẽ buổi hội ngộ sẽ trọn vẹn ý nghĩa, nếu các người đẹp âm thầm (trước giới truyền thông) vui vẻ gặp nhau, vui vẻ cùng nhau đi làm từ thiện hoặc vui chơi với các em nhỏ tại một Trung tâm bảo trợ trẻ em nào đó - một hành động đẹp gắn kết các thí sinh từng dự thi Hoa hậu khắp mọi miền đất nước.
Đằng này, không biết quy mô chương trình ra sao, mà có cả một chức danh Trưởng BTC "Hoa hậu Việt Nam 2010 - một năm nhìn lại" to tướng, cộng thêm buổi họp báo được gọi “rềnh rang”. Đồng ý rằng, tổ chức họp báo nhằm công bố dự án thực hiện cuốn sách ảnh Áo dài Việt Nam với sự tham gia của 20 người đẹp (thực tế là chỉ có 12 người tham gia) để sau này bán đấu giá giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắp ba miền Nam, Trung, Bắc là một cách truyền thông tốt, làm "hoành tráng" cũng được. Thế nhưng, "hoành tráng" trong cả việc thông báo chuyến thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân như lời của ông Đào Đức Hiếu, Trưởng BTC để rồi chỉ ủng hộ…1,5 triệu đồng thì thật đáng suy nghĩ.
Số tiền 1,5 triệu không lớn (thậm chí là rất bé so với khả năng một vài người đẹp), và đương nhiên cũng không ai nghĩ đoàn người đẹp lại đi tính toán, so đo tiền ủng hộ với một Trung tâm Bảo trợ trẻ em làm gì. Thế nhưng, từ lâu ông cha vẫn nói: “Của cho không bằng cách cho”. Ngẫm trong trường hợp này mà thấy đúng!
Ông Hiếu, người xưng danh là Trưởng BTC nói rằng, một số người ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân, Huế có thể bức xúc tố “đoàn hoa hậu” do việc: Sau buổi đến thăm Trung tâm, một vài thành viên trong đoàn đã đi trao tiền mặt từ thiện khoảng 50 triệu đồng cho một vài gia đình khó khăn ở nơi khác mà không phải tại đó. Có lẽ, ông Hiếu nhầm! 50 triệu là khoản tiền lớn (chắc chắn là hơn rất nhiều số tiền 1,5 triệu) nhưng nó chưa đáng để các thành viên Trung tâm Bảo trợ trẻ em Thủy Xuân phải lên tiếng bức xúc trên mặt báo.
Làm từ thiện bằng tấm lòng hay vật chất đều tốt. Đã gọi bằng tấm lòng, thì đừng liên quan tới tiền, hãy cứ chơi đùa, vui vẻ hết mình với các em bé từ lâu thiếu thốn tình cảm. Còn nếu từ thiện bằng tiền, hãy từ thiện cho đáng đồng tiền. 1,5 triệu có là gì mà bắt các chị, các cô bảo mẫu ở Trung tâm phải đi chợ, phải nấu ăn phục vụ cho ngần ấy người? Thật đáng suy nghĩ!
Cách làm của đoàn người đẹp thậm chí có thể tổn thương đến tình cảm của những em bé thiệt thòi, những cô bảo mẫu ở Trung tâm. Trẻ em bất hạnh thường có lòng tự ti và thái độ tự tôn rất cao, chỉ cần một chút thiếu tế nhị hoặc tỏ ra coi thường là các em nhận ra ngay, không bao giờ đến gần nữa. Thậm chí, chính các cô bảo mẫu, Giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ em Thủy Xuân mới chính là những người dễ bị tổn thương hơn cả trẻ nhỏ. Vì sao ư? Bởi họ phải hy sinh rất nhiều để chăm lo cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Họ yêu thương các em như con cái, nên hành động từ thiện nhưng chưa từ tâm của “người lạ” với con cái họ, với nơi họ sống làm sao họ không cảm nhận được cơ chứ?
Thêm nữa, việc ông Đào Đức Hiếu nói dùng số tiền 1,5 triệu hỗ trợ tiền ăn cho các em nhỏ thiệt thòi (100 suất, 15000 đồng/mỗi em) cho đến việc đoàn hoa hậu đến thăm sẽ là cách quảng bá hình ảnh cho trung tâm nghe mà thấy buồn cười!
Có cần phải công bố rành rọt là bữa ăn này chúng tôi cho các em là bao nhiêu tiền, hỗ trợ được bao nhiêu suất ăn như vậy không, để rồi đến khi một bảo mẫu tại trung tâm cho biết là chị đã phải bù ra 100 nghìn đồng để đi chợ vì số lượng người ăn từ phía ban tổ chức đã tăng khoảng 10 người mà không hề báo trước? Điều nữa, một trại trẻ mồ côi - thiết nghĩ cũng chẳng giống các người đẹp trong giới showbiz mà phải cần các biện pháp, chiêu trò PR, quảng bá cho mình.
Một người đẹp từng lọt Top 20 Hoa hậu VN 2010, được mời và đã không tham gia chuyến đi tại Huế chia sẻ với phóng viên: “Tôi đã từng nhiều lần tới thăm các em ở trại trẻ mồ côi và thấy rằng, đối với các em thiệt thòi, 2 từ Hoa hậu giống như một giấc mơ vậy! Được gần gũi, nói chuyện với Hoa hậu sẽ giúp các em có thêm nghị lực và ước mơ bay cao hơn. Đó mới là điều tuyệt nhất làm được cho các em”.
Trong các điều răn của nhà Phật có câu: “An ủi lớn nhất của đời người là bố thí” - từ thiện tích đức là việc tốt, nhưng không phải ai đi làm từ thiện cũng có được “tâm” an, nếu đó không xuất phát từ tấm lòng chân thành của mình!