Toả hương núi rừng
Những người đẹp đến từ mọi miền đất nước đã có dịp khoe, giới thiệu những nét đẹp, đậm đà bản sắc của dân tộc mình trong đêm chung khảo “Hương sắc Việt Nam” vào ngày 7.12 tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM).
Không còn những bước chân ngượng nghịu khi phải đi trên những đôi giày cao gót, vất vả tự mình điểm phấn tô son, xấu hổ khi phải mặc áo tắm hay có quá nhiều ống kính máy ảnh hướng vào mình... 61 bông hoa đến từ khắp mọi miền đất nước đã trở thành 61 “đại sứ” đầy tự tin để khoe những vẻ đẹp của quê hương mình đến với tất cả mọi người trong các vòng thi.
Phần thi khiến khán giả trầm trồ nhiều nhất đêm chung khảo “Hương sắc Việt Nam” chính là vẻ đẹp của các trang phục truyền thống đặc trưng riêng của các dân tộc, vùng miền. Những chiếc áo thổ cẩm, chiếc tù và, đàn tính, gùi... trở nên đẹp hơn, lung linh, có hồn hơn dưới ánh sáng sân khấu và bên cạnh nét mặt đầy kiêu hãnh, tự hào của những thiếu nữ dân tộc. Đây cũng chính là vòng thi mà nhiều người trông chờ nhất trong cuộc thi nhan sắc này.
Thí sinh Nguyễn Thị Dương (SBD 08) thể hiện bộ trang phục và chiếc mũ đội đầu màu trắng thanh tao, duyên dáng của người Mường. Những thí sinh dân tộc Thái với chiếc khăn piêu duyên dáng.
Thí sinh dân tộc Ba Na Trương Thị Hải Vân (SBD 09) với bộ trang phục mang hoa văn đặc trưng của dân tộc Ba Na, nói như một thí sinh thuộc dân tộc Kinh: “Cùng mang dòng máu Việt nhưng mỗi một thí sinh đều mang trong mình một sứ mệnh, một vai trò riêng, nhất là các bạn thuộc các dân tộc thiểu số. Nói vui, cứ ngỡ mình đang dự cuộc thi tầm vóc quốc tế”.
Ngắm người đẹp thấy… nhớ nhà
Với các cô gái lần đầu đứng trên sân khấu lớn, phần thi trang phục dạ hội có lẽ cũng là một khó khăn không kém gì phần thi trang phục áo tắm. Mặc dù đã được chỉ bảo về cách tạo dáng, cách đi đứng cũng như trình diễn nhưng không ít người gặp phải sự cố như: Vấp váy, xoay người không được… hay tư thế cứng ngắc. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi không phải ai cũng có điều kiện, quen thuộc khoác lên mình những bộ cánh dành cho các dạ tiệc sang trọng.
Chính vì thế, dù không thỏa mãn được ánh nhìn nhưng trong đó lại toát lên một vẻ đẹp đầy hồn quê, “hương đồng gió nội” mà Hoa hậu các dân tộc mang lại. Ngồi trong khán phòng của Nhà hát Hoà Bình, khán giả Bùi Tuấn Lợi (quận Tân Bình) bồi hồi tâm sự: “Tôi xúc động vô cùng khi nhìn thấy những cô gái xinh đẹp dân tộc Mường đến từ Hoà Bình - quê hương tôi trên sân khấu. Ngắm chiếc váy duyên dáng và chiếc khăn trắng họ đội trên đầu, tôi nhớ nhà, nhớ quê da diết, chỉ mong được về quê dự lễ hội ném còn”.
Người đoạt vương miện hoa hậu sẽ nhận giải thưởng 100 triệu đồng cùng quà tặng của các đơn vị tài trợ. Ngoài ra, cuộc thi còn có nhiều giải phụ khác: Người đẹp thân thiện, Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất, Người có gương mặt đẹp nhất... |
Đa số thí sinh đến với vòng chung kết lần này đều không có được sự ủng hộ, cổ vũ trực tiếp của người thân trong đêm chung kết vì khoảng cách địa lý xa xôi. Các người đẹp cảm thấy tiếc nuối khi gia đình, bạn bè không thể sát cánh, theo dõi mình trực tiếp trong suốt quá trinh thi thố nên ai cũng sẽ cố gắng hết sức để tỏa sáng trong đêm chung kết 10.12.
Gạt bỏ sự cạnh tranh thắng - thua, ngay từ khi đi được 2/3 chặng đường để đến ngôi vị Hoa hậu, 61 thí sinh đã không ngừng tìm hiểu, chia sẻ với nhau những tâm tư tình cảm, sẵn lòng giúp đỡ bạn mình khi họ thiếu thốn vật dụng…
Hoa hậu, TS Đoàn Thị Kim Hồng - thành viên Ban tổ chức cho biết: “Cho đến giờ phút này, tôi có thể khẳng định bất cứ người đẹp nào cũng có khả năng đăng quang bởi họ không quá chênh lệch nhau về sắc vóc, tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh”.