Thùy Dung và 4 lần tuột mất cơ hội
Theo quy định bất thành văn của cuộc thi Hoa hậu Thế giới, người đăng quang ngôi vị cao nhất trong cuộc thi Hoa hậu cấp quốc gia năm đó sẽ là đại diện số 1 để dự thi sân chơi này. Trong trường hợp không thể dự thi, người giữ bản quyền cuộc thi tại quốc gia đó - mà ở Việt Nam là công ty Elite - sẽ chọn một trong hai Á hậu của cuộc thi.
Chính vì lẽ này mới có chuyện sau khi đăng quang, tên và hình ảnh của Hoa hậu Việt Nam được tổ chức này đưa lên trang web uy tín chuyên đăng tải về các cuộc thi sắc đẹp Globalbeauties với tư cách là thí sinh đại diện thi Hoa hậu Thế giới, nhưng sau đó lại phải gỡ xuống nếu quốc gia đó thay đổi thí sinh, như trường hợp của Hoa hậu Đặng Thu Thảo mới đây và Hoa hậu Thùy Dung trước đó.
Trong số các Hoa hậu Việt Nam, đến nay có hai Hoa hậu vẫn chưa tham gia một cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào, đó là Hoa hậu 2008 Thùy Dung và Hoa hậu 2010 Ngọc Hân. Trong đó, đáng tiếc nhất là trường hợp của Hoa hậu Thùy Dung.
Năm 2008, sau khi đăng quang, Thùy Dung vướng phải vụ lùm xùm về việc chưa tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Vì sự cố này mà năm đó, đơn vị giữ bản quyền Elite đã không thể làm hồ sơ đề nghị đưa Thùy Dung đi thi mà phải thay bằng Á hậu cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam - Dương Trương Thiên Lý.
Đến năm 2009, khi vụ lùm xùm đã êm xuôi, lẽ ra Thùy Dung có nhiều cơ hội để đến với sân chơi sắc đẹp lớn này thì năm đó, Elite lại không giữ bản quyền cuộc thi. Người đẹp Hương Giang - Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam toàn cầu ở Mỹ - đã được đơn vị cầm bản quyền lựa chọn làm đại diện.
Năm 2010, Việt Nam “được mùa” với hai cuộc thi lớn là Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu thế giới người Việt nên cơ hội với Thùy Dung một lần nữa vụt qua. Vài năm gần đây, Thùy Dung ngày càng đẹp lên, Elite rất muốn “nhắm” Hoa hậu này cho cuộc thi Hoa hậu Thế giới nhưng lại mắc vào chuyện băn khoăn cô đăng quang đã lâu, BTC sẽ “chất vấn” về lí do vì sao giờ mới gửi hồ sơ cho cô dự thi và rất có thể, mọi bí mật quốc gia về nhan sắc Việt sẽ theo đó mà bại lộ, vì thế Thùy Dung vẫn tiếp tục lỡ hẹn.
Theo nhận định của nhiều người trong nghề, nếu đi thi thì Thùy Dung có thể sẽ lọt vào top 15, thậm chí cơ hội còn nhiều hơn. So với các Hoa hậu tiền nhiệm, Thùy Dung sở hữu hình thể hoàn hảo với chiều cao lý tưởng (1,78m - năm 2008 và 1,82 m năm 2011), với các số đo 3 vòng 86 - 61,5 - 91; một làn da đẹp mà giám khảo Bùi Bích Phương (Hoa hậu Việt Nam 1998) nhiều lần khen ngợi trên báo chí.
Ngoài ra, Thùy Dung còn mang gương mặt với vẻ đẹp rất châu Á, vừa nền nã, mộc mạc nhưng vẫn toát lên vẻ kiêu sa lộng lẫy khi chụp hình và trình diễn trên sân khấu.
Vì sao phải cố giữ bản quyền dự thi Hoa hậu Thế Giới cho Việt Nam?
Cũng phải nói thêm, ngược với việc vuột mất cơ hội của Thuỳ Dung, cũng có những Hoa hậu không nhận được sự chú ý do yếu tố chủ quan. Đáng kể như Hoa hậu Đặng Thị Ngọc Hân, dù đủ điều kiện dự thi Hoa hậu Thế giới nhưng kể từ khi đăng quang đến nay, cô chưa từng nằm trong danh sách lựa chọn "mang chuông đánh xứ người” bởi không ít nhìn nhận công chúng cho rằng sắc đẹp của cô cùng lắm chỉ lọt vào top 10 Hoa hậu Việt Nam chứ đừng nói Hoa hậu thế giới!
Sự băn khoăn này cũng chính là lí do để Ngọc Hân chưa nằm trong sự đề cử của các đơn vị giữ bản quyền tham dự cuộc thi quốc tế.
Dù ngày càng có nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng không phải năm nào Việt Nam cũng chọn được thí sinh sáng giá. Năm nay, Lại Hương Thảo được Elite lựa chọn làm đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Thế giới đã khiến Elite “vấp” phải nhiều ý kiến không đồng tình.
Lại Hương Thảo là thí sinh Việt Nam duy nhất trong lịch sử dự thi Hoa hậu Thế giới chỉ mang danh hiệu “hoa khôi” chứ không phải “hoa hậu”, lại trong cuộc thi có tiêu chí chuyên biệt là thể thao chứ không phải Hoa hậu Việt Nam. Tuy nhiên, cái lí của Elite là căn cứ vào quy định, hễ là người thắng giải của một cuộc thi mang cấp quốc gia đều có cơ hội dự thi.
Vì sao không “để trống” thí sinh dự thi HHTG nếu năm đó không chọn được người đủ tầm vóc? Trả lời câu hỏi này, bà Thúy Nga - Giám đốc điều hành công ty Elite - cho hay, bà từng suy nghĩ khá kĩ về điều này, nhưng thực tế chứng minh, nếu để trống thí sinh năm nào, ngay lập tức năm đó sẽ có một đơn vị khác ở nước ngoài đăng kí mua bản quyền. Theo quy định của Elite quốc tế, nếu năm đó Elite Việt Nam không mua thì phải có nghĩa vụ trả lại và Elite quốc tế sẽ bán bản quyền cho một đơn vị khác có nhu cầu. Năm 2009, Elite không mua bản quyền, một Việt kiều Mỹ đã mua lại và đưa Hương Giang - thí sinh đoạt Á hậu 2 Hoa hậu Việt Nam toàn cầu (diễn ra trong cộng đồng người Việt ở Mỹ) tham gia Hoa hậu Thế giới. Rất may năm đó Hương Giang vẫn là thí sinh sáng giá và lọt vào top 16. Sau “bài học” này, Elite không thể buông bản quyền ra vì e ngại người nắm bản quyền khác rất có thể rơi vào một đơn vị cỡ như cuộc thi của các “hoa hậu ao làng” như dư luận từng chứng kiến.