Hoa hậu – Tiến sĩ Sử học Thu Trang hiện giờ đang sống ở Paris. Các trí thức nổi tiếng của Việt Nam như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Dương Kỳ Anh và nhiều nhà báo của Việt Nam mỗi lần qua Pháp vẫn cố gắng gặp bà, trò chuyện với bà để nghe bà kể về những năm tháng cũ, khi bà vừa là một điệp viên, một nhà báo, vừa là Hoa hậu đầu tiên dưới chế độ Mỹ - Ngụy.
Tiến sĩ Sử học Thu Trang sinh năm 1932. Bà đã bước sang tuổi 80, nhưng những người từng gặp bà nói thời gian có vẻ không khuất phục được nhan sắc của bà, vì khi về già, bà vẫn giữ được nhan sắc của một người phụ nữ đã từng trở thành hoa hậu đầu tiên của Việt Nam.
Báo chí vẫn gọi bà là Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam. Nhưng bà vẫn muốn đính chính rằng Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam là Hoa hậu Bùi Bích Phương (trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức năm 1988), còn bà chỉ là Hoa hậu đầu tiên dưới chế độ Ngụy quyền Sài Gòn.
Tuy nhiên, có lẽ gọi bà là Hoa hậu đầu tiên cũng không sai, khi mà bà là cô gái Việt Nam đầu tiên được đăng quang trong một cuộc thi hoa hậu diễn ra trên đất nước Việt Nam.
Hoa hậu Thu Trang tên thật là Thu Trang Công Thị Nghĩa. Bà sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, người gốc làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội và là chị của hai người em, một trai một gái. Năm bà 10 tuổi, cha bà được điều động vào Sài Gòn làm việc, bà và gia đình theo ông vào miền Nam và ở lại Sài Gòn.
Năm 1950, khi phong trào Trần Văn Ơn bùng nổ mạnh mẽ ở Sài Gòn, Thu Trang khi đó là học sinh đang cùng với các học sinh, sinh viên khác tham gia những cuộc biểu tình lớn đang diễn ra khắp miền Nam.
Trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên, Thu Trang Công Thị Nghĩa đã sớm được tiếp thu tư tưởng yêu nước.
Biết được chí hướng cảu bà, một số đồng chí cách mạng đã tuyên truyền giác ngộ và động viên bà tham gia cách mạng, với vai trò là thành viên của tổ điệp báo hoạt động trong nội thành khu vực Sài Gòn – Gia Định với bí danh Tư Nghĩa.
Tổ điệp báo khu vực nội thàng ngày đó ngoài Thu Trang Công Thị Nghĩa còn có đồng chí Năm Tú ( tức Trần Thanh Vân) và đồng chí Hai Tắc (tức Trần Kim Lang) và một liên lạc tên là Tư Nga.
Tuy nhiên, hoạt động chưa lâu thì Thu Trang Công Thị Nghĩa bị địch bắt và bị giam chung cùng với đồng chí Nguyễn Thị Bình (sau này là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình). Mối quan hệ thân tình của Thu Trang Công Thị Nghĩa và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn còn được giữ đến sau này.
Có lần nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình sang Pháp, bà đã dùng cơm tại nhà Hoa hậu – Tiến sĩ Sử học Thu Trang. Sau khi bị bắt năm 1952, Thu Trang Công Thị Nghĩa bị đưa ra Tòa án binh Pháp.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sau này là Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ) chính là người bào chữa cho bà khi ấy. 1 năm sau thì bà được trả tự do.
Ra tù, Thu Trang Công Thị Nghĩa bắt đầu viết báo. Vì khi đó bà đã ý thức được báo chí chính là một công cụ đấu tranh lợi hại. Bà viết nhiều báo như báo Sài Gòn mới, Lẽ sống…với nhiều bút danh như Thanh Tâm, Huyền Thu, nhưng nhiều nhất là Thu Trang.
Với Tiến sĩ Sử học Thu Trang, vương miện Hoa hậu được bà coi như một kỉ niệm đẹp trong đời mình. Dù sau khi đăng quang, cuộc đời bà đã gặp không ít thăng trầm, sóng gió.
Năm 1955, cuộc thi Hoa hậu Sài Gòn lần đầu tiên được tổ chức ở Sài Gòn, tại rạp chiếu bóng Lido. Cuộc thi này do Bộ Xã hội của chính quyền Ngô Đình Diệm đứng ra tổ chức. Khi đó Thu Trang Công Thị Nghĩa là ký giả, được tòa soạn cử đi làm tin về cuộc thi.
Thời đó, do còn nặng tư tưởng cũ, lại là cuộc thi sắc đẹp đầu tiên được tổ chức nên không khí hưởng ứng cuộc thi không sôi nổi và hào hứng như bây giờ. Không có các vòng sơ khảo từ cơ sở, các cuộc thi từng khu vực.
Nhiều cô gái trẻ đẹp e ngại tham gia cuộc thi vì sợ bị dị nghị. Chính vì thế số lượng thí sinh tham gia cuộc thi rất ít ỏi. Năm đó khi Thu Trang xuất hiện để đưa tin về cuộc thi, BTC cuộc thi lập tức để ý ngay đến nhan sắc duyên dáng của bà và đề nghị bà tham gia.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, cộng thêm chút hiếu kỳ của tuổi trẻ và sự tự tin của một nữ ký giả năng động, bà đã đăng ký tham gia cuộc thi Hoa hậu năm đó và vượt qua 30 thí sinh khác để đăng quang ngôi vị Hoa hậu.
Năm đó bà tròn 23 tuổi. Thời đó, quan niệm xã hội chưa cởi mở như bây giờ nên cuộc thi Hoa hậu đầu tiên mà bà tham gia không có phần thi áo tắm, bởi nếu có phần thi này, chắc các thí sinh sẽ bỏ cuộc gần hết.
Nên chỉ có phần thi áo dài và áo dài dạ hội, sau đó là phần thi ứng xử. Số tiền thu được từ cuộc thi cũng được mang đi làm công tác xã hộị.
Phần thưởng của Hoa hậu Thu Trang khi đăng quang là 1 chiếc xe máy hiệu Lamberta, 1 chiếc kiềng 1 lượng vàng, 3 ngàn đồng (tương đương với 10 lượng vàng) và một vé máy bay đi Mỹ. Tuy nhiên chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ biết bà từng là điệp báo của Cách mạng nên đã cản trở, không cho bà sang Mỹ.
Vương miện hoa hậu đã khiến Thu Trang Công Thị Nghĩa có nhiều cơ hội với điện ảnh, trong những bộ phim lớn lúc bấy giờ. Một trong những bộ phim lớn mà bà tham gia chính là bộ phim Lục Vân Tiên của đạo diễnTống Ngọc Hạp. Trong bộ phim đó, Thu Trang đóng vai Kiều Nguyệt Nga.
Để tuyên truyền cho chính sách chống Cộng sản miền Bắc, năm 1956, bộ phim “Chúng tôi muốn sống” do Cơ quan viện trợ Mỹ đài thọ (thực chất là do CIA đứng sau lưng) đã mời Thu Trang đóng vai chính trong phim.
Nhưng Thu Trang đã từ chối vai chính đó. Để che mắt mật thám của địch, bà đồng ý đóng vai nữ cán bộ Việt Minh trong phim với hi vọng nhờ những vai diễn này, bà sẽ dễ dàng thâm nhập sâu vào trong lòng địch.
Sau này khi sang Pháp, Hoa hậu Thu Trang cũng từ chối nhiều cơ hội tỏa sáng trên màn ảnh vì lý do những bộ phim đó có nội dung không ủng hộ Cách mạng Việt Nam.
Khi đăng quang Hoa hậu, bà vẫn hoạt động cách mạng. Năm 1960, bà kết thân với Nguyễn Lương, Bộ trưởng Bộ Tài chính của chế độ Ngô Đình Nhiệm để dễ bề hoạt động.
Nhưng sau khi người lái xe của bà– cũng là một chiến sĩ cách mạng của ta cài cắm vào bị lộ, đứng trước nguy cơ bị địch bắt, Thu Trang đã buộc phải rời khỏi Việt Nam.
Cơ hội đến với bà khi bà được một số nhà làm phim Pháp mời sang Pháp đóng phim. Nhờ đó bà qua Pháp một cách dễ dàng. Sau này khi biết tin bà đã ở bên Pháp, Trần Lệ Xuân đã vô cùng tức giận. Bà ta đã ném cả cốc nước vào mặt Tổng Nội vụ thời đó và quát:
“Sau các ông lại cho con Việt cộng nằm vùng đó trốn thoát”. Trong hồ sơ lưu của Ngụy quyền Sài Gòn, bà cũng được coi như một điệp viên hoạt động bí mật tại Sài Gòn.
Sang đến Pháp, Thu Trang gặp phải nhiều khó khăn. Bà không thể quay trở về nước vì khi đó chính quyền Ngô Đình Diệm đang thi hành luật 10/59 rất dã man.
Ở Pháp bà được mời đóng những bộ phim chống Cộng và ca ngợi Pháp trong thời kỳ thuộc địa của họ, nhưng không muốn phản bội đất nước nên bà từ chối.
Bà đăng ký học tiếng Pháp rồi thi vào Đại học, chuyên ngành cao học lịch sử Phương Đông của Đại học Sorbone. Để duy trì được cuộc sống và việc học ở Pháp, bà phải đi làm gia sư và làm thông dịch viên tiếng Anh.
Sau này, bà bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp”. Bà cũng là người viết cuốn “Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Pháp 1917 – 1923” (Cuốn sách này đã được in tại Việt Nam).
Hiện nay ở Pháp, Hoa hậu – Tiến sĩ Sử học Thu Trang là một nhà sử học về Việt Nam uy tín. Bà thường xuyên giao lưu với các trí thức lớn của Việt Nam mỗi khi họ có dịp qua Pháp hay mỗi khi bà trở về Việt Nam.
Lần nào về Việt Nam, bà cũng cố gắng góp phần nhỏ của mình vào việc phát triển đất nước, thông qua việc giảng dạy cho các học sinh trong nước và đi làm từ thiện tại những vùng khó khăn.
Tuy định cư ở Pháp đã lâu, nhưng với Hoa hậu Thu Trang, Việt Nam vẫn là quê hương của bà, là nơi mà tâm hồn bà luôn luôn hướng về.