SAO » Hoa Hậu

Đằng sau vương miện cao quý, những nàng Hậu này cũng từng 'cày sâu cuốc bẫm' như ai

Thứ bảy, 29/10/2016 21:17

Không gia thế cao sang quyền quý, các Hoa hậu phải làm ruộng vườn từ tấm bé, chân tay lấm lem bùn đất, lớn lên trong những bộ quần áo quê mùa.

Phạm Hương

Vẻ ngoài sang trọng cùng những món hàng hiệu đắt tiền luôn tô điểm cho Phạm Hương khiến nhiều người lầm tưởng Hoa hậu phải xuất thân trong một gia đình giàu có. Thế nhưng, tuổi thơ của Phạm Hương là những tháng ngày nghèo khó, bố mẹ phải chạy ăn từng bữa. Bố làm nghề đánh cá, còn mẹ vừa làm ruộng, vừa chạy chợ, thi thoảng đi phụ cho chồng để lo lắng cho các con ăn học. Căn nhà cũ chật hẹp mà Hoa hậu từng sống thậm chí chỉ có một chiếc giường. Bố cô thường nhường cho vợ con ngủ trên giường còn mình thì nằm đất.

Hoa hậu Hoàn vũ Phạm Hương có tuổi thơ khá cơ cực

Sinh trưởng trong gia đình lao động, từ sớm, Phạm Hương đã phải lao động chân tay phụ giúp bố mẹ. Cô ấp ủ giấc mơ đổi đời bằng bằng cách chăm chỉ học hành. Nghị lực hơn người của cô gái xuất thân thuần nông đã được đền đáp sau nhiều năm một mình bươn trải, nỗ lực tiến thân bằng nghệ thuật. Chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 là một minh chứng ngọc quý không nhất thiết phải được bọc trong nhung lụa, giàu sang.

Ngay khi Phạm Hương đăng quang, nhiều người cố lùng sục hậu thuẫn phía sau cô. Tất cả dường như chưng hửng vì kết quả tìm được, Phạm Hương rất đỗi bình dân. Căn nhà khang trang xây kiểu biệt thự màu trắng sang trọng chỉ có bố và em trai Phạm Hương ở được đăng tải trên mặt báo được xây bằng tiền tiết kiệm ít ỏi của cả nhà từ khi mẹ cô chuyển sang nghề bảo hiểm nhân thọ trong nhiều năm qua. Chưa kể, bố cô phải vay bạc tỉ từ tiền thế chấp chính căn nhà này và đất xây nhà cũng do bà cô cho. Những mong cô con gái Hoa hậu không bị xấu hổ khi dẫn bạn bè về chơi.

Hiện tại, Phạm Hương đã đưa mẹ vào Sài Gòn sống cùng để giúp cô quản lý công việc. Còn bố và em trai vẫn ở lại Hải Phòng làm những công việc lao động phổ thông như những người nông dân thuần phác.

Đặng Thu Thảo

Đặng Thu Thảo cũng là một cô Hoa hậu xuất thân từ “cày sâu cuốc bẫm”. Trước Đặng Thu Thảo, các Hoa hậu hoặc có bản lí lịch "quyền quý", "sang trọng" như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh, Nguyễn Thu Thủy, Nguyễn Thiên Nga, Đặng Ngọc Hân; hoặc chí ít xuất thân trong gia đình trung lưu, có kinh tế và tri thức như Nguyễn Mai Phương, Mai Phương Thúy, Nguyễn Thị Huyền, Trần Thị Thùy Dung. Đến Phan Thu Ngân, Hoa hậu Việt Nam năm 2000, tuy là Hoa hậu đầu tiên xuất thân bình dân, thì cũng là một gia đình bình dân ở thành phố lớn, không phải chân lấm tay bùn. Vì thế, khi Đặng Thu Thảo đăng quang ngôi vị Hoa hậu Việt Nam 2012 chẳng khác gì câu chuyện cổ tích khiến công chúng vô cùng sửng sốt. Lần đầu tiên, một cô gái xuất thân thuần nông được đội lên đầu chiếc vương miện danh giá trong lịch sử 26 năm của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Không quá khó hiểu khi dư luận xôn xao bỡ ngỡ vì sự đăng quang của Đặng Thu Thảo, bởi trong suốt 26 năm tổ chức cuộc thi nhan sắc này, BTC Hoa hậu Việt Nam rất quan trọng bản lí lịch gia đình của các người đẹp. Bởi họ tin rằng, những cô gái xuất thân trung lưu trở lên luôn có nền tảng văn hóa, đạo đức tốt hơn, có khả năng gìn giữ danh hiệu và khả năng tỏa sáng trong tương lai. Quá bất ngờ khi ban giám khảo đã dành ngoại lệ đó cho cô gái miền Tây Đặng Thu Thảo.

Gia đình của Đặng Thu Thảo không chỉ bình dân mà còn là gia đình thuần nông ở Bạc Liêu, hơn nữa, lại rất khó khăn. Cha của Thu Thảo là ông Đặng Văn Đạt, làm nghề ép cá giống. Mẹ là bà Nguyễn Hồng Thơ vừa làm ruộng vừa may vá kiếm thêm thu nhập. Gia đình cô ban đầu sống ở vùng sâu, mỗi lần muốn ra trung tâm huyện thì phải mượn ghe xuồng đi cả chục cây số. Sau đó, để tiện việc học hành của con, ông bà đã chuyển tới huyện Hồng Dân làm nghề buôn bán cá giống. Được một thời gian thì căn nhà bị giải tỏa để xây dựng trung tâm hành chính huyện, cả nhà lại chuyển về thị trấn Ngan Dừa. Công việc làm ăn của bố mẹ Đặng Thu Thảo vì thế cứ bấp bênh thiếu ổn định. Cho đến khi bố cô đổ bệnh thì gia đình thực sự rơi vào cảnh lao đao. Vừa bán nhà đi chữa bệnh cho bố thì tai họa lại ập đến. Bố cô đi xe máy gây tai nạn, tiền bồi thường không có, phải chịu đủ sự mắng nhiếc của người đời.

Vừa học xong lớp 12, cô gái quê Đặng Thu Thảo đã phải lên thành phố kiếm việc làm, nuôi giấc mơ đại học. Có ai ngờ “Hoa hậu của các Hoa hậu” đã từng phải làm đủ thứ nghề từ nhân viên bán hàng mĩ phẩm, bán cà phê đến pha chế đồ uống để có tiền theo học hệ trung cấp Đại học Cần Thơ. Vậy mà hôm nay, cô thôn nữ “tay lấm chân bùn” ngày nào giờ đã lột xác thành thiên nga cao sang quý phái. Cô không ngừng vươn lên và trau dồi cho mình kiến thức vững chắc. Nhan sắc của cô theo thời gian cũng chinh phục công chúng mà không cần bất kì ngh án phẫu thuật thẩm mĩ nào. Phải chăng chính nghị lực hoàn thiện bản thân từng ngày cùng hành trình “xoá nghèo” đó của Đặng Thu Thảo đã khiến mẹ chồng tương lai của cô là bà Dương Thanh Thủy - nữ đại gia nổi tiếng của tập đoàn bất động sản Trung Thủy - không ngần ngại chấp nhận cho con trai mình yêu và gắn bó với cô chứ không phải tiểu thư lá ngọc cành vàng nào khác.

Nguyễn Lệ Nam Em

Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Thị Lệ Nam Em cũng là những Hoa hậu Lọ lem có xuất thân từ đồng ruộng. Nam Em có bố mẹ, nội ngoại đều là những người nông dân vùng sông nước. Do hoàn cảnh quá khó khăn và những bất đồng quan điểm chỉ được giải quyết bằng bạo lực mà bố mẹ cô chia tay nhau. Cô ở với bố còn anh trai và chị gái ở với mẹ. Sau đó, bố cô cũng túng quẫn mà bỏ đi, để Nam Em lại cho người cô nuôi dưỡng. Nam Em kể, bố cô mất rất thương tâm, không người thân thích bên cạnh, mặt vẫn dính bùn và trong túi chỉ có duy nhất 2000 đồng.

Như mọi thiếu nữ miền Tây nghèo khác, từ rất sớm, Nam Em đã quen thuộc với việc đồng áng. Chỉ đến khi được một người chú xin cho vào đoàn văn công quân đội, được chuyển ra Hà Nội học nghệ thuật ở tuổi 17, cô mới phải chia tay với bùn đất Nam bộ. Nhìn những gì Nam Em đang thể hiện ở cuộc thi Hoa hậu Trái đất và đối chiếu lại với bản lí lịch đặc biệt của cô, công chúng mới thấy một ý chí phi thường của cô gái đi lên từ thiếu thốn và li tán.

Ngọc Duyên, Nguyễn Thị Loan và Triệu Thị Hà

Ngọc Duyên, Nguyễn Thị Loan và Triệu Thị Hà may mắn hơn khi có gia đình ấm êm. Nhưng với cơ may và cả ý chí, họ đều trở thành những nhan sắc rực rỡ của showbiz, không thua kém các người đẹp lớn lên ở thành phố, sinh trưởng trong những gia đình khá giả, có địa vị xã hội.

Nguyễn Thị Loan không ngại công việc đồng áng vất vả

Tuy nghèo khó và phải lao động chân tay đồng áng từ nhỏ nhưng cả ba cô gái đều được bố mẹ đùm bọc, yêu thương. Cha của Ngọc Duyên từng đi bán vé số để nuôi cô và ba anh chị nữa ăn học. Bố mẹ Nguyễn Thị Loan và Triệu Thị Hà đều là những người làm ruộng chất phác và đến giờ vẫn làm ruộng dù con gái họ đã thành đạt, nổi tiếng. Hồi mới đặt chân vào showbiz từ danh hiệu Hoa hậu Biển và Top 5 Hoa hậu Việt Nam 2010, Nguyễn Thị Loan vẫn không ngại vác cuốc ra đồng theo mẹ mỗi khi về thăm quê. Top 20 Hoa hậu Hòa bình quốc tế không sợ bị chê quê mùa, không giấu xuất thân quê lúa mà luôn tự hào về gia đình thuần nông của mình.

Thực tế đã chứng minh, quá khứ nghèo khó với nhưng giọt mồ hôi tấm mặn trong việc lao động mưu sinh đã hun đúc nên sự kiên nhẫn, nghị lực phi thường cùng quyết tâm đổi đời của những người đẹp hàng đầu showbiz Việt.

Những năm tháng mưu sinh vất vả khiến các cô gái này có ý thức tự mài giũa, tự học hỏi, tự phấn đấu, tự vạch ra mục tiêu và tự thực hiện mục tiêu. Họ biết trân trọng chiếc vương miện mà bản thân vượt mọi gian nan khổ cực mới có được. Đó cũng là cách khiến các Hoa hậu chân quê này trở nên khác biệt và nổi bật giữa vô vàn Hoa hậu có gia thế và có chống lưng khác.

>> Các nàng Hậu Việt khốn đốn, ê chề khi bị soi scandal học vấn

Hạ Phong (Theo Giadinhvietnam.com)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới