Sự việc tân Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên vừa mới đăng quang đã bị cư dân mạng “ném đá” tới tấp hay việc Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo bị chê tơi bời khi dính nghi án "nói dối" về học vấn chỉ là một trong số rất ít những trường hợp bị cư dân mạng “đối xử tệ bạc” sau khi đăng quang.
Tuy nhiên, sự cực đoan trong việc đánh giá của nhiều người đã khiến ý kiến riêng biến thành một sự chỉ trích nặng nề, một thói quen khó bỏ hơn là cách để trình bày quan điểm. Có thể những người đánh giá, chê bai các Hoa hậu cho rằng, đó đơn giản là ý kiến riêng của mình, nhưng họ không biết rằng, những lời chê bai này khiến những nhan sắc mới bước lên bục vinh quang kia cảm thấy sợ hãi.
Thay vì cảm nhận chủ quan, hãy đánh giá một cách công bằng
Tiêu chí chung của các cuộc thi Hoa hậu ở Việt Nam đều hướng đến giá trị: Chân – Thiện – Mỹ. Các thí sinh trong quá trình tham gia các cuộc thi nhan sắc này ngoài vẻ đẹp hình thể còn phải thể hiện được năng lực toàn diện của mình. Tuy nhiên, dường như sau khi đăng quang, vấn đề duy nhất khiến nhiều người băn khoăn vẫn là phần “sắc” của thí sinh. Điều này hoàn toàn không có gì sai, bởi đây là một cuộc thi nhan sắc. Nhưng nếu chỉ có vậy thì các phần thi khác trong các cuộc thi này có lẽ cũng không cần thiết, vì “sắc” thì dễ dàng đập vào mắt người đối diện, còn tài năng và các phẩm chất khác thì cần phải có cả một quá trình để thể hiện.
Dường như đã thành một thông lệ, bất kỳ sau một cuộc thi nhan sắc nào cũng có những ý kiến trái chiều xung quanh vị trí của những người đoạt giải. Họ cảm thấy vị trí đó là chưa đúng, chưa thỏa mãn, lẽ ra người này phải xứng đáng với ngôi vị kia hơn là ở vị trí hiện tại, rằng Ban giám khảo thiên vị, “mắt thẩm mỹ có vấn đề", v.v… Lẽ dĩ nhiên, những lời xì xầm, bàn tán này có một sức lan tỏa mãnh liệt, tạo nên một trào lưu có sức ảnh hưởng “khủng khiếp”.
Ví như trường hợp của tân Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên, sau khi đăng quang chỉ được vài phút thì “bão chê bai” nhan sắc của cô đã ngập tràn mạng xã hội. Thay vì nhận những lời chúc mừng cho sự cố gắng của mình, cô gái 18 tuổi đã phải đối mặt với những lời chỉ trích khó nghe, những lời ví von thô thiển, những lời chê bai không đáng. Và tất nhiên, những “anh hùng bàn phím” kia tỏ ra rất hả hê vì có nhiều đồng minh. Họ hả hê vì “hạ bệ” được một người mà theo họ là có nhan sắc quá bình thường, không có gì nổi bật.
Trở lại với các cuộc thi Hoa hậu trước đây, những Mai Phương, Mai Phương Thúy, Ngọc Hân... đều không nhận được sự đồng thuận của nhiều người vì nhan sắc kém nổi bật sau khi đăng quang. Ngay như Mai Phương Thúy, dù sở hữu chiều cao “khủng” nhưng khi “phân tích” gương mặt cô, cũng có không ít “chuyên gia sắc đẹp” trên mạng cho rằng, mắt cô không cân đối, gương mặt nhiều nốt ruồi. Hoặc như trường hợp của Đặng Thu Thảo, dù hiện tại được khen là “Đệ nhất hoa hậu”, nhưng ở thời điểm đăng quang, cô cũng không nhận được nhiều lời khen ngợi như bây giờ. Còn Ngọc Hân thì phải hứng chịu rất nhiều lời bình luận ác ý về nhan sắc của mình ngay sau khi đăng quang.
Cái đẹp là vô cùng và quan điểm về cái đẹp cũng không ai giống ai, nhưng dường như nhiều người đã quên mất điều này và cố áp cái nhìn của mình cho tất cả. Họ có thể vin vào lý do: “Hoa hậu thì phải đẹp”, nhưng nếu hỏi như thế nào là đẹp, phân tích các chỉ số nhân trắc học như thế nào, liệu mấy ai trong số những “anh hùng bàn phím” kia có thể trả lời được?
“Chúng ta có khả năng tìm thấy sai trái ở những người cộng tác nhiều hơn đức hạnh của họ” – Câu nói này đã chứng minh phần nào tính cách thích vùi dập, hạ bệ người khác của một bộ phận người Việt hiện nay. Thay vì phê phán, chỉ trích, hãy nhìn nhận một cách công bằng ở nhiều góc độ, khi đó, sự việc sẽ khách quan hơn rất nhiều.
Ngọc có mài, ắt sẽ sáng
Thực tế đã chứng minh rằng, rất nhiều Hoa hậu Việt đã đẹp hơn rất nhiều sau một thời gian đăng quang. Mai Phương Thúy từ chỗ bị chê ăn mặc xấu, quê mùa đã “lột xác” trở thành một fashionista của thời trang Việt. Ngay cả gương mặt, thần thái của cô cũng đẹp hơn rất nhiều so với thời gian đăng quang ngôi vị Hoa hậu. Ngọc Hân hiện tại cũng đã “lột xác” nhờ cách ăn diện, trang điểm. Và hơn hết, tất cả những Hoa hậu này đều được khen ngợi vì tấm lòng nhân hậu, tích cực với các công việc thiện nguyện vì xã hội.
Còn nhớ sau khi Đặng Thu Thảo đăng quang ít lâu, cô đã bị tố gian lận trong việc khai báo học vấn và rất nhiều lời bình luận ác ý đã chĩa về phía Thu Thảo. Thậm chí có người còn cho rằng, Thu Thảo không hề xứng đáng với ngôi vị. Nhưng chỉ sau 2 năm, những lời tung hô, khen tặng nhan sắc, trí tuệ của cô lại tràn ngập trên các mặt báo. Thậm chí có người còn muốn Thu Thảo giữ ngôi vị thêm 2 năm nữa. Như thế mới thấy rằng, mọi việc có thể thay đổi, và vẻ đẹp bên ngoài sẽ bị lu mờ nếu như bản thân cô Hoa hậu đó bị chê học dốt, trí tuệ không xứng đáng, v.v…
Chúng ta luôn đi “rao giảng” triết lý: vẻ đẹp tâm hồn mới là vẻ đẹp vĩnh cửu, nhan sắc bên ngoài rồi sẽ phai tàn theo thời gian, ấy vậy nhưng chính chúng ta đang tự làm cho vẻ đẹp ấy tàn lụi đi bằng những lời nói độc địa, những lời chê bai phũ phàng. Như trường hợp của Kỳ Duyên, cô được khen là giỏi giang, ngoan, hiền, có ý chí khi tích cực giảm hơn 10kg để đi thi Hoa hậu. Và trên thực tế, dung mạo của cô ngoài đời thường không xấu. Nhưng cô đang phải hứng chịu "búa rìu" của dư luận. Những lời chê bai phũ phàng khiến cô gái trẻ không chịu được áp lực đến mức phải khóa trang cá nhân.
Trong thời đại mà mạng xã hội bùng nổ, thông tin có thể truyền đi với tốc độ chóng mặt và sức ảnh hưởng của nó cũng ghê gớm không kém bất cứ một thứ vũ khí nào, thì việc nhiều “anh hùng bàn phím” đang cố tỏ ra thông thái trong cách đánh giá về người khác đang trở thành một “hiện tượng đám đông”. Bất kỳ sự việc nào cũng khiến họ “khó chịu” và để giải tỏa cho sự “khó chịu” đó, nhiều người đã không ngần ngại thể hiện quan điểm riêng của mình một cách cực đoan. Thiết nghĩ, một viên ngọc sẽ càng sáng hơn nếu chúng ta biết mài giũa nó hàng ngày. Thay vì bỏ quên, hắt hủi, hãy chăm sóc và nuôi dưỡng bởi khi đó, mọi thứ mới có thể sinh trưởng.