SAO » Hoa Hậu

GS.TS Trần Lâm Biền: Áo dài Mai Phương Thúy mầm mống suy đồi...

Thứ hai, 13/02/2012 13:42

"Nếu HHVN mặc áo dài mỏng tang như thế thì không thích hợp với tâm hồn người Việt, bởi khi tiến lên thì người Việt vẫn phải là người Việt, nếu không xác định được bản chất Việt thì chúng ta không định hướng được cho tương lai"...

Sau khi bộ ảnh khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy được tung lên các trang mạng, ngay lập tức nhiều độc giả đã không tiếc lời, lên tiếng chỉ trích cô HHVN năm 2006 này.

Người cảm thông, thích thú thì cho rằng đó là nghệ thuật, bộ ảnh đẹp ở mọi góc cạnh, phơi bày cái mơn mởn của thiếu nữ tuổi xuân thì. Kẻ không tiếc lời phê "khiêu dâm", "kích dục", thậm chí làm hoen ố hình ảnh tà áo dài Việt Nam.

Chúng tôi đã có cuộc chia sẻ với GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa truyền thống xung quanh vấn đề này:

Bắt chước, cải tiến thiếu suy nghĩ sẽ là mầm mống của sự suy đồi

GS.TS Trần Lâm Biền

PV: - Hiện dư luận xôn xao trước hình ảnh khoe nét xuân thì của Mai Phương Thúy trong bộ áo dào trắng mỏng tang với tư thế có phần khêu gợi. Ông nghĩ gì khi nhìn thấy hình ảnh của HHVN 2006 như thế? GS.TS Trần Lâm Biền: - Người Việt Nam rất đằm thắm, kín đáo. Bao giờ họ cũng lấy cái tình cảm và cái trí tuệ làm đầu chứ không bao giờ lấy cái thể xác để đứng lên trên đầu nghệ thuật. Vì vậy, với người Việt Nam, sự đằm thắm, kín đáo là một điều rất đáng quan tâm. Còn những hình ảnh phản cảm sẽ không hợp với tâm tư của người Việt. Áo dài của người Việt có truyền thống, có áo tứ thân tạo nên nhiều màu sắc, một sự hòa sắc không đơn điệu làm cho người con gái trở nên duyên dáng. Nó níu kéo tâm hồn con người. Từ già tới trẻ, người ta đều nhận thấy ở đó một sự đẹp đẽ đầy chất dân tộc.

Còn áo dài hiện nay mỏng, lại hở hang thì không còn là áo dài nữa mà nó chỉ là gợi ý về chiếc áo dài, nhưng dùng cái đó để gợi ý nội dung bên trong chứ không phải gợi ý bên ngoài. Có nghĩa là tự thân áo dài nó không còn đẹp nữa. Nếu HHVN mặc áo dài mỏng tang như thế thì không thích hợp với tâm hồn người Việt, bởi khi tiến lên thì người Việt vẫn phải là người Việt, nếu không xác định được bản chất Việt thì chúng ta không định hướng được cho tương lai. Cái gì cứ đi bắt chước để rồi cải tiến một cách thiếu suy nghĩ thì nó chỉ làm cho tàn phai, mất đi cái truyền thống. Đồng thời, nó làm mầm mống cho đạo đức bị suy đồi.

Một trong những bức ảnh Mai Phương Thúy mặc áo dài trắng mỏng tang bị dư luận ném đá.

PV: -  Nhiều độc giả cho rằng bộ ảnh này mang yếu tố "dâm tục", làm "hoen ố" hình ảnh chiếc áo dài Việt Nam, làm mất đi vẻ đẹp thuần khiết của thiếu nữ Việt. Quan điểm của ông về điều này thế nào? GS.TS Trần Lâm Biền: - Họ nói như thế là đúng. Đây không phải là những người già nuối tiếc lại quá khứ, mà tất cả mọi người đều nuối tiếc cái truyền thống để khẳng định rằng: người Việt Nam là người Việt Nam, chứ người Việt Nam không phải là cái đuôi của một tộc người nào khác trên thế giới. Hay nói đúng hơn, văn hóa của Việt Nam cần một sự độc lập, là chính nó chứ không phải là cái đuôi của bất kể nền văn hóa nào khác. Vì thế tâm tính của người Việt Nam là bản tính đầm ấm, kín đáo. Và từ cái đầm ấm, kín đáo ấy thì tình cảm của nó rất sâu đậm, không sốc nổi đi theo một hình thức nhục cảm như thế.

Đừng học đòi để đáp ứng những bộ óc non yểu! PV: - Ông có nhận xét gì về trào lưu biến tấu bộ trang phục áo dài truyền thống của chúng ta hiện nay như: có người mặc quần bò với áo dài, có người mặc áo dài khoét sâu để lộ ngực, hay như mặc áo dài trong suốt, mỏng tang? GS.TS Trần Lâm Biền: - Mọi trang phục thời xưa nó đã có chuẩn mực. Khi nó đã chuẩn mực thì đừng bắt nó bị kệch cỡm, chẳng hạn: người ta khó chấp nhận được các cụ bây giờ đi lễ, đi tế mặc áo the, quần trắng lại đi giầy Tây, hoặc đội mũ phớt. Điều đó là không nghe được bởi cái gì cũng có chuẩn mực, có bộ riêng của nó.

Theo tôi, đã đi vào bộ nào thì nên theo bộ ấy. Bây giờ con người ta có một cái tự do thiếu trí tuệ thì cũng chẳng ai làm gì được họ cả.

"Dùng cơ thể của mình làm nô lệ cho cái áo nó sẽ đi đến chỗ người ta sẵn sàng làm nô lệ cho nhiều cái khác nữa. Và nó sẽ dẫn đến điều bất hạnh cho những người làm cha, làm chú như vậy".

PV: - Áo dài khi mới xuất hiện ở Hà Nội được coi là áo tân thời, nghĩa là so với thời ấy, chiếc áo tân thời là một sự cách tân táo bạo khác hẳn với áo dài truyền thống. Vậy ông lý giải ra sao khi giờ đây chiếc áo dài ấy lại bị phá cách táo bạo cứ như từ sexy đến sex so với chính nó? GS.TSTrần Lâm Biền: - Đúng vậy. Áo Cát Tường (hay còn gọi là áo Lơ Muya) vẫn giữ được cái hồn cốt của tâm hồn Việt còn bây giờ nó không giữ được cái hồn cốt của dân tộc Việt thì cái đó khó có thể chấp nhận được. Việc áo dài ấy bị phá cách táo bạo như vậy suy cho cùng tất cả đều do nhận thức, là do nhận thức kém mà thôi. Nhận thức về nghệ thuật kém nó sinh ra ở một thời kỳ người ta mới chỉ dừng lại ở chỗ "no hơi ấm cật, giậm giật chân tay".

Nếu họ tiến lên với tri thức cao hơn thì họ sẽ tiến tới chỗ: "phú quý sinh lễ nghĩa". Và nếu có lễ nghĩa, phú quý tức là trí tuệ phát triển, nó không đi vào những thứ nhảm nhí như thế này đâu. Còn nếu nó vẫn dừng ở chỗ "no hơi ấm cật, giậm giật chân tay" chứng tỏ trí tuệ vẫn còn thấp, và nó là một sự học đòi để đáp ứng những bộ óc non yểu. PV: - Chiếc áo dài truyền thống ấy được nhiều người con gái coi là quốc phục nữ giới, là biểu tượng của sự trong trắng, thể hiện sự đầm ấm, thùy mị, đậm đặc về chiều sâu nội tâm, và đầy chất bản sắc. Nhưng như ông thấy, càng ngày chiếc áo dài càng mất vẻ trong sáng và thêm phần hở lộ. Là nhà nghiên cứu văn hóa Việt, ông có nhận xét gì về chiều hướng tân thời hóa này? GS.TS Trần Lâm Biền: - Chiếc áo dài truyền thống tạo nên một vẻ đẹp hòa quyện giữa tâm hồn, tâm linh và hình thức. Còn chiếc áo dài mới chỉ chú ý đến hình thức và gợi cảm bằng chính thể xác của người phụ nữ. Như tôi đã nói, cái sự tân thời hóa ấy có thể nghĩ rằng nó sẽ là một điều tất yếu trong một mức độ, khi mà con người đang tiến lên. Đó là một sự khủng hoảng văn hóa, khủng hoảng trí tuệ và mới chỉ dừng lại ở chỗ "no hơi ấm cật, dậm dật chân tay", đua đòi, bắt chước một cách vô lối. Nó còn chưa đi đến chỗ trở lại cái bản thể, cái cốt lõi của dân tộc để chưa có cái bản lĩnh dân tộc một cách mạnh mẽ, bởi trí tuệ còn thấp. PV: - Rất nhiều độc giả hình dung đến phát sợ rằng: Sẽ ra sao nếu như hàng triệu nữ sinh mặc áo dài như Mai Phương Thúy đến trường học? Khi đó, còn nói được "bay bay tà áo học trò" nữa không, thưa ông? GS.TS Trần Lâm Biền: - Theo tôi, chuyện đó là không nên so sánh bởi "bay bay tà áo học trò" đó nó đi vào cái nề nếp, còn cái này là không nền nếp mà học đòi. Chúng ta chỉ có thể nói được rằng "bay bay tà áo học trò" đó là một sự tiếp thu và kế tục truyền thống một cách có học thức, còn cái này là thiếu học thức, một sự đua đòi vô lối, muốn khoe mẽ một cách vội vàng, nhầm lẫn về nhận thức đối với vẻ đẹp. PV: - Thưa GS, xin hỏi ông một câu rất truyền thống và riêng tư: ông nghĩ sao nếu như vợ, con, cháu gái ông mặc áo dài như Mai Phương Thúy? GS.TS Trần Lâm Biền: - Đó là một điều bất hạnh của những người cha, người chú mà có con cháu ăn mặc kiểu như thế. Bởi vì ăn mặc như thế là chú ý đến hình thức, dùng cơ thể của mình làm nô lệ cho cái áo nó sẽ đi đến chỗ người ta sẵn sàng làm nô lệ cho nhiều cái khác nữa. Và nó sẽ dẫn đến điều bất hạnh cho những người làm cha, làm chú như vậy. PV: - Trong "Số đỏ" của nhà văn Vũ Trọng Phụng có nhân vật Tuýp phờ nờ - người cổ súy cho trào lưu ăn mặc tân thời, trong đó có chiếc áo dài tân thời như đã nói ở trên nhưng về nhà lại quát mắng vợ con không được ăn mặc như thế. Với những người đang hô hào ủng hộ Mai Phương Thúy mặc áo dài trong suốt, hớ hênh, phơi lộ như thế, theo ông họ có giống như nhân vật Tuýp phờ nờ không, thưa ông? GS.TS Trần Lâm Biền: - Theo tôi, chúng ta không nên so sánh điều ấy bởi chế độ này với chế độ Pháp khác nhau một trời một vực. Trong những ủng hộ của Vũ Trọng Phụng, ông đã ẩn nấp sau đó những suy nghĩ sâu sắc với thời cuộc. Còn hiện nay, chúng tôi không tin những điều đó khi những người ủng hộ kiểu ăn mặc hở hang như vậy.

Áo dài thướt tha hợp với tâm hồn người Việt, là biểu hiện của sự đứng đắn. Ngày xưa trong gia đình nền nếp, ra khỏi cửa là người ta khoác chiếc áo dài. Cho nên áo dài về cơ bản nó nhằm mục đích thể hiện những người có văn hóa, chứ không phải chỉ là mục đích làm đẹp. Hãy cứu lấy áo dài nhưng phải là áo dài có văn hóa, gắn với truyền thống chứ không phải áo dài mới như bây giờ.

- Xin cảm ơn GS!

Phunutoday