Bởi vì, ngay từ khi còn nhỏ, chị đã được tôi rèn trong môi trường sống khắc nhiệt, khó khăn và sự giáo dục nghiêm khắc của bố mẹ.
Cuộc sống độc lập từ nhỏ giúp Giáng My tự trưởng thành
Từ khi mới lên 6 tuổi, Giáng My đã bắt đầu cuộc sống tự lập ở Nhạc viện Hà Nội, khoa Piano. Cuộc sống nội trú không gần với bố mẹ, tự chiến đấu với những khắc nhiệt xung quanh khiến Giáng My mạnh mẽ hơn cũng có, nhưng rụt rè hơn cũng có.
Từ nhỏ, Giáng My đã là cô bé xinh đẹp, cao ráo với cái cổ cao thanh thoát, đôi mắt đen láy, làn da trắng ngần. Vẻ xinh đẹp ấy giúp Giáng My luôn nổi bật ở trường, nhưng cũng vì thế mà cô bé phải chịu nhiều ganh tị từ bạn bè. Giáng My thường được cô giáo chăm chút, dắt đi chơi hay buộc nơ tóc làm đã xinh còn xinh hơn… Một số bạn cùng trường thấy My được ưu ái như vậy nên tìm cách “hạ bệ”, bắt nạt. Có bạn lợi dụng lúc mất điện chui vào tủ cá nhân của cô bé, khi Giáng My về phòng thì nhả xổ ra dọa ma làm Giáng My sợ chết ngất, ngã lăn đùng ra, có bạn còn lôi Giáng My ra trói nghiến lại rồi… cấu má… Cô bé Giáng My không hiểu gì, bị bắt nạt cứ im re thôi vì sợ. Mãi sau này khi lớn lên, các cô bạn ngày ấy ra tay bắt nạt Giáng My mới nói rằng họ bực bội vì không hiểu tại sao My lại được cô giáo ưu ái, còn các bạn thì không được như vậy.
Lớn lên, Giáng My cũng vẫn gặp những điều tương tự như vậy, những tị nạnh, hơn thua nhưng ngay từ nhỏ với những tị nạnh bạn bè ấy, nhưng chị đã biết sống theo cách hồn nhiên và dễ tha thứ. Khi lớn lên cũng thế, không bao giờ Giáng My quá để tâm vào những chuyện đó hay là nghĩ việc trả đũa. Những cô bạn ngày xưa bắt nạt Giáng My sau này đều trở thành bạn bè thân thiết vì tính Giáng My không để bụng chuyện đã qua. Mỗi khi được đi chụp hình, chụp lịch rồi quay phim, có tiền cát xê là chị lại mua đồ ăn, quà bánh về cho bạn bè nên tình thân thiết này càng gắn bó.
Cuộc sống tự lập, độc lập từ khi còn nhỏ xíu đã dạy cho Giáng My rất nhiều bài học trong đời. Giáng My nói, điều mà chị thấy may mắn để mình bước vào tuổi trưởng thành một cách tốt đẹp, không bao giờ phải ân hận vì một sai lầm nào đó là bởi thế hệ chị lớn lên trong điều kiện đất nước, cuộc sống còn quá nhiều khó khăn. Những khó khăn đó tôi luyện tính cách, nhân cách nên cho đến giờ, nếu để nói có thể làm chị gục ngã trước cám dỗ hay khó khăn nào đó là điều… rất khó khăn.
Giáng My nhớ lắm thời kỳ ấy, dù học Nhạc viện là được Nhà nước nuôi nhưng hàng ngày ăn bo bo, đi hứng một cốc nước để đánh răng rửa mặt cũng mất cả tiếng đồng hồ, mỗi khi có chiếc áo mới muốn mặc mà thấy người khác không có áo mới, áo đẹp như mình thì thấy ngượng ngùng, áy náy lại cất đi đợi dịp lễ Tết mới mặc vào.
Ngày ấy, không có sự ganh đua, ghen tị kiểu bên ngoài như bây giờ nhưng cuộc đua để có cây đàn tốt, điểm học cao hơn lại rất ác liệt. Khó khăn, ganh đua về học hành là những thử thách, những tôi luyện rất tốt cho Giáng My cũng như bạn bè cị trưởng thành. Bù lại khó khăn vất vả của đời sông của Giáng My đã được “ngấm” vào người một ý chí làm việc rất kiên cường, luôn cố gắng trong mọi công việc, làm việc gì cũng rất có trách nhiệm, đi đâu cũng đúng giờ, trong công việc bao giờ cũng nghĩ là làm cho tốt trước đã chứ không phải cát xê bao nhiêu thì mới làm…
Lớn lên ngoan ngoãn trong sự nghiêm khắc của gia đình và… cô giáo
Khi đi học, lúc còn nhỏ, Giáng My rất sợ một cô giáo dạy đàn, mỗi khi không thuộc bài thì cô… cấu vào tay rất đau. Sau này, cùng với Giáng My, cô kèm thêm một bạn khác nữa, khi bạn được điểm thấp thì Giáng My bị phạt, bạn hơn điểm Giáng My lại bị trừ đi một điểm, luôn luôn là một sự san sẻ. Khi đó, Giáng My rất buồn, nghĩ rằng hóa ra mình không chỉ học cho mình mà phải học cho cả người khác nữa. Nhưng, sau này lớn dần lên, chị lại học được nhiều điều từ nỗi sợ cô giáo và cách rèn luyện của cô ngày ấy. Bài hoc lớn mà cô Giáng My học được chính là muốn cho cuộc sống này tốt đẹp thì mình cũng phải làm việc cho người khác nữa chứ không nghĩ ích kỉ cho riêng mình.
Ngày xưa, tuy không có bố mẹ theo sát bên, nhưng Giáng My vẫn sống rất nghiêm túc trong chuyện tình cảm cho dù xinh đẹp như chị thì luôn có nhiều người để ý. Lý do rất đơn giản để Giáng My nghiêm chỉnh là sợ nhà trường và cô giáo. Tuổi dậy thì, ai chẳng có những cảm xúc bạn trai, bạn gái, những hơi ấm tình đầu nhen lửa trong tim, trái tim nghệ sĩ như Giáng My lại càng nhiều xúc cảm hơn. Nhưng, ngày đó chị chỉ có nhứng tình cảm học trò dễ thương chứ không bao giờ dám đi quá giới hạn của những cái nắm tay hay lãng đãng tuổi hồng. Vì nếu nhà trường bắt gặp ai đó hôn nhau, lập tức sẽ bị kỉ luật đi quét sân trường 3 tháng. Trẻ con nhìn thấy chuyện quét trường khổ hơn chuyện yêu đương nhiều nên Giáng My không bao giờ dám nghĩ đến chuyện yêu.
Giáng My cũng có một “ti tí” tình cảm với một bạn học cùng lớp, hai người cũng bị bạn bè gán ghép suốt, nhưng cũng chỉ là bạn bè quý nhau chứ chẳng dám đi xa, nghĩ xa hơn vì hai gia đình lại là bạn thân của nhau. Mỗi khi mùa hè là gia đình nhà bạn trai lại tới thăm gia đình Giáng My, có chuyện gì thì các cụ cũng đều biết cả. Giáng My cũng có cậu bạn nữa mà chị quý mến bây giờ là một nhạc sĩ nổi tiếng. Mỗi khi đi chơi đâu là cậu bạn lại chở chị trên chiếc xe đạp một gióng rất lãng mạn. Khổ một nỗi là “tài sản” của Giáng My có mỗi một đôi dép nhưng cứ đi chơi là lại mất 1 chiếc vi ngồi gióng xe tê chân quá, một chiếc dép rơi mất lúc nào không hay…
Những tình cảm ấy đều rất trong trẻo, dễ thương để cho bây giờ chị và các chàng trai đều là bạn thân với nhau. Cái sự trong trẻo ngày ấy cũng nhờ sự khó tính từ thầy cô giáo. Giáng My sợ thầy cô hơn cả sợ bố mẹ vì tính chị vốn nhát nên bạn bè dễ bắt nạt, những điều răn dạy của cô giáo luôn ám ảnh trong đầu không bao giờ quên. Trong trường cũng nhiều bạn, nhiều anh chị phải viết bản kiểm điểm kỷ luật nhưng với Giáng My kỉ lục đi học 16 năm học chưa bao giờ phải viết kiểm điểm về bất cứ việc gì.
Ngày xưa, bố mẹ Giáng My không có điều kiện kèm cặp chị hàng ngày vì chị ở Nhạc viện nhiều hơn ở nhà. Tuy vậy, bố chị rèn cô con gái xinh đẹp của mình rất… khủng khiếp, ông không bao giờ cho chị và mẹ được xem những bộ phim tình cảm Đài Loan sướt mướt vì sợ con gái có thể học đòi theo những sướt mướt đó, dễ hư hỏng. Mẹ chị là thế hệ người ngày xưa, không có sự thân thiết rủ rỉ với con gái như thời tân tiến ngày nay, nên dù con gái lớn thì mẹ cũng chẳng bao giờ nói cho con nghe về chuyện tình yêu, chuyện trai gái…mọi thứ đều là tự lớn và tự… biết.
Thực tế, khi không được chỉ dạy về những điều như thế, con gái đi học nội trú sẽ rất dễ bị sa ngã nhưng nhờ sự nghiêm khắc của nhà trường nên Giáng My cũng làm bố mẹ chị tin tưởng khi sống ngoan ngoãn và trong sáng. Hơn thế, nhờ những năm tháng tự lập trong trường chị đã được rèn luyện tính cách mạnh mẽ hơn, có thể tự lo lắng cho mình, việc gì cũng biết làm mà không phải dựa dẫm ai. Chị cũng là một cô gái may mắn, ngay từ thời đi học ở Nhạc viện đã được đi biểu diễn nước ngoài, chưa ra trường đã được Đoàn văn nghệ Sài Gòn xin về làm với một môi trường nghề nghiệp tốt… Dù thuận lợi như thế nhưng Giáng My vẫn luôn quan niệm điều quan trọng là sự phấn đấu của chính mình chứ không ai ỷ lại.
Giáng My được mệnh danh là người đàn bà không tuổi, ngoại tứ tuần mà nhìn chị tươi trẻ chẳng kém cô gái 20 tuổi. Một trong những lý do để chị trẻ lâu chính là mình có, giữ cho tinh thần luôn thoải mái. Điều đó, chị đã học được, rèn luyện được từ những măn tháng còn nhỏ ấy. Công việc nhiều, áp lực lắm, vận hành cả một cỗ máy công ty mấy chục người, cũng có những lúc đầu chị muốn nổ ra, tinh thần căng thẳng, nhưng lúc nào chị cũng thấy như một đứa trẻ mới lớn rất yêu đời và đón nhận cuộc sống thật tốt lành.
Đứa trẻ ấy, khi xong công việc, dù áp lực đến mấy nhưng nhìn thấy một bông hoa nở đẹp là thấy yêu đời, hạnh phúc, gặp một người thú vị, ngắm người phụ nữ đẹp như được ban tặng một món quà, ăn đúng món ăn mình thích cũng thấy sung sướng… Chính đứa trẻ trong con người Giáng My đã giúp chị cân bằng lại đời sống của mình và xua tan những nếp nhăn. Người ta gọi chị là người đàn bà không tuổi nhưng có lẽ nói đúng hơn, chị là người phụ nữ có tâm hồn của cô gái mới lớn đầy lạc quan và tràn trề sức sống.