SAO » Hoa Hậu

Hoa hậu các dân tộc: Thí sinh biết trước câu hỏi ứng xử?

Chủ nhật, 11/12/2011 13:10

Trả lời câu hỏi ứng xử hết sức tự tin và “tròn trịa” như học thuộc lòng, nhiều người xem Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 đêm chung kết cùng thắc mắc: Hay là thí sinh biết trước câu hỏi?

Chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 được tổ chức tối ngày 10/12/2011 tại Nhà hát Hòa Bình, TP HCM. 60 cô gái đến từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về TP HCM, rạng rỡ và đầy tự hào trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các thí sinh trìình diễn áo tắm sau khi nữ ca sĩ Thu Minh thể hiện ca khúc Đường cong hết sức sôi động. 60 cô gái mặc trang phục bikini màu đỏ tự tin sải bước trên sân khấu khoe vẻ đẹp hình thể đầy khỏe khoắn. Ban giám khảo đã lựa chọn Top 15 thí sinh giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Top 15 thí sinh cũng được bước vào phần thi trang phục dạ hội và chọn ra 6 người đẹp tham gia trả lời câu hỏi ứng xử.

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng.

Top 6 thí sinh Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 bước vào phần thi ứng xử với cùng một câu hỏi của ban tổ chức: Em hãy giới thiệu một cách ngắn gọn nhất về văn hóa của dân tộc em? Số báo danh 07 Đặng Thị Thùy Dung, dân tộc Kinh, trả lời: “Nếu được giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc thì em xin giới thiệu truyền thống đánh giặc giữ nước. Bởi lẽ, dân tộc ta đã trải qua lịch sử hàng ngàn năm chống giặc giữa nước. Bác Hồ Chí Minh đã từng nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải có công giữ lấy nước”. Là một sinh viên thế hệ mới, em ở quê hương Bình Định, là cái nôi của võ cổ truyền. Vì vậy, nền văn hóa và truyền thống của dân tộc em cũng chính là truyền thống đánh giặc giữ nước”.

Á hậu 1 Phạm Thị Thanh Tuyền đân tộc Kinh.

Sơn Thị DuRa số báo danh 09, dân tộc Kh’mer: “Nếu cho em giới thiệu về bản sắc dân tộc em, em sẽ giới thiệu về chùa. Chùa trong buôn sóc, sự đoàn kết của buôn sóc trong chùa, cách để tổ chức các lễ hội, cách nói chuyện, thường là nói chuyện bằng tiếng dân tộc trong buôn sóc và đi chùa thường xuyên trong các lễ hội, mặc trang phục dân tộc. Đó là truyền thống văn hóa mà em muốn giới thiệu cho tất cả mọi người biết”.

Á hậu 2 Sơn Thị DuRa, dân tộc Kh’mer.

Mở đầu phần trả lời câu hỏi ứng xử của mình, thí sinh mang số báo danh 13 Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng đã hát một đoạn trong bài dân ca Nàng ới. Sau đó, Hà trả lời ngắn ngọn: “Vâng, quý vị và các bạn vừa nghe một đoạn trong điệu dân ca Nàng ới, đó là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc em. Và nếu như có dịp quý vị được lên thăm quê em, được thưởng thức những làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc em chắc chắn quý vị không thể nào quên”. Phần trả lời của Phạm Thị Minh Nguyệt, dân tộc Kinh là: “Mỗi dịp tết đến xuân về dân tộc em lại đón chào tết cổ truyền. Mỗi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa những vật dụng mới cho mình, những bộ đồ mới, trẻ em được lì xì đầu năm. Và mỗi dịp tết đến xuân về thì cả nhà lại quây quần bên nhau, gửi cho nhau lời chúc mừng năm mới để xua đi những bất hạnh, những buồn đau của năm cũ. Phong tục truyền thống này đã lưu truyền từ đời này qua đời khác. Em thực sự rất tự hào khi là một người dân tộc Kinh, và em xin hứa sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa, cố gắng trao dồi hơn nữa kiến thức của mình để giúp ích cho dân tộc của em cũng như cho đất nước Việt Nam”. H'Ăng Niê dân tộc Ê - đê thì giới thiệu về lễ hội cầu mưa: “Nếu cho em giới thiệu về nét đặc sắc của dân tộc em thì em xin giới thiệu về lễ hội cầu mưa. Lễ hội cầu mưa có ý nghĩa tâm linh, có thần linh gọi gió, gọi mưa cho buôn làng có một mùa màng đầy bát đầy chòi, trâu bò lợn gà đầy đàn. Cầu mưa cho mọi người sức khỏe, hạnh phúc, ấm no. Và đây là một trong 10 lễ hội đang được Bộ VH TT & DL bảo tồn và phát huy”. Phạm Thị Thanh Tuyền đân tộc Kinh, số báo danh 58 giới thiệu về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày mùng 9 tháng 8 thì về chọi trâu/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ ngày mùng 9 tháng 8 thì về chọi trâu. Đó là lễ hội chọi trâu của quê hương Đồ Sơn, quê hương em. Con trâu là đầu cơ nghiệp, phải chọn ra những con trâu thật tốt, giúp cho những người dân quê em được bội thu, làm việc thành công hơn”.

Một số thí sinh Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 trong trang phục dạ hội.

Trong đêm xhung kết, cô gái mang số báo danh 13 Triệu Thị Hà, người dân tộc Nùng với phần trả lời ngắn gọn và lưu loát rất xứng đáng trở thành người đẹp đăng quang Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011. Triệu Thị Hà 19 tuổi, cao 1,69m đến từ Cao Bằng. Cô gái Nùng hiện đang là sinh viên trường Đại học kinh tế và quản trị kinh doanh. Danh hiệu Á hậu 1 được trao cho  Phạm Thị Thanh Tuyền dân tộc Kinh, Á hậu 2 thuộc về Sơn Thị DuRa dân tộc Kh’mer. Phần trả lời ứng xử trong nhiều cuộc thi hoa hậu, người đẹp thường có những câu trả lời chưa hoàn hảo, thậm chí có đôi lúc ngây ngô. Tuy nhiên, như thế người xem sẽ cảm nhận được sự hồn nhiên, vô tư của các thí sinh. Phần trả lời ứng xử lưu loát, trọn vẹn nhưng không mấy đặc sắc của các thí sinh khiến người xem lại có phần cảm thấy tiếc nuối.

Đất Việt