SAO » Hoa Hậu

Hoa hậu Ngô Phương Lan: Hướng về 28 điểm nóng da cam

Thứ ba, 05/04/2011 09:41

Đêm diễn "Vì ngày mai tươi sáng" gây quỹ cho các nạn nhân chất độc da cam VN diễn ra lúc 20g đêm 7-4 tại nhà hát Hòa Bình, TP.HCM.

Đây là một trong những hoạt động giới thiệu chiến dịch huy động tài chính tẩy độc khoảng 28 điểm nóng da cam, bắt đầu là sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định).

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Hoa hậu thế giới người Việt 2007 Ngô Phương Lan - thành viên ban tổ chức đồng thời là đại sứ thiện chí nhóm đối thoại Việt - Mỹ về da cam/dioxin - về nội dung chương trình. Ngô Phương Lan cho biết:

- Hiện giờ tôi cùng đạo diễn Trịnh Lê Văn đang phối hợp tích cực với các thành viên của nhóm đối thoại chuẩn bị kịch bản nội dung chương trình đêm văn nghệ gây quỹ từ thiện. Trong đêm 7-4, tôi và MC Hồng Phúc (khu vực phía Nam) đảm nhiệm vai trò dẫn dắt chương trình (song ngữ Anh - Việt). Trong chương trình sẽ có những cuộc đối thoại của các chuyên gia hiện đang công tác tại Làng Cam (trung tâm nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin)...

* Góp sức xây dựng kịch bản, chị chọn đâu là điểm nhấn chương trình?

- Trong chương trình, chúng tôi sẽ dành thời lượng nhất định chiếu trích đoạn bộ phim Vietnam revisited (tạm dịch: Thăm lại Việt Nam) - bộ phim tài liệu của đài CBS (Mỹ) đã giành vị trí cao nhất tại giải thưởng báo chí danh giá National Headliner Award 2010. Phim cũng đoạt giải Best of show khi trở thành phim tài liệu nổi bật nhất trong mọi hạng mục đề cử.

Chúng tôi chọn bộ phim này vì vừa được sản xuất gần đây, những hình ảnh nóng hổi đã phản ánh được hậu quả lâu dài của chất độc da cam vẫn đang ảnh hưởng tới Việt Nam từng ngày.

Một trong năm người thực hiện bộ phim này là Thúy Vũ - nữ phóng viên, phát thanh viên nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Sau khi nhận được kinh phí do Quỹ Ford hỗ trợ cho khoa báo chí Trường ĐH San Francisco (San Francisco State University), chị Vũ cùng 14 phóng viên còn lại đã tham gia hành trình xuyên Việt thực hiện bộ phim.

Chị cũng là phóng viên hình duy nhất trong nhóm. Có thể do trong đoàn có sự góp mặt của một thành viên là người gốc Việt nên bộ phim thấm đẫm hơi thở, góc nhìn của người Việt, có thể lay động cả khán giả Việt Nam và Mỹ.

* Với vai trò là đại sứ thiện chí, chị đã có quá trình tiếp cận với những nạn nhân chất độc da cam, tìm hiểu các tài liệu về tác hại của chất độc này như thế nào?

- Tôi dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề này, đồng thời trực tiếp tham gia các đợt hoạt động trên thực địa.

Hiện nay nhóm đối thoại Việt - Mỹ đã xây dựng chương trình cho giai đoạn 10 năm nhằm khắc phục những hậu quả do dioxin gây ra. Một trong những mục tiêu của chương trình là huy động các nguồn lực cho công việc tẩy độc tại những vùng đất bị phơi nhiễm, mà đến nay các nghiên cứu khoa học xác định có khoảng 28 điểm nóng.

Do bản thân đã tiếp xúc nhiều với các nạn nhân, trong năm nay tôi sẽ trực tiếp cùng nhóm đối thoại Việt - Mỹ kết nối cộng đồng hai nước. Chúng tôi nhận thấy có một mối quan tâm đặc biệt tới các nạn nhân từ những tập đoàn có tầm ảnh hưởng như Boeing, Microsoft hay Facebook...

Vấn đề là chúng tôi sẽ phải có cách thức chia sẻ, cách đặt vấn đề sao cho họ có thể hiểu thấu những tác hại mà chất độc đang lưu lại trên đất nước chúng ta. Ngoài ra nhiều tổ chức của Mỹ cũng đang khuyến khích Việt kiều Mỹ đăng ký về nước, tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ chiến dịch này.

* Đã chứng kiến nhiều câu chuyện buồn vui, có một cá nhân, một câu chuyện nào khiến chị day dứt trong hành trình này?

- Khi gặp một số nạn nhân chất độc da cam ở lứa tuổi thành niên tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, qua ánh mắt và cử chỉ của các bạn ấy (vì họ không nói được), tôi chợt hiểu rất có thể họ cũng có những khát vọng như tất cả chúng ta. Đó là sự khát khao được sống cuộc sống khỏe mạnh bình thường, được tới trường học và được cống hiến. Tôi nhớ dịp hoạt động từ thiện ngay sau ngày đăng quang ngôi vị hoa hậu thế giới người Việt, khi tới thăm nhà một bạn gái (bằng tuổi tôi), mới tâm sự một chút về ước mong của mình thì cô ấy đã khóc nức nở, vì biết rằng sẽ chẳng bao giờ đạt được nguyện vọng rất bình thường ấy của mình. Kỷ niệm này tôi mãi không quên được suốt thời gian qua.

* Trên thế giới, hoạt động từ thiện trở thành công việc gắn bó cả đời với nhiều gương mặt của công chúng: công nương Diana, minh tinh Angelina Jolie, tài tử Jackie Chan... Chị có quan điểm thế nào về việc người nổi tiếng làm từ thiện?

- Tôi nghĩ hoạt động xã hội - từ thiện là những công việc mà tất cả thành viên trong xã hội khi có điều kiện nên làm, không kể chuyên môn, tuổi tác hay bất kỳ khác biệt nào. Việc những ngôi sao hoạt động trong lĩnh vực này sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của những dự án, do sự quan tâm của báo chí và dư luận tới bản thân những ngôi sao. Ngoài ra, điều đó có ảnh hưởng tốt tới người hâm mộ, rất có thể vì yêu mến chúng tôi họ cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu hoặc tham gia các hoạt động xã hội.

Bước ra từ những ồn ào của hoạt động giải trí, hành trình làm từ thiện ảnh hưởng tới cả cuộc sống riêng và nhiều nhận thức của tôi.

Có thể nhờ tham gia nhiều hoạt động nhân đạo, tôi thấy những việc làm của mình góp phần đem lại niềm vui cho các đối tượng kém may mắn hơn mình, và thấy mình có những niềm vui riêng vì đã làm được những việc có ích. Chính những suy nghĩ như vậy nhiều lần giúp tôi vượt qua được những căng thẳng, khó khăn và cả những sức ép của cuộc sống hằng ngày...

Theo Tuổi Trẻ
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới