Trong công việc, giao tiếp hằng ngày chị giao tiếp với nhiều nam giới, trong đó, hẳn không ít những người đã từng đi Tây học. Tây học, mang cho người ta kiến thức và sự tự tin nhưng đồng thời cũng có những câu chuyện hài hước và kệch cỡm, chị nghĩ gì về điều này? Có câu chuyện nào mà chị biết liên quan đến những chàng “Tây học” hay ba hoa, khoác lác nghĩ mình luôn trên thiên hạ?
Tôi thấy các anh Tây học hay đấy chứ, tự lập, nhiều trải nghiệm, có kỷ luật, biết nhường nhịn, nói không to lắm và khi nhai đồ ăn thường không mở miệng. Họ thường biết phân biệt kem dưỡng ẩm và kem chống nắng, lại hay xịt nước hoa rất thơm. Họ biết chọn màu cà vạt hợp với áo sơ mi, biết đi loại giày nào trong những dịp nào thì phù hợp, biết cách quàng khăn sao cho vừa trễ nải vừa nam tính và quan trọng nhất họ biết cách phát âm đúng tên các thương hiệu quần áo, giày dép hay tên hãng xe hơi trước khi họ có khả năng sở hữu những món đồ vật đắt tiền đó thay vì bỉ bôi những người chưa từng được đặt chân ra nước ngoài nhưng luôn chất đầy mình và xung quanh mình những món đồ với những thứ tên ngoắt ngoéo xa lạ.
Khi nói “hài hước và kệch cỡm” tức là bạn muốn nói tới khía cạnh các anh Tây học hay so sánh ở nước ngoài với ở Việt Nam phải không? Tất nhiên nhiều lúc vì say sưa và phấn khích họ cũng thái quá, cái gì ở Tây cũng nhất còn ở Việt Nam ti tỉ thứ thứ nào cũng tệ hại, nhưng cũng nhiều lúc họ so sánh hay đấy chứ. Chẳng hạn họ biết rằng phụ nữ nước ngoài chẳng dễ bị bốc phét cái gì cũng tin như phụ nữ Việt Nam.
Từng sống ở nước ngoài, họ cũng biết đưa đẩy câu chuyện bằng sách vở, điện ảnh và âm nhạc, họ thường nói: “Hồi nhỏ anh thích đọc sách lắm”, và sau đó thường thêm vào: “Ngày xưa sách dạy anh mọi thứ, bây giờ đời dạy anh mọi thứ”. Nhìn chung họ đọc vài quyển sách và xem một số bộ phim blockbuster (bom tấn) và hay nghĩ như vậy là có hiểu biết văn hóa rất cao, tạo ra khác biệt rồi.
Họ cũng biết cách khoát tay, nhún vai rất kiểu cách và chêm vào giữa những câu nói những ồ (oh) hay ào (wow) mỗi khi ngạc nhiên. Họ thường xuyên than phiền về sự nghèo nàn của tiếng Việt mỗi khi không thể diễn tả điều gì đó và bắt buộc phải dùng tiếng nước ngoài để thay thế và rất lấy làm đau khổ vì không thể giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Có anh chàng Tây học khoác lác nào khiến chị cảm thấy rất buồn cười và hài hước?
Buồn cười thì không phụ thuộc vào Tây học hay không Tây học. Tôi chỉ thấy buồn cười nhất là tuyệt đại đa số đàn ông chỉ biết nói chuyện về 1. bóng đá 2. xe ô tô 3. điện thoại 4. máy tính. (Hay nói đúng hơn là máy tính Mac và Steve Jobs).
Chị sẽ ứng xử thế nào khi gặp những chàng này?
Chẳng cứ là Tây học hay không Tây học, nếu thấy chán mà rơi đúng lúc đầu óc tỉnh táo thì tôi nghĩ đến chuyện khác thú vị, họ nói gì thì cứ việc nói thôi. Lúc nào hơi buồn ngủ thì tôi để cho một phần đầu óc tôi âm thầm ngủ. Lúc nào rất buồn ngủ thì tôi đứng dậy ra về để đi ngủ.
Tây học về VN thường được coi trọng, nhưng không phải ai cũng thành công, theo chị, đàn ông Tây học nên làm gì để trở nên hấp dẫn trong mắt phụ nữ?
Điều oái oăm là người nào dễ thành công hình như cũng đều rất dễ thất bại (họ lại khác người ở chỗ rất kém khoản chịu đựng thất bại). Cảm giác thấy mình có “xuất phát điểm” tốt hơn người khác dễ dẫn tới kém nỗ lực, và mỗi thất bại như thể đồng nghĩa với trời đất đổ sụp. Tôi chỉ biết nói như vậy về thành công và thất bại thôi, chứ làm thế nào để hấp dẫn phụ nữ thì chịu, Thị Nở mê tít Chí Phèo thì làm sao mà giải thích nổi.
nguoiduatin