Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường 6 thập kỷ của cuộc thi và hình ảnh đăng quang của tất cả các HHTG:
Thập kỷ 1950
Cuộc thi HHTG đầu tiên được tổ chức năm 1951 nhưng lúc đó cuộc thi này chỉ là một hoạt động kỷ niệm lễ hội của nước Anh. Chính báo chí Anh chứ không phải ai khác đã tôn vinh cuộc thi mang tên chính thức “Hội thi áo tắm hai mảnh” (Festival Bikini Contest) này là cuộc thi HHTG (Miss World).
Sự đổ xô của giới báo chí vào sự kiện này đã thu hút số lượng khán giả trên toàn cầu đông hơn cả những sự kiện quốc tế khác như FIFA World Cup hay Thế Vận hội (Olympic games). Ngày nay, cuộc thi HHTG thường niên thu hút hàng trăm triệu người theo dõi.
Eric Morley – người sáng lập ra cuộc thi HHTG – ban đầu chỉ định tổ chức cuộc thi này một lần duy nhất. Tuy nhiên, một năm sau đó, khi mà cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ ra đời như là một đối thủ cạnh tranh, ông đã quyết định tổ chức cuộc thi của mình hàng năm. Người đầu tiên trở thành HHTG là Kicki Håkansson đến từ Thụy Điển.
Trục trặc đã chờ đợi sẵn các thí sinh khi cuộc thi HHTG bước vào tuổi thứ hai. Những quốc gia Thiên Chúa Giáo La Mã “ngoan đạo” như Ireland và Tây Ban Nha đe dọa không cho thí sinh của mình dự thi nếu như phải trình diễn trong bộ bikini hai mảnh. Rắc rối nhanh chóng được giải quyết: bikini được loại ra khỏi cuộc thi. Năm 1952, May Louise Flodin được nhận vương miện từ người đồng hương, Thụy Điển giành vương miện HHTG 2 năm liên tiếp.
Cuộc thi HHTG năm 1953 tiếp tục rơi vào một cuộc tranh cãi mới. Lần này không phải là rắc rối với bộ đồ tắm mà là vì giọng nói chua như giấm của hoa hậu Ai Cập – Marina Papaelia – một kiều dân gốc Hy Lạp. Marina tỏ ra hết sức phẫn nộ khi biết rằng chỉ vì nó mà vương miện đã tuột khỏi tay cô. Khi ban giám khảo tuyên bố trao vương miện năm đó cho hoa hậu Pháp - Denise Perrier, Marina nổi giận thực sự và hét ầm ĩ trên sân khấu. Nhưng không phải cho tới lúc đó, Marina mới gặp phải rắc rối. Trong buổi tiệc trưa trước đó, với sự chứng kiến của giới báo chí, Marina đến dự tiệc trong một chiếc áo khoác ngắn và hở hang trong khi 14 thí sinh khác xuất hiện trong những bộ quần áo kín đáo. Và khi cô đứng lên để rời khỏi bàn tiệc, chiếc áo… tuột khỏi vai cô trong sự đổ dồn của những ống kính phóng viên.
Đất nước của những kim tự tháp đã đòi lại được vương miện HHTG vào năm 1954 với chiến thắng của một người đẹp gốc Hy Lạp khác mang tên Antigone Costanda. Trong quyển sách có tên “Những câu chuyện HHTG” do ngài Eric Morley viết và xuất bản năm 1967 tiết lộ rằng Antigone cực kỳ vui sướng khi đã giành lại được chiếc vương miện quý giá đã bị đánh mất bởi người đồng hương Marina Papaelia một năm về trước. Tất nhiên, Ai cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên cũng như trong Thế Giới Hồi giáo có được vương miện HHTG. Với sự lên ngôi đó, cô nhường lại danh hiệu hoa hậu Ai Cập cho một người đẹp gốc Ý - Yolanda Christina Gigliotti, người mà sau này được nước Pháp vinh danh như một biểu tượng quốc gia và là một nữ ca sĩ nổi tiếng nhất mọi thời đại với nghệ danh Dalida.
Và vào những năm còn lại của thập kỷ 1950, cuộc thi ngày càng phát triển và diễn ra suôn sẻ hơn. Năm 1955, Venezuela trở thành quốc gia đầu tiên của khu vực Nam Mỹ và Mỹ Latin có HHTG với sự lên ngôi của Susana Duijm.
Cho đến cuối thập kỷ 1950, trang phục của những thí sinh vẫn còn khiến người ta phải sửng sốt. Năm 1959, hoa hậu Mỹ - Loretta Powell đến thăm Hạ viện Anh với chiếc áo sơ mi có viền gấp và chiếc quần bó. Nhưng thật chẳng may, cô gặp phải rắc rối khi cảnh sát buộc cô phải giao nộp hai khẩu súng giả đem theo người. Trong một tòa nhà của chính phủ Anh, không một bản phô tô nào, chứ chưa nói tới súng đạn, được phép mang theo trong người. Cuộc thi cuối cùng của thập kỷ đó kết thúc bằng việc lên ngôi của hoa hậu Hà Lan - Corine Rottschäfer.
Thập kỷ 1960
Thập kỷ 1960 được khởi đầu với vương miện HHTG thuộc về hoa hậu Argentina - Norma Cappagli. Nhưng con đường đi tới vinh quang của cô cũng không phải không có rủi ro. Số là cô có uống một, hai ly rượu mạnh trước khi đi ngủ và vì vậy bị đe dọa sẽ bị loại khỏi cuộc thi. Nhưng để cho ban giám khảo thấy rằng quyền lực của phụ nữ vẫn còn mạnh mẽ vào những năm 1960, cô lập luận rằng trong thể lệ của cuộc thi không có quy định nào nói rằng một thí sinh có thể bị loại khỏi cuộc thi nếu uống rượu vào ban đêm. Lời đe dọa bị rút lại và xứ sở của điệu Tango có HHTG đầu tiên.
Sức mạnh của nữ giới đúng là vẫn còn mạnh mẽ nhưng không ít thiếu nữ đã sử dụng nó vì lợi ích riêng của mình và những lời lẽ cay độc vẫn không ngừng được tuôn ra. Năm 1961, hoa hậu Argentina - Susana Pardal cho rằng hoa hậu Đan Mạch - Inge Jörgensen không phải là… nữ. Inge giễu cợt: “Cô ta nghĩ tôi là ai cơ chứ? Là một người đàn ông chắc?”. Năm đó, vương miện HHTG đã ở lại nơi khai sinh ra nó – Vương quốc Anh.
Năm 1963 chứng kiến sự lên ngôi lần đầu tiên của một đảo quốc vùng Caribê với hoa hậu Jamaica - Carole Crawford. Carole được xem như một vị anh hùng dân tộc và Jamaica đã phát hành tem bưu chính quốc gia có hình ảnh của cô. Một điều làm người ta sẽ nhớ đến Carole Crawford đó chính là chiều cao khiêm tốn 1m59 của cô, HHTG thấp nhất mọi thời đại.
Cũng trong thập kỷ 1960, một thí sinh khác gặp phải rắc rối về pháp luật. Năm 1964, hoa hậu Nam Phi – Vedra Karamitas bị bắt giữ khi từ cuộc thi trở về nước. Thật không may, Vedra đã không chịu hầu tòa vì bị phạt do đỗ xe không đúng luật. Nhưng đó không phải lỗi của cô vì vào thời điểm đó, cô đang có mặt tại cuộc thi HHTG ở London thì làm sao có thể ra hầu tòa ở Nam Phi được? Người chiến thắng năm đó là Ann Sidney của Vương quốc Anh.
Đến giữa những năm 1960, cuộc thi HHTG phải đối mặt với một vụ bê bối chưa từng có khi người ta phát hiện ra những bức ảnh chụp khỏa thân của hai người đẹp từng đăng quang HHTG, đó là Lesley Langley (Vương quốc Anh - 1965) và Eva Rueber-Staier (Áo - 1969). Cả hai đều tỏ ra bối rối sau khi những bức ảnh được tìm thấy nhưng rất may không bị tước vương miện vì cả hai đều chụp ảnh khỏa thân trước khi trở thành HHTG.
Năm 1966 ghi dấu người đẹp Ấn Độ đầu tiên giành được vinh quang tại đấu trường HHTG, đồng thời là quốc gia châu Á đầu tiên giành chiến thắng tại cuộc thi này với sự đăng quang của Reita Faria. Lại có chuyện thật như bịa khi Reita thắng cuộc. Cô có sở thích ăn ngọt và khi được hỏi làm thế nào để tiêu hết số tiền đoạt giải. Reita trả lời với giới báo chí rằng “Sẽ dùng số tiền đó để mua… sôcôla”.
Những năm cuối của thập kỷ cũng chứng kiến sự lên ngôi của châu Đại Dương với chiến thắng thuộc về người đẹp Penelope Plummer của Australia.