SAO » Hoa Hậu

Ngán ngẩm người đẹp Việt ra nước ngoài thi Hoa hậu...

Thứ ba, 25/10/2011 12:11

Chưa hết ngỡ ngàng về một cuộc thi hoa hậu có Ngọc Trinh đăng quang chỉ đáng tầm “ao làng”, công chúng lại chứng kiến một cuộc thi Hoa hậu châu Á - TBD lắm tai tiếng chả khác gì cái “ao đục”.

Cuộc thi Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hàn Quốc đã khép lại hôm 15.10 nhưng những dư âm không mấy đẹp đẽ của nó vẫn tiếp tục xôn xao. Đây là cuộc thi mà Hoa khôi Hạ Long 2010 Trương Tùng Lan, dưới sự đề cử của Công ty Elite Việt Nam, đã đại diện cho Việt Nam tham dự và lọt vào top 15. Là đơn vị trực tiếp đưa thí sinh đi thi, chính Elite Việt Nam cũng phải nhìn nhận rằng “trong thời gian diễn ra, cuộc thi đã có nhiều sơ suất và sai phạm”.

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương 2011 đã khép lại nhưng dư âm điều tiếng chưa dứt

Quy mô có hạn… mà “lùm xùm” vô vàn

So với những cuộc thi nhan sắc quốc tế tiếng tăm khác như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Quốc tế, Hoa hậu Trái đất…, Hoa hậu châu Á – Thái Bình Dương chỉ là một cuộc thi đạt tầm trung bình. Mặc dù có truyền thống từ năm 1968 nhưng qua sau 6 năm không tổ chức vì thiếu tài trợ, đến năm 2011, cuộc thi đã được khởi động lại với một ban giám đốc mới dưới sự điều hành của ông Lawrence Choi và ê kíp Hàn Quốc. Cuộc thi lúc này được xây dựng với một hình ảnh mới gắn liền với ngành du lịch và giải của Hàn Quốc và gắn nhiều với các hoạt động văn hóa ở Busan như Liên hoan phim, lễ hội ở đảo Jeju...

Trước hết, phải khẳng định rằng Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương là một cuộc thi lâu đời và có uy tín. Tuy nhiên, khi Ban tổ chức Hàn Quốc đăng cai tổ chức cuộc thi này năm 2011 thì đã phát sinh nhiều bất cập và bộc lộ nhiều thiếu sót trong khâu tổ chức.

Từ đó, liên tiếp các sự cố đã xảy ra như: Thí sinh bỏ về nước giữa chừng và tố cáo cách tổ chức thiếu chuyên nghiệp của Ban tổ chức; các phần thi phụ trao nhầm giải thưởng khi có thí sinh không thi nhưng vẫn đoạt giải Tài năng; hy hữu hơn là việc nhầm lẫn giữa tên nước và các châu lục khi trao giải Trang phục dân tộc.

Đỉnh điểm của cách tổ chức cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp này là việc trao nhầm vương miện Hoa hậu cho người đạt Á hậu 1… rồi vài ngày sau đó mới có sự đính chính: Tân Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương 2011 là đại diện Pháp - Florima Treiber, còn đại diện của Hàn Quốc - Jung Eun A chỉ đoạt ngôi Á hậu 1.

Đại diện Pháp vừa được Ban tổ chức chính thức thông báo là người đoạt danh hiệu cao nhất

Lý giải cho những “lùm xùm” trên đây, trong thông cáo được Elite Việt Nam gửi đi các báo có viết: “Mỗi một thành phố đều có một Ban tổ chức phụ trách việc ăn ở đi lại cho thí sinh, nhưng Ban tổ chức này đã không thực hiện đúng cam kết với ông Lawrence dẫn đến tình trạng hiểu nhầm giữa các thí sinh với Ban tổ chức. Ông Lawrence đã phải gánh vác một mình tất cả công việc và trách nhiệm để cuộc thi diễn ra đến ngày chung kết nên có nhiều sai sót cũng là điều khó tránh khỏi.

Mỗi thành phố đều có một Ban giám khảo riêng, bởi vậy thời gian họ tiếp xúc thí sinh không nhiều dẫn đến việc không nắm bắt được tên và nhầm lẫn tên nước các khu vực, cũng như không nhìn được toàn diện các thí sinh”.

Dù phía Elite tỏ ra thông cảm và cho biết đã chấp nhận lời xin lỗi từ phía ông Lawrence khi ông này gửi thư chính thức xin lỗi tới các thí sinh và đại diện các quốc gia và giải thích mọi việc, tuy nhiên một thực tế không thể phủ nhận đó là mùa thi được tổ chức tại Hàn Quốc năm nay là một sự thất bại và đã ảnh hưởng đến uy tín cuộc thi Hoa hậu châu Á - Thái Bình Dương nhiều năm qua.

Đã đến lúc cần “gạn đục khơi trong”

Các cuộc thi quốc tế là một trong những đấu trường sắc đẹp lớn, nơi người đẹp nào cũng mơ ước được tham dự, khẳng định bản thân và đem lại vinh quang cho đất nước mình. Việt Nam là một trong số những quốc gia khá năng nổ trong việc đưa người đẹp “đem chuông đi đánh xứ người”. Tuy nhiên, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thận trọng hơn trong việc lựa chọn tham gia các cuộc thi thực sự có uy tín và chuyên nghiệp về khâu tổ chức cũng như được ghi nhận về tính danh giá của giải thưởng.

"Nữ hoàng nội y" Ngọc Trinh giành vương miện trong cuộc thi bị đánh giá là chỉ xứng tầm "ao làng"

Công chúng bây giờ rất tỉnh táo, họ không dễ bị ánh sáng lấp lánh của chiếc vương miện che mắt mà hoàn toàn có thể nhận định được về giá trị thực của chiếc vương miện ấy. Thế mới có chuyện “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh sau khi đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu 2011 tại Mỹ cách đây 2 tháng cũng không được đánh giá quá cao, khi mà cuộc thi này bị chỉ trích rằng chỉ như một chương trình ca nhạc tạp kỹ để bán băng đĩa.

Cách đây 1 tháng, Giải đồng Siêu mẫu Việt Nam - Phạm Anh Thư cũng đã đạt giải Á hậu 4 trong cuộc thi Siêu mẫu châu Á - Thái Bình Dương - một cuộc thi chỉ nhằm quảng bá du lịch tại Thái Lan.

Qua hơn 10 năm, thứ hạng nhan sắc của Việt Nam trên đấu trường quốc tế đã nâng hạng rất nhiều. Đó là sự cố gắng của rất nhiều người đẹp Việt Nam. Nhưng rõ ràng là trong bối cảnh nở rộ các cuộc thi nhan sắc trong nước và quốc tế như hiện nay, bên cạnh câu hỏi “chúng ta có thể đạt giải gì” thì một câu hỏi cần phải đi kèm song song, đó là “giá trị danh hiệu đó đến đâu”.

Sau sự việc trên đây, chính Elite Việt Nam cũng đã lên tiếng khẳng định rằng đơn vị này không chạy theo việc đưa thí sinh đi bằng mọi giá bất chấp chất lượng cuộc thi: “Nếu cuộc thi không có uy tín thì Elite sẵn sàng hủy bỏ bản quyền, không đề cử thí sinh tham dự”.

Dân Việt