"Thế rồi, giống như một điều gì đó quen thuộc, tôi dừng lại trước một cụ bà khoảng 80 tuổi – bằng tuổi bà tôi ở nhà. Tôi lê la hỏi thăm cụ bao nhiêu tuổi, con cháu có đến thăm không, rồi cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi vô tình tỏ ra nhí nhảnh, xì –tin trước cụ bà.
Tôi mở ảnh trong điện thoại ra khoe với cụ rằng: "Cụ ơi, đây là bà cháu, đây là mẹ cháu! Bà cháu chắc cũng bằng tuổi cụ đấy cụ ạ!".
Tôi cứ nghĩ đinh ninh, cụ có người bằng tuổi con cháu chia sẻ, chuyện trò sẽ đỡ buồn hơn, nhưng tôi đã lầm. Tôi không để ý rằng mình vô tâm cho tới khi nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe, đầy xúc động nơi khuôn mặt cụ bà. Cụ nói với tôi, đã lâu lắm rồi không có người xa lạ nói chuyện và gần gũi với cụ đến thế. Cụ kể bị con cháu bỏ rơi và từ lâu họ đã không tới thăm nữa vì ở tận miền Nam. Ánh mắt cụ xa xăm, buồn vời vợi.
Ngồi bên cụ, tôi chạnh lòng nghĩ tới bà của tôi ở nhà. Tôi cứ đi lại đây đó suốt ngày, rồi thì tự vẽ ra niềm tin mình là đứa cháu ngoan, bà tự hào về mình còn chẳng hết ấy chứ! Vậy nên, tôi thường lười qua thăm bà.
Tôi thấy mình có lỗi với bà, chưa dành thời gian chăm sóc cho bà. Rồi những lần đi xa, khi trở về Hà Nội, tôi chỉ chăm chăm mua quà cho bạn bè, một chút cho bản thân mà không nghĩ tới bà. “Bà mình nhiều đồ rồi, chả thiếu gì, nên không phải mua. Bản thân mình lại còn phải mang vác bao nhiêu thứ. Nhẹ được thứ gì thì càng tốt” – tôi cứ tự biện bạch những lý do như thế. Sau hôm đi từ thiện ở viện dưỡng lão, tôi hiểu ra nhiều điều và đã về nhà bà chơi mấy hôm liền. Bà vui lắm, cười suốt thôi. Bà rất quý tôi, vì là cháu cưng, hót hay nịnh giỏi. Nhìn bà cười tít mắt, bà vui khỏe, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Nhờ chuyến đi ý nghĩa đó, tôi đã hiểu ra bản thân cần phải làm gì để bà vui. Bà lớn tuổi rồi, chẳng có nhu cầu gì, chỉ cần con cháu sum vầy là cụ vui và khỏe. Và, mỗi lần đi đâu xa, tôi đều nhớ mua quà cho bà, dù nhỏ thôi – cũng đủ khiến bà ấm lòng".