SAO » Hoa Hậu

Nhan sắc Việt, 'đẹp nhưng nhạt'

Thứ ba, 25/06/2013 11:04

"Đẹp nhưng nhạt" - đó là cái mác đã được đóng đinh cho những người đẹp Việt. Dù so sánh về độ rực rỡ nhan sắc, hình thể và cả những scandal trên hành trình trở thành Hoa hậu thì người đẹp Việt không hề thua kém các thí sinh nước bạn.

Nhưng chiếu về trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ, sự tự tin trong giao tiếp với bạn bè quốc tế thì đây lại là nhược điểm khó có thể bù đắp của các đại diện sắc đẹp Việt Nam. Thử hỏi, với những mảng khuyết về vẻ đẹp như thế, bao giờ người đẹp Việt Nam mới có cơ hội tỏa sáng ở đấu trường nhan sắc thế giới?

Chung Thục Quyên được mệnh danh "Nữ hoàng thi thố" của hoa hậu Việt Nam

Loạn... người đẹp

Ở Việt Nam, không thiếu người đẹp. Minh chứng là hàng năm, ngoài cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức hai năm một lần thì còn rất nhiều các cuộc thi nhằm tìm kiếm những ngôi vị mới như: Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu phụ nữ qua ảnh, Hoa hậu người Việt tại nước ngoài… Chưa kể đến các cuộc thi "tuyến dưới" như: Hoa khôi, Miss Beauty… Chính các cuộc thi này là nguồn cung ứng người đẹp, giúp sản sinh ra hàng loạt ngôi vị mới mỗi năm. Hơn nữa, sức hấp dẫn khó thể bỏ qua từ chiếc vương miện lấp lánh, khiến nhiều cô gái trẻ có chút nhan sắc "ôm mộng" trở thành hoa hậu. Vì chỉ sau một đêm, chủ nhân của ngôi vị cao nhất từ một người vô danh bỗng dưng có tất cả, đi tới đâu cũng gây được chú ý từ dư luận.

Nếu ở các quốc gia khác, vương miện và ngôi vị hoa hậu đơn giản chỉ là một danh hiệu, sau khi đăng quang chủ nhân vương miện lại quay trở về cuộc sống bình thường như lúc chưa tham gia cuộc thi. Còn ở Việt Nam nó đã thực sự trở thành một nghề, một nghề vừa có danh vừa có thực. Vì thế, nó cuốn theo những ảo ảnh về hào quang của chiếc vương miện lấp lánh mà các cô gái trẻ đội trên đầu.

Và hòa theo dòng chảy của công cuộc tôn vinh sắc đẹp mang quy mô quốc tế, Việt Nam cũng là quốc gia năng nổ trong việc đều đặn của đại diện tham gia, kể cả cuộc thi danh giá lẫn các cuộc thi ở cấp "ao làng". Nhưng, nhiều là vậy nhưng đến thời điểm "nước sôi lửa bỏng" cần chọn một gương mặt đại diện cho Việt Nam đi đấu với nhan sắc quốc tế thì lại không hề dễ. Vì quanh đi quẩn lại, khó có thể tìm một gương mặt nào phù hợp, đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí mà ban tổ chức kỳ vọng.

Theo cách suy nghĩ đơn giản của những đơn vị cử đại diện thí sinh tham gia, thì chỉ cần chọn thí sinh đẹp và chiều cao nổi trội, chuẩn bị vài bộ trang phục lộng lẫy, cầu kỳ là có quyền hy vọng về việc "ghi điểm". Nhưng thực tế đã chứng minh, chưa bao giờ người đẹp Việt có cơ hội chạm tay đến ngôi vị cao nhất của cuộc thi sắc đẹp quốc tế nào từ trước đến nay. Dù được "tiền hô hậu ủng" nhưng kết quả cuối cùng mà người đẹp mang về chỉ là hai bàn tay trắng kèm theo nguỵ biện "tham gia để giao lưu, học hỏi các nước bạn".

Khó chọn các gương mặt mới vì chưa đủ sự tự tin, kinh nghiệm và bản lĩnh để "đem chuông đi đánh xứ người", nên ban tổ chức bắt buộc sử dụng giải pháp tình thế đó là quay về tìm gương mặt cũ. Có người đẹp thậm chí đã chai mặt khi số lần cô tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế không thể ít hơn ba. Như người đẹp Chung Thục Quyên là một ví dụ điển hình. Không phải vô duyên vô cớ mà người ta "phong tặng" cho cô danh hiệu "Nữ hoàng thi thố Việt Nam" bởi người đẹp này hiện đang nắm giữ kỷ lục về số lần "đem chuông đi đánh xứ người" của nhan sắc Việt Nam.

Trước khi tham gia cuộc hi quốc tế, Chung Thục Quyên được biết đến là chủ nhân của giải phụ Gương mặt ăn ảnh của cuộc thi Hoa hậu phụ nữ Việt Nam qua ảnh năm 2005. Năm 2008, cô đại diện cho Việt Nam dự thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế. Năm 2009, cô tiếp tục chinh chiến tại cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia và lọt vào top 15 người đẹp nhất chung kết. Chưa dừng lại ở đó, năm 2010 cô gây bất ngờ cho công chúng khi tiếp tục tham gia cuộc thi Hoa hậu Quốc tế… Thi nhiều nhưng kết quả mà Chung Thục Quyên mang về chỉ là sự thất vọng của người hâm mộ mà thôi.

Nghịch lý bi hài ở chỗ, có rất nhiều hoa hậu trước khi lên đường "chinh chiến" khéo léo "đánh tiếng" dư luận là mình đã chuẩn bị kỹ càng để tham gia cuộc thi và kỳ vọng sẽ trở thành người chiến thắng. Công chúng thì vừa mừng, vừa hồi hộp kỳ vọng khi theo dõi cuộc hành trình của đại diện Việt Nam khi sang nước bạn khoe sắc, tranh tài. Mỗi lần có đại diện tham gia thi hoa hậu quốc tế là mỗi lần công chúng thấp thỏm hy vọng.

Hoa hậu Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nhan sắc quốc tế (ảnh minh hoạ)

Những mảng khuyết về nhan sắc

Nở rộ các cuộc thi nhan sắc như hiện nay, bên cạnh câu hỏi "chúng ta tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu để làm gì" thì rất cần thiết phải đặt một câu hỏi song song "giá trị của chiếc vương miện mà các người đẹp đang mang lớn như thế nào". Trả lời được đồng thời hai câu hỏi đó, mới hy vọng tìm được đúng những giá trị đích thực của chiếc vương miện vô giá mà các người đẹp đang đội trên đầu.

Ở Việt Nam, dường như cuộc thi nhan sắc nào được tổ chức cũng đầy chuyện lùm xùm, nhất là xung quanh ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Công chúng đã nhiều lần thảng thốt, hoảng hốt bởi những thông tin không mấy thiện cảm về những "đại diện nhan sắc" được giật tít trên các trang báo. Chuyện: Hoa hậu "chân dài não ngắn", hoa hậu học dốt hay chuyện "đổi tiền/tình lấy giải"… đã không còn quá xa lạ trong giới người đẹp Việt Nam. Chắc hẳn công chúng vẫn còn nhớ về scandal gây bão của Hoa hậu T.T.T.D cách đây 5 năm khi cô bị phát hiện là chưa tốt nghiệp PTTH, làm giả học bạ  hay bảng điểm kém của hoa hậu D.H, thái độ ứng xử thiếu văn hóa với người lớn tuổi của hoa hậu M.P.T, hoa hậu tham gia đường dây bán dâm như M.X… Với những "vết tích" về trình độ học vấn và lối giao tiếp ứng xử "không đẹp" như thế, liệu họ có xứng đáng đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam, có đủ tầm để "đem chuông đi đánh xứ người" hay không?

Có lẽ do nhận thức được những khiếm khuyết trầm trọng trong vẻ đẹp của bản thân nên rất nhiều hoa hậu "ngại" tham gia các đấu trường nhan sắc quốc tế. Hoà trong dàn thí sinh xinh đẹp, giỏi giang và bản lĩnh của các nước bạn thì rõ ràng người đẹp chúng ta vẫn phải ngậm ngùi… lép vế. Chính vì thế, họ đã đưa ra nhiều lý do khác nhau để "chống chế" cho việc bỏ lỡ tấm vé tham gia của mình như: Mai Phương Thuý thì bận làm từ thiện và thậm chí là do chưa có thời gian chuẩn bị, chưa sẵn sàng như Thu Thảo, Thanh Hằng hay lý do "bất khả kháng" đó là bận giải quyết công việc gia đình…

Á hậu Hoàng My- người từng có kinh nghiệm trong việc tham gia đấu trường nhan sắc quốc tế chỉ ra lý do khiến cho nhan sắc Việt chưa thể "chạm" tới giấc mơ hoa hậu thế giới thực ra không phải vì lý do "thiếu may mắn" như chúng ta vẫn thường đưa ra: "Một điều đáng buồn nhưng là sự thật, đó là thí sinh Việt Nam sẽ không có cơ hội đăng quang cho đến khi mình chứng tỏ được Việt Nam là một nơi tiềm năng.

Ví dụ: Đăng cai tổ chức hoặc cộng tác kinh tế với họ hay chứng tỏ mình là một nước có thể bỏ kinh phí cho các hoạt động từ thiện… Chúng ta hay đổ lỗi rằng "thiếu may mắn" nhưng thực tế "may mắn" nằm trong những yếu tố tôi vừa nhắc đến ở trên. Mình nên nhìn thẳng vấn đề để chấp nhận nó chứ không để mãi là một thứ hy vong trừu tượng".

Rất nhiều hoa hậu Việt Nam khiến công chúng hoài nghi vì sao họ có thể đăng quang ngôi vị cao nhất trong khi những lỗ hổng về kiến thức, ứng xử, giao tiếp quá lớn như vậy. Phải chăng, tiêu chí chọn hoa hậu của chúng ta quá dễ dãi khi sắc đẹp không cần đi kèm với tài năng? Khâu tuyển chọn hoa hậu ở Việt Nam, dường như chỉ cần vóc dáng chuẩn, gương mặt khả ái là đủ. Hơn nữa, chúng ta chỉ chú ý chọn các thi sinh đáp ứng đủ tiêu chí của vẻ đẹp Việt Nam mà quên đi tiêu chỉ của một hoa hậu xứng tầm quốc tế. Vì vậy, dù được công chúng đặt nhiều kỳ vọng trước mỗi lần đi thi, nhưng các nhan sắc đại diện của chúng ta vẫn tay trắng trở về.

Ngoại hình+ tâm hồn =10% chiến thắng!

Khi được hỏi lý do vì sao các đại diện nhan sắc Việt dù được đánh giá là đủ tiềm năng nhưng khi "đem chuông đi đánh xứ người" vẫn tay trắng trở về, Á hậu Hoàng My cho rằng: "Theo Hoàng My, ngoại hình và tâm hồn chỉ chiếm 10% chiến thắng, 20% thuộc về sức hút với công chúng còn 70% còn lại thuộc về phần kinh tế và chính trị. Hơn nữa, chúng ta yêu thích các cuộc thi sắc đẹp nhưng chúng ta chưa có tiếng nói để có cơ hội được để ý, ngoại hình không phải là tất cả”.

 Không có chiến thắng bằng may- rủi

Đấu trường nhan sắc quốc tế là một sân chơi lớn đòi hỏi phải nỗ lực hết mình trong việc hoàn thiện bản thân. Ở đó, chỉ có sắc đẹp và tài năng mới được tôn vinh, chứ không bao giờ có kiểu chờ đợi chiến thắng như một trò chơi đầy may rủi.

 

Theo Nguoiduatin.vn