Nhìn lại danh sách người đẹp Việt từng ra nước ngoài dự các cuộc thi nhan sắc, sớm nhất là Trương Quỳnh Mai dự thi Hoa hậu Quốc tế 1995, sau đó đến Anh Phương (1996), Minh Phượng (2003), Vũ Ngọc Diệp (2006), Phạm Thùy Dương (2007)… Trúc Diễm được cấp phép dự Hoa hậu Quốc tế tại Thành Đô (Trung Quốc) tháng 11.2011, chỉ vào đến top 15.
Hoàng My không vào đến top 15 Hoa hậu Hoàn vũ 2011. Trước đó Hoàng Yến nếm mùi thất bại tại cuộc thi này năm 2009. Thùy Lâm chỉ vào đến top 15 năm 2008 dù tổ chức tại VN. Với Miss World, năm 2002, Hoa hậu Mai Phương chỉ vào top 20. Năm 2003 là Thụy Quân, 2004 là Nguyễn Thị Huyền, Mai Phương Thúy và Thiên Lý cũng đành ra về tay không trong các cuộc thi 2006 và 2008. Nếu liệt kê tiếp, sẽ có danh sách dài dằng dặc, nhưng lại không có thành tích ấn tượng nào.
Nguyên nhân thất bại được các người đẹp biện minh là quá cập rập, không chuẩn bị kịp mọi thứ, ngoại ngữ không tốt nên hạn chế về giao tiếp, chiều cao khiêm tốn, nhan sắc chưa thật sự nổi bật, không tạo được sự chú ý của truyền thông…
Tuy nhiên, các nguyên nhân chính cần khắc phục thì người đề cử và được đề cử, cũng như nhà quản lý (Cục Nghệ thuật biểu diễn) - đơn vị cấp phép để các người đẹp thi tại đấu trường nhan sắc, không thấy đề cập. Dự thi tràn lan, người đẹp nào cũng có thể được đề cử miễn đáp ứng đủ điều kiện: đoạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp trong nước, thậm chí người đẹp chỉ cần chịu bỏ tiền ra đi thi là có thể tham dự.
Với trang phục, đa số người đẹp đều dựa vào các nhà thiết kế Việt để “mượn” hoặc được tài trợ trang phục. Vì thế, hiếm khi các đại diện VN có bộ trang phục dạ hội lộng lẫy, tạo được sự chú ý khán giả khi xuất hiện. Bộ áo dài đính lông công của Thúy Vy tại Miss World 2011 bị cho là xấu, hay bộ trang phục dân tộc của Trúc Diễm tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2011 quá rườm rà, không hiện đại…
Người đẹp của ta còn quá tự ti, rụt rè. Tham gia các hoạt động, người đẹp Việt không tự tin xuất hiện trước giới truyền thông, không tìm cách tạo sự nổi bật trước đối thủ. Trước đêm chung kết, những cuộc tập luyện trên sân khấu đòi hỏi kỹ năng biểu diễn, thể hiện sự năng động, thì đa phần người đẹp Việt lại rụt rè, làm cho có hoặc lấy lệ. Và dĩ nhiên, khó mà được xếp đứng những vị trí đầu trong cả trăm người đẹp. Hệ quả là họ luôn mất hút trong cả trăm nhan sắc đến từ khắp hành tinh, chẳng ghi điểm trước ban giám khảo lẫn báo giới.
Và điều sau cùng là phải công nhận nhan sắc của chúng ta chưa đủ chinh phục thế giới nếu so với các “siêu cường” như Venezuela, Ecuador, Brazil, Ấn Độ hay thậm chí là Trung Quốc, Thái Lan, cả về chiều cao lẫn nét đặc trưng riêng của gương mặt. Trong khi đó, dự các cuộc thi về người mẫu, VN càng thua xa do ngành công nghiệp thời trang của chúng ta mới vừa manh nha, chưa đủ mạnh để tạo nên những gương mặt đầy cá tính, góc cạnh, có khả năng thể hiện xuất sắc trên sàn diễn.
Câu nói cửa miệng thường nghe từ các người đẹp: “Tham dự để học hỏi, rút kinh nghiệm là chính” chẳng biết sẽ còn được lặp đi lặp lại đến bao giờ…