Nghịch lý Quy chế gửi thí sinh dự thi quốc tế
Để một người đẹp Việt Nam đến được với một cuộc thi nhan sắc quốc tế, người đẹp đó phải đảm bảo những điều kiện trong Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp do Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành năm 2008. Tuy nhiên, Quy chế này có những điểm khiến một số người đẹp khó chạm tay đến cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc tế. Ví như quy định Danh hiệu chính thức theo quy chế là Hoa hậu, Á hậu (đối với cuộc thi Hoa hậu toàn quốc), Hoa khôi, Á khôi (đối với cuộc thi cấp ngành, cấp vùng) và Người đẹp thứ nhất, Người đẹp thứ hai (cuộc thi Người đẹp cấp tỉnh)…như vậy thì những người đẹp lọt vào top 5 hoặc top 10, top 15 khác không được coi là có danh hiệu chính thức.
Trích Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp do Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành năm 2008 Điều này khiến các cô gái đẹp và đầy "tiềm năng" như Phan Thị Lý (Top 5 Hoa hậu Thế giới người Việt), Nguyễn Thị Loan (Top 5 Hoa hậu Việt Nam)... khó có cơ hội dự thi các cuộc thi quốc tế. Bởi theo Quy chế này, điều kiện đầu tiên để xét hồ sơ dự thi quốc tế là “Đã đạt danh hiệu chính thức tại các cuộc thi Hoa hậu, Hoa khôi và Người đẹp trong nước” (trích Khoản a, điều 6 trong Quy chế). Nghịch lý còn xảy ra khi một cô gái chỉ đoạt danh hiệu chính thức cấp tỉnh còn giá trị hơn một người đẹp lọt top 5 Hoa hậu toàn quốc nếu xét theo Quy chế. Mới đây khi danh tính người đẹp Trương Tùng Lan xuất hiện trên trang web chính thức của cuộc thi Hoa hậu Châu Á - Thái Bình dương 2011, thì cô được ghi danh hiệu là Miss Vietnam Halong 2010 (Hoa khôi Hạ Long 2010), nếu thông tin này xác thực thì con đường dự thi quốc tế của người đẹp này chính là danh hiệu Hoa khôi Hạ Long mà cô từng giành được, chứ không phải danh hiệu top 10 Hoa hậu Việt Nam 2010.
Hoa hậu Biển Nguyễn Thị Loan lọt top 5 HHVN 2010 nhưng còn thiếu một danh hiệu chính thức để được dự thi quốc tế.
Từ ví dụ này có thể nói việc Ngọc Trinh và Như Thảo được cấp phép dự thi Hoa hậu Quốc tế Việt Nam 2011 cũng là điều dễ hiểu, vì Ngọc Trinh từng đăng quang Hoa khôi Thời trang 2007 trong khi Như Thảo là Hoa khôi Đất Mũi. Nhưng như vậy liệu có công bằng cho các người đẹp không đoạt giải Hoa hậu, Á hậu quốc gia trong khi họ có mặt tại top 5 hoặc top 10 cuộc thi này? Một thí sinh lọt vào top 5 như Nguyễn Thị Loan hay Phan Thị Lý có thể chẳng bao giờ được dự thi quốc tế, trong khi những người đẹp vô danh "tỉnh lẻ" nào đó giành được một danh hiệu như Hoa khôi, Á khôi vẫn nghiễn nhiên có mặt tại các cuộc thi quốc tế như... Quy chế.
Lệ Hằng đủ "điều kiện" thi quốc tế với danh hiệu á khôi 2 Người đẹp Biển Tây 2009 mặc dù không lọt top 20 HHVN 2010.
Một nghịch lý nữa từ Quy chế này chính là việc giao khoán cho các đơn vị có đủ điều kiện cử thí sinh dự thi. Nhưng điều kiện cũng không quá khó khăn chỉ cần đơn vị có tư cách pháp nhân và có chức năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật là đủ điều kiện đề cử thí sinh dự thi quốc tế cũng như đảm nhận trách nhiệm đại diện cho thí sinh. Điều này vô tình khiến các công ty người mẫu trong nước hoàn toàn có thể tự đề cử “gà” của mình dự thi quốc tế, nếu người đẹp đó có đủ một danh hiệu, dù “chẳng ai nhớ” là cuộc thi gì. Trong khi đó, nếu một người đẹp có tiềm năng đoạt giải nhưng không có quan hệ với một đơn vị nào thì liệu cô ấy có được “để mắt” mà mời tham dự thi quốc tế?
Ngọc Trinh cũng sẽ có cơ hội dự thi Hoa hậu Hoàn vũ hoặc Hoa hậu Thế giới?
Như vậy, sự "tréo ngoe" này trong quy định của Quy chế Tổ chức thi Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp do Cục Nghệ thuật biểu diễn ban hành năm 2008 đã khiến cho nhan sắc Việt vừa bị động vừa hỗn tạp. Bị động ở chổ nhiều người đẹp rất triển vọng nhưng không đủ điều kiện như Cục quy định mặc dù đã lọt tới top 5 hoa hậu toàn quốc, trong khi người đẹp khác thậm chí không lọt top 20 cùng cuộc thi, nhưng trước đó đã đoạt danh hiệu Á khôi một cuộc thi "nhỏ" hơn lại nghiễm nhiên đủ điều kiện đi thi quốc tế. Ví dụ cụ thể nhất có thể đưa ra như người đẹp Huỳnh Thị Lệ Hằng, mặc dù không lọt vào top 20 Hoa hậu Việt Nam 2010 nhưng vẫn có đủ điều kiện dự thi quốc tế, so với top 5 Hoa hậu Việt Nam là người đẹp Nguyễn Thị Loan… Còn sự hỗn tạp có thể thấy rõ nhất chính là việc đề cử “gà nhà” của mình dự thi quốc tế trong thời gian qua của các công ty người mẫu.
Trương Tùng Lan sẽ dự thi Hoa hậu Châu Á Thái Bình dương với danh hiệu Hoa hậu Hạ Long 2010?
Tạm kết: Trong thời gian tới, còn rất nhiều cuộc thi hoa hậu quốc tế sẽ diễn ra, và với Quy chế này liệu có vô tình khiến những gương mặt “xa lạ” và hoàn toàn không có thực lực sẽ mang danh người đẹp Việt Nam dự thi quốc tế ? Câu trả lời này xin nhường lời cho các đơn vị có thẩm quyền nghiên cứu.