Ngay đêm 25/8, trên Facebook đã xuất hiện hàng loạt câu trạng thái (status) hay bình luận (comment), đại loại như: “Khán giả rất chuyên nghiệp trong phần thi ứng xử” (?); hay “Cô có sở thích là thời trang và kinh doanh. Ước mơ là trở thành nhà kinh tế giỏi...” khi MC giới thiệu về thí sinh. Vấp váp, lú lẫn, hay nói sai về tính logic và ngữ nghĩa câu đã xảy ra liên tiếp trong lời dẫn của hai MC Anh Tuấn và Jennifer Phạm trong đêm thi chung kết.
Song Anh Tuấn vẫn ít bị lỗi. Người xem đến phát ngượng khi MC Jennifer Phạm nói: “Sự cổ vũ của khán giả là món ăn tinh thần quý báu cho các thí sinh” (?). Nếu có học ngữ pháp tiếng Việt và hiểu về tiếng Việt thì chẳng ai nói thế cả. Bởi sự cổ vũ chỉ có thể là nguồn động viên chứ không thể gọi là “món ăn tinh thần” như âm nhạc, sách báo, phim ảnh... Đằng này, cô lại là một MC đứng trên sân khấu của một sự kiện lớn, và lời ăn tiếng nói được truyền đến hàng triệu khán - thính giả.
Hay một câu khác khi cô MC giới thiệu về một thí sinh: “Năm nay cô là sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ...” thay vì nói là “hiện nay...”. Cứ như sang năm sau thì cô thí sinh kia sẽ là sinh viên của trường khác vậy. Jennifer Phạm xinh tươi, duyên dáng và ăn mặc rất đẹp trong đêm chung kết. Song, việc MC có lẽ cần nhất ở khả năng ăn nói, sử dụng ngôn từ, cách ứng biến và dẫn dắt câu chuyện trên sân khấu. Trong một sự kiện sử dụng tiếng Việt thì chí ít MC đó phải dùng tiếng Việt thành thạo: Nói đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa, ăn nói phù hợp với hoàn cảnh, dùng câu chữ đắt giá để tạo được hiệu ứng... Những lỗi về ăn nói như kể ở trên, Jennifer Phạm không phải thể hiện lần đầu mà đã xảy ra khi làm MC ở một vài sự kiện khác. Có một điều có thể thông cảm: Có lẽ Jennifer không được học tiếng Việt và ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt bài bản như nhiều người Việt ở quê nhà. Cô còn phải trau dồi rất nhiều nữa để có thể làm MC dẫn dắt chương trình bằng tiếng Việt. Thế thì vấn đề đáng nói là: Vì sao BTC lại cứ “nhấc” cô vào làm phần công việc đòi hỏi khả năng tiếng Việt quá tầm cô như vậy?