Có lẽ, danh xưng "Hoa hậu" là điều ao ước của biết bao nhiêu cô gái trẻ hiện nay, ấy vậy nên các cuộc thi sắc đẹp đua nhau mọc lên như nấm để tìm kiếm những gương mặt khả ái, đại diện cho khu vực đi chinh chiến các đấu trường nhan sắc trong và ngoài nước. Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước ta bắt đầu vào năm nào hay không? Và ai là người may mắn được công nhận là đệ nhất Hoa hậu đất nước hay không? Hay chỉ đơn giản là phần thưởng của cuộc thi đầu tiên đó, có giá trị to lớn như thế nào?
(Ảnh tư liệu)
Và vén tấm màn bí mật về sự thật của những câu hỏi đó, thì có một số thông tin bất ngờ rằng, cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam được tổ chức cách đây 62 năm tại Sài Gòn và vị chủ nhân của chiếc vương miện này là một nữ… nhà báo, bà đăng quang khi 23 tuổi, chiều cao phải nói là vô cùng khiêm tốn so với các đời Hoa hậu, chỉ với 1m61. Tuy nhiên, phần thưởng dành cho bà vào ngày đó cũng vô cùng to lớn với một chiếc môtô hiệu Lambretta, kiềng vàng, nước hoa và nhiều loại mỹ phẩm danh tiếng khác.
Tuy nhiên, đằng sau của ánh hào quang với danh hiệu Hoa hậu đầu tiên Việt Nam, là một cuộc đời buồn bã đầy thăng trầm…
Tuổi thơ vất vả: Mẹ mất sớm, phụ giúp cha nuôi 3 người em ăn học
(Ảnh tư liệu)
Người phụ nữ xinh đẹp đó, không ai khác chính là Hoa hậu Công Thị Nghĩa, hay còn được gọi với cái tên Thu Trang. Bà sinh ra vào năm 1932, tại làng Ngọc Hà, Hà Nội. Năm bà 10 tuổi, vì tính chất công việc, cha bà phải chuyển vào Sài Gòn, vì thế cả gia đình phải đi theo ông. Thời gian đầu khi vào Sài Gòn, bà được học hành như bao người thiếu nữ cùng thời khác, nếu có khác thì chỉ khác là bà là một cô bé xinh đẹp hơn người với cốt cách của một quý cô Hà Nội nhỏ tuổi giữa lòng Sài Gòn.
Thậm chí bà còn bộc lộ tài năng văn chương, ngoại ngữ thiên phú của mình ngay từ những năm đầu đời. Bà được theo học hệ chính quy theo chương trình đào tạo của Pháp nên trình độ tiếng Pháp của bà rất tốt. Sau đó bà học thêm tiếng Anh, và bắt đầu làm việc như là một ký giả cho các báo dưới nhiều bút danh khác nhau như Thu Trang, Thanh Tâm, Nguyễn Huyền Thu...
(Ảnh tư liệu)
Ấy vậy mà, cuộc sống mới tại Sài Gòn chưa bao lâu, thì thân mẫu của bà qua đời, để lại cha con bà và thêm 3 người em nhỏ tuổi. Vì thế, bà đã phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh để vừa đi học, vừa có tiền giúp đỡ cha nuôi các em.
Nữ ký giả xinh đẹp chạm tay vào chiếc vương miện Hoa hậu Việt Nam đầu tiên
Sau khi ra tù, bà Thu Trang quyết định định học nghề báo và trở thành ký giả chuyên về mảng Văn hóa – Nghệ thuật. Năm 1955, chính quyền lâm thời phát đi thông tin sẽ tổ chức một cuộc thi Hoa hậu. Và cơ duyên là trong một lần đến phỏng vấn thành phần ban giám khảo để đưa tin, vài thành viên ban giám khảo đã khuyên: "cô đẹp như vậy, nên đăng ký tham gia cuộc thi này". Nghe rủ rê, bà đăng ký tham gia với mục đích ban đầu là… để cho vui.
(Ảnh tư liệu)
Ngày 20/5/1955, nhân lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng, tại rạp hát Lido ở khu Chợ Lớn, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chính thức được diễn ra. Gần như tất cả mỹ nhân đang sinh sống tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam đều xuất hiện tại cuộc thi này.
Do quan niệm ở thời điểm đó còn khắt khe, nên không có phần thi áo tắm trong cuộc thi hoa hậu đầu tiên này. Tuy nhiên, bà Thu Trang xuất sắc vượt qua hàng loạt nhan sắc khác để chính thức đăng quang vương miện Hoa hậu với những thông số mà xét ở thời điểm này thì rất khó để đạt chuẩn, nhất là về chiều cao. Bà chỉ cao 1,61m, số đo 3 vòng là 86-62-88. Á hậu 1 thuộc về cô Nguyễn Thị Ninh, người Hà Nội di cư vào Nam và Á hậu 2 là cô Ngô Yên Thu, người Cần Thơ.
(Ảnh tư liệu)
Nhiều năm tháng về sau, khi nói về hồi ức đứng trên đỉnh vinh quang chạm tay vào chiếc vương miện Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam này, bà Thu Trang có chia sẻ: "Thực ra thì tôi đến lấy tin để viết cho báo, mấy anh trong ban tổ chức khi nhìn thấy tôi thì trầm trồ liền. Và cố gắng thuyết phục tôi đi thi. Nhưng khi ấy nhà nghèo, lấy đâu ra quần áo đẹp để đi thi. Họ bảo chỉ cần mặc chiếc áo dài đẹp nhất mà tôi có là được. Và còn nói trang phục thực ra không phải là thứ quyết định tất cả".
Và giải thưởng đi kèm theo ngôi vị danh giá này là bà được vô số đãi ngộ nào là tiền vàng, nào là nước hoa, và nhất là một chiếc môtô Lambretta vô cùng giá trị thời đó. Cũng vì phần quà quý này, mà thậm chí nhiều người còn gọi vui bà Thu Trang là "Hoa hậu Lambretta".
Vũng bùn tuổi trẻ của cô Hoa hậu mang danh "chửa hoang" và những năm tháng an yên nhìn lại
(Ảnh tư liệu)
Sau khi trở thành Hoa hậu, cuộc đời bà bước sang một trang mới. Bà được "trải thảm đỏ", mời chào tiệc tùng, gặp gỡ giao lưu nhiều vô số kể. Và ngành phim ảnh thuở ban đầu do người Việt Nam làm đã không thể thiếu diễn viên là Hoa hậu Thu Trang. Từ đầu năm 1956, Hoa hậu Việt Nam đầu tiên buớc vào điện ảnh với vai diễn trong phim Chúng tôi muốn sống (đạo diễn Vĩnh Noãn), vào vai Kiều Nguyệt Nga trong phim Lục Vân Tiên (đạo diễn Tống Ngọc Hạp)...
Năm 1957, Hoa hậu - diễn viên Thu Trang và đạo diễn Tống Ngọc Hạp đem Lục Vân Tiên sang Nhật để lồng tiếng, âm nhạc và tham dự Đại hội điện ảnh châu Á tại nước này. Chuyến đi chỉ có hai người và chuyện gì đến đã đến, chỉ ngay trong tháng đầu tiên tại Nhật, bà đã mang thai, sự vụ này mãi sau này bà Thu Trang viết trong hồi ký là "năm 1957 - một năm vinh quang và đau đớn".
(Ảnh tư liệu)
Thậm chí, bà còn buồn bã ghi lại trong cuốn hồi ký của mình như sau: "Tới tuổi 25 tôi mới thành đàn bà trong hoàn cảnh bi thảm. Bị đưa vào những tình huống mà tôi cảm nhận là mình đã không thể tránh. Khi người đàn ông đam mê, nên dễ bị say trong nỗi cuồng điên man dại? Hay chính tôi là một đối tượng có những nét gì khó gần, quá giữ gìn càng gây kích thích trong sự phải chiếm đoạt?
Phải chinh phục do tự ái của đàn ông tính, pha lẫn với ít nhiều tưởng tượng là tình yêu? Ngang trái thay, tôi đã có thai ngay trong tháng đầu tại Tokyo. Chúng tôi đã sống trong thảm cảnh kế tiếp khi về tới Sài Gòn cuối năm 1957. Thật là cả một cơn giông bão phũ phàng đổ ập xuống tôi khi vừa bắt đầu làm mẹ. Xã hội thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy".
Vâng, câu nói cuối cùng về vụ việc này, "xã hội thời ấy chưa có chút vị tha nào cho những sự kiện như vậy" đã lột tả được sự thống khổ của một Hoa hậu xinh đẹp mang danh cướp chồng (vì đạo diễn Tống Ngọc Hạp đã có vợ con), và khái niệm mẹ đơn thân ngày đó cũng chưa có, đơn giản búa rìu dư luận ném vào bà chỉ là những khái niệm cay độc như "chửa hoang", "không chồng mà chửa".
Tuy nhiên, mặc cho điều đó, bà vẫn kiên quyết giữ lại đứa con. Sau này, bà vẫn cho con theo họ của bố, bà đặt tên là Tống Ngọc Vân Tiên. Cái tên như lưu dấu kỷ niệm về tình cảm mà bà dành cho đạo diễn Tống Ngọc Hạp. Có lẽ, đó là tình yêu chân thành và đầy vị tha bởi rất nhiều năm sau, bà vẫn không mở miệng oán trách vị đạo diễn này bất cứ lời nào.
(Ảnh tư liệu)
Đến năm 1961, nhận được một lời mời sang Pháp tham gia ngành điện ảnh, Hoa hậu Thu Trang đã nhận lời và cùng con trai nhỏ sang. Tuy vậy, sang Pháp, Thu Trang không làm điện ảnh mà tiếp tục đi học và định cư luôn tại đây. Năm 1978 bà trở thành Tiến sĩ Sử học tại ĐH Paris VII. Sau này, bà vẫn thường hay về Việt Nam giảng dạy trong các trường đại học với tư cách Tiến sĩ, chứ không phải danh xưng của một cô Hoa hậu dạo nào.
Nhìn lại cả chặng đường bà đã đi qua, có thể áp đúng một câu nói của người xưa vừa vặn vào người bà, đó là "hồng nhan bạc mệnh". Ấy vậy mà đi qua biết bao biến cố lịch sử, thăng trầm cuộc đời, bà Thu Trang – Hoa hậu đầu tiên của Việt Nam, Tiến sĩ sử học đã có quãng đời yên ả của riêng mình vào những năm tháng tuổi già sức yếu tại Pháp.
Nguồn: Theo hồi ký "một thời để nhớ" của bà Thu Trang, xuất bản năm 2010