Với đặc trưng là cuộc thi Hoa hậu của các dân tộc Việt Nam, nên phần thi ứng xử thật sự rất được quan tâm và mang một bản sắc rất riêng, khi đây là cơ hội cho các em giới thiệu về những nét đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình, quê hương mình.
Thật tuyệt vời! Đó là nhận xét chung của Ban giám khảo, Ban tổ chức sau khi kết thúc phần thi ứng xử. Tất cả các giám khảo đều cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với phần thi này! Ông Lương Xuân Đức – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo khẳng định: “Điều nổi bật, làm bất ngờ các thành viên Hội đồng Giám khảo và khán giả là cả 51 thí sinh vào bán kết khu vực phía Bắc đều đẹp và thông minh. Điều đó làm cho BGK có một không gian mở để chấm, có nhiều lựa chọn và rất hứng thú. 51 thí sinh này xứng đáng là những gương mặt đẹp, xứng đáng đại diện cho tất cả các cô gái các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc trong cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 năm 2011”.
Cùng chung quan điểm này, giám khảo NTK Hà Linh Thư cho biết: “Nhìn chung phần thi ứng xử tốt, thí sinh ứng xử rất thú vị. Tôi rất bất ngờ trước sự trong sáng, chân thành của các em; điều đó khiến cuộc thi thật sự gần gũi, không còn cảm giác khoảng cách giữa giám khảo và thí sinh. Các thí sinh đã thực sự là những “đại sứ” đại diện của dân tộc mình, làm cho mọi người hiểu biết nhiều hơn về văn hóa của các dân tộc”. Giám khảo Nguyễn Thị Thu Hà, Á hậu I- Hoa hậu Quý bà Việt Nam cũng khẳng định: “Các thí sinh thể hiện khá tốt, một số thí sinh rất tự tin. Không khí phần thi ứng xử rất thoải mái, ban giám khảo chúng tôi xác định phần thi ứng xử này cũng chính là một cuộc giao lưu và khuyến khích các em phát huy khả năng của mình, đặc biệt là các thí sinh dân tộc thiểu số”.
Với Hoa hậu Thế giới người Việt Lưu Thị Diễm Hương thì công tác tổ chức của BTC rất chuyên nghiệp và nghiêm túc, BGK cũng đã làm việc hết sức công bằng, và có cân nhắc kỹ trước khi cho điểm. "Các thí sinh mặt bằng chung khá đồng đều, đẹp và duyên dáng, ứng xử thông minh, tự tin. Phần thi ứng xử diễn ra nghiêm túc nhưng vẫn tạo được không khí thoải mái. ”- Diễm Hương khẳng định.
Niềm vui này của BGK thật sự đã lan tỏa tới những nhà tổ chức. TS - Hoa hậu Đoàn Thị Kim Hồng, Trưởng BTC phát biểu bế mạc khẳng định: Vòng bán kết phía Bắc đã bắt đầu từ ngày 1/11 với phần thi nhân trắc học. Ngày 2/11, các thí sinh và BGK đã trải qua phần thi ứng xử. Các thành viên BGK đã làm việc công minh để chọn ra những gương mặt xuất sắc, vừa tài, vừa sắc để tham gia vòng chung kết. Qua phần thi ứng xử hôm nay, 51 thí sinh đến từ 12 dân tộc đều rất đẹp, hồn nhiên, mộc mạc, dễ thương; tuy nhiên các em cần rèn luyện để trau dồi kiến thức của mình, xứng đáng là những “đại sứ” giới thiệu về văn hóa, truyền thống của dân tộc mình, những nét đặc sắc của quê hương mình.
Những bông hoa núi rừng
Thí sinh Sầm Xuân Ngọc Ánh, dân tộc Sán Chay, SBD 04 chinh phục khán giả với lời giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng, về điệu Sình ca đặc sắc của dân tộc Sán Chay. Hát Sình ca bắt nguồn từ câu chuyện về người con gái xinh đẹp, hát hay, nhưng lại có nhiều trắc trở trong cuộc sống, nên đã gửi gắm nỗi lòng vào những lời ca ngọt ngào, đi vào lòng người. Sau đó người dân đã lưu lại và hát theo những lời hát của làng, trở thành điệu Sình ca. Điệu hát này hiện vẫn luôn có mặt trong những lễ hội của dân tộc Sán Chay.
Cũng là dân tộc Sán Chay, thí sinh Lâm Thanh Lam, SBD 23, lại có cơ hội nói lên những cảm nhận của mình về Hà Nội khi lần đầu tiên tới Thủ đô Hà Nội, trong phần thi ứng xử. Lâm Thanh Lam tâm sự, em rất ấn tượng với sự sầm uất, sôi động, những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử của Hà Nội. Đặc biệt, ẩm thực của Hà Nội rất phong phú, độc đáo, con người Hà Nội nồng ấm, thân thiện, mến khách. Lâm Thanh Lam cũng “tranh thủ” chia sẻ về nét đặc sắc của văn hóa Sán Chay với làn điệu Sình ca: “Người Sán Chay gặp gỡ nhau qua làn điệu Sình ca. Tuy nhiên, ở quê hương em chỉ còn một nghệ nhân có thể hát được Sình ca, nên bản thân em cũng không hát được. Em rất mong sau này điệu Sình ca sẽ được khôi phục và phổ biến để những bạn trẻ như em có thể được biết”.
Rất nhiều thí sinh đã thể hiện những làn điệu dân ca đặc trưng của dân tộc mình ngay trên sân khấu, và có lẽ đó chính là sự thể hiện rõ nét nhất việc tôn vinh những nét văn hóa của dân tộc mình, cũng như ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc của các thí sinh. Thí sinh số 08, Nguyễn Thị Dương, dân tộc Mường (Hòa Bình, mảnh đất có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc) đã thể hiện một bài hát ru thật ngọt ngào, bởi như Dương tâm sự, ngay từ khi sinh ra đã được bà và mẹ ru vào giấc ngủ, và lời ru cũng đã theo cùng em trong những bước lớn khôn…
Diệp Hà, dân tộc Thái, đến từ Sơn La, SBD 13 lại thể hiện một làn điệu xòe trên sân khấu: “Điệu xòe, điệu xòe có từ bao giờ, mà vẫn mê say như thuở nào?… Chân đi ngập ngừng mà tim bối rối…”. Diệp Hà tâm sự, em rất tự hào về dân tộc Thái của mình, và em quyết tâm sẽ động viên gia đình và những người xung quanh thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về bảo tồn văn hóa dân tộc mình, giữ gìn những truyền thống của quê hương mình, và đặc biệt phải biết nói tiếng dân tộc mình! Thí sinh SBD 15, Hà Thị Hằng, dân tộc Thái, cũng đến từ Sơn La, lại rất tự tin khi thể hiện bài hát “Inh lả ơi” và xòe điệu xòe của dân tộc Thái trên sân khấu, nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt của ban giám khảo và các khán giả. Thí sinh Bàn Thị Phương, SBD 39, dân tộc Dao đến từ Bắc Kạn lại thể hiện bài hát ru bằng tiếng Dao rất chuẩn. Phương cũng rất tự tin khi khẳng định “Em hài lòng nhất về nụ cười của mình, nụ cười chính là cách để em giao tiếp với mọi người”. Và thí sinh số 09, Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, đến từ Cao Bằng, đã thể hiện một làn điệu của dân tộc Nùng.
Một trong những cơ hội mà BGK mang tới cho thí sinh là giới thiệu về trang phục dân tộc mình. Thí sinh SBD 16, Hoàng Thị Hiền, dân tộc Dao, chinh phục khán giả bằng bộ trang phục rất cầu kỳ, đặc sắc của mình. Hiền cho biết, bộ trang phục của dân tộc Dao gồm quần dài và áo, thân áo màu đỏ, trên đầu là chiếc khăn quấn đầu và trang trí cho khuôn mặt của người con gái trước khi lấy chồng. Thí sinh SBD 28, Mùng Thùy Linh, dân tộc Lô Lô lại có cách thể hiện trang phục dân tộc rất đặc sắc. Là nhánh Lô Lô đen nhưng Mùng Thùy Linh lại quyết định chọn bộ trang phục của nhánh Lô Lô hoa, để thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các nhánh Lô Lô với nhau, không có sự phân biệt. Thí sinh này cũng thể hiện động tác sàng sảy của dân tộc Lô Lô trên sân khấu. Thí sinh số 42, Lê Thị Như Quỳnh, dân tộc Mường đến từ Thanh Hóa đã khẳng định, cùng là dân tộc Mường, nhưng bộ trang phục dân tộc của người Mường ở quê Quỳnh cũng có sự khác biệt với nơi khác. Bộ trang phục của người Mường ở Thanh Hóa có những hoa văn rất riêng, những hoa văn này tượng trưng cho sự giàu sang, ví như hình thêu rồng trên thắt lưng. Thí sính số 07, Thàn Thị Châm, dân tộc Giáy (Hà Giang) giới thiệu về trang phục của dân tộc Giáy, với chiếc áo xẻ nách trùm qua mông và váy trùm qua đầu gối rất lạ mắt.
Kết thúc phần thi, Ban chỉ đạo, BTC, BGK và toàn thể thí sinh đã tham gia bầu chọn cho vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Và với ông Chu Tuấn Thanh - Phó trưởng BTC thường trực của cuộc thi thì không khí đầm ấm và sự rực rỡ của những sắc màu văn hóa đã khiến Vụ trưởng Vụ Thông tin tuyên truyền của Ủy ban Dân tộc quyết định lên sân khấu trình bày ca khúc "Chiếc khăn Piêu" bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc Khơ Mú và đặc biệt... bằng lời do chính ông… “đặt lời” năm 1998, đã từng được Giải thưởng môi trường về lời bài hát: "Đây quê hương chúng ta, nhiều gỗ quý sống ở trong rừng. Thôi này đừng, chặt cây rừng, phá cây rừng để cấy lúa nương. Cấy lúa nương để ruộng đồng bị nắng cháy thành rừng hoang. Anh em ơi, tới đây trồng gỗ quý sau để ta dùng. Anh cũng dùng, tôi cũng dùng, chị cũng dùng, cháu cũng dùng, cả nhà dùng, cả nước dùng, để đất nước thêm giàu sang. Ta vì cuộc sống ấm no, cớ sao ta lại đi đốt gỗ kia thành tro cả núi rừng? Tiếng tôi vang rừng núi, ai chặt cây hãy quay trở về. Tiếng tôi reo cùng gió, ai phá cây hãy quay trở về. A chi ơi...”.