Xưa, những người đẹp sở hữu gương mặt ưa nhìn, nụ cười duyên, nét dịu dàng hiền hậu, chân phương rất dễ dành được vị giải cao trong các cuộc thi hoa hậu.
Ngày nay, những người đẹp có gương mặt có phần bình thường, không quá thu hút nhưng hình thể đẹp, sở hữu số đo “vàng” lại thường được ưu ái hơn.
Tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp, người từng là BGK của nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn nhỏ trong nước cũng đã từng công nhận điều đó trong một bài phỏng vấn. Bà cho rằng: “Các cuộc thi hoa hậu bây giờ đặt nặng tiêu chí đưa người đẹp đi thi quốc tế, chiều cao được đưa lên thành tiêu chí quan trọng, hoa hậu buộc phải chọn trong số ít các cô gái có chiều cao tương đối”.
Tiêu chí về cái đẹp thay đổi, cũng là lúc xuất hiện những tranh luận trái chiều về nhan sắc.
Nhiều gương mặt bước ra từ các cuộc thi nhan sắc Việt hoặc được gọi là người đẹp showbiz thường nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ công chúng. Người đạt được tiêu chí hình thể quốc tế lại thì lại không vừa lòng công chúng trong nước vì gương mặt chưa thu hút. Ngược lại, người có vẻ đẹp ưa nhìn thì dưới con mắt của các chuyên gia, họ vẫn còn những đặc điểm chưa hoàn thiện của hình thể. Rất ít khi chọn được người đẹp hài hòa cả hai tiêu chí trên.
Để phù hợp với tiêu chí quốc tế, những người đẹp có lợi thế về hình thể được ưu ái hơn. Thế nên mới có trường hợp nhiều hoa hậu bị dư luận chê tơi bời vì nhan sắc, nói đúng hơn là đường nét gương mặt thiếu thu hút. Nhiều người thường ngơ ngác với những câu hỏi đại loại như: Tại sao người này lại được chọn, họ đẹp ở điểm nào mà được nhiều người tung hô đến vậy? hoặc tôi chẳng tìm thấy vẻ đẹp nào trên gương mặt của hoa hậu mới.
Có một câu chuyện vui kể rằng, ở vương quốc của những người gù lưng, họ cho rằng, người càng gù nhiều thì càng đẹp. Dĩ nhiên, kẻ lưng thẳng bị xem là dị tật và không bao giờ được bước chân vào cuộc thi nhan sắc.
Qua câu chuyện đó, ta biết rằng, tiêu chuẩn để đánh giá sắc đẹp ở mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa cũng khác nhau. Tuy nhiên, dù bạn là người nước nào, thuộc nền văn hóa nào, khi nhìn thấy Hoa hậu thế giới cũng đều thấy đẹp, vấn đề là đẹp nhiều hay đẹp ít, điều đó chứng tỏ trên thực tế vẫn có những tiêu chuẩn đánh giá khách quan về vẻ đẹp, những thang giá trị riêng được đa số thừa nhận. Đó là dựa vào những tính toán số đo, đường nét gương mặt theo chuẩn quốc tế.
Bởi thế cho nên, khi muốn tham gia “cạnh tranh” với đấu trường sắc đẹp nước ngoài, những người “cầm cân nảy mực” trong nước đôi khi cũng đành phải “hy sinh” một số quy chuẩn ngầm định về nhan sắc trong nước. Âu đó cũng là điều dễ hiểu!