Ông bầu mát tay
- Từ khi nào anh nhận đỡ đầu cho các người đẹp đi thi nhan sắc?
- Năm 2002, khi vừa tới Hà Nội vài tháng, tôi đã “cọ sát” với showbiz ở đây. Năm 2003, tôi đỡ đầu cho Hương Giang và cô bé đã đạt giải cao nhất của cuộc thi Nữ hoàng trang sức lần thứ nhất. Sau đó, Khánh Ly cũng tới nhờ tôi giúp đỡ, cô ấy đạt giải Gương mặt khả ái của Người đẹp áo dài năm đó. Năm 2004, một người đẹp mà tôi không nhớ tên, đạt giải thưởng Ấn tượng nhất trong cuộc thi siêu mẫu. Ngoài ra còn có các Á hậu Thụy Vân, á hậu Thùy Trang... mà tôi không nhớ hết.
- Tại sao anh nhận đỡ đầu các người đẹp đó?
- Tôi nghĩ đơn giản thôi, đơn giản là họ cần mình và mình có thể giúp họ những điều họ cần. Thế nào cũng có người nghĩ: “Đến nhờ anh đó chắc gì anh ấy đã làm!”, nhưng tôi muốn xóa đi câu nói đó, ai cần gì ở tôi thì tôi sẽ giúp.
- Nhưng anh cũng phải chọn ứng viên tiềm năng chứ?
- Tôi không tìm, vì làm sao hiểu được hết họ khi họ lần đầu đến gặp mình? Vấn đề là mình giúp họ tạo được ấn tượng trong các cuộc thi, đấy mới là điều quan trọng tôi mang đến cho họ. Tôi may mắn chưa bao giờ trắng tay mà người đẹp nào đi thi cũng có giải, có vị trí. Tôi quan niệm, khi mình bắt tay vào làm việc gì thì phải nghiêm túc và tâm huyết. Khi đó, chắc chắn thí sinh sẽ có kết quả.
- Cụ thể, công việc của anh là gì?
- Tôi thay thế cho một stylist, chọn trang phục, làm tóc, trang điểm... cho họ trong suốt đợt thi, ở từng buổi dã ngoại, những cuộc thi nhỏ và đêm chung kết ra sao... những điều mà tôi hiểu rõ bởi tôi đã tham gia nhiều cuộc thi. Tôi biết các người đẹp cần những gì để tỏa sáng được.
Về số lượng trang phục, tôi tìm hiểu xem có bao nhiêu lần xuất hiện, bao nhiêu lần thi phụ. Với mỗi lần xuất hiện, tôi tính kĩ xem bối cảnh ấy ra sao để có được trang phục phù hợp nhất, chẳng hạn gặp mặt báo chí, BTC phỏng vấn, các cuộc thi phụ... Mỗi người như vậy là 2 va li lớn và 1 va li nhỏ. Mỗi lần chuẩn bị như thế, tôi thường mất 1 tuần miệt mài với công việc để sao cho có chất lượng tốt nhất.
Không cần ký hợp đồng với nhau
- BTC các cuộc thi nhan sắc thường không dễ để những người hỗ trợ thí sinh tham gia sâu vào quá trình thi cử. Có khó khăn như thế nào trong quá trình anh giúp đỡ “gà”?
- Rất nhiều khó khăn. Trong các cuộc thi, nếu mình không phải người của BTC, rất khó để mình vào các khu resort nơi ăn ở của thí sinh để làm đẹp cho họ. Bởi vậy, riêng việc gặp để mà trang điểm cho nhau thôi cũng không hề đơn giản. Tôi phải tìm đủ mọi “mánh khóe” để giúp họ có được gương mặt rạng rỡ nhất trong mỗi lần xuất hiện.
Chẳng hạn, vất vả nhất là trường hợp của Thụy Vân. Khi đó, toàn bộ BTC và thí sinh ở trong khu resort Nam Hải. An ninh bảo vệ rất khó khăn. Tôi phải thuê một căn phòng ở trong resort với chi phí không hề thấp để thuận tiện trong việc đi từ phòng này sang phòng khác. Thực sự, chi phí ấy không rẻ đối với người làm nghề make up như tôi, nhưng tôi hy sinh vì nghĩ mình giúp được cho ai trong khả năng của mình là tôi làm.
- Lịch trình của anh ra sao?
- Tôi phải dậy từ 3h sáng vì 5h sáng Thụy Vân đã phải tập trung với BTC. Buổi tối, khoảng 7h Thụy Vân đi ăn tối, thì 5-6h tôi đã phải làm lại mặt cho cô ấy để Vân có được vẻ tươi tắn, thu hút trong mắt của BTC và giám khảo.
Mỗi kì cuộc như thế, tôi sa sút rất nhiều về sức khỏe, nhưng thực sự, đây là nghề mà tôi đam mê nên mọi khó khăn khỏa lấp tất cả.
- Có học trò nào mà anh ưng ý?
- Á hậu Thùy Trang. Tôi đã hướng dẫn Trang qua một khóa kĩ năng chọn lựa trang phục, đứng trước công chúng, đám đông để tỏa sáng ra sao... Thùy Trang và các người đẹp thường nắm nhanh và hiểu mình phải làm gì. Tôi khá tâm đắc với hai á hậu Thụy Vân và Thùy Trang vì họ thông minh. Thực ra, với một cô gái tuổi mới lớn, cũng bắt đầu có ý thức về làm đẹp, nhưng chuyên sâu hơn thì họ biết mập mờ lắm. Khi tôi nói sơ qua, các cô ấy hiểu liền.
- Có kỷ niệm nào anh nhớ nhất?
- Rất nhiều kỷ niệm với tôi, kể không bao giờ hết được. Mỗi người lại có những dấu ấn khác nhau và nhiều kỉ niệm đẹp hơn buồn nên tôi mới theo được nghề đến tận hôm nay.
Khi Thụy Vân đoạt giải, tôi vô cùng tự hào. Tôi đứng xem khoảnh khắc Vân được xướng tên ở ngôi vị á hậu, tôi thấy lòng nhẹ nhõm vì mình có chút cống hiến cho thành quả ấy.
- Thụy Vân là ứng viên nặng kí cho vương miện hoa hậu, nhưng chỉ dừng lại ở á hậu, anh có tiếc?
- Hoa hậu hay á hậu với tôi không quan trọng, dù danh hiệu á hậu thấp hơn người đoạt vương miện, nhưng điều quan trọng hơn cả là sau đó cô ấy tỏa sáng ra sao. Chứ nếu Thụy Vân đoạt danh hiệu hoa hậu để rồi lu mờ thì tôi không mong muốn. Thậm chí nếu cô ấy không có ngôi vị gì, nhưng tỏa sáng trong cuộc thi và được mọi người công nhận, đó cũng là thành công rồi.
- Sau mỗi cuộc thi, anh còn gắn bó với ai?
- Thực ra, trong cuộc sống, ai cũng có những việc riêng tư, chúng tôi lâu lâu mới gặp nhau một lần và chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Khi gặp ai, tôi cũng vẫn giữ nguyên tình cảm như trước.
- Nếu không có gì tế nhị, anh có thể chia sẻ thù lao của mình sau mỗi lần hỗ trợ các người đẹp đi thi?
- Tôi chưa bao giờ đặt thẳng vấn đề tiền và chưa bao giờ làm việc ấy vì tiền. Nếu như các cô ấy đã đạt được ngôi vị và phần thưởng thì tùy tâm, muốn bồi dưỡng bao nhiêu thì tùy, chứ tôi không bao giờ đòi hỏi.
- Anh nghĩ sao khi chứng kiến những cảnh “cơm không lành, canh không ngọt” giữa ông bầu với các thí sinh?
- Thật ra, có người đã hỏi, sao ông bầu với thí sinh không kí kết với nhau để ràng buộc nhau? Tôi cho rằng, có sự ràng buộc là có “cơm không lành, canh không ngọt” như vậy. Tôi không bao giờ kí kết gì cả, tin tưởng nhau là chính. Còn nếu không có duyên với nhau nữa, tôi cũng không níu kéo.
- Đặt vào trường hợp của Phúc Nguyễn, ông bầu của Hoàng My, anh có chia sẻ gì?
- Tôi và Phúc Nguyễn biết nhau trên nghệ danh, chứ không qua lại với nhau. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, công việc mỗi người khác nhau. Báo chí đưa lên như thế, mình cũng không thể hiểu hết được nội tình nên không biết ai đúng, ai sai.
Hành trình “Bắc tiến” và 10 năm bươn chải
- Lý do vì sao anh lại ngược ra Bắc để xây dựng thương hiệu làm đẹp?
- Tôi vốn có ước mơ và năng khiếu về làm đẹp. Khi 18 tuổi, học xong PTTH, tôi quyết không thi Đại học để theo học nghề này, dù gia đình rất cấm cản. Tôi nghĩ, khi mình học ĐH 4 năm rồi lại đi theo nghề mình chọn thì rất phí, nên dành 4 năm đó để trau dồi kiến thức về nghề làm đẹp. Từ năm 18 đến 29 tuổi, tôi đã mở một salon làm tóc ở TP HCM, do chính mình làm chủ và làm thợ chính suốt 11 năm trời và tạo dựng được tiếng tăm. Nhưng tôi không muốn dừng lại ở đó. Tình cờ, năm 2002, tôi lần đầu du lịch Hà Nội. Trong lần đi ăn bún chả Hàng Mành, tôi gặp lại người bạn đã quen biết đang làm trang điểm cho chị Thanh Hằng Alta Moda ở Hà Nội. Nhờ vậy, tôi gặp chị Hằng và qua trò chuyện, chị thu hút tôi và tôi ở lại hợp tác với chị từ đó và chuyển sang nghề trang điểm. Hà Nội rất yên bình, trong khi đó, tôi đã có 11 năm sóng gió ở Sài Gòn.
- Vậy vì sao anh lại tách ra để làm riêng?
- Mẹ tôi có dạy: có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, con nên tự chủ công việc của mình, không nên đi làm thuê. Ví như con đi bán bánh, bán kẹo con cũng chủ động cho con. Trong 5 năm làm thuê cho chị Hằng, tôi học hỏi, tiếp cận thị hiếu, thị trường... Sau đó, tôi mở được showroom đầu tiên của mình, rất mừng vì làm được những điều mà mẹ mong muốn và khẳng định lựa chọn của mình là đúng.
- Anh khởi nghiệp với số vốn bao nhiêu?
- Đi làm thuê, vừa làm vừa tích lũy và mở trong khả năng có hạn, không phải vay mượn ai, lúc đó cũng có khoảng 500 triệu và tôi mở showroom đầu tiên của mình, cũng nhỏ thôi, khoảng 40m2. Sau đó, vốn xoay vòng, tôi có lượng khách ổn định, lúc ấy lượng khách nhiều nên showroom đầu tiên không đủ phục vụ, nên tôi mở tiếp showroom thứ hai.
- Anh có kinh nghiệm gì để duy trì những địa điểm cố định, không bị ép giá hoặc lật kèo?
- Từ năm 18 tuổi tôi đã thuê nhà để làm salon tóc nên có nhiều kinh nghiệm. Điều đầu tiên là tôi phải tìm chủ nhà có đạo đức, sau đó sẽ dễ dàng với mình hơn. Tôi cũng có cách để họ không thể bẻ hợp đồng hoặc thay đổi lời hứa.