Thưa bà, là giám khảo cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011, bà có cảm nhận gì ở lần đầu tiên khi tiếp xúc với Triệu Thị Hà?
Lần đầu tiên tôi gặp Hà là trong buổi họp báo về cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011. Trong buổi họp đó, có một số thí sinh đã đăng ký dự thi ở khu vực phía bắc đến tham dự. Hà là một thí sinh khiến nhiều người chú ý, vì em khá nổi bật với bộ trang phục dân tộc độc đáo, một chiều cao lý tưởng và đặc biệt gương mặt đẹp, một vẻ đẹp hiền lành, chân phương của một cô gái dân tộc.
Khi biết Triệu Thị Hà, người mà BGK đã dụng công chọn ra và trao vương miện, viết đơn xin từ bỏ danh hiệu hoa hậu, bà có cảm nghĩ thế nào? Đây là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Để chuẩn bị cho cuộc thi 2013, tôi được Ban tổ chức và Hoa hậu Kim Hồng mời đến để bàn công việc của cuộc thi. Khi tới nơi, Hoa hậu Kim Hồng có nói với tôi: Để triển khai cuộc thi Hoa hậu các dân tộc 2013, có một số việc phải làm và Hoa hậu 2011 (tức Triệu Thị Hà) phải đồng hành cùng cuộc thi, nhưng Triệu Thị Hà không muốn tham gia và hay tìm cách khước từ. Tôi hỏi Kim Hồng: “Thế Triệu Thị Hà đâu?”, Kim Hồng trả lời: “Ủa, chị không nhận ra Hà à?”. Hà lúc đó đang ngồi ngay cạnh tôi. Thật ngỡ ngàng, sau 2 năm Hà đã trở thành một cô gái khác hẳn, từ kiểu đầu đến cách ăn mặc, đến hình thể (bởi Hà đã gầy đi), khiến tôi hơi bị bối rối vì đã không nhận ra em, người mà tôi đã từng rất thiện cảm và đã góp lá phiếu vào việc bình chọn em lên ngôi vị hoa hậu.
Sau khi được biết Triệu Thị Hà muốn trả lại danh hiệu, bà có lời khuyên nào cho Triệu Thị Hà không?
Không phải chỉ có tôi, mà mọi người ai cũng khuyên can, phân tích động viên Hà, đặc biệt là Kim Hồng đã không những động viên, khuyến khích, mà còn hứa tạo mọi điều kiện để Hà có thể tham gia. Thậm chí Kim Hồng còn nói: “Từ khi đăng quang ngôi vị hoa hậu, em gần như không tham gia đóng góp gì cho xã hội, nhưng thôi việc đó cho qua, bây giờ chỉ còn hơn 2 tháng nữa là cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013 kết thúc, em sẽ không còn trách nhiệm gì nữa, mà cũng chỉ cần em xuất hiện ở những buổi quan trọng như họp báo, làm từ thiện hoặc xuất hiện trên sân khấu của các vòng thi…”.
Sau những lời khuyên, Hà tỏ ra mông lung không quyết định được. Lúc đó tôi đã nói: “Cháu ơi, danh hiệu Hoa hậu là một danh hiệu cao quý, không phải ai cũng đạt được. Cháu là người may mắn và cũng đã phải rất cố gắng phấn đấu mới đạt được, danh hiệu này sẽ theo cháu đến hết cuộc đời. Theo cô, cháu hãy cố gắng sắp xếp mọi chuyện để tham gia cuộc thi cho trọn vẹn. Một quyết định nông nổi sẽ rất đáng tiếc đấy cháu ạ”. Nghe tôi nói, Hà trả lời: “Cô để cháu suy nghĩ thêm một lúc nữa”. Nói rồi Hà cầm điện thoại đi ra xa trao đổi qua điện thoại khoảng 30 phút, rồi quay lại và nói: “Cháu suy nghĩ kỹ rồi, cháu không tham gia được và cháu xin trả lại vương miện”. Tôi thấy không còn gì để nói và cũng không thể nói thêm được gì nữa.
Cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam theo bà có nên tiếp tục?
Câu hỏi này không thuộc lĩnh vực chuyên môn của tôi, hơn nữa trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang hướng tới những sự kiện lớn về biển đảo, mà lại phải loay hoay hướng suy nghĩ về một cá nhân hoặc về một sự kiện khác thì thật là không đúng lúc. Tuy nhiên, dưới góc độ một người được tham gia ban giám khảo của nhiều cuộc thi, tôi thấy cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam có mặt tích cực của nó là đã động viên được nhiều các em dân tộc ít người tham gia mà ở các cuộc thi lớn khác các em không dám nghĩ tới. Rất nhiều em khi mới đến cuộc thi còn nhút nhát, e ngại, thì sau cuộc thi đã trở nên hoạt bát, tự tin. Một điểm nổi bật nhất trong cuộc thi này là các em được trình diễn những bộ trang phục dân tộc và được giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Đây là phần thi hấp dẫn nhất để các em bộc lộ được tài năng và thể hiện được những nét riêng độc đáo của dân tộc mình.
Xin trân trọng cảm ơn bà!