Mới đây, một người đẹp có tên Diễm Kyly đã lên tiếng tố cáo ông bầu Minh Chánh (một ông bầu chẳng mấy người biết đến) và cuộc thi cũng chẳng mấy người quan tâm là “Hoa hậu Phu nhân người Việt thế giới” có nghi án bán mua giải thưởng. Hoa hậu thì 75.000 -85.000 đô la Mỹ, Á hậu thì 45.000 – 50.000 đô la Mỹ. Tức là để thành Hoa hậu, Á hậu, người ta phải bỏ ra cả tỉ đồng.
Đằng sau những danh hiệu hoa hậu, á hậu, đằng sau những sải bước của các chân dài, đằng sau những cuộc thi sắc đẹp dành cho từ các cháu tuổi teen đến các…bà già là những gì? Là tiền bạc, là những chiêu trò, là những câu chuyện từ tử tế nghiêm túc, đến vớ vẩn phù phiếm, đến cả những chiêu trò không mấy sạch sẽ. Có đi xem thi hoa hậu, thi người đẹp, mới thấy: Cuộc đời thật lắm cái hay ho.
Thời buổi kinh tế khó khăn, đời sống người dân eo hẹp, nhiều vấn đề xã hội nhức nhối, nhiều vấn đề cần phải khắc phục nhưng riêng “công nghệ sắc đẹp”, cái sự “sản xuất danh hiệu” ở ta vẫn cứ phát triển ẩm ầm.
Minh Chánh (bìa trái) và bà Chung Ngọc Nhi (thứ 3, từ trái sang) bên cạnh các thí sinh đăng quang Hoa hậu Phu nhân Người Việt Thế giới.
Theo ý kiến cá nhân người viết, ở Việt Nam, chỉ có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam là thực sự ý nghĩa, được tổ chức tốt, công phu, chuyên nghiệp. Tuy rằng, đến chính cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng có không ít những lùm xum.
Từ khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức, trải qua những cuộc thi sắc đẹp ban đầu, thì sau đó có đến cả tá những cuộc thi sắc đẹp đủ thể loại.
Nào thi sắc đẹp cấp công ty, xí nghiệp, cấp xã cấp phường, cấp huyện; nào thi miss của khoa, của khóa, của trường. Các cháu "xì-tin" có cuộc thi "Mít Au-đi-sừn" rồi giờ thành Miss Teen.
Hoa khôi SV Thủ đô, hoa khôi SV các trường dân lập, miss ô tô xe máy, hoa hậu quý bà, người đẹp trang sức, người đẹp của một…siêu thị, người đẹp qua ảnh, người mẫu qua facebook, người đẹp thể thao, người đẹp du lịch, người đẹp trong nước, người đẹp nước ngoài, hoa hậu quốc tế… và còn bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp khác mà người viết không thể nhớ hết hoặc chưa từng được biết.
Từ những cuộc thi hoành tráng trang trọng cho đến những cuộc thi "quy mô nhỏ" thí sinh chỉ cần chụp những tấm ảnh thật đẹp rồi đăng lên facebook. Nếu nhận được lắm "like", lắm "vote" thì em đó coi như chắc chắn đoạt giải.
Vâng, sắc đẹp của người phụ nữ là một thứ tài sản qúy giá, là một thứ di sản cao đẹp của nhân loại, sắc đẹp của người phụ nữ cần phải được tôn vinh không ai phủ nhận điều đó. Nhưng có nhất thiết cứ phải tôn vinh sắc đẹp quanh năm suốt tháng như vậy không?
Chưa có một số liệu thống kê chính xác để so sánh nhưng có lẽ Việt Nam chúng ta nếu xét về số lượng các cuộc thi người đẹp phải đứng top đầu thế giới. Dù rằng thi lắm thế, chọn được nhiều người đẹp thế nhưng ra “thi đấu sắc đẹp” với quốc tế may thì người đẹp của chúng ta chỉ được cái giải phụ mang về.
Việc người đẹp chi đậm để mua giải cũng không quá khó hiểu trong bối cảnh chung ở nước ta. Nói đơn giản thế này muốn tổ chức thi người đẹp thì phải có tiền. Tổ chức một cuộc thi người đẹp tốn tiền lắm đấy chứ chả đùa.
Ban tổ chức phải "chạy đôn chạy đáo" đi tìm nhà tài trợ. Và ở hậu trường mỗi cuộc thi thì luôn có những thông tin lao xao rằng vương niệm, danh hiệu là do “cái ông nhà tài trợ” nào đó quyết định.
Thành phần ban giám khảo nói thẳng tuột ra cũng chỉ là “giám khảo làm thuê” là những người nổi tiếng được thuê đến ngồi lên ghế giám khảo chấm điểm, hỏi han vài câu.
Tôi từng chứng kiến một cuộc thi hoa hậu như thế này, một ngày trước đêm chung kết, thông tin hoa khôi, á hậu 1, á hậu 2 bị lộ ra ngoài. Nhiều người khẳng định như đinh đóng cột: “Có giải rồi, cơ cấu rồi mà”. Ban đầu người ta vẫn bán tín bán nghi nhưng rồi đến đêm thi chung kết mọi chuyện diễn ra đúng như "kịch bản".
Mỗi cuộc thi hoa hậu, người đẹp có đến cả mấy chục cô chân dài ăn chung, ở chung cả mấy tuần trời, “quần thảo” thi đấu với nhau quyết liệt như “gà chọi”. Chính vì thế có vô khối câu chuyện hay ho, bi hài...