Đạo diễn Lê Hoàng tự luận về “sô bít” Việt
Với Lê Hoàng – một đạo diễn nổi tiếng chanh chua – ông có hẳn một bài tự luận về showbiz mà ông viết lái có chủ đích là “sô bít” Việt.
Theo đạo diễn của Gái nhảy, “sô bít” cũng khó mà biết được là trai hay gái. Ông phân tích, “Nếu là đàn ông thì anh ấy quá mềm yếu. Nếu là con gái thì chị ấy quá ghét kín đáo.” Và như một lẽ tự nhiên của thời hiện đại bây giờ, "Sô hàng là chuyện cũ rồi, bây giờ không phải hàng cũng lộ thế mới cao siêu.”
Đúng như cách lấy cây bút để chọc ngoáy thế gian, Lê Hoàng sử dụng miệng lưỡi sắc sảo để kể về showbiz, từ xe của “sô bít”, món “sô bít” ăn đến nhà của “sô bít”, tất cả đều phải sang và luôn luôn bí mật. Một ngày của “sô bít” nữ khác với một ngày của “sô bít” nam nhưng đều có điểm chung về “sô bít” của hai giới là “dễ tổn thương, cứ năm phút lại thấy ai đó định kiện ai đó, thề tới cùng sau năm phút nữa lại thôi”.
Theo cách ví von của Lê Hoàng: “Nếu "Sô bít" là cá thì xã hội chắc chắn phải là dòng sông. Tuy nhiên, có sự khác nhau, cá bơi tung tăng khắp sông còn "Sô bít" chỉ bơi chỗ nào có giới trẻ. Dù làm ở ngành nghệ thuật nào thì "Sô bít" cũng muốn hướng về tuổi teen, vì hôm nay, chỉ có bọn teen là dễ thương, dễ có tiền và dễ tôn ai đó làm thần tượng. Cho nên nói không ngoa, "Sô bít" Việt Nam thuộc loại trẻ nhất thế giới.”
Showbiz dưới cái nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều
Khác với cách nói “chửi đổng” của đạo diễn Lê Hoàng, nhà văn Nguyễn Quang Thiều hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam lại có cách nhìn nhận showbiz theo chiều hướng khái quát hóa về mặt văn hóa – xã hội.
Trong một buổi trò chuyện đầu năm nay, ông có chia sẻ khi được hỏi về vấn đề của showbiz. Ông nói: “Showbiz là nơi mà công việc dễ bộc lộ sự phi văn hóa nhất, nếu nghệ sĩ không có một nền tảng văn hóa cơ bản bên trong”.
“Showbiz là một phần đời sống mà bất cứ xã hội nào cũng có. Nếu nó tốt, nó tác động xã hội rất nhanh. Nhưng nếu dở, tác động cũng nhanh vô cùng.
Đôi khi người làm nghệ thuật nghiêm túc vẫn nhìn các sao showbiz như một điều lạc ra khỏi đời sống chung của cộng đồng. Từ cách ăn mặc, lối sống đến chuyện ái tình. Họ cho rằng đây là giới sống phi kỉ luật nhất, ngạo mạn nhất, không ý thức về mình và ít hiểu biết về bản thân nhất. Chính họ là người đang làm một cái gì đó như là những hoạt động của văn hóa - nhưng đôi khi lại trở thành những nhân tố phi văn hóa nhất.
Càng ngày truyền thông càng phát triển, người ta tiếp xúc với showbiz nhiều hơn (sân khấu trực tiếp, truyền hình, báo chí, blog, video, mạng xã hội...). Từ đó showbiz lộ ra ngày càng nhiều những điều phản cảm, khiến xã hội cảm thấy lo sợ rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến con cái, đến thế hệ trẻ.
Với con mắt của một nhà văn hóa học, ông phân tích: “Giới showbiz là một trong vài nhóm lạm dụng danh xưng nhiều nhất. Sau đó đến truyền thông tung hô. Và thứ 3 là những fan hâm mộ quá mức”.
Điều ông muốn nhắn nhủ, đó là việc định danh lại khái niệm nghệ sĩ (artist) và người làm giải trí (entertainer). Ai cũng muốn trở thành nghệ sĩ, kể cả một người mẫu mới vào nghề, nhưng không phải ai cũng có thể là nghệ sĩ. Họ phải xưng danh đúng họ như một việc khẳng định tính cao quý và tôn trọng nghề nghiệp của mình.
Nhạc sĩ Dương Thụ: Sợ!
Trong tháng 10 năm 2012, nhạc sĩ Dương Thụ trở thành diễn giả của buổi tọa đàm mang tên Showbiz: Vấn đề nghệ thuật và văn hóa cho đại chúng.
Với tư cách là một người có thâm niên tham gia sáng tác nghệ thuật tại Tp HCM – nơi có hoạt động showbiz nhiều nhất của nước ta, nhạc sĩ Dương Thụ buồn cho một thực trạng: Thế giới ấy giờ đây là đất của những trò lộ này, hở kia, phát ngôn một phát tới trời, những scandal tưởng chừng tự dưng xuất hiện, hàng loạt bản nhạc vô bổ, những giọng ca tầm karaoke được tung hê, vài cá nhân được săn đón chỉ vì lý do duy nhất là có vòng 1 “khác thường”…
Nhạc sĩ Dương Thụ phân tích, showbiz khác với nghệ thuật, một bên là những trò diễn để giải trí còn bên kia là những sáng tạo thực sự, nhưng nay ranh giới đang bị xòa nhòa, “Sợ nhất là chúng đang được tung hô như đó là văn hóa của quốc gia".