Sự sa ngã chỉ khó ở lần đầu tiên
- Chị nghĩ như thế nào về những scandal (lộ hàng, xài hàng nhái, tình giả để PR tên tuổi) của giới người mẫu Việt? Thực hư chuyện này có như báo chí phanh phui?
- Là người của công chúng, chính bản thân tôi cũng đã từng gặp phải nhiều trường hợp báo chí đưa thông tin chưa chính xác dẫn đến việc ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của chính mình. Vì vậy, các scandal của các đồng nghiệp, đôi khi tôi cũng chỉ đọc để biết chứ không hoàn toàn tin. Tôi nghĩ đối với công chúng cũng vậy, khoảng cách giữa một bài báo và con người và cuộc sống thật của một nghệ sĩ còn xa lắm.
- Chị có bình luận gì về chuyện người mẫu bán dâm vừa qua?
- Scandal đó đã lấn át rất nhiều những hoạt động nghệ thuật có giá trị khác trong vài tháng qua, và đó là lý do tôi cho rằng điều này thật đáng tiếc, bởi công chúng có cái đánh giá chưa được toàn diện về những phấn đấu nghệ thuật của đa số những người tâm huyết khác, trong đó có tôi.
- Vậy chị đánh giá thế nào về những người mẫu bán dâm?
- Tôi cho rằng những cảm xúc cá nhân của mình là không cần thiết đối với trường hợp này. Tôi nghĩ những gì đã vi phạm vấn đề đạo đức và pháp luật thì sẽ được xử lý bởi pháp luật và lên án bởi xã hội. Lỗi lầm đã phạm phải rồi, có thể bước ra khỏi và đứng lên từ lỗi lầm đó hay không là lựa chọn của mỗi cá nhân. Dưới danh nghĩa cộng đồng, tôi thực sự mong muốn họ có thể thay đổi tích cực.
- Theo chị, đâu là nguyên nhân cho việc người mẫu tha hóa nhân cách và làm chuyện "gái bán hoa cao cấp”?
- Khi xã hội đang hội nhập rất nhanh về kinh tế, khó tránh khỏi những ảnh hưởng không tốt, đó là sự chi phối của sức mạnh vật chất.
Nhiều cô gái trẻ, có sắc đẹp nhưng xuất thân nghèo khổ muốn được đổi đời. Họ muốn thành đạt nhanh chóng, nổi tiếng mà không tốn nhiều công sức lao động, trau dồi nghề nghiệp. Bên cạnh đó họ còn trẻ, thiếu kiến thức, định hướng của gia đình về nền tảng, chuẩn mực đạo đức. Nhìn qua nhìn lại, thấy chị em có nhà lầu xe hơi, rồi làm những công việc trái pháp luật nhưng chưa bị phát hiện, ngày ngày xúng xính đồ hiệu sang trọng, vậy là dần họ coi đó cũng là chuyện bình thường.
Người ta nói rằng sa ngã chỉ khó có lần đầu tiên mà thôi, sau đó không còn gì để mất. Vậy nên làm sao để không sa ngã đòi hỏi cả một sự bản lĩnh, cá tính, tự trọng mạnh và nền tảng gia đình, đạo đức vững chắc.
Danh hiệu không phải là thước đo cho nghề mẫu
- Kết quả của những cuộc thi nhan sắc trong nước và kể cả cuộc thi Siêu mẫu vừa qua lại gây tranh cãi? Có chăng chuyện sắp đặt giải thưởng cho những cuộc thi này?
- Cá nhân tôi nghĩ các cuộc thi sắc đẹp chỉ nên được coi là một hoạt động văn hoá có tính giải trí, chứ không nên coi đó là chuẩn của thước đo nghề nghiệp. Bản thân người đoạt giải thưởng để có danh hiệu là một chuyện, làm sao chứng tỏ được khả năng chuyên môn của mình với giới chuyên môn là một chuyện khác.
Tôi cảm thấy vui khi ngày nay giới chuyên môn làm việc dựa vào khả năng của một cá nhân nhiều hơn là những thước đo danh hiệu. Ngày nào, thương hiệu và khách hàng còn bị chi phối bởi danh hiệu thì những cuộc thi sắc đẹp, người mẫu vẫn sẽ là đích đến của các cô gái trẻ.
- Tại Việt Nam, nghề người mẫu đang thu hút nhiều bạn trẻ, và nhiều người tự xưng người mẫu. Trước tình huống đó, chị có ủng hộ việc cấp thẻ hành nghề cho người mẫu, ca sĩ?
- Tôi nghĩ, về bản chất, mong muốn làm sạch giới hoạt động nghệ thuật là một mục đích tốt. Song để thực hiện là rất khó. Cấp thẻ hành nghề dựa theo tiêu chí nào cho chuẩn xác? Cho ai chịu trách nhiệm? Có dẫn tới tiêu cực gì không, lường trước được hay không thì còn nằm trong bản thảo.
- Chị có lời khuyên gì cho những bạn mới bước chân vào công việc người mẫu?
- Chúng ta đều có sự lựa chon riêng cho chính mình. Con đường đến với thành công bằng nỗ lực lao động bao giờ cũng dài hơn và nhiều chông gai hơn, nhưng đối với tôi, khi đạt được thành công do chính mình gây dựng thì mình sẽ tự tin, trân trọng và tự hào hơn. Còn nếu như đi đường tắt, do người khác cho mình hoặc không xuất phát từ thực tài thì sớm muộn cũng sẽ lụi tắt hoặc lấy đi mất.
Nhưng nói qua cũng phải nói lại, tôi thấy rằng bản chất nghề người mẫu ở Việt Nam còn chưa được thực sự chuyên nghiệp. Ở đây không chỉ nằm ở khía cạnh cá nhân người mẫu mà thực chất chưa có đủ công việc, và công việc lại chưa đủ giá trị để những người mẫu trẻ có thể sống tốt trong điều kiện xa nhà.
Nếu một buổi chụp hình được 500 nghìn đồng, một show diễn được 1 triệu, mà một tháng được 2-3 show, chưa kể tháng có, tháng không… đối với một người mẫu trẻ thì làm sao sống, chưa kể đến nhu cầu làm đẹp, bạn bè. Tôi chỉ mong các em cố gắng duy trì, rèn luyện chuyên môn, và mong cho ngày thời trang Việt sớm phát triển để bộ máy có thể nuôi sống những bộ phận bên trong như các ê-kíp sáng tạo, nhiếp ảnh, người mẫu…
Nghệ sĩ Việt như người cầm đèn tự dò dẫm trong bóng đêm
- Từ công việc người mẫu chuyển sang ca hát với sự đầu tư cho giọng hát, ca khúc, MV. Quá trình để chị thu hút được sự chú ý của công chúng gặp thuận lợi và khó khăn gì?
- Đôi khi tôi có cảm giác mình như một người cô đơn, tự cầm đèn pin dò dẫm trong bóng đêm. Nếu như ở nước ngoài, được ký bởi một công ty sản xuất nhạc, ca sĩ sẽ được đào tạo, được kiến thiết sự nghiệp, được trả lương, được làm việc với những ê kíp chuyên nghiệp nhất, được công ty tạo chiến lược, PR… thì ở đây, tôi thấy nghệ sĩ toàn phải tự làm.
Cá nhân tôi, để có được những sản phẩm chất lượng cao, phải tự thiết lập chiến lược cho mình, tự làm việc với nhà tài trợ, viết kế hoạch PR, tìm ê-kíp, tổ chức show… Sau mỗi lần ra được một sản phẩm MV và một mini live show có chất lượng, tôi cảm thấy mình như kiệt sức.
Đó là khó khăn về phương tiện, còn về tinh thần nữa. Đến với dòng nhạc hiện đại, hát bằng tiếng Anh, phong cách phá cách… không phải đa số khán giả có thể hiểu, thích và “phục” sản phẩm âm nhạc của mình. Và vì vậy, để giữ vững được định hướng, tôi cần phải rèn cho mình tinh thần và niềm tin thật vững. Kiên quyết không chạy theo thị trường và không dễ dãi đối với bản thân mình.
Một điều an ủi là các anh chị nhạc sĩ, ca sĩ có chuyên môn rất ủng hộ, khuyến khích và động viên tôi trên con đường đang đi. Dù là những lời khen tặng có giá trị tình thần, nó cũng có thể là động lực cho tôi để vững tin hơn trong quá trình hoạt động âm nhạc của mình.
- Câu hỏi cuối cùng, xin chị chia sẻ một số kế hoạch và dự định sắp tới trong công việc và cuộc sống?
- Tôi đang lên kế hoạch quay MV thứ 3 mang tên Put it on me, do tôi đồng sang tác cùng nhạc sỹ Antoneus Maximus. Anh cũng sẽ là nhà sản xuất bên cạnh Richard Gracia, người đứng sau hit The Boys của SNSD.
MV này chắc chắn sẽ lại dấy lên nhiều tranh cãi, nhưng nó sẽ là một hit đối với những khán giả yêu thích nhạc US-UK