SAO » Kết nối

'Mệt mỏi với những màn đấu võ mồm của sao Việt'

Thứ sáu, 31/08/2012 22:29

Câu chuyện showbiz tuần này với chủ đề "Sao Việt đến bao giờ mới chấp nhận lời chê bai?" đã nhận được rất nhiều ý kiến từ độc giả. Sau đây là ba chia sẻ được chọn gửi đến bạn đọc:

Nghệ sĩ nên giảm bớt "cái tôi" Gần đây, tôi có đọc chuỗi bài viết về vụ lùm xùm giữa Thanh Lam - Đàm Vĩnh Hưng - Hồ Ngọc Hà về chương trình The Voice. Sau đó là một số bài viết khác là chia sẻ của các nghệ sĩ khác như Đức Tuấn, Thu Minh, Mỹ Linh... Và điều này đã làm tôi thấy bất ngờ và hiểu hơn về "cái tôi" của người nghệ sĩ. Tôi nghĩ không ai hoàn hảo, vì vậy, việc lắng nghe ý kiến khen, chê từ người khác để mình tốt và hoàn thiện hơn là điều nên tiếp nhận. Có lẽ, khi một người ở vị trí càng cao, thái độ và cách nhìn nhận về lời khen, chê từ người khác dành cho mình lại trở nên khó khăn hơn. Vì vậy, dù bạn có là ngôi sao hay đang trên đường trở thành ngôi sao, việc lắng nghe nhận xét, góp ý của người khác với thái độ tích cực sẽ cảm thấy nó tích cực và bạn nghĩ rằng nó là "dìm hàng" thì nó hẳn nhiên là vậy.

Tôi là một khán giả yêu âm nhạc, nhưng không phát cuồng hay có lời nói, hành động quá khích để giành phần hơn về thần tượng của mình. Tôi chỉ hiểu đơn giản rằng Thanh Lam là nữ ca sĩ "cây đa cây đề" của làng nhạc Việt, không phải vô cớ mà người hâm mộ, giới chuyên môn phong cho cô danh hiệu diva Việt. Cô là một tấm gương mà các đàn em mới vào nghề hoặc đã vào nghề một thời gian luôn cố gắng vươn tới. Còn Đàm Vĩnh Hưng hay Hồ Ngọc Hà, cả hai đều có một quá trình phấn đấu, cống hiến và họ đã được người hâm mộ yêu thích vì nỗ lực đó. Đôi bên không hề nổi danh bởi những scandal hay đôi co, lời qua tiếng lại... Vậy kết quả từ cuộc khẩu chiến vừa qua đôi bên nhận được là gì? Tôi chỉ xin gửi đáp án riêng của mình là thất vọng và ngán ngẩm với showbiz Việt. Nghệ sĩ là những người nhạy cảm, tôi tin chắc ai cũng đều có một chút cảm giác tổn thương vì lời nói của người kia dành cho mình trong thời gian qua. Chương trình The Voice vẫn sẽ tiếp diễn, các thí sinh vẫn tiếp tục cuộc tranh đua để có kẻ thắng - thua, còn nghệ sĩ sẽ thường xuyên gặp nhau trong cuộc vui này, sự kiện kia... Vậy vì sao không nhẹ nhàng hơn, giảm bớt cái tôi để cùng nhau đi đến đích cuối cùng là cống hiến tài năng, thực lực cho khán giả, để xứng đáng trở thành tấm gương cho đàn em vào nghề tôn thờ và noi theo. Độc giả: Đinh Ngọc Email: Meyeutho...@yahoo.com.vn Xấu thì nên nhận xấu Là một khán giả yêu mến nền nghệ thuật nước nhà, đôi khi tôi thực sự thấy "rầu lòng" bởi cách đối nhân xử thế hay lời ăn tiếng nói của các nghệ sĩ. Là nghệ sĩ tức là dù nổi tiếng nhiều hay ít, bạn cũng là người của công chúng. Không ai bắt người của công chúng lúc nào cũng phải ăn ngon mặc đẹp hơn người bình thường nhưng chí ít, trong lời ăn tiếng nói đều phải cho ra dáng "người nổi tiếng". Tôi thực sự đau lòng khi thấy một cô hot girl - xin lỗi vì tôi chẳng nhớ tên nhưng tôi nhớ cô ta từng lên báo cãi cọ chỉ vì cái túi Hello Kitty của mình... xịn hơn cô khác - ngông nghênh tuyên bố: "Đấm vào mồm ai động chạm đến gia đình mình". Rồi cả chuyện Vương Thu Phương trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam mới đây. Đã có gia đình - hay ít nhất là từng tổ chức đám cưới và sống chung trong lời chúc phúc của gia đình hai bên - mà vì chút tham vọng nổi tiếng vội vàng dối gian với bao nhiêu người vẫn yêu mến, ngưỡng mộ mình. Tôi chỉ muốn nhắc nói một câu rằng gia đình là vốn quý mà cả đời chỉ có một. Thế nhưng những lời nói dối, những hành động bảo vệ ngu ngốc như thế có thể làm gia đình tự hào về bạn? Là người yêu mến những người đẹp - đặc biệt là người đẹp Việt, tôi thực sự ngỡ ngàng khi thấy chuyện quy y cũng được người mẫu Trang Trần "update" từng ngày từng giờ trên trang cá nhân. Các cụ vẫn nói "tu nhân tích đức", bản thân tôi rất coi trọng những người hay làm việc thiện. Nhưng thiết nghĩ, có cần khoe chuyện hôm nay tôi đi nấu cơm chùa này, hôm sau tôi quy y chùa kia trên trang cá nhân khi bạn biết rõ nhất cử nhất động của mình đều được người hâm mộ, được báo chí quan tâm và dò xét? Làm việc thiện mà không nói mới thực là thiện, cứ sống chân phương thì đời mới mở lòng với mình...

Cũng bởi vậy, dù là fan cuồng của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhưng đôi khi tôi vẫn cảm thấy anh ấy quá sân si. Ví dụ như trong vụ lời qua tiếng lại với ca sĩ Thanh Lam cách đây không lâu, tôi đã ước rất nhiều rằng thần tượng của mình đừng lên tiếng! Anh ấy cứ im lặng và chứng minh khả năng của mình qua từng đêm nhạc, qua từng ngày rèn giũa, hướng dẫn các thí sinh trong cuộc thi The Voice... thì chẳng phải hay hơn biết bao nhiêu sao? Thành công sẽ chứng minh anh ấy đúng còn Thanh Lam chẳng qua chỉ là... mụ đàn bà to mồm. Những lời nói cay nghiệt anh Hưng dành cho Thanh Lam khiến tôi rất đau lòng. Bởi tôi biết mỗi lời nói của anh đều là một lý do mới để giới báo chí khoét sâu, đào bới những sai lầm của anh và hiềm khích giữa hai người... Rồi đây ông hoàng từng rất yêu bà hoàng sẽ không thể chấp nhận thần tượng của mình. Còn bà hoàng chắc hẳn cũng chẳng thèm nhìn mặt ông hoàng thêm một lần nữa! Những chuyện tưởng rất nhỏ nhưng vì có sự góp mặt của người nổi tiếng nên nhanh chóng bị xé ra to. Một lần thì bỏ qua, nhưng tới lần thứ n, tại sao họ vẫn chưa rút ra bài học gì cho riêng mình rồi lại trách cứ báo chí hay soi mói, người hâm mộ thích tọc mạch...? Lỗi tại ai bây giờ? Chán quá showbiz ơi... Độc giả: Hoàng Phương Email: hoangphuong...@yahoo.uk Báo chí nên "triệt" mạnh tay Dù là người của công chúng, là ca sĩ, diễn viên hay người mẫu, họ cũng vẫn là những con người có đầy đủ cảm xúc. Khi bất ngờ bị chê, họ cũng buồn và nổi giận chứ. Theo tôi, chuyện nghệ sĩ “đá đểu” qua lại trên mặt báo cũng một phần do lỗi của phóng viên, khi họ gặng hỏi thì người nghệ sĩ cũng phải trả lời, mà khi đó sẵn bực bội trong người thì đôi khi họ không kiểm soát được suy nghĩ và lời nói của mình. Nên nếu nghệ sĩ không muốn vạ miệng trên báo nữa thì vào thời điểm nhạy cảm, cũng đừng nên tiếp xúc với báo chí làm gì. Còn với những người cố tình lợi dụng báo chí làm phương tiện để gây chiến, thì phóng viên chắc chắn cũng không khó để nhận ra. Với trường hợp này, báo chí cũng nên mạnh mẽ đừng tiếp tay, để không may trở thành kẻ tiếp tay cho “người xấu”.

Ở câu chuyện xảy ra mới đây giữa ca sĩ Thanh Lam, Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng, tôi không khỏi khó hiểu khi chỉ dựa vào một vài câu nói của Hồ Ngọc Hà trên trang cá nhân, báo chí cũng hùa nhau để đoán già đoán non ý của cô này. Thứ nhất, nếu mục đích là “đá đểu” đàn chị, rõ ràng báo chí đã quá nhẹ dạ trở thành vũ khí của cô. Ngược lại, nếu Hồ Ngọc Hà nói một cách vô tâm, mà phóng viên đã đưa ra kết luận quá nhanh như vậy thì quá nhẫn tâm. Với Mr Đàm, anh này vốn nổi tiếng là người bạo miệng, không phải đây là lần khán giả phải chứng kiến anh đấu khẩu trên mặt báo, nên nếu Đàm Vĩnh Hưng không tự ý thức nhún nhường, cánh phóng viên cũng nên hạn chế phỏng vấn anh thời điểm này. Coi như một cách giúp anh vậy! Thời gian gần đây, tôi nói thật là cũng quá mệt mỏi với các màn đấu võ mồm của những người tự xưng là thần tượng của giới trẻ rồi. Cứ mở báo lên là thấy người này nói xấu người kia, ông kia chửi xéo bà nọ, nên thời điểm này báo chí phải cứu người đọc thôi, đừng vì một chút thông tin rẻ tiền mà áp bức khán giả như vậy. Có khi họ chửi nhau ầm ầm vậy, mà bên trong lại bắt tay để PR cho nhau. Lúc này, báo chí không những làm sai chức năng định hướng của mình, mà còn bị lợi dụng làm trò cười cho thiên hạ. Tôi mong quý báo xem xét rõ về vấn đề này để không mất thời gian vào những chuyện vô bổ. Mặc dù biết bây giờ báo chí phải chịu áp lực chạy theo tin bài, lượng view… nhưng nếu không mạnh tay một lần thì không chừng vài năm nữa sẽ không còn cơ hội.

Độc giả: Phương Dung

Email: dung_phuong...@gmail.com

Infonet